Sụp mi mắt – đừng tưởng chuyện nhỏ
Thấy mắt mình ngày càng nhỏ lại, đi ngoài đường chỉ thấy ngang tầm chứ không thấy bầu trời, bà B. tưởng do bị mất ngủ nhưng hóa ra không phải…
Các bác sĩ khoa ngoại lồng ngực Bệnh viện Đà Nẵng theo dõi phim sau khi phẫu thuật tuyến ức gây bệnh nhược cơ – Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn nối ta với thế giới. Nhưng bỗng một ngày cánh cửa mi mắt kia cứ sụp xuống dù ta đã cố sức để nhìn bầu trời thì lúc đó xin hãy coi chừng.
Sụp mi không những ảnh hưởng đến thẩm mỹ, ảnh hưởng đến chức năng thị giác của đôi mắt mà rất có thể đó là triệu chứng của một loại bệnh nguy hiểm khác.
Sụp mi liên quan đến ngực
Thấy chân tay bải hoải, sức nhai yếu, bà Nguyễn Thị B. (68 tuổi, quê ở xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) cứ tưởng là bệnh tuổi già. Mi mắt sà xuống dần nhưng bà vẫn cứ đinh ninh do thời gian qua liên tục mất ngủ vì lo cho con cháu.
Đến khi những cơn đau lâm râm vùng ngực kéo dài hơn một tháng, người con quyết định đưa bà nhập viện vì lo mẹ mình có bệnh liên quan đến… tim, phổi. Khi nhập viện, các bác sĩ phát hiện ngay đây là những triệu chứng của bệnh nhược cơ và điều trị cho bà B. bằng thuốc suốt nhiều tháng liên tục.
“Hồi đó tôi đi đâu mọi người cũng hỏi tôi có chuyện buồn hay sao mà mặt mày cứ ‘tối tăm’ và mệt mỏi như thế. Mình cũng có biết đâu, soi gương thì thấy mắt ngày càng nhỏ lại do mi trên sa xuống che mất. Đi ngoài đường cũng thấy ngang tầm chứ có thấy bầu trời đâu” – bà B. kể.
Theo BS Thân Trọng Vũ – trưởng khoa ngoại lồng ngực Bệnh viện Đà Nẵng, sau khi bà B. nhập viện với tiền sử bệnh nhược cơ, các bác sĩ đã thực hiện các xét nghiệm, chụp CT Scanner vùng ngực phát hiện khối u vùng trung thất trước. Nhận định đưa ra là bà B. có khả năng u tuyến ức với kích thước từ 6-8cm.
“Ngoài việc có khối u tuyến ức, bệnh nhân còn kèm theo những triệu chứng nhược cơ dễ thấy như sập mi mắt, cơ tay chân yếu với tình trạng bệnh nặng lên vào cuối ngày hoặc khi tăng cường vận động.
Sau hội chẩn, bệnh viện đã tiến hành ca phẫu thuật nội soi cắt bỏ tuyến ức kèm theo u trong khoảng 2 tiếng. Kết quả phẫu thuật sau bệnh cho thấy đó là khối u trung thất là u tuyến ức tuýp A” – BS Vũ nói.
Video đang HOT
Sau khi phẫu thuật và kết hợp điều trị bằng thuốc, hiện sức khỏe bệnh nhân đã được cải thiện rõ rệt.
Coi chừng nhầm lẫn
Theo BS Lê Kim Phượng – khoa ngoại lồng ngực, một trong những triệu chứng hay gặp sớm nhất của bệnh nhược cơ chính là sụp mi mắt do tình trạng suy yếu trên các vùng cơ. Nhưng cần lưu ý tránh nhầm lẫn giữa việc sụp mi mắt do nhược cơ và do liệt cơ nâng mi vì tổn thương thực thể cơ nâng mi.
Với trường hợp do tổn thương thực thể cơ nâng mi thì người bệnh chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chức năng thị giác chứ không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, trường hợp này chỉ cần phẫu thuật thẩm mỹ nâng mi.
Tuy nhiên nếu sập mi mắt là triệu chứng bệnh nhược cơ thì người bệnh sẽ gặp phiền phức to. BS Thân Trọng Vũ cho biết bệnh nhược cơ có thêm những biến chứng đáng lo ngại và nguy hiểm là suy hô hấp do yếu hoặc liệt các cơ hô hấp (bao gồm cơ hoành, cơ liên sườn, cơ ức đòn chũm, cơ thang).
“Thậm chí nếu không điều trị kịp thời, có khả năng người bệnh bị liệt hoàn toàn các cơ hô hấp, dẫn đến tử vong. Ngoài ra do các cơ suy yếu người bệnh dễ nuốt sặc và ho khạc kém dẫn đến biến chứng sặc phổi, viêm phổi. Nhẹ nhất thì bệnh nhược cơ cũng khiến người bệnh suy kiệt sức khỏe, giảm khả năng tập trung gây ảnh hưởng đến đời sống” – BS Vũ nói.
Người bị sập mi mắt cần được thăm khám sớm để test nhược cơ xác định bệnh. Trong trường hợp cần thiết các bác sĩ sẽ thực hiện cắt bỏ tuyến ức và cho điều trị bằng thuốc mestinon. Bởi mục tiêu chữa trị bệnh nhược cơ không phải là chữa tận gốc bệnh mà chỉ có thể điều trị triệu chứng, làm thuyên giảm các dấu hiệu bệnh nhược cơ và ức chế phần nào sự tiến triển của bệnh nên việc giữ gìn sức khỏe vẫn là một trong những lời khuyên bổ ích nhất cho người bệnh.
Phẫu thuật phức tạp
Theo bác sĩ Thân Trọng Vũ, hiện nay việc phẫu thuật tuyến ức đã có thể thực hiện bằng phương pháp nội soi, tuy nhiên đây vẫn là một kỹ thuật tương đối phức tạp. Nguyên nhân là do tuyến ức nằm trên tim và các mạch máu lớn, do vậy có nhiều nguy cơ ra máu dẫn đến đe dọa tính mạng khi phẫu thuật.
Chỉ sụp mí mắt mà nguy kịch: Chuyên gia Bạch Mai chỉ ra bệnh lý nguy hiểm
Nhược cơ là bệnh lý về thần kinh, bệnh gây biến chứng nặng nề với cuộc sống sinh hoạt của người bệnh, thậm chí có thể tử vong.
Nhầm lẫn với bệnh về mắt
Tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai GS Nguyễn Gia Bình - nguyên trưởng khoa cho biết khoa thường xuyên có các bệnh nhân nguy kịch, biến chứng vì nhược cơ.
Trường hợp của bà Nguyễn Thị H. Hà Nội nhập viện cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp trầm trọng do cơn nhược cơ nặng. 5 năm trước, bệnh nhân mắc bệnh nhược cơ và đã được phẫu thuật cắt bỏ u tuyến ức tại một bệnh viện khác.
Tuy nhiên, khoảng 2 tháng gần đây, cơ thể người bệnh xuất hiện các cơn nhược cơ nhẹ, khó thở nhiều, suy hô hấp nặng.
Khi đưa đến bệnh viện bác sĩ đã phải nhanh chóng đặt ống nội khi quản và thở máy thông qua nội khí quản, điều chỉnh các rối loạn về hô hấp và huyết động, đồng thời khẩn trương làm các xét nghiệm chẩn đoán và điều trị tích cực. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn diễn biến nặng nên được lọc máu liên tục.
Trường hợp của bà N.T. M. 49 tuổi, TP.HCM cũng bị suy hô hấp nặng do nhược cơ nhưng lại bị nhầm lẫn với sụp mí mắt.
Trước đó bệnh nhân thấy sụp nhẹ mí mắt 2 bên nên đã vào một bệnh tư để điều trị. Tại đây, người bệnh được chỉ định làm xét nghiệm, chụp CT sọ não và được chẩn đoán bệnh lý về mắt.
Sau hơn 1 tuần điều trị, mí mắt sụp nhiều nên người nhà đã đưa đến bệnh viện khác điều trị. Tại đây, bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu khạc do vướng đàm, ăn thỉnh thoảng bị sặc, không sốt. Bệnh nhân tiếp tục được điều trị và các chẩn đoán đều chung các bệnh lý về mắt.
Bệnh nhân nhược cơ nằm tại BV Bạch Mai
Tuy nhiên, sức khỏe của người bệnh bắt đầu chuyển biến xấu, người bệnh bị mệt, khó thở nhiều hơn nên nhanh chóng được chuyển vào khoa Hồi Sức tích cực để điều trị. Lúc này, người bệnh đã khó thở trầm trọng, yếu nhẹ tay chân, sụp mi mắt nhiều, kèm theo nuốt khó, nói khó ngày càng tăng.
Người bệnh được các bác sĩ khẩn trương đặt nội khí quản và thở máy, điều chỉnh các rối loạn về hô hấp và huyết động, và làm các xét nghiệm chẩn đoán đồng thời bệnh viện đã nhanh chóng tổ chức hội chẩn và phát hiện bà M. bị cơn nhược cơ nặng và phương pháp điều trị tốt nhất trong thời điểm này là tiến hành điều trị nội và áp dụng kỹ thuật thay huyết tương.
Nhược cơ là gì?
TS BS Đinh Vinh Quang - trưởng khoa Nội thần kinh, BV Nhân dân 115 TP.HCM cho biết, nhược cơ gây ra yếu cơ và đến nay chưa nhận biết được nguyên nhân chính xác của bệnh này.
Bác sĩ Quang cho biết, bệnh làm gián đoạn tín hiệu dẫn truyền thần kinh đến cơ, các chất dẫn truyền giảm sút trong máu nên cơ không hoạt động, yếu giảm hoạt động.
TS BS Đinh Vinh Quang - trưởng khoa Nội thần kinh, BV Nhân dân 115 TP.HCM
Nhược cơ có dấu hiệu nhận biết đó là yếu cơ, mức độ yếu cơ có nhiều mức độ như ở mắt, vùng hầu họng, ở mặt, tay chân, thân người. Triệu chứng nhược cơ ở giai đoạn đầu không nhận biết rõ được và càng về sau thì yếu cơ càng nặng lúc này người bệnh mới cảm nhận được yếu cơ.
Có thể nhìn 1 người thành 2 người, nhìn đôi. Yếu cơ ở bộ phận nào trong cơ thể hoặc bị hết tất cả các cơ làm cho bệnh nhân khó cử động tay chân, khó thở. Tần suất gặp ở nữ giới nhiều hơn. Nhóm tuổi hay gặp ở nữ dưới 40 tuổi.
Nhược cơ có triệu chứng yếu ở 1 nhóm cơ sau đó lan ra các cơ khác, bệnh không có tính chất đối xứng có thể yếu 1 bên cơ thể, giai đoạn sau mới đến toàn cơ thể. Nhược cơ xảy ra sau khi người bệnh gắng sức, triệu chứng yếu cơ nặng lên. Khi nghỉ ngơi cơ có thể trở lại bình thường.
Triệu chứng thứ ba, yếu cơ có thể diễn tiến từng đợt, trong ngày. Sau khi ngủ dậy cơ không yếu, mệt mỏi nhưng sau 1 ngày thì cơ mệt, yếu nhiều hơn. Bệnh nhân có thể diễn tiến thành từng đợt, trải dài với nhiều mức độ như nhau nhưng có giai đoạn nặng lên hoặc thoái lui.
Chẩn đoán: Từ các triệu chứng trên các bác sĩ sẽ khám và hỏi các triệu chứng liên quan tới yếu cơ của bệnh nhân.
Nếu bệnh nhân bị nhược cơ mắt thì mở mắt khó, nhìn không rõ. Bác sĩ sẽ làm các biện pháp giúp xác định có yếu cơ không. Làm các test để xác định chẩn đoán, có thể làm điện cơ, các cận lâm sàng khác như CT ngực, MRI để tìm bất thường.
Biến chứng của nhược cơ chủ yếu do yếu cơ gây ra, có thể do yếu cơ vùng mắt, mặt, tứ chi. Ở vùng nào nặng gây biến chứng vùng đó. Ở hầu họng nhược cơ khiến bệnh nhân nuốt khó, nuốt sặc khiến bệnh nhân dễ viêm phổi. Yếu cơ ở bộ phận hô hấp gây suy hô hấp.
Đặc biệt khi bị bệnh bệnh nhân lúc nào cũng mệt mỏi, ảnh hưởng tới các hoạt động hàng ngày của bệnh nhân.
Đây là bệnh mãn tính nên người bệnh cần có kế hoạch điều trị, nâng đỡ thể trạng tốt, tránh công việc quá sức, tuân thủ các liệu trình điều trị thật chính xác.
Các bác sĩ điều trị sẽ đưa ra các lời khuyên với người bệnh, bệnh nhân cần ăn uống đầy đủ thực phẩm từ đạm, rau củ, bổ sung vitamin C để tăng sức đề kháng. Nếu có bệnh đi kèm phải được bác sĩ chuyên khoa điều trị để tránh biến chứng từ bệnh nhược cơ.
Quảng Nam: Ruộng nứt nẻ, lúa khô héo Từ đầu mùa khô đến nay, cánh đồng Cả có tổng diện tích trên 50ha của hàng trăm hộ dân thôn Trà Kiệu Tây, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) lúa bị chết cháy gần hết... Bất lực nhìn lúa cháy Sau nhiều ngày dùng đủ mọi cách chống hạn để cứu 03 sào lúa ở cánh đồng Cả không thành,...