Số phận những người bị bạch tạng ở Đông Phi
Tính mạng của nhiều người bị bạch tạng ở các quốc gia Đông Phi luôn bị đe dọa vì những người xung quanh nghĩ họ có tà thuật. Thi thể họ bị đem bán như một thứ bùa chú ở các thị trường chợ đen.
Dorothy Mausen, 22 tuổi, công dân Malawi bị bệnh bạch tạng – Ảnh: AFP
Daily Mail ngày 21.4 đưa tin về tình trạng tính mạng của những người bị bệnh bạch tạng ở Đông Phi đang bị đe dọa. Cụ thể, trong vòng 6 tháng, đã có 15 trường hợp người bị bạch tạng, hầu hết là trẻ em, bị giết, bắt cóc và cưỡng hiếp.
Sau khi bị giết, họ bị phanh thây và bán ra thị trường chợ đen, như một thứ tà thuật với mộng tưởng mang lại sự may mắn, tình yêu và sức khỏe. Các pháp sư sẵn sàng trả đến 75.000 USD cho một thi thể bạch tạng để phù phép, theo báo cáo của Hội Chữ thập đỏ thế giới.
Trước tình trạng này, chính phủ các nước Đông Phi như: Malawi, Tanzania, Burundi đã tích cực đưa ra những biện pháp mạnh nhằm bảo vệ những người bị bạch tạng vô tội.
Cụ thể, cảnh sát Malawi được phép bắn bất kỳ người nào có biểu hiện tấn công người bạch tạng. Thủ tướng Tanzania ra lệnh tử hình những người lưu giữ trái phép các bộ phận cơ thể của người bạch tạng trong người. Các trẻ em bạch tạng ở Burundi thì được ở nơi an toàn nhất, có sự bảo vệ nghiêm ngặt của cảnh sát.
“Chúng ta không thể nhìn những người bạn bạch tạng bị giết. Tất cả những kẻ vô nhân đạo phải bị trừng phạt”, người đứng đầu cơ quan cảnh sát Malawi, ông Lexen Kachama, tuyên bố, ngay sau trường hợp một thiếu niên bạch tạng 16 tuổi bị bóp cổ đến chết.
Bạch tạng là một hội chứng rối loạn bẩm sinh. Trên thế giới có khoảng 20.000 người mắc bệnh, trong đó phổ biến ở khu vực châu Phi, phía nam sa mạc Saharan.
Sau đây là một số hình ảnh về những người bị bạch tạng:
Video đang HOT
Catherine Amidu (12 tuổi), nơi em sống đã có 6 người bạch tạng bị giết hại – Ảnh: AFP
Femia Tchulani (42 tuổi), luôn sống trong nỗi lo sợ bị giết – Ảnh: AFP
Bé trai bạch tạng bên cha mẹ ở Malawi – Ảnh: AFP
Mainasi Issa (23 tuổi), đang được cảnh sát Malawi bảo vệ – Ảnh: AFP
Huỳnh Mai
Theo Thanhnien
Những đứa trẻ không số phận ở Nigeria
Hàng triệu trẻ em không có trường học, hàng ngàn những mảnh đời non trẻ rơi vào tay các tổ chức vũ trang cực đoan, và chúng gần như là những con người không số phận tại Nigeria...
Cuộc sống khốn khó của trẻ em đang là mối lo lớn tại Nigeria - Ảnh: Reuters
Ngày 25.3, BBC cho biết chính phủ Nigeria bác bỏ thông tin nói rằng nhóm phần tử cực đoan Boko Haram bắt cóc hơn 400 phụ nữ và trẻ em nước này. Dù đúng hay sai, không ai phủ nhận Boko Haram từ năm 2009 đến nay là vấn nạn bạo lực lớn nhất Nigeria. Đặc biệt với mục tiêu chống lối giáo dục phương Tây, trẻ em tại Nigeria đang là nạn nhân bi thương nhất của Boko Haram.
Đói kém, thất học và nô lệ
"Cha tôi đã già và đang thất nghiệp. Mẹ tôi làm nghề tết tóc, nhưng bà ấy kiếm không đủ tiền để lo cho chúng tôi", cậu bé 12 tuổi Bello Shehu nói với AFP. Shehu nằm trong số rất nhiều trẻ vị thành niên ở Nigeria phải bỏ học đi kiếm tiền lo cho cuộc sống.
Trên thực tế, Shehu hay các trẻ em khác muốn đi học cũng là một vấn đề lớn, bất chấp những bang như Borno đã có kế hoạch hỗ trợ phát đồng phục và giáo dục miễn phí. Đơn giản, các trường học ở Nigeria là mục tiêu tấn công phá hủy của Boko Haram.
Những đứa trẻ bỏ học mưu sinh tại Nigeria - Ảnh: AFP
Hoạt động với mục tiêu chống giáo dục kiểu phương tây, nhóm cực đoan này thường đánh bom vào trường học, bệnh viện, nhà cửa... Tính riêng bang Borno, 1.357 trường học đã bị tấn công và chỉ 400 trong số ấy được mở cửa trở lại từ chiến dịch tái xây dựng giáo dục của bang, theo AFP.
Hãng tin Pháp cũng dẫn số liệu của Liên Hiệp Quốc cho thấy 10,5 triệu trẻ em tại Nigeria không được đi học, con số cao nhất thế giới.
Hậu quả từ những gì Boko Haram mang lại là tình trạng trẻ em biến thành nô lệ. Bài viết của CNN hôm 24.3 mô tả thực trạng của những trại mồ côi tại Nigeria.
Trong dòng người trốn chạy khỏi khu vực bị Boko Haram kiểm soát, khu vực thị trấn Yola là nơi những "chủ trại" sẵn sàng bán trẻ em với giá 300 hay 500 USD, mức giá dành cho một bé gái 12 tuổi "có thể giữ trẻ em, quét dọn, lau chùi nhà cửa".
CNN cũng dẫn thông báo từ chính phủ Nigeria cho biết có khoảng 8 triệu trẻ em hiện tại đang lao động ở dạng cưỡng bức.
Những mầm họa đáng thương
Lạc lối trong xã hội quá nhiều hiểm nguy, trẻ em tại Nigeria vô tình cũng đối diện nguy cơ bị cuốn vào vòng xoáy phạm tội.
AFP ví những đứa trẻ ở Nigeria như những quả bom hẹn giờ, có thể bùng nổ bất cứ lúc nào nếu chúng sa vào con đường do Boko Haram tạo ra.
Chính phủ Nigeria, đang dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Goodluck Jonathan, có thể thực hiện rất nhiều chiến dịch truy quét Boko Haram, nhưng dường như bất lực trong việc đưa giáo dục trở lại với trẻ em.
"Nếu không có giải pháp nhanh chóng lúc này, trong 10 năm tới cuộc nổi dậy của Boko Haram sẽ là cuộc chơi của những đứa trẻ", Mohammed Dongel, người điều hành một ủy ban tái xây dựng trường tiểu học tại bang Borno nói.
Trẻ em tập trung tại một trại tị nạn trốn Boko Haram - Ảnh: AFP
"Những trẻ em không được giáo dục dễ bị tổn thương và dễ sa vào cạm bẫy tội ác. Nhiều trẻ em, thanh thiếu niên đang gia nhập Boko Haram vì thiếu hiểu biết, nghèo đói và thiếu giáo dục. Nếu không có giải pháp, chúng ta coi như đang ngồi trên một đống bom hẹn giờ", ông Dongel nói thêm.
Hoặc nghèo đói, hoặc gia nhập Boko Haram, hoặc bị bán làm nô lệ, rất nhiều đứa trẻ ở Nigeria gần như không còn cách nào khác để cứu lấy số phận của mình, đơn giản vì chúng vốn dĩ đã rơi vào một vòng xoáy, nơi số phận không còn nằm trong tay...
Nhật Đăng
Theo Thanhnien
Số phận những phụ nữ mất chồng vì Boko Haram Từ khi nhóm cực đoan Boko Haram nổi dậy chống chính quyền Nigeria vào năm 2009, đến nay đã có hơn 5.400 phụ nữ trở thành góa phụ vì chồng họ bị Boko Haram sát hại. Cuộc sống của những góa phụ này và con cái họ rơi vào cảnh cùng cực, theo Al Jazeera. Falmata Gana bên cạnh 2 người con -...