Sự thật ít biết về dị ứng
Trẻ béo phì thường có nguy cơ bị dị ứng, con đầu lòng cũng dễ mắc bệnh này hơn con thứ, dị ứng có thể tự biến mất…
Dị ứng xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng quá mức với các tác nhân vô hại từ môi trường như phấn hoa, bụi nhà, một số thức ăn… Phản ứng này làm giải phóng nhiều loại hóa chất trung gian như histamine, serotonin… là những tác nhân trực tiếp gây ra các triệu chứng dị ứng như nổi ban đỏ, phù nề mắt môi, khó thở, ngạt sổ mũi… Sự phiền toái của các bệnh dị ứng là điều dễ nhận thấy, tuy nhiên, có những sự thật về dị ứng có thể khiến nhiều người ngạc nhiên.
Dị ứng có tính di truyền
Mặc dù các nhà khoa học chưa thể xác định chính xác gene gây ra tình trạng dị ứng nhưng có thể khẳng định cơ địa dị ứng có tính di truyền rõ rệt. Trong một gia đình, nếu bố hoặc mẹ có cơ địa dị ứng thì các con của họ có 30% nguy cơ mắc các bệnh này, nhưng nếu cả bố và mẹ cùng bị dị ứng thì nguy cơ mắc tình trạng này ở những đứa con lên tới 70%.
Ảnh minh họa: Bbc.co.uk.
Dị ứng có thể gây ra do mọi tác nhân
Không chỉ do nguyên nhân quen thuộc như phấn hoa, thuốc, hải sản…, các bệnh dị ứng còn có thể gây ra do những nguyên nhân khó tin như nước, ánh nắng mặt trời, hơi lạnh… Mặc dù hiếm gặp nhưng các trường hợp dị ứng này có thể rất nguy hiểm và khó đề phòng.
Những trẻ béo phì thường có nguy cơ bị dị ứng
Hầu hết mọi người mới biết đến tác động của béo phì với các bệnh lý về tim mạch, chuyển hóa, tuy nhiên các nghiên cứu khoa học còn cho thấy một sự thật rất đáng ngạc nhiên là béo phì có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh dị ứng ở trẻ em. Trẻ béo phì có tỷ lệ mắc các bệnh dị ứng nói chung cao hơn 26% và dị ứng thức ăn cao hơn 59% so với tỷ lệ chung trong cộng đồng.
Video đang HOT
Dị ứng có thể xuất hiện đột ngột ở tuổi trưởng thành
Dị ứng thường xuất hiện từ nhỏ và có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, dị ứng có thể xuất hiện khá muộn ở tuổi trưởng thành, mặc dù trước đó họ chưa từng mắc. Nguyên nhân vì sao dị ứng xuất hiện muộn trong những trường hợp này còn chưa được hiểu rõ.
Con đầu lòng thường có tỷ lệ dị ứng cao hơn
Thứ tự sinh có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc các bệnh dị ứng. Một số nghiên cứu dịch tễ học cho thấy, những đứa con đầu lòng có tỷ lệ mắc bệnh dị ứng cao hơn những đứa con đẻ sau. Nguyên nhân vì sao có sự khác biệt này còn chưa được hiểu rõ nhưng một giả thuyết được đưa ra là sự khác biệt về tình trạng trong buồng tử cung ở đứa trẻ đẻ đầu tiên.
Dị ứng là một trong 5 nguyên nhân hàng đầu của các bệnh mạn tính trên thế giới
Các bệnh dị ứng như hen phế quản, viêm mũi dị ứng là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất gây nghỉ học, nghỉ làm và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống người bệnh.
Có thể có mối liên quan giữa dị ứng và trầm cảm
Khi đi tìm nguyên nhân của trầm cảm, các thầy thuốc thường ít nghĩ đến các bệnh dị ứng. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy, có mối liên quan giữa dị ứng theo mùa và trầm cảm. Theo đó, các triệu chứng trầm cảm thường nặng lên vào giữa mùa phấn hoa.
Tình trạng dị ứng có thể tự biến mất
Diễn biến của tình trạng dị ứng thường khó đoán trước, nó có thể biến mất ở một số trẻ em và người trưởng thành. Trẻ em có nhiều khả năng thoát khỏi bệnh dị ứng, đặc biệt là dị ứng sữa. Mặc dù khả năng biến mất của các bệnh dị ứng là có thể nhưng sự thận trọng của người bệnh và gia đình luôn là điều cần thiết. Không nên coi mọi bệnh dị ứng đều có thể khỏi hoàn toàn.
Dị ứng có thể giúp giảm nguy cơ xuất hiện u não
Bên cạnh việc gây nhiều phiền toái cho người bệnh, dị ứng có thể đem lại những lợi ích. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, những người bị dị ứng giảm được 33% nguy cơ mắc một số loại u não. Nguyên nhân của điều này được cho là do kháng thể dị ứng IgE có một vai trò nào đó trong việc làm giảm sự tạo thành của u não.
Theo VNE
Những điều ít biết về botox
Botox là thuốc hay dùng nhất trong nhóm thuốc botulinum toxin có tác dụng làm liệt tạm thời hoạt động của cơ.
Botox là thuốc hay dùng nhất trong nhóm thuốc botulinum toxin có tác dụng làm liệt tạm thời hoạt động của cơ. Hợp chất này được tạo ra từ vi khuẩn gây ngộ độc thịt. Ngoài tác dụng làm giảm các vết nhăn vùng mặt, botox còn được dùng để điều trị các bệnh khác liên quan đến rối loạn trương lực cơ...
Botox - Nghe quen mà lạ
Botulinum toxin có tác dụng chặn dẫn truyền hóa học ở khớp nối thần kinh. Trong ứng dụng thẩm mỹ, botox có tác dụng tạm thời giãn cơ mặt là các cơ nằm dưới da làm giảm các nếp nhăn. Botox xóa các nếp nhăn ở đường nhăn giữa hai lông mày, vết chân chim, đường tỏa ra ở góc mắt ngoài, các nếp nhăn trán.
Ngoài hiệu quả trong thẩm mỹ, botulinum toxin còn điều trị các bệnh: Bệnh co quắp mi vô căn lành tính: là bệnh do cơ vòng mi và các cơ quanh mắt quá hoạt làm mi mắt nhắm kín không kiểm soát, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh; Lác mắt: Do mất cân bằng các cơ vận nhãn để giữ mắt ở tư thế nhìn thẳng; Rối loạn trương lực cơ cổ: Cơ cổ co quá mức gây đau, vẹo cổ ở tư thế không bình thường; Bệnh co cứng cơ: Một số bệnh thần kinh như liệt não có thể làm cho các chi bị co cứng, vì vậy có thể tiêm botulinum toxin để giãn cơ; Tăng tiết mồ hôi: Tuyến mồ hôi tăng tiết kể cả khi thời tiết không nóng bức hoặc bạn không hoạt động mạnh. Một số người bị ra mồ hôi tay nhiều rất khó chịu trong sinh hoạt; Đau nửa đầu mạn tính: Nếu đau nửa đầu hơn 15 ngày/1 tháng thì tiêm botulinum toxin có thể giúp giảm triệu chứng và tần số các cơn đau; Rối loạn chức năng bàng quang: Tiêm botulinum toxin có thể giúp giảm tình trạng đái dầm do quá hoạt cơ bàng quang.
Trước khi tiêm botox người bệnh cần thông báo cho bác sĩ những loại thuốc đang dùng. (Ảnh minh họa)
Botox có an toàn?
Sử dụng botox chỉ an toàn khi được bác sĩ có kinh nghiệm tiêm. Tác dụng phụ thường gặp là sưng nề hoặc bầm tím tại vị trí tiêm, triệu chứng giống cúm hoặc đau đầu. Thuốc có thể khuếch tán từ vị trí tiêm ra các mô xung quanh gây ra các vấn đề như: sụp mi mắt, lông mày vểnh lên, méo miệng, khô mắt hoặc chảy nước mắt.
Mặc dù hiếm gặp nhưng có thể gặp một số tác dụng phụ khi thuốc có thể đến các bộ phận khác của cơ thể gây ra triệu chứng giống ngộ độc thịt. Bệnh nhân cần gọi ngay cho bác sĩ nếu sau khi tiêm botox vài giờ hoặc vài tuần có các triệu chứng như: yếu cơ toàn thân, giảm thị lực, khó nói, khó nhai, khó thở hoặc mất kiểm soát đi tiểu.
Botox có thể chữa được mắt lác.
Cần chuẩn bị gì khi tiêm botox?
Người bệnh cần thông báo với bác sĩ nếu có dùng bất cứ loại botulinum toxin nào trong vòng 4 tháng trở lại đây. Nếu bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông máu, cần dừng các thuốc này trong vài ngày trước khi tiêm để giảm nguy cơ chảy máu hay thâm tím sau tiêm. Bệnh nhân cũng cần cung cấp cho bác sĩ thông tin có đang dùng thuốc giãn cơ, thuốc ngủ hoặc thuốc chống dị ứng hay không.
Hầu hết mọi người không quá khó chịu khi tiêm. Có thể làm giảm đau trước khi tiêm bằng cách: tiêm thuốc tê (có thể tiêm tê dưới da), bôi kem tê trước tiêm 60 - 90 phút hoặc phun hơi rất lạnh trực tiếp vào da khoảng 10 giây.
Bác sĩ dùng một kim nhỏ tiêm một lượng nhỏ botulinum toxin vào da hoặc cơ. Số lượng mũi tiêm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, tính cả phạm vi vùng điều trị. Tiêm botox thường được thực hiện ở một số cơ sở y tế.
Sau tiêm có thể hoạt động trở lại bình thường ngay. Chú ý không day ấn hoặc chà xát vào vùng da vừa tiêm vì việc làm này có thể làm thuốc khuếch tán rộng ra các vùng xung quanh.
Thuốc thường bắt đầu có tác dụng sau tiêm vài ngày. Phụ thuộc vào bệnh điều trị, tác dụng của thuốc có thể kéo dài 3-12 tháng. Để duy trì hiệu quả điều trị, người bệnh cần tiêm nhắc lại đều đặn.
Theo VNE
Những nguy cơ vô sinh tiềm tàng nam giới ít biết Vô sinh có khi từ những thói quen thường ngày thôi đấy! Theo VNE