Mua sắm kết hợp giải trí lên ngôi
Các sàn thương mại điện tử đã ý thức được việc “đốt tiền” vào giảm giá đơn thuần chưa đủ để giữ chân khách hàng lâu dài
Là thành viên của trang Facebook Lazada Shopee Xiaomi Việt Nam , chị Hoài Anh (quận 8, TP HCM) thường xuyên truy cập vào để tìm hiểu và chia sẻ cách “săn” mã giảm giá, chơi các game (trò chơi) tương tác để đổi thưởng, theo dõi livestream của người nổi tiếng nhằm giảm căng thẳng cũng như canh “deal chớp nhoáng”.
Thu hút thêm nhóm khách hàng thụ động
“Mỗi ngày bỏ ra vài phút chơi game trên ứng dụng, tôi đã tích được kha khá phiếu giảm giá để mua sắm từ vật dụng cá nhân đến nhu yếu phẩm cho gia đình” – chị Hoài Anh cho biết.
Không riêng chị Hoài Anh, phần lớn tín đồ mua sắm online trong khoảng 1-2 năm gần đây đều ít nhất một lần tiếp cận các hình thức mua hàng kết hợp giải trí ( shoppertainment ) trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT).
Shoppertainment được khởi xướng lần đầu tiên bởi sàn TMĐT Alibaba khoảng 10 năm trước thông qua lễ hội mua sắm trực tuyến ngày Độc thân (Single Day) 11-11 với hàng loạt chương trình như lễ hội đếm ngược, trình diễn âm nhạc – thời trang , trò chơi tương tác trực tiếp… Hiệu quả của hình thức này đã vượt ngoài sức tưởng tượng khi Single Day trở thành ngày mua sắm lớn nhất thế giới , vượt qua Black Friday, Cyber Monday… của các nước phương Tây.
Tại Việt Nam, doanh nghiệp (DN) TMĐT cũng bắt đầu chuyển hướng sang chiến lược marketing thiên về giải trí, gia tăng trải nghiệm vui vẻ cho khách hàng kể từ năm 2019, sau một thời gian khá dài chạy đua “đốt tiền” vào giảm giá, khuyến mại. Chiến lược này giúp DN tăng doanh thu nhờ lôi cuốn được một phần không nhỏ khách hàng mua sắm thụ động khi tương tác với các trò chơi, bên cạnh nhóm khách hàng chủ động vừa mua sắm vừa giải trí trên sàn.
Thiết kế chiến lược shoppertainment gần như sớm nhất trên thị trường là Lazada , một phần bởi sàn TMĐT này là một thành viên của Tập đoàn Alibaba . Trong đó, nổi bật là LazGame gồm tập hợp các trò chơi sáng tạo , đồ họa bắt mắt và tự động bổ sung phần thưởng là phiếu mua hàng vào kho giảm giá của người dùng… Ông James Dong, Tổng Giám đốc Lazada Việt Nam, cho biết tại lễ hội mua sắm 11-11 vừa qua, Lazada ghi nhận lượng đơn hàng và khách hàng mua sắm trên LazMall (gian hàng chính hãng) tăng gấp đôi so với năm ngoái, một phần chính nhờ hình thức shoppertainment.
Dịp 11-11, Shopee cũng ghi nhận hơn 20 triệu giờ xem trên Shopee Live và hơn 2,5 tỉ lượt tham gia các trò chơi trên ứng dụng, cho thấy người tiêu dùng ngày càng yêu thích các chương trình giải trí có kèm quà tặng. Sàn này cũng tỏ ra thức thời khi ngay từ năm 2019 đã xác định: “Vui vẻ chính là yếu tố trọng tâm trong trải nghiệm mà Shopee mang đến cho người dùng”.
Tuy lép vế nhưng Sendo, Tiki cũng nỗ lực cạnh tranh bằng các chiến dịch livestream sử dụng các nhân vật có sức ảnh hưởng trên cộng đồng mạng để lôi kéo khách hàng.
Ngày hội mua sắm trực tuyến Việt Nam (Online Friday) 2020 vừa được Bộ Công Thương bấm nút khởi động vào ngày 19-11 vừa qua cũng lấy chủ đề “Siêu sao siêu sale”, cho thấy một cách tiếp cận mới của TMĐT gần đây.
Các sàn thương mại điện tử đang tích hợp nhiều tiện ích, dịch vụ mới nhằm thu hút khách hàng cũng như các đơn vị tham gia kinh doanh trên sàn.
Chiến lược lâu dài
Bà Nguyễn Thúy Hằng, Giám đốc Marketing Lazada Việt Nam, cho hay phần lớn nguồn lực marketing của sàn này đều hướng tới việc tăng trưởng số lượng người mua sắm trên ứng dụng mỗi ngày thông qua những trải nghiệm mua sắm thú vị nhất. “Lazada đang xây dựng một hệ sinh thái TMĐT tăng trưởng lành mạnh và bền vững. Theo đó, hoạt động marketing của chúng tôi không chạy theo những mục tiêu thời vụ mà muốn định hình thành một điểm đến để người tiêu dùng có thể mua sắm, giải trí, trải nghiệm cùng bạn bè. Chẳng hạn, chúng tôi đã tiên phong giới thiệu hình thức livestream trên sàn TMĐT tại Việt Nam. Đó là một nền tảng livestream hàng đầu với hơn 1.000 tập, có những lúc thu hút đến hơn 1 triệu người xem mỗi ngày” – bà Hằng thông tin.
Giới chuyên gia TMĐT nhận định xu thế các nhà bán lẻ trực tuyến đưa yếu tố giải trí kết hợp với mua sắm online chứng tỏ họ ngày càng ý thức rằng giảm giá đơn thuần là chưa đủ mà phải cạnh tranh để giữ chân những nhóm khách hàng ưa thích cái mới, lạ. Do vậy, thay vì chỉ nhắm vào các chương trình ưu đãi, giảm giá, các nhà bán lẻ cần đầu tư mạnh hơn vào shoppertainment cùng với cải tiến những hình thức thanh toán online sẽ là xu hướng lâu dài trong thời gian tới.
Chuyên gia marketing Hoàng Tùng cho hay hình thức livestream bán hàng đã được nhiều DN triển khai từ lâu, đặc biệt có nhiều nhãn thời trang Việt đi lên từ livestream và bán hàng trên Facebook trước khi phát triển thành những chuỗi lớn sau này. “Hình thức livestream bán hàng tương tác với KOLs (nhân vật có ảnh hưởng – PV) trên các sàn TMĐT có một điểm ưu việt hơn nữa, chính là tệp khách hàng trên các sàn TMĐT có khả năng sẵn sàng mua cao hơn rất nhiều so với trên nền tảng Facebook . Ngoài ra, những quy trình còn lại như giao vận, tư vấn trên sàn TMĐT cũng được gói gọn lại và ưu việt hơn cho DN kinh doanh rất nhiều…” – ông Hoàng Tùng nhận định.
Chuyên gia marketing Hoàng Tùng cũng khẳng định livestream bán hàng dưới sự hợp tác của KOLs là cơ hội cho những DN biết biến chuyển nhanh, sẵn sàng thay đổi cùng với sự lớn mạnh của các sàn TMĐT và thói quen tiêu dùng mới của khách hàng.
Xu hướng của tương lai
Nêu thực tế ở Trung Quốc, có những ngôi sao livestream bán hàng đạt doanh số hàng triệu USD, chuyên gia Hoàng Tùng cho rằng đây là xu hướng của tương lai khi sự tương tác trở nên nhanh hơn, trực tiếp hơn và kích thích hành vi mua hàng tốt hơn rất nhiều. “Ngay cả các CEO (giám đốc điều hành) nổi tiếng cũng tận dụng hình thức này, vừa để bán hàng vừa để tiếp cận gần hơn với khách hàng, như tỉ phú Jack Ma đã từng livestream bán hàng. Hiện nay, kể cả nông dân cũng bán hàng livestream, bán nông sản trực tiếp từ khu vườn, mảnh ruộng của mình cho khách hàng trên sàn TMĐT. Tại Việt Nam, chúng ta cũng đang bắt đầu xuất hiện những ngôi sao bán hàng livestream trên các sàn TMĐT hay các nền tảng khác như TikTok. Đây là hình thức gia tăng doanh số rất hiệu quả và đã chứng minh được tiềm năng cực kỳ lớn” – ông Tùng nói thêm và cũng nhấn mạnh người bán hàng, thậm chí chủ DN, cần phải xuất hiện ở nơi khách hàng có mặt với những hoạt động gần gũi nhất.
11/11 - ván bài lớn của các sàn thương mại điện tử
Cuối năm là dịp các sàn TMĐT chạy đua nước rút để kích cầu tiêu dùng. Nếu Mỹ rộn ràng với Black Friday hay Cyber Monday thì tại châu Á, nhiều ông lớn TMĐT dồn toàn lực cho 11/11.
11/11 là sự kiện giảm giá lớn nhất năm do Tập đoàn Alibaba (Trung Quốc) khởi xướng. Kể từ 2009 - năm đầu tiên tổ chức với vỏn vẹn 27 thương hiệu tham gia, tới 2019, con số này đã tăng lên 200.000 thương hiệu, với giá trị hàng hóa vượt ngưỡng 30 tỷ USD.
Tăng trưởng nhanh qua các năm, 11/11 đang chứng tỏ mình là miếng bánh ngon đáng để các sàn TMĐT dành toàn lực đầu tư.
Đầu tư về tiền
Riêng 11/11 năm ngoái, doanh thu Alibaba đạt 38,3 tỷ USD, tăng 26% so với 2018. Đáng chú ý, ông lớn này chỉ mất 96 giây để đạt cột mốc doanh thu 10 tỷ nhân dân tệ (1,4 tỷ USD), trong khi năm 2018 phải mất tới 125 giây.
Không chỉ giới hạn tại Trung Quốc, sức nóng 11/11 đã lan rộng sang các nước Đông Nam Á. Nhìn rõ doanh thu khủng mà 11/11 mang lại tại Trung Quốc, các sàn TMĐT ở Việt Nam cũng nhanh chóng nắm bắt cơ hội.
Là một thành viên của Alibaba, Lazada là nền tảng tiên phong khởi xướng lễ hội 11/11 tại Việt Nam từ 2012, tạo thành cuộc đua đầu tư tiền bạc, công nghệ của các ông lớn TMĐT khác.
Những dịp lễ hội mua sắm lớn là cơ hội tăng trưởng hiệu quả không chỉ của các sàn TMĐT mà còn của các nhà bán hàng.
Năm nay, độ chịu chơi của Lazada thể hiện ở ngân sách 22 tỷ cho các mã voucher giảm giá. Đại diện sàn này cho biết, con số này tăng gấp 150% so với dịp 11/11/2019. Rục rịch từ đầu tháng 11, Lazada tung ra hơn 1 triệu voucher mỗi ngày, trong đó voucher lớn nhất trị giá 1,1 triệu được tung nhiều lượt trong ngày.
Đây cũng là cách thức khuyến mãi của nhiều sàn TMĐT lớn khác. Tựu trung lại, các sàn đều đưa ra chương trình tặng voucher, giảm giá theo giờ (flash sales), freeship, hoàn tiền khi thanh toán bằng thẻ tín dụng, hoặc chơi game nhận quà...
Đầu tư công nghệ giải trí
Trong bối cảnh Đông Nam Á đang bước vào kỷ nguyên shoppertainment (mua sắm kết hợp giải trí) như khẳng định từ iPrice, để thu hút và giữ chân khách hàng, các sàn TMĐT không đơn thuần là nơi bán hàng, mà cần trở thành ứng dụng giải trí với kho trò chơi phong phú.
Trải nghiệm mua sắm kết hợp giải trí ngày càng được người dùng TMĐT yêu thích.
Nếu với các kênh mua sắm truyền thống, doanh nghiệp giữ chân khách bằng điểm thưởng thì với sàn TMĐT, các trò chơi tương tác mang tính giải trí cao chính là hấp lực. Đó là lý do những năm gần đây, nhiều sàn TMĐT coi 11/11 là dịp thiên thời địa lợi để đầu tư và phô diễn các công nghệ, tính năng giải trí tích hợp trên app. Ngày 11/11 nhờ đó cũng trở thành dịp tái định nghĩa trải nghiệm bán lẻ, với nhiều điểm mới trong tính năng shoppertainment.
Với hình thức này, người dùng có nhiều cách thú vị để nhận ưu đãi, thu thập voucher qua minigame, livestream... trên nền tảng TMĐT. Tất cả tạo ra một không khí tưng bừng đúng chất lễ hội, cũng như mang đến trải nghiệm hoàn toàn mới cho người dùng TMĐT.
Nhiều sàn TMĐT coi 11/11 là dịp thiên thời địa lợi để phô diễn các công nghệ, tính năng giải trí tích hợp.
Không đơn giản là giải trí, có thể coi shoppertainment là cây hái ra tiền. Chỉ riêng quý III năm nay, kênh livestream đã giúp lượng đơn hàng trên Lazada tăng hơn 50 lần so với cùng kỳ năm trước; doanh thu của thương hiệu và nhà bán thông qua kênh này cũng tăng hơn 420 lần cùng kỳ năm trước.
Đây chính là cơ sở để dịp 11/11 năm nay, sàn TMĐT này tung tới 2.000 tập livestream, dự kiến thu hút 6 triệu lượt xem.
Đầu tư hỗ trợ các thương hiệu/nhà bán
Nhu cầu mua sắm cuối năm tăng cao, kéo theo hàng loạt chương trình giảm giá từ các cửa hàng, nhãn hiệu. Không ngoa khi nói 11/11 cũng được coi là "sàn đấu" của các thương hiệu, nhà bán.
Để giúp nhà bán tăng sức cạnh tranh, các sàn TMĐT tích cực ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại, như hỗ trợ tăng lượt hiển thị kết quả tìm kiếm, cá nhân hoá danh mục sản phẩm theo thói quen mua sắm, hiển thị banner quảng cáo tại vị trí dễ thấy trên app/website...
Ngoài ra, khi phí vận chuyển vẫn còn là rào cản, chính sách freeship sẽ là lời giải kích cầu mua sắm. Đại diện sàn Lazada từng chia sẻ, việc triển khai hàng loạt ưu đãi miễn phí giao hàng không chỉ là cách sàn TMĐT khẳng định vị thế, mà còn cách hỗ trợ nhà bán kinh doanh hiệu quả.
Chính sách freeship giúp cả khách hàng lẫn sàn TMĐT và nhà bán/thương hiệu hưởng lợi.
Mỗi đợt lễ hội mua sắm trên Lazada, Anker luôn là thương hiệu phụ kiện điện thoại có doanh thu thuộc hàng cao nhất. Có được kết quả này, ông Mai Nguyễn Bảo Lộc - Online Director Anker - đánh giá cao sự đầu tư của Lazada từ chuẩn bị kho bãi đến công tác vận hành và nhiều hoạt động marketing để tăng khả năng tiếp cận đến từng khách hàng.
Còn từ góc nhìn của đại diện Unicharm Việt Nam, với những đầu tư lớn cho 11/11 như Lazada vừa công bố, hãng tự tin lượng đơn hàng sẽ tăng gấp 2,5 lần và doanh số tăng gấp 3 lần so với sự kiện 9/9.
Tất/vớ truyền thống hẳn đã quá nhàm chán, đông này thử "đổi gió" với 10 mẫu tất có tính giải trí cao dưới đây! Tuy nhiên nếu muốn diện những đôi tất/vớ này ra đường, chị em có lẽ cần chuẩn bị thêm một chút can đảm... Nếu như mùa đông năm ngoái, cộng đồng mạng "phát sốt" vì tất giữ ấm hình chân gà thì sang năm nay, thị trường tất/vớ tiếp tục chào đón thêm 1 loạt mẫu tất "độc, dị" không kém. Tạm chưa...