“Sự đoàn kết của ASEAN có thể kiềm chế Trung Quốc”
Trước những hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông, người phát ngôn quân đội Philippines cho rằng chỉ bằng cách tập hợp tiếng nói và sức mạnh, ASEAN mới có thể buộc Trung Quốc phải dừng tay.
Sự đoàn kết của ASEAN sẽ là sức mạnh vô song trước sự nổi dậy gây tranh cãi của Trung Quốc (Ảnh: EPA)
Theo Đại tá Restituto Padilla, người phát ngôn của Lực lượng Vũ trang Philippines (AFP), Trung Quốc sẽ không thể tiếp tục các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo quy mô lớn ở Biển Đông và nhiều khu vực khác, nếu như Bắc Kinh phải đối mặt với tiếng nói phản đối mạnh mẽ chung từ các nước.
“Tại khu vực này, tiếng nói tập thể sẽ có những ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với vài tiếng nói đơn lẻ”, Đại tá Padilla nhấn mạnh, ám chỉ tới sự đồng lòng của châu Á nói chung hay ASEAN nói riêng trong việc đối phó với một Trung Quốc đang nổi lên bất chấp luật pháp quốc tế và khu vực.
Tuy nhiên, sự đồng lòng đó trước tiên phải xuất phát từ chính các nước thành viên ASEAN.
“Nếu các nước ASEAN có thể đoàn kết cùng nhau, mọi việc sẽ tốt đẹp hơn”, ông chia sẻ.
Theo lập luận của người phát ngôn Quân đội Philippines, Trung Quốc sẽ không thể tiếp tục làm ngơ nếu thấy nhiều quốc gia trong khu vực cùng lên tiếng một lúc. Đây không phải là điều khó thực hiện khi Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động xây dựng và cải tạo trái phép ở hàng loạt bãi đá ngầm thuộc chủ quyền của Philippines, Việt Nam, Malaysia và Nhật Bản.
“Tất cả các quốc gia nên thống nhất với nhau và cùng lên tiếng phản đối. Nếu điều này diễn ra, Trung Quốc sẽ phải lắng nghe và không thể tìm cách đi ngược lại những điều đúng đắn. Thậm chí, (Trung Quốc) sẽ phải có cách hành xử đúng mực, tôn trọng các nguyên tắc và những gì mà các quốc gia chuộng hòa bình đang theo đuổi”, Đại tá Padilla nhận định.
Dù không chỉ đích danh những nước “lạc điệu” trong việc lên án các hành động của Trung Quốc, nhưng Đại tá Padilla cho rằng những nước này đang làm tình hình thêm phức tạp và lý do để họ làm vậy là vì muốn bảo vệ các lợi ích của mình, nhất là trong lĩnh vực kinh tế.
Ông khuyến cáo các nước không nên quá lo ngại về điều này vì thương mại cũng là một trụ cột quan trọng của Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay, và Bắc Kinh sẽ không thể tự “trói tay” mình bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt trả đũa.
“Thương mại rõ ràng là một trụ cột quan trọng của Trung Quốc. Họ cần thị trường bên ngoài để bán hàng hóa và họ cũng cần mua hàng hóa từ các quốc gia khác. Đây là cơ chế cho và nhận. Nền kinh tế sẽ không thể phát triển nếu chỉ tự cung tự cấp”, Đại tá Padilla nhấn mạnh.
Để khích lệ tinh thần của các nước trong khu vực, người phát ngôn Quân đội Philippines nêu rõ các nước G7 (gồm Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh và Mỹ) đều đã lên tiếng phản đối các hành động đơn phương của Trung Quốc.
“Đây là thách thức của chúng ta. ASEAN cần có tiếng nói chung mạnh mẽ”, Đại tá Padilla kêu gọi, sau khi phàn nàn ASEAN quá thận trọng vì cho tới nay vẫn khá là im ắng.
Video đang HOT
Thời gian qua, Trung Quốc liên tục có các hành động gây hấn ở Biển Đông với việc cử các tàu hải giám tới quấy nhiễu ở các vùng biển tranh chấp, lập Vùng nhận dạng phòng không ( ADIZ) ở Hoa Đông, đưa giàn khoan nước sâu vào Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam, ngang nhiên bồi lấp, cải tạo các bãi đá ngầm thành các đảo nhân tạo, đồng thời xây dựng các đường băng lớn hỗ trợ hoạt động hậu cần và tác chiến ở vùng biển xa.
Những hành động ngang ngược của Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của dư luận trong khu vực và quốc tế. Đặc biệt, chính phủ Philippines đã chính thức khởi kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng tài về Luật Biển của Liên hợp quốc để yêu cầu Bắc Kinh phải giải thích cách áp dụng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 ( UNCLOS)
Tuy nhiên theo giới chuyên gia, để giải quyết mối quan hệ căng thẳng hiện nay giữa ASEAN và Trung Quốc, hai bên cần có cái nhìn rộng hơn.
“Hiện mối quan hệ ASEAN-Trung Quốc đang trong giai đoạn khá bền chặt. Quan hệ này thậm chí còn được củng cố nhiều hơn nữa với sự ủng hộ mà ASEAN dành cho sáng kiến thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á ( AIIB) do Trung Quốc khởi xướng”, chuyên gia an ninh hàng hải Benjamin Ho phân tích.
Ông Benjamin Ho hiện làm việc cho Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng, trực thuộc Đại học Kỹ thuật Nanyang Singapore. Theo ông, sự hợp tác chặt chẽ về kinh tế và sự ra đời của Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) sẽ là hai nhân tố tích cực, cho dù chưa thể giúp hạ nhiệt ngay căng thẳng ở khu vực Biển Đông vốn có quá nhiều lợi ích đan xen chồng chéo và là tuyến hàng hải huyết mạch, một ngư trường dồi dào và giếng dầu mới của thế giới.
Đây cũng là quan điểm của Tiến sỹ Kamarulazizi Ibrahim, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bền vững Toàn cầu thuộc Đại học Sains Malaysia (USM).
“Điều chúng ta cần làm là nói rõ với Trung Quốc rằng ASEAN là một nền kinh tế ngày càng nở rộ, nơi Trung Quốc có thể sẽ thu được các lợi ích không nhỏ cho mình. Các nước ASEAN cần đẩy mạnh hơn nữa những thành tựu của mình và thể hiện rõ ảnh hưởng cũng như lợi thế của sức bật này”, Tiến sỹ Ibrahim chia sẻ.
Với dân số 600 triệu người và vị trí địa lý thuận lợi, ASEAN là một thị trường đầy hấp dẫn đối với Trung Quốc trong việc thúc đẩy thương mại và đầu tư. Đây cũng là khu vực nằm ở vị trí chiến lược trong sáng kiến “một vành đai, một con đường” mà chính quyền Bắc Kinh đang theo đuổi. Vì vậy, nếu biết phát huy sức mạnh đoàn kết, ASEAN không chỉ chủ động tạo ra tiếng nói mạnh mẽ với Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông, còn tạo ra những cơ hội hợp tác to lớn với nền kinh tế thứ hai thế giới vốn đang rất cần động lực thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế bắt đầu có những dấu hiệu đi xuống.
Đức Vũ
Theo Dantri
Trung Quốc xây gì ở Trường Sa một năm qua
Trung Quốc gần một năm qua ráo riết cải tạo trái phép 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, không ngừng mở rộng và xây dựng trên những thực thể này nhiều công trình phục vụ cho cả mục đích quân sự.
Theo New York Times, tốc độ và quy mô xây dựng đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc trên các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang làm gia tăng nhiều lo ngại trong cộng đồng quốc tế.
Bắc Kinh hồi tháng 6 tuyên bố quá trình cải tạo đảo sẽ sớm hoàn tất. "Thông báo này đánh dấu một bước ngoặt, cho thấy Trung Quốc đã hoàn thành theo đúng lịch trình việc bồi đắp đảo ở một số bãi đá và nay bắt đầu chuyển sang giai đoạn xây dựng cơ sở hạ tầng", Mira Rapp-Hooper, giám đốc tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), bình luận.
Trung Quốc đồng thời đẩy mạnh xây dựng bến cảng, những tòa nhà phục vụ cho mục đích quân sự hay đường băng tại một số đảo nhân tạo. Động thái này khiến sự hiện diện của Bắc Kinh trong khu vực càng trở nên đáng báo động. Đồ họa: NYT
Bức ảnh vệ tinh chụp hồi tháng 3 cho thấy các tàu nạo hút của Trung Quốc hoạt động tại bãi đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Diện tích các đảo nhân tạo quá nhỏ để Trung Quốc triển khai những đơn vị quân đội lớn tại đây, tuy nhiên chúng sẽ góp phần tăng cường khả năng tuần tra và giám sát của nước này trên một vùng rộng lớn ở Biển Đông. Đồng thời, nhờ đó Bắc Kinh cũng có thể tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên một phần hoặc toàn bộ khu vực nằm trong cái gọi là "đường 9 đoạn" mà nước này tự đưa ra, chiếm 90% diện tích Biển Đông, bà Bonnie S.Glaser từ Viện chính sách Lowy, nhận định. Ảnh: Digital Globe
Tính đến ngày 10/6, diện tích bãi đá Vành Khăn đã tăng lên đến 5,52 km2. Trong khi đó, những hình ảnh chụp bãi đá này vào tháng 10 năm ngoái chưa cho thấy bất kỳ dấu hiệu cải tạo nào.
Hồi cuối tháng 5, một loạt diễn đàn quân sự có uy tín của Trung Quốc còn đồng loạt đăng tải những hình ảnh được cho là bản đồ quy hoạch 10 km2 bãi đá Vành Khăn. Theo bản vẽ, bãi đá Vành Khăn được xây dựng như một trái tim khổng lồ. Trên vành đai trái tim là các công trình xây dựng như casino, khu vui chơi giải trí. Tổng diện tích quy hoạch là 9,53 km2, trong đó, diện tích xây dựng là 6,29 km2, dân số dự kiến là 70.000 người. Ảnh: Digital Globe
Tại bãi đá Chữ Thập, đường băng dài 3 km đã hình thành, đủ sức tiếp nhận mọi loại máy bay, từ chiến đấu cơ đến máy bay vận tải cỡ lớn.
Bắc Kinh cũng liên tục dựng lên nhiều nhà chứa với mục tiêu biến nơi đây trở thành một kho dự trữ máy bay chiến thuật, sẵn sàng xuất kích bất cứ lúc nào.
Đô đốc Harry Harris, chỉ huy Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, cho biết bến cảng trên bãi đá Chữ Thập còn khá phù hợp để trở thành nơi neo đậu cho tàu ngầm của Bắc Kinh nếu so với cảng nước nông mà quân đội Trung Quốc đang sử dụng ở đảo Hải Nam. Ảnh: Airbus DS
Những bức ảnh vệ tinh của Digital Globe chụp ngày 13/7 tại bãi đá Chữ Thập càng củng cố thêm suy đoán của một tư lệnh hải quân Mỹ khi cho rằng đường băng tại đây sẽ đi vào hoạt động sớm hơn dự kiến vào cuối năm nay. Ảnh:Digital Globe
Bãi đá Gạc Ma nằm ở phía tây bắc quần đảo Trường Sa, có diện tích khoảng 7,2 km2, bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng từ năm 1988. Đầu năm 2014, trên bãi đá chỉ có một nền bê tông nhỏ với một cơ sở liên lạc, cầu cảng và một đơn vị đồn trú.
Đến nay, phần nền bê tông đã trải rộng trên diện tích 100.000 m2, nơi rộng nhất là 400 m. Trên bãi đá hiện có các công trình như kênh tiếp cận, nhà máy xi măng, tháp phòng thủ, bơm khử mặn, bơm nhiên liệu, cơ sở quân sự nhiều tầng, radar, trạm liên lạc, bãi đáp trực thăng, cầu cảng và đê chắn sóng gia cố. Ảnh: Digital Globe
Trung Quốc hiện bồi đắp trái phép rất nhanh bãi đá Subi, quần đảo Trường Sa, với số lượng tàu hậu cần tăng mạnh so với hai tháng trước. Trang Diplomat hồi tháng 6 ước tính Bắc Kinh mỗi ngày mở rộng trái phép bãi đá Subi thêm 32.000 m2. Ảnh: Digital Globe
Một dải đất thẳng dài hơn 3.000 m, rộng khoảng 250 m ở rìa tây bắc bãi đá Subi đã được Trung Quốc đổ đầy cát, và có thể dễ dàng xây dựng một đường băng, tương tự như trên đá Chữ Thập. Gần 50 cần cẩu loại lớn đang hoạt động trên dải đất này để gia cố phần nền vừa bồi đắp từ cát và san hô. Ảnh: Digital Globe
Bên cạnh đó, tại các bãi đá như Châu Viên, Tư Nghĩa và Gaven, Trung Quốc vẫn đẩy mạnh việc bồi đắp, mở rộng diện tích và xây dựng công trình.
Trong ảnh là toàn cảnh bãi đá Châu Viên hồi tháng 3. Những công trình xuất hiện tại đây gồm kênh tiếp cận, đê chắn sóng, bãi đáp trực thăng, các tòa nhà hỗ trợ, cơ sở quân sự, ăng ten liên lạc vệ tinh, radar. Ảnh: AMTI/Digital Globe.
Phương pháp Trung Quốc sử dụng để biến bãi đá thành đảo. Đồ họa: NYT
Vũ Hoàng
Tổng hợp
Trung Quốc có thể chuẩn bị xây đường băng phi pháp thứ 2 ở Trường Sa Trung Quốc có thể đang chuẩn bị xây dựng một đường băng phi pháp thứ 2 dài 3.000 mét trên một hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông, Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược (CSIS) tại Washington cho biết. Trung Quốc có thể xây đường băng dài 3.000 mét trên bãi Xu Bi, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt...