Sử dụng dầu cá cho đúng
Dầu cá là nguồn cung cấp vitamin A rất tốt cho sức khỏe. Song, bạn đã biết cách sử dụng dầu cá để phát huy hết tác dụng của nó?
Nghe chị em bảo nhau: “Dầu cá đẹp da”, bạn lập tức mua về hàng chục lọ chất trong nhà. Tuy nhiên, có phải sử dụng càng nhiều dầu cá, da bạn càng đẹp hay không?
Ngoài tác dụng ngăn ngừa các nếp nhăn, a-xít béo omega-3 trong dầu cá rất hiệu quả trong việc giảm sưng và giảm đau với những người bị viêm khớp, đau lưng, giúp giảm nguy cơ máu vón cục… Tuy nhiên, mọi loại thuốc, kể cả thuốc bổ, đều không thể sử dụng tuỳ tiện. Những lưu ý dưới đây sẽ giúp bạn sử dụng dầu cá đúng cách.
Đúng thời điểm
Dầu cá thực chất là một dạng thuốc bổ cung cấp vitamin A, E… cho cơ thể. Các viên vitamin có hai loại: vitamin tan trong nước như vitamin C, vitamin nhóm B (B1, B2, B5, B6, PP)… có thể uống bất cứ lúc nào.
Trái lại, dầu cá là dạng vitamin, tan trong dầu (gồm 4 vitamin A, D, E, K). Chúng chỉ được hấp thu tốt nhất khi có dung môi phù hợp. Do đó, bạn nên uống chúng sau bữa ăn, lượng chất béo trong cơ thể chính là dung môi thuận lợi để kích thích khả năng hấp thụ chất từ viên dầu cá.
Dầu cá thực chất là một dạng thuốc bổ cung cấp vitamin A, E… cho cơ thể
Đúng liều lượng
Video đang HOT
Khi chế độ ăn không cung cấp đủ vitamin A, bạn có thể bổ sung trực tiếp bằng cách uống dầu cá. Tuy nhiên, bạn cần tuân theo đúng liều lượng quy định của bác sĩ, đặc biệt là những người dễ bị dị ứng, có các bệnh về tim mạch… Dầu cá chứa nhiều vitamin A, nếu không hấp thụ hết sẽ tích luỹ trong cơ thể và có thể gây ngộ độc.
Ai nên uống dầu cá?
Người bình thường có thể tự bổ sung vitamin A bằng chế độ ăn nhiều cá tươi, đặc biệt là các loại cá chứa dầu như cá hồi, cá thu, cá mòi, cá ngừ… Ngoài ra, có thể ăn thêm gan động vật, trứng, sữa, các loại củ có màu vàng như chuối, đu đủ, bí ngô…, các loại rau như rau ngót, rau muống, mồng tơi…
Nhóm đối tượng cần bổ sung dầu cá là: người ăn chay trường, người cao tuổi, phụ nữ có thai, cho con bú, người nghiện rượu… Trẻ bị suy dinh dưỡng, chậm lớn, hoặc trẻ sau khi bệnh ho, tiêu chảy… trẻ hay khóc về đêm nên cho dùng thêm dầu cá.
Những người da, tóc khô, quáng gà, người làm việc nhiều với máy tính, hay buồn ngủ, mỏi mắt, khô mắt, mắc bệnh thấp khớp, viêm khớp, có các bệnh liên quan đến tim mạch cần phải bổ sung bằng dầu cá.
Trẻ trên hai tuổi nếu cần thiết có thể sử dụng dầu cá. Trong dầu cá giàu DHA cũng như a-xít eicosapentaenoic (EPA) và a-xít docosahexaenoic, những loại a-xít béo có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển về trí tuệ và thể chất cho bé.
Phụ nữ mang thai khi sử dụng dầu cá cần có sự chỉ dẫn cụ thể của bác sỹ. Tuy nhiên, liều lượng uống không được quá 5.000 đơn vị quốc tế (IU) vitamin A/ngày. Những người có vấn đề máu huyết hoặc đang sử dụng thuốc kháng đông như warfarin, heparin cần hỏi ý kiến bác sĩ nếu muốn sử dụng vì dầu cá có thể làm loãng máu. Người bị dị ứng với cá cần cẩn thận khi dùng cá vì có thể bị nôn, tiêu chảy…
Chất gây ô nhiễm
Thành phần chính của dầu cá thường bao gồm 2 loại omega-3 là EPA và DHA. Nhiều loại có thêm vitamin E, chất chống oxy hoá để giúp dầu cá không hôi. Ngoài ra, cũng có loại chứa thêm các loại dầu khác như dầu bourrache, dầu onagre…
Các loại cá sử dụng làm dầu cá rất dễ nhiễm nhóm chất độc POP từ môi trường. Chúng là sản phẩm phụ của quá trình xử lý công nông nghiệp. Do đó, bạn cần kiểm tra xem sản phẩm có được chế biến từ những loại cá có chứa hàm lượng thuỷ ngân cao như cá thu vua, cá kiếm… hay không.
Khi sử dụng dầu cá, bạn không phải ăn kiêng. Tốt nhất, bạn nên cung cấp vitamin cho cơ thể trong bữa ăn bằng cá tươi. Nếu có biểu hiện đầy bụng, nôn ói, tiêu chảy… bạn nên ngưng sử dụng dầu cá và đến gặp bác sĩ ngay.
Theo Tiếp thị gia đình
Tận dụng lợi ích của dầu cá
Các nghiên cứu khoa học đã khẳng định lợi ích của dầu cá như: làm đẹp da, giảm đau, chống lại ung thư...
Dầu cá được chiết xuất chủ yếu từ cá hồi, cá thu, cá mòi, cá trích... Thành phần chính của dầu cá chứa hai acid béo omega - 3 là eicosapentaenic (EPA) và docosahexaenic (DHA). Hai chất béo không bão hòa này làm giảm lượng lipid và cholesterol trong máu, có tác dụng phòng chống xơ vữa động mạch, bệnh trầm cảm và ung thư. Tốt cho não bộ
Não là một bộ phận của cơ thể con người "tiêu thụ" nhiều DHA nhất. Não của một người lớn trung bình chứa hơn 15g DHA. Thiếu DHA có nguy cơ dẫn tới bệnh trầm cảm. Các nghiên cứu cho thấy, bổ sung đủ lượng dầu cá hợp lý cho cơ thể sẽ làm hạn chế nguy cơ mất trí nhớ và suy giảm các chức năng cảm nhận khi về già.
Hữu ích cho sự phát triển của trẻ
Nghiên cứu cho thấy, phụ nữ mang thai bổ sung đủ EPA và DHA sẽ rất tốt cho sự phát triển não bộ của thai nhi. Đấy là lý do vì sao các nhà dinh dưỡng học khuyên phụ nữ mang thai nên ăn nhiều cá. Phụ nữ mang thai thiếu hai chất này sẽ làm tăng nguy cơ sinh non, hoặc đứa trẻ sinh ra bị thiếu cân. Trẻ em thường xuyên ăn cá tươi hoặc uống bổ sung dầu cá có thể giảm nguy cơ mắc bệnh hen suyễn xuống 4 lần, so với những trẻ ăn ít hoặc không ăn.
Bổ mắt
Những người thường xuyên ăn cá và bổ sung dầu cá thường ít mắc các bệnh về mắt do thành phần DHA trong dầu cá giúp bảo vệ mắt. Vài nghiên cứu gần đây cho thấy, acid béo omega - 3 trong dầu cá có tác dụng làm sáng mắt ở người cao tuổi và phòng chống khô mắt cho người ở độ tuổi trung niên.
Làm đẹp da
Acid béo EPA trong dầu cá giúp ngăn chặn xuất hiện sớm các nếp nhăn ở da. Mặt khác, EPA còn làm giảm tác hại của tia UV trong ánh nắng mặt trời chiếu vào làn da và điều chỉnh các chức năng tế bào da, duy trì sự đàn hồi và săn chắc cho làn da.
Có lợi cho tim
Dầu cá giúp giảm nguy cơ mắc bệnh xơ vữa động mạch, bệnh tim và đột quị. Lý do, các chất trong dầu cá có tác dụng làm khỏe thành mạch máu, chống máu vón cục, hạ huyết áp và điều hòa nhịp tim. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, nam giới độ tuổi trung niên mỗi tuần ăn 2 - 3 bữa cá có thể giảm được 30% nguy cơ tử vong từ các cơn rối loạn nhịp tim.
Giảm đau và ngừa ung thư
Dầu cá hạn chế quá trình viêm nhiễm đối với cơ thể, có lợi cho bệnh nhân viêm khớp, hoặc viêm ruột kết, đồng thời hạn chế sự phát triển của ung thư vú. Vì vậy, phụ nữ nên sử dụng cá làm thức ăn hàng ngày vừa có tác dụng làm đẹp da, sáng mắt và ngăn ngừa ung thư vú.
Theo Tú Đạt
TGPN