Sự thật về những đơn hàng 1.000 đồng trên sàn thương mại điện tử
Mặc dù chạy chương trình khuyến mãi đồng giá 1.000 đồng, nhiều chủ gian hàng trên các sàn thương mại điện tử vẫn có lãi.
Vào những khung giờ được chọn sẵn trong chương trình Flash Sale, một số sản phẩm được giảm giá chỉ còn 1.000 đồng, trở thành tâm điểm được nhiều người “săn lùng”. Các sản phẩm này chủ yếu thuộc ngành hàng gia dụng, tiêu dùng, phụ kiện điện tử như khăn, đồ lót, thảm, ốp điện thoại… và thường “cháy” hàng chỉ sau vài phút mở bán.
Người bán lãi nhiều hơn lỗ
Theo một số chủ gian hàng, khi chạy chương trình “ deal 1k” sẽ không tránh khỏi tình trạng bị lỗ. Tuy nhiên, mức lỗ, nếu có, tuỳ thuộc vào mặt hàng và cách người bán “thương lượng” với sàn thương mại điện tử. “Mình từng được lên một deal 1.000 đồng ở Sendo, nhưng được bên sàn hỗ trợ nên không lỗ nhiều. Tức là sản phẩm đó vẫn bán giá 1.000 đồng, nhưng doanh thu mỗi đơn về là số tiền lúc mình deal với nhân viên sale của sàn”, một chủ gian hàng phụ kiện điện thoại chia sẻ.
Thực tế, với đơn hàng 1.000 đồng người bán sẽ được lãi nhiều hơn lỗ. Theo anh Minh, chủ một gian hàng thời trang trên Shopee, việc tham gia deal 1.000 đồng sẽ giúp gian hàng tăng lượng truy cập tự nhiên và tăng lượt theo dõi, tạo ưu thế trên sàn.
Trước mức giá sản phẩm hấp dẫn, khách hàng sẽ truy cập vào sản phẩm, vào gian hàng để tham khảo các mặt hàng khác. “Lượng truy cập của gian hàng mỗi khi tham gia deal 1.000 đồng tăng đáng kể, nhờ vậy mà tôi bán được thêm các sản phẩm khác”, anh Minh nói.
Không chỉ vậy, anh tiết lộ lượt theo dõi tăng sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến việc bán hàng. “Cùng một sản phẩm, khách hàng sẽ chọn mua ở shop có nhiều lượt theo dõi hơn”, anh chia sẻ.
Áo phông, ốp điện thoại, vỏ gối, tất chân, miếng dán cường lực… là những mặt hàng có giá chỉ 1.000 đồng trong chương trình Flash Sale.
Ngoài ra, chị Ngọc Linh, chủ một gian hàng phụ kiện trên Shopee chia sẻ việc tham gia “deal 1k” còn giúp shop tăng nhanh số lượt đánh giá. “Điều này cực kỳ quan trọng vì tâm lý khách hàng thường đọc đánh giá sản phẩm trước khi quyết định mua hàng. Nếu sản phẩm vừa có giá siêu hời 1.000 đồng vừa có chất lượng tốt, thì đa số sẽ đánh giá 5 sao cho sản phẩm”, chị giải thích.
Bên cạnh đó, tham gia chương trình 1.000 đồng cũng là một cách để chủ shop đẩy hàng tồn. “Tuy nhiên, nếu khách hàng nhận được hàng tồn kém chất lượng, shop sẽ bị đánh giá thấp”, một chủ gian hàng trên Lazada chia sẻ.
Video đang HOT
Thậm chí, có một số chủ gian hàng sau khi được trợ giá từ sàn thương mại điện tử còn thu lãi trực tiếp. “Tôi từng tham gia chương trình “deal 1k” của Shopee với sản phẩm dây chun buộc tóc. Sau khi được sàn này hỗ trợ 7.000 đồng/sản phẩm, trừ chi phí đóng gói, tôi lãi khoảng 2.000 đồng/sản phẩm”, chị Hà, chủ một gian hàng thời trang chia sẻ.
“Nhưng để được tham gia chương trình này, shop phải có thời gian hoạt động dài, doanh số cao, được nhiều đánh giá và tin cậy…”, chị nói.
“Đồ săn 1.000 đồng đợt sale trước còn chưa hề sử dụng”
Cuối ngày siêu giảm giá 12/12, người dùng bắt đầu khoe “thành tích” săn sale của mình trên mạng xã hội. Thậm chí, có người còn chia sẻ ảnh chụp màn hình với hơn 100 đơn hàng đang được vận chuyển đến.
Vừa chi một số tiền không nhỏ cho ngày 11/11 và Black Friday, Vân Anh, một tín đồ mua sắm lại tiếp tục thức “săn deal 1k” trên các trang thương mại điện tử dịp 12/12. Vân Anh cho biết ngày này, nhiều trang thương mại điện tử tung ra ưu đãi lớn nên tranh thủ mua thêm một số sản phẩm có giá hời.
“Mặc dù nhiều thứ mình còn chưa hề sử dụng tới từ đợt săn sale trước”, Anh nói. Thậm chí, sản phẩm ốp điện thoại Vân Anh đã săn 1.000 đồng từ đợt sale trước nhưng lần này thấy sản phẩm lại được deal giá 1.000 đồng cô lại canh khung giờ để săn tiếp.
Một người dùng khoe mua được gần 30 chiếc ốp và giá đỡ điện thoại trong một đợt săn “deal 1k”.
Có kinh nghiệm nhiều đợt săn hàng khuyến mãi, chị Hồng Nhung (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Phải có sự tìm hiểu trước và thật sự nhanh tay mới có thể mua được hàng chất lượng, giá rẻ”. Theo chị Nhung, một số mặt hàng đồng giá 1.000 đồng chị săn được trên các sàn thương mại điện tử là hàng tồn, hàng kém chất lượng. “Chiếc kẹp tóc, tôi mua về chỉ dùng được 1, 2 lần thì hỏng”, chị nói.
Thực tế, những đợt săn sale 1.000 đồng trước, không ít nạn nhân chỉ nhận lại những cục đá, gạch, thậm chí là viên kẹo. Cụ thể, ít ngày sau thời điểm siêu sale 9/9, chị T. Trúc (Thường Tín, Hà Nội) có đặt mua đơn hàng sơn móng tay trên sàn thương mại điện tử Shopee. Đến ngày 12/9, chị Trúc nhận được hàng. Tuy vậy, khi kiểm tra, bên trong chỉ có một hòn đá nhỏ.
Không riêng chị Trúc, nhiều người dùng khác cũng phản ánh lên mạng xã hội việc mua các đơn hàng khuyến mãi 1.000 đồng như ốp lưng điện thoại… chỉ nhận về những viên đá gói trong hộp bìa.
Trái ngược với những người “phát cuồng” trước các sản phẩm giá 1.000 đồng, nhiều người cho biết họ không mấy “mặn mà” với những đơn hàng giá rẻ hay chương trình giảm giá “sốc”.
“Đơn hàng 1.000 đồng nhưng phí giao hàng thì đắt. Cứ thấy rẻ lại ham mua nhưng mua về không dùng hoặc ít dùng đến. Chỉ phí tiền, phí thời gian”, chị Lam (Thanh Xuân, Hà Nội) nói.
Hàng giả, hàng nhái đánh bật hàng thật trên chợ online
Thương mại điện tử phát triển là kẽ hở để hàng giả, hàng nhái phát triển, với những cách thức tinh vi, gây thiệt hại đến quyền lợi của người tiêu dùng và uy tín của doanh nghiệp.
Với sự phát triển của mua sắm hiện đại, các kênh bán hàng trực tuyến ngày càng được nhiều người lựa chọn. Không cần đến các cửa hàng, cửa hiệu, người tiêu dùng vẫn có thể dễ dàng mua sắm đủ mọi sản phẩm, hàng hóa không chỉ của các đơn vị sản xuất trong nước mà còn từ các thương hiệu chính hãng nước ngoài.
Những chiêu đánh bại hàng thật
Cuối năm, nhu cầu mua sắm tăng cao, cùng với đó là hàng loạt chương trình khuyến mại, kích cầu được áp dụng trên quy mô cả nước, đã tạo cơ hội cho hàng giả, hàng nhái "tung hoành" trên chợ mạng.
Theo thông tin Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), liên tục trong 5 năm qua, thương mại điện tử tăng trưởng ở mức trên 25%. Tỷ trọng doanh thu so với tổng mức bán lẻ cũng đã tăng gấp đôi. Những vi phạm về chất lượng hàng hóa, hàng giả, hàng nhái cũng theo đó tăng cao. Chỉ tính riêng quý III/2020, hơn 63.000 vụ việc vi phạm. Số vụ và số đối tượng bị khởi tố tăng lần lượt 14 - 25% so với cùng kỳ năm 2019.
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết: Kinh doanh hàng giả trên môi trường thương mại điện tử tập trung vào 3 nhóm hàng hóa chính, gồm: đồ công nghệ điện tử; quần áo, giày dép, mỹ phẩm; và đồ gia dụng. Đặc biệt, những mặt hàng giả được bán nhiều trên môi trường thương mại điện tử là những mặt hàng có giá trị cao, mặt hàng do nước ngoài sản xuất.
Thời trang, mỹ phẩm, hàng điện tử là những mặt hàng thường bị giả, nhái trên chợ mạng
Chiêu lừa quen thuộc nhất vẫn là lấy tên giống hoặc gần giống thương hiệu chính hãng, và bán với mức giá rẻ hơn rất nhiều lần. Ví dụ, một đồng hồ thương hiệu Rolex có giá trị hàng trăm triệu đồng, nhưng trên chợ mạng, vẫn có những đồng hồ Rolex giả với giá vài triệu đồng.
Các đối tượng kinh doanh hàng giả còn có hành vi cạnh tranh không lành mạnh bằng việc đặt tên miền, giao diện webiste, đăng tải hình ảnh sản phẩm nhái giống các trang bán sản phẩm thật. Cụ thể như: làm nhái tên gọi, giao diện, màu sắc của các sàn thương mại điện tử lớn; sử dụng các website trùng với nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ; sử dụng tên miền tương tự với nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ... Nếu truy cập vào những trang này, người tiêu dùng rất dễ mua phải hàng giả, hàng nhái.
Một số chiêu thức được dân bán hàng giả, hàng nhái sử dụng là lợi dụng hình ảnh của người nổi tiếng để quảng cáo và bán hàng giả; vi phạm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, giả mạo tem nhãn, nhãn hiệu của sản phẩm; không cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm, dẫn đến sự hiểu nhầm cho người tiêu dùng...
Không dễ xử lý
Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng liên tục phát hiện hàng giả, hàng cấm và hàng vi phạm bản quyền trên môi trường trực tuyến.
Trong 10 tháng đầu năm 2020, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cho biết, Cục đã nhận được 176 khiếu nại liên quan đến chất lượng sản phẩm hàng hóa dịch vụ. Con số này đã tăng lên đáng kể do ảnh hưởng của dịch Covid-19 năm nay khi người tiêu dùng mua sắm trực tuyến nhiều hơn.
Những phương thức bán hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi hơn. Tuy nhiên, để không dễ để ngăn chặn, xử lý hàng giả, hàng nhái bán trên mạng vì đặc thù của hình thức kinh doanh này là hầu hết chỉ có gian hàng online, mà không có cửa hàng trực tiếp (cửa hàng vật lý), nên khó bị phát hiện. Một tổ chức/cá nhân có thể lập ra nhiều gian hàng, shop hàng online khác nhau để kinh doanh.
Thương mại điện tử là mảnh đất vàng để hàng giả, hàng nhái phát triển
Hiện nay, các đối tượng xấu đang tận dụng triệt để môi trường và lợi dụng thương mại điện tử để bán những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu, xâm phạm bản quyền. Để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái tràn lan trên chợ mạng, theo ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó Chánh văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường, các sàn thương mại điện tử cần tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát và có biện pháp xử lý, ngăn chặn hành vi gian lận, hàng giả, hàng cấm là yêu cầu bắt buộc.
Ở góc độ người tiêu dùng, người mua hàng cần nâng cao trách nhiệm, kiểm tra rõ xuất xứ, thông tin hàng hóa khi mua sắm trên chợ mạng. Nên mua trên các sàn thương mại điện tử, các website đã được Bộ Công thương cấp phép. Chủ động từ chối, không mua sắm hàng giả, hàng nhái chính là cách loại bỏ hàng giả, hàng nhái hiệu quả nhất.
Sale ngày độc thân 11/11 chưa như mong đợi Nhiều sàn thương mại điện tử tại Việt Nam đang công bố mức giảm giá lên đến 50-70% cho hàng loạt sản phẩm. Song, nhiều khách hàng không mua được sản phẩm với mức giá giảm sâu. Được khởi xướng đầu tiên từ tỷ phú Jack Ma, ông chủ của tập đoàn Alibaba, Lễ Độc thân 11/11 đã trở thành sự kiện mua...