So cách ông Abe và Tập Cận Bình thâu tóm quyền lực
Tháng 9 này, Nhật Bản sẽ thay các vị trí quan trọng nội các, một trong những bước đi để Thủ tướng Shinzo Abe có sự tập trung quyền lực cao nhất.
Nội các Nhật “thay máu”
Ngày 20/7/2014, truyền thông Nhật Bản đưa thông tin được tiết lộ từ các quan chức của chính phủ nước này cho biết Thủ tướng Shinzo Abe sẽ thay thế trên 10 bộ trưởng trong số 18 bộ trưởng vào tháng 9 tới.
Cũng theo nguồn tin này, ông Shinzo Abe sẽ chỉ giữ lại các thành viên nội các chủ chốt bao gồm Bộ trưởng Tài chính kiêm Phó Thủ tướng Taro Aso Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga cũng như ông Akira Amari, Quốc vụ khanh phụ trách đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Shinzo Abe được cho rằng sẽ chỉ giữ lại một chức vụ trong 18 bộ trưởng cho đảng đối lập.
Tháng 9 này cũng là thời điểm mà Thủ tướng Nhật Bản công bố thêm một vị trí bộ trưởng mới phụ trách an ninh nhằm sửa đổi và giới thiệu các đạo luật liên quan cần thiết để thực hiện quyền phòng vệ tập thể cũng như các thay đổi trong Hiến pháp liên quan đến quân sự của quốc gia này.
Trước thông tin về việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thay đổi gần như toàn bộ thành phần nội các, nhiều nhà phân tích đã cho rằng nội các cũ của Thủ tưởng Nhật Bản đã không có được sự đồng thuận và ủng hộ triệt để cho các chính sách gần đây của ông, đặc biệt từ khi những sự thay đổi về Hiến pháp được Thủ tướng này thông qua.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe
Đặc biệt về chính sách Quyền phòng vệ tập thể, một bộ phận không nhỏ dân chúng Nhật Bản, đặc biệt là những người cao tuổi và trung niên, từng trải những kỷ niệm đau khổ về cái giá của chiến tranh với nước Nhật đều phản đối Thủ tướng Abe. Và đây cũng là thời cơ thuận lợi để đảng đối lập với Abe có cơ hội tranh thủ ảnh hưởng khi năm 2015, Thủ tướng Abe sẽ phải bước vào một cuộc tranh cử nhiệm kỳ mới.
Video đang HOT
Tuy nhiên, dựa vào việc thay đổi thành phần nội các này, Shinzo Abe đang muốn có được một sự ủng hộ tối đa nhằm đảm bảo chính sách của ông được thực hiện hoàn hảo, và cho được kết quả tốt đẹp sớm nhất. Nếu có kết quả tốt đẹp và nhanh chóng, Thủ tướng Nhật đã mang được quyền lợi về cho đất nước và đây là lá bùa có sức ảnh hưởng tốt nhất tới cử tri trong cuộc bầu cử sắp đến.
Ngoài ra, việc Thủ tướng Shinzo Abe bổ xung quyền lực cho mình bằng sự hậu thuẫn của một nội các thân tín cho thấy ông hoàn toàn tự tin vào kế hoạch tranh cử sắp tới và tin tưởng về tương lai của quyền lực của mình.
Cách làm của Tập Cận Bình
Trong khi Shinzo Abe đang cân nhắc cho những vị trí sắp tới trong nội các để củng cố uy tín của mình trong cuộc bầu cử tiếp theo thì tại Bắc Kinh, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đang miệt mài với công cuộc chống tham nhũng của mình.
Hàng loạt những tên tuổi lớn, những cây đa cây đề trong chính trường Trung Quốc bị đốn ngã trước lưỡi rìu chống tham nhũng của ông Tập. Những Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, và gần đây nhất là nguyên phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Từ Tài Hậu, bị khai trừ khỏi đảng vì tội tham nhũng.
Ông Chu Vĩnh Khang (bên trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Chủ tịch Trung Quốc cũng đã thành lập hàng loạt các ủy ban: từ ủy ban đặc trách về kiểm duyệt internet, đến ủy ban tài chính, hay ủy ban an ninh quốc gia… Tất cả nhũng ủy ban được hình thành từ một năm qua đều đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông ta.
Từ Tài Hậu là cái tên cho thấy Tập Cận Bình đanh phất ngọn cờ chống tham nhũng trong tất cả các lĩnh vực, kể cả quân đội Trung Quốc, vốn được cho là luôn trung thành với một Đảng Cộng sản duy nhất của quốc gia này.
Có thể thấy rằng chính giới Bắc Kinh đang lao vào một cuộc tranh đấu giành quyền lực hết sức căng thẳng, thậm chí là một mất một còn. Và Tập Cận Bình đang nỗ lực là xét xử những vây cánh của hai người tiền nhiệm là các ông Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào.
Ông Tập muốn rảnh tay hành động, thâu tóm toàn bộ quyền lực, mang về sức mạnh tập trung và mở ra một triều đại mới với cái giấc mơ Đại Trung Hoa do ông này khởi xướng, theo đuổi.
Tuy nhiên, vì sao Tập Cận Bình đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng đến như vậy? Phải nói rằng Tập Cận Bình khác hoàn toàn với những người lãnh đạo tiền nhiệm. Đặng Tiểu Bình đã từng theo chân lãnh tụ Mao Trạch Đông trong cuộc Vạn lý trường chinh. Và hai người tiền nhiệm của ông Tập là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đều được chỉ định để nối nghiệp.
Chủ tịch Tập Cận Bình quyết tâm đánh bằng hết các con hổ chính trị bằng cây gậy chống tham nhũng
Trong khi đó, ông Tập Cận Bình là vị chủ tịch Trung Quốc đầu tiên không được một nhân vật tên tuổi, lịch sử nào chống lưng. Không biết đã có những thỏa thuận, mặc cả gì trong lòng nội bộ Trung Quốc khiến cho Tập Cận Bình có thể nắm quyền? Không ai biết vì sao ông ta được chọn để lãnh đạo đất nước? Nhưng chính những lý do đó khiến Tập Cận Bình luôn cảm thấy bất an.
Quân đội Trung Quốc luôn trung thành với Đảng Cộng sản, nhưng tầm ảnh hưởng của Tập Cận Bình chưa chắc đã bằng được những tướng lĩnh thân cận của các nhà lãnh đạo cũ. Có thể cho rằng đây là một trong những nguyên nhân khiến ông Tập cảm thấy lo lắng và buộc phải tiên hạ thủ vi cường, dẹp hết các mối họa để quyền lực được thâu tóm triệt để.
Như vậy, Tập Cận Bình thực sự đang lợi dụng chiêu bài chống tham nhũng để đạt được hai mục đích: Tô vẽ hình tượng trong mắt nhân dân Trung Quốc và thâu tóm quyền lực về tay mình.
Đối lập Abe – Tập Cận Bình
Có thể thấy rằng ông Tập Cận Bình phải đi đường vòng nhằm thâu tóm quyền lực, không như cách làm của Thủ tướng Shinzo Abe là công khai thay đổi nội các, công khai tống cựu nghênh tân để mình có quyền lực cao nhất. Chính quyền Nhật Bản cần một sự đồng thuận để mang lại lợi ích cho quốc gia.
Biếm họa thể hiện mối quan hệ giữa Trung – Nhật – Mỹ hiện nay
Và Shinzo Abe được quyền làm điều đó. Quốc gia càng có nhiều lợi ích, thời gian tại vị của Abe càng kéo dài, đồng nghĩa với việc quyền lực ngày càng ở lại lâu dài với nguyên thủ này.
Trong khi đó, động cơ để ông Tập phải lòng vòng tiêu diệt từng đối thủ một nếu xét về lợi ích đất nước chỉ là thứ yếu, còn quan trọng nhất là giúp cho Tập Cận Bình có sức mạnh duy nhất, quyền lực cao nhất trong nội bộ Đảng Cộng sản. Tham vọng quyền lực và tranh giành quyền lực là nguyên do khiến cả Trung Quốc phải sôi sục trong không khí chống tham nhũng.
Hiện nay, nhiều quan chức cấp cao của Trung Quốc không dám thông qua các dự án lớn vì sợ bị điều tra. Nhiều quan chức xin về hưu sớm, nhiều người đã tự tử.
Điều này khiến ta nhớ lại một Trung Quốc thời các triều đại phong kiến, khi các tập đoàn quyền lực trong triều đình phân tranh, phe yếu thế thường lựa chọn hai hình thức, hoặc cáo quan ở ẩn, hoặc tìm cho mình một dải lụa trắng.
Theo Đất Việt