Sinh viên năm cuối mong trở lại trường
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp làm gián đoạn quá trình học và thực tập của sinh viên năm cuối.
Những bạn trẻ này mong dịch sớm kết thúc để hoàn thành chương trình học.
Về quê gần 7 tháng nay, Lê Thị Mai, sinh viên năm thứ tư ngành An toàn Thông tin, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, cho biết nữ sinh đã chọn hình thức thực tập online trong khoảng thời gian cuối năm thay vì chờ đợi dịch ổn định để đến doanh nghiệp.
Đăng ký thực tập được một thời gian, Mai lại lo lắng vì còn môn thực hành cần phải trở lại trường để hoàn thành.
“Tôi mong nhà trường sớm thông báo lịch đi học trở lại. Tôi là sinh viên năm cuối nên cần va chạm thực tế nhiều, nếu tiếp tục học online sẽ không ổn”, Mai nói.
Lê Thị Mai mong được trở lại trường để hoàn thành các môn thực hành. Ảnh: NVCC.
Thực tập gián đoạn vì dịch
Cùng là sinh viên năm cuối, Nguyễn Thị Xuân theo học ngành Du lịch, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), hiểu rõ dịch bệnh ảnh hưởng như thế nào đến quá trình thực tập. Chuyên ngành của Xuân là Quản trị Nhà hàng và Khách sạn với 2 đợt thực tập trực tiếp.
Đợt thực tập đầu tiên của nữ sinh bắt đầu từ ngày 4/5 đến 4/7. Tuy nhiên, do dịch bệnh bùng phát vào giữa tháng 5, Xuân phải tạm dừng và làm các bài tập chuyên đề trong khoảng thời gian còn lại để báo cáo kết thúc thực tập.
Ban đầu, cô nghĩ đợt bùng phát dịch này chỉ kéo dài một số tháng và có thể tham gia đợt thực tập thứ hai từ ngày 1/10 đến 31/12. Tuy nhiên, dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn nên nữ sinh này phải tạm gác đợt thực tập thứ hai.
Dù đã hoàn thành tất cả môn học, việc chưa thể thực tập làm Xuân lo lắng. Những kiến thức từ thực tế đóng vai trò quan trọng không kém lý thuyết ở trường. Vì vậy, Xuân cân nhắc quay lại thành phố sau Tết để thực tập.
Nguyễn Huyền Trang, sinh viên ngành Công nghệ Thông tin, ĐH Nông Lâm TP.HCM, lại gặp khó khăn khi đăng ký thực tập vì không thể đến địa điểm phỏng vấn của doanh nghiệp do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Vì đã hoàn thành gần xong chương trình học, Huyền Trang dự định chuyển thực tập sang học kỳ sau.
Nguyễn Thị Xuân dự tính thực tập vào đầu năm sau khi dịch bệnh bớt phức tạp. Ảnh: NVCC.
Hy vọng dịch bệnh sớm kết thúc
Video đang HOT
Chia sẻ với Zing, Huyền Trang cho biết cô còn thiếu 7 tín chỉ là hoàn thành chương trình học. Khi biết học sinh lớp 9 và 12 ở TP.HCM đi học trực tiếp, nữ sinh nhận định đây là tín hiệu đáng mừng để sinh viên năm cuối có thể hy vọng được trở lại trường.
Từ khi dịch bắt đầu bùng phát trở lại, Lê Thị Hà Trang, sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, ĐH Ngân hàng TP.HCM, đã về quê, tiếp tục hoàn thành chương trình học ở trường qua hình thức trực tuyến. Dịch bệnh kéo dài 7 tháng, Hà Trang không thể trở lại thành phố và lỡ mất kỳ thực tập.
Gần đây, khi khoa thông báo về kỳ thực tập mới, nữ sinh này lại băn khoăn, không dám đăng ký vì thời gian thực tập cận Tết và dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.
Không để thời gian “chết”, Trang đăng ký khóa học mới về nghiệp vụ online để có thêm kiến thức và kinh nghiệm. Nữ sinh hy vọng dịch sẽ ổn định và tháng một năm sau cô có thể trở lại thành phố để thực tập.
“Tôi mong dịch sẽ sớm qua, TP.HCM trở về cuộc sống bình thường và tôi có thể hoàn thành tốt kỳ thực tập của mình”, Hà Trang nói.
Giờ học thực hành của sinh viên khoa Thú y – Chăn nuôi sau khi quay trở lại học tập tại ĐH HUTECH. Ảnh minh họa: ĐH HUTECH.
Trước thực trạng nhiều sinh viên năm cuối gián đoạn thực tập vì dịch, trường học của Hà Trang đã cho phép sinh viên lựa chọn hình thức online.
ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) linh hoạt để sinh viên năm cuối tiến hành thực tập tại địa phương hoặc TP.HCM.
“Các khoa liên lạc với sinh viên để chủ động về kế hoạch thực tập. Sinh viên có thể thực tập ở địa phương đang sinh sống nhưng vẫn có giảng viên hướng dẫn trực tuyến hoặc chủ động quay trở lại thành phố để thực tập khi cơ quan đăng ký đồng ý”, TS Phạm Tấn Hạ – Phó hiệu trưởng ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), nói.
Với sự linh động này, lớp học của Xuân ở khoa Du lịch, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã có hơn 20 sinh viên đăng ký thực tập trong tháng 12. Những bạn chưa muốn đăng ký đi thực tập hoặc tình hình dịch bệnh ở địa phương còn phức tạp giống Xuân có thể đăng ký vào đầu năm sau.
Từ ngày 1/11, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cho phép sinh viên đăng ký sử dụng phòng thí nghiệm thực hành trở lại học trực tiếp. Những sinh viên này đều tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc là F0 khỏi bệnh trong 6 tháng.
Nhà trường dự kiến trong tháng 12 cho phép sinh viên các khóa trở lại trường học trực tiếp, đảm bảo nguyên tắc 5K. Nhận thông báo này, Mai hy vọng sẽ có thể trở lại trường để hoàn tất chương trình học còn lại của bản thân.
Hiện tại, một số trường đại học ở TP.HCM thông báo cho sinh viên quay trở lại học trực tiếp là ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH), ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, ĐH Y dược TP.HCM, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM.
Sinh viên ở TP.HCM chật vật vì phải thực tập online trong mùa dịch
Với sinh viên, kỳ thực tập là cơ hội để tích lũy kinh nghiệm và chuẩn bị cho công việc tương lai. Tuy nhiên, khá nhiều bạn trẻ gặp bất cập khi phải làm việc từ xa trong mùa dịch.
Suốt một tháng nay, Xuân Linh (22 tuổi, quận Tân Phú, TP.HCM) luôn trong tình trạng lo lắng vì kế hoạch học tập, công việc bị xáo trộn.
Từ khi dịch Covid-19 lan rộng, nhiều công ty, cơ quan cho nhân viên tạm nghỉ và chuyển sang hình thức "work from home" (tạm dịch: làm việc tại nhà), trong đó có nơi Linh đang thực tập.
Cô gái 22 tuổi cho biết khối lượng công việc không thay đổi nhưng cô dần mất động lực và thiếu liên kết với các anh chị đồng nghiệp mới.
"Mới đi làm, chưa được chỉ bảo nhiều đã phải ở nhà. Nếu chỉ nhắn tin qua mạng thì cũng không biết đối phương đang có phản ứng gì. Mọi người giao việc và hướng dẫn qua mạng cũng tốn nhiều thời gian hơn. Chưa kể, mình không có thời gian làm quen để tạo mối quan hệ với mọi người", Linh nói với Zing.
Không chỉ riêng Linh, câu chuyện kỳ thực tập bị ảnh hưởng là nỗi lòng chung của các sinh viên năm cuối. Do dịch, việc học của họ cũng bị đảo lộn ít nhiều, làm chậm tiến độ tốt nghiệp. Một số khác vẫn đang cảm thấy mông lung với định hướng sau khi ra trường.
Nhiều sinh viên chán nản khi không thể làm việc tại văn phòng. Ảnh: Phương Thảo .
Kỳ thực tập bị xáo trộn
Theo Xuân Linh, khó khăn lớn nhất khi "work from home" là bị chi phối bởi những thứ xung quanh, dẫn đến việc mất tập trung. Ngoài ra, do thời gian quá linh hoạt nên đôi khi không có sự ngăn cách rõ rệt giữa công việc và cuộc sống.
Vì dịch, nhiều công ty quyết định không tuyển thực tập sinh nữa. Những nơi đã gọi điện đặt lịch phỏng vấn trước đó đều bị hủy đột ngột.
"Sau nhiều ngày chờ đợi, mình cũng thấy chán nản vì không nhận được thư hồi âm. Việc kỳ thực tập bị chậm trễ sẽ khiến lịch học của mình phải đổi lại. Nếu không may, có thể đến tận 2 năm nữa mình mới có thể tốt nghiệp", Linh bày tỏ.
Cùng chung cảnh ngộ với Xuân Linh, Minh Hằng, sinh viên năm cuối trường ĐH Sư Phạm TP.HCM, cũng lo lắng khi bị hoãn kỳ thực tập. Nữ sinh đã nộp hồ sơ ở 3 nơi với vị trí Marketing. Tuy nhiên, sau vài lần phỏng vấn trực tuyến, Hằng vẫn chưa tìm được nơi "hạ cánh" ưng ý.
"Mình muốn tìm chỗ thực tập để tích lũy thêm kinh nghiệm thực tiễn cho tương lai. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại thì dù có được nhận, mình cũng phải làm việc tại nhà. Sự tương tác với sếp và đồng nghiệp cũng ít đi. Mình thấy như vậy không học được nhiều lắm", Hằng cho hay.
Trong thời gian sắp tới, Hằng định sẽ nhờ khoa hỗ trợ tìm doanh nghiệp thực tập hoặc chờ đến năm sau khi tình hình dịch Covid-19 khởi sắc hơn.
Nhiều bạn trẻ khá khó khăn để tìm được một chỗ thực tập trong đại dịch. Ảnh: Phương Thảo.
Thanh Trúc (22 tuổi, quận Bình Tân, TP.HCM) may mắn tìm được nơi thực tập trong công ty tài chính trước khi giãn cách xã hội. Vì khối lượng công việc dày đặc, mỗi ngày, cô phải tham gia từ 1-2 cuộc họp trực tuyến. Kể cả tiến độ cũng phải báo cáo hàng ngày thông qua nền tảng riêng của công ty.
Không có PC (máy tính bàn) hỗ trợ như thường ngày, Trúc phải làm việc bằng 2 laptop cá nhân vì các file khá nặng.
"Thời gian mỗi ca vẫn như cũ cộng với việc phải xử lý lỗi, cập nhật thường xuyên nên mình không bị sao nhãng lắm. Chỉ khác lúc trước là khi cần giúp vấn đề gì, thay vì hỏi trực tiếp thì giờ phải gọi cho sếp", Trúc chia sẻ.
Nữ sinh tiết lộ để không bị "chồng chéo" cuộc sống và công việc, cô đã lập thời gian biểu chi tiết cho từng khung giờ trong ngày. Ngoài ra, Trúc và mọi người trong team cùng thảo luận để thống nhất cách làm việc chung, tránh xảy ra trường hợp mất lòng nhau.
Từ lúc đi thực tập đến nay, Trúc đã học thêm một số kỹ năng mềm như kiểm soát tâm lý, giải quyết tình huống trong công việc một cách tốt hơn. Bên cạnh đó, nữ sinh cũng tiếp thu khá nhiều kiến thức thực tế trong ngành tài chính để áp dụng cho sau này.
Thích nghi với hoàn cảnh
Thực tập không phải là câu chuyện riêng của các sinh viên sắp ra trường. Ngày nay, nhiều bạn trẻ chọn đi thực tập sớm từ năm nhất, năm hai với mong muốn học hỏi kiến thức, kỹ năng cũng như tích lũy kinh nghiệm cho hồ sơ của mình.
Thành Trung (20 tuổi) bắt đầu thực tập tại phòng nghiên cứu thị trường của một tổ chức quốc tế vào đầu học kỳ 2 tại Học viện Ngoại giao (Hà Nội). Khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, Trung vừa làm việc tại nhà vừa ôn thi cuối kỳ.
Chia sẻ với Zing , Trung cho biết làm việc từ xa giúp cậu tiết kiệm nhiều thời gian di chuyển và thoải mái hơn về tinh thần. Tuy vậy, không gian ở nhà khiến hiệu suất công việc cũng giảm hẳn.
"Nhiều khi, mình nhắn tin với nhóm làm việc mà tiện tay trả lời tin nhắn bạn bè nên bị sao nhãng. Không gian cũng thoải mái quá nên cảm giác hơi chây lười", Trung bày tỏ.
Trung nói thêm làm việc ở nhà khiến guồng công việc chậm hơn bởi không phải lúc nào mọi người cũng có thể túc trực bên máy tính, điện thoại.
Khi được hỏi về cách khắc phục những bất cập này, Trung bộc bạch: "Thật ra thì không có cách nào để giải quyết những khó khăn hiện tại. Văn phòng đều mong được quay lại làm việc trực tiếp để thay đổi tình trạng chung".
Nhiều sinh viên chấp nhận làm việc tại nhà trong khi số khác quyết định dời thời gian thực tập để kiếm cơ hội tốt hơn. Ảnh: CNBC.
Tuy trước đây từng làm nhiều công việc trực tuyến bên ngoài, Ngọc Anh (20 tuổi, sinh viên năm nhất Đại học Fulbright) vẫn khá thất vọng khi dịch Covid-19 lan rộng tại TP.HCM, khiến cô không thể đi làm ở cơ quan trong kỳ thực tập lần này.
Hiện, Ngọc Anh là thực tập sinh nghiên cứu thị trường tại một công ty quảng cáo. Cô chia sẻ làm việc từ xa tốn thời gian hơn dù khối lượng công việc giữ nguyên. Quá trình xử lý tài liệu khá bất cập khi dùng nền tảng trực tuyến, phải gửi qua lại nhiều lần giữa các bên liên quan.
Bên cạnh đó, việc hạn chế tương tác khi làm việc cũng gây áp lực cho Ngọc Anh. Là một người mới, nữ sinh muốn được kết thân với mọi người và hòa nhập vào môi trường công sở.
"Ở ngoài đời, mình có thể nói chuyện với sếp và các đồng nghiệp thoải mái hơn. Mọi người cũng thân thiện hơn nữa. Trao đổi trực tuyến thì chỉ toàn tin nhắn công việc rất dài, khiến mình áp lực hơn", Ngọc Anh nói với Zing.
Dù có những khó khăn, các bạn trẻ đã làm quen với việc học và làm trực tuyến từ đợt dịch năm ngoái. Do vậy, những gì học được về kiến thức và kỹ năng trong kỳ thực tập không bị suy giảm mà còn vượt ngoài mong đợi.
Tuy nhiên, ai cũng hy vọng đợt dịch này sẽ sớm qua đi để có thể trở lại làm việc trực tiếp.
"Làm việc ở nhà thì không phải dậy sớm, trang điểm rồi chịu cảnh kẹt xe buổi sáng nhưng mình vẫn muốn được trải nghiệm không khí văn phòng hơn", Ngọc Anh kết luận.
Trường ĐH từng bước mở cửa đón sinh viên Các trường ĐH tại TP HCM đang lên kế hoạch để đón sinh viên trở lại học tập trung, ưu tiên sinh viên năm cuối đã tiêm đủ liều vắc-xin Từ hôm nay, 25-10, khoảng 70 sinh viên đầu tiên thuộc 3 khoa của Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM đến trường để học thực hành, làm đồ án, khóa luận...