Sống sót thần kỳ sau 14 giờ lênh đênh trên Thái Bình Dương
Một thủy thủ ngã từ tàu tiếp tế xuống biển Thái Bình Dương đã sống sót sau hơn 14 giờ bám vào chiếc phao đánh cá bỏ đi.
Vidam Perevetilov đã được cứu sống sau 14 giờ lênh đênh trên biển, ông đã bám vào một chiếc phao đánh cá. Ảnh: The Guardian
Theo trang The Guardian (Anh), Vidam Perevertilov, kỹ sư trưởng của tàu Silver Supporter, đã ngã xuống biển vào lúc 4 giờ sáng 16/2. Không có phao cứu sinh, người đàn ông 52 tuổi lênh đênh trên đại dương và sau đó quyết định bơi về phía đốm đen xuất hiện phía chân trời. Quyết định này cuối cùng đã cứu sống ông.
Perevertilov đã được cứu sống và đưa trở lại boong, gần một ngày sau khi ngã khỏi con tàu trong chuyến tiếp tế đến vùng biển giữa cảng Tauranga thuộc Đảo Bắc của New Zealand và quần đảo Pitcairn thuộc lãnh thổ Anh.
Perevertilov kể lại với con trai rằng ông đã cảm thấy chóng mặt sau khi kết thúc ca trực đêm trong phòng máy. Ông đã bước ra boong để thư giãn nhưng đã ngã xuống biển.
“Bố tôi không nhớ mình ngã thế nào. Có thể ông đã ngất xỉu”, Marat, con trai của ông Perevetilov nói với New Zealand’s Stuff.
Perevetilov chỉ nhớ rằng khi ông có ý thức trở lại, thì đã thấy con tàu đã đi về bóng tối. Thủy thủ đoàn đã không phát hiện ra ông mất tích trong suốt 6 giờ.
Video đang HOT
Con tàu nhanh chóng phát thanh gọi cứu nạn. Máy bay của lực lượng Hải quân Pháp cũng được điều động tham gia tìm kiếm từ đảo Polynesia. Trong khi đó, cơ quan khí tượng Pháp tiến hành xác định hướng gió và dòng chảy để xác định hướng người gặp nạn trôi dạt trong trường hợp có thể xảy ra.
Ông Vidam Perevetilov ngã xuống biển từ tàu tiếp tế Silver Supporter tại đảo Pitcairn. Ảnh: Pitcairn Islands Tourism
Thủy thủ đoàn xác định Perevertilov vẫn có mặt trên tàu vào lúc 4 giờ sáng. Ông đã nộp báo cáo nhật ký vào thời gian đó. Vào thời điểm ông ngã xuống biển, tàu Silver Supporter cách quần đảo Austria ở cực nam Polynesia của Pháp khoảng 400 hải lý về phía nam.
Ở giữa đại dương, con tàu khuất tầm nhìn phía chân trời. Perevertilov chỉ nhìn thấy một đốm đen. Dù không chắc là gì, ông đã đưa ra quyết định bơi về phía đó. Đốm đen phía chân trời hóa ra là một chiếc phao đánh cá bỏ đi. Ông Perevertilov đã bám vào nó cho đến khi được tìm thấy vào khoảng 6 giờ chiều.
“Ý chí của Perevertilov rất mạnh mẽ. Ông ấy đã nói với tôi cho đến khi được cứu sống rằng ông đã phải vật lộn để giữ chiếc phao”, Marat nói với Stuff từ Lithuania.
Khi việc tìm kiếm vẫn đang được tiến hành, một thành viên thủy thủ đoàn trên tàu nghe thấy một giọng nói yếu ớt. Họ nhìn thấy một bàn tay đang chới với trên đại dương. Perevertilov được vớt lên khỏi mặt biển trong tình trạng kiệt sức nhưng không bị thương.
Bà Laura Clarke, Đại sứ Anh tại New Zealand, Thống đốc của đảo Pitcairn, nói với New Zealand Herald: “Tất cả chúng ta đều lo sợ điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với diện tích rộng lớn của Thái Bình Dương và dòng chảy xiết. Tìm thấy ông Perevetilov còn sống là điều đáng kinh ngạc”.
Marat, con trai của Perevetilov, nói với Stuff rằng, bố anh đã để lại chiếc phao đánh cá trên biển, thay vì giữ nó làm kỷ niệm. “Ông ấy nói muốn để nó ở đó, để nó có thể cứu mạng người khác”, Marat chia sẻ.
Đại sứ Việt Nam tái ứng cử vào Ủy ban Luật pháp Quốc tế
Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ gửi công hàm thông báo đại sứ Nguyễn Hồng Thao ứng cử lần hai vào Ủy ban Luật pháp Quốc tế (ILC) nhiệm kỳ 2023-2027.
Công hàm đã được gửi đến Liên Hợp Quốc và các quốc gia, chính thức khởi động chiến dịch vận động tái tranh cử của Việt Nam vào cơ quan pháp lý quan trọng của Liên Hợp Quốc, theo thông cáo hôm nay của Bộ Ngoại giao. Đại sứ Nguyễn Hồng Thao hiện là một trong 10 ứng viên khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Bầu cử ILC dự kiến diễn ra tháng 11/2021 tại New York, Mỹ. Ứng viên có số phiếu cao nhất trong những người đạt quá bán phiếu bầu của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sẽ được lựa chọn.
Đại sứ Nguyễn Hồng Thao. Ảnh: Bộ Ngoại giao .
Đại sứ Nguyễn Hồng Thao là nhà ngoại giao kỳ cựu với 40 năm hoạt động, đồng thời là chuyên gia trong lĩnh vực luật quốc tế. Ông tốt nghiệp tiến sỹ luật tại Trường Paris I, Đại học Sorbonne, Pháp và từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng như phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, trưởng đoàn đàm phán hiệp định biên giới với các nước láng giềng.
Đại sứ Thao cũng giữ vai trò cố vấn pháp lý cho các dự án luật quan trọng như Luật Biển, Luật Môi trường, và là thành viên sáng lập Hội Luật quốc tế Việt Nam (VSIL), Hội Luật quốc tế Châu Á (AsianSIL). Ông được phong đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Malaysia từ 2011 đến 2014 và tại Kuwait từ 2014 đến 2017. Đại sứ Nguyễn Hồng Thao hiện nghiên cứu và giảng dạy Luật quốc tế tại Học viện Ngoại giao.
Năm 2016, đại sứ trở thành người Việt Nam đầu tiên trúng cử thành viên ILC. Trong nhiệm kỳ 2017-2022, đại sứ chủ động thúc đẩy các kết quả nghiên cứu của ILC, tích cực tham gia thảo luận các chủ đề tại ủy ban.
Ông đóng góp không nhỏ vào báo cáo đầu tiên của Nhóm nghiên cứu chủ đề mực nước biển dâng và quan hệ với luật quốc tế trong năm 2020. Tháng 11/2020, cùng một số thành viên ILC, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao phát biểu tại hội thảo tổ chức trong khuôn khổ kỳ họp Ủy ban VI, Liên Hợp Quốc với chủ đề "Hệ quả pháp lý của dịch bệnh: đánh giá 10 tháng qua". Những ý kiến của đại sứ được đồng nghiệp, thành viên ILC đánh giá cao.
Ngoài các đóng góp giá trị về chuyên môn, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao đã phát huy vai trò kết nối, xây đắp quan hệ giữa các thành viên ILC. Đại sứ là diễn giả tại nhiều trường đại học cũng như hội thảo danh tiếng trong khu vực. Năm 2018, ông được ILC tín nhiệm bầu làm Phó chủ tịch thứ hai của Ủy ban Luật pháp quốc tế dịp kỷ niệm 70 năm thành lập cơ quan này.
Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC) được thành lập theo Nghị quyết số 174 (II) ngày 21/11/1947 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, có nhiệm vụ thúc đẩy quá trình pháp điển hóa và phát triển tiến bộ pháp luật quốc tế, thông qua việc nghiên cứu, thảo luận và đưa ra khuyến nghị. ILC là nơi sản sinh nhiều điều ước quốc tế có ý nghĩa quan trọng, trong đó tiêu biểu là Công ước Vienna năm 1969 về Điều ước quốc tế.
34 thành viên của ILC, hoạt động trong nhiệm kỳ 5 năm, được Đại hội đồng bầu từ danh sách ứng viên do các quốc gia đề cử. Cơ cấu thành viên ILC được phân bổ theo khu vực như sau: 8 ghế cho châu Phi, 7 ghế cho châu Á - Thái Bình Dương, 3 ghế cho Đông Âu, 6 ghế cho Mỹ La tinh và Caribbean, 8 ghế cho Tây Âu và các nước khác, 1 ghế cho châu Phi hoặc Đông Âu luân phiên nhau; và 1 ghế cho châu Á hoặc Mỹ Latinh và Caribbean luân phiên nhau.
Năm 2021, châu Á - Thái Bình Dương sẽ có 8 vị trí. Hiện các nước trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ... đã thông báo ứng cử.
Chiến hạm Mỹ lại đi qua eo biển Đài Loan Hải quân Mỹ điều khu trục hạm Curtis Wilbur đi qua eo biển Đài Loan, động thái khiến Trung Quốc chỉ trích dữ dội. "Khu trục hạm tên lửa dẫn đường USS Curtis Wilbur, thuộc lớp Arleigh Burke, ngày 24/2 đi qua eo biển Đài Loan theo luật quốc tế như thường lệ", Hạm đội 7 hải quân Mỹ cho biết trong thông...