Sinh viên Mỹ muốn bỏ nghề giáo vì ngán ngẩm đại dịch
Chán nản vì đại dịch kéo dài và những hạn chế trong chương trình đào tạo, nhiều người trẻ tại xứ cờ hoa suy nghĩ lại về việc theo đuổi nghề sư phạm.
Kianna Ameni-Melvin (21 tuổi) không ít lần nghe lời than vãn của bố mẹ về mức lương eo hẹp của nghề giáo viên. Vì yêu nghề, cô gái trẻ vẫn quyết tâm đăng ký vào một chương trình đào tạo sư phạm ở Đại học Towson (bang Maryland, Mỹ). Cô dự định dạy giáo dục đặc biệt cho bậc trung học.
Khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, trường học đóng cửa, Ameni-Melvin đành phải ở nhà với người em song sinh của mình.
Vì mắc chứng tự kỷ, em trai của Ameni-Melvin gặp nhiều khó khăn khi học trực tuyến. Nữ sinh bắt đầu tự hỏi về mức thu nhập thấp sẽ ảnh hưởng thế nào đến việc giảng dạy trong mùa dịch.
Mức lương trung bình đối với giáo viên trường công ở Mỹ dao động khoảng 61.000 USD/năm, theo New York Times.
Nhiều trường học tại Mỹ chuyển sang hình thức dạy online khi dịch bùng nổ. Ảnh: New York Times.
Một số người bạn của Ameni-Melvin đã quyết định chuyển ngành. Cô bắt đầu tìm hiểu ngành khác có yêu cầu những kỹ năng phù hợp với năng lực của bản thân, chẳng hạn như quản trị nguồn nhân lực.
“Tôi cũng không muốn rời bỏ đam mê của mình chỉ vì mức lương”, cô gái 21 tuổi tâm sự.
Không muốn chọn ngành sư phạm
Giáo dục là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Khi các trường học, khu học chánh đóng cửa, nhiều giáo viên lo lắng về sức khỏe của họ và cách duy trì công việc hiệu quả.
Đối với những sinh viên đang cân nhắc chọn ngành trong thời gian này, tình hình hiện tại khiến họ nản chí khi đăng ký vào nghề giáo. Theo New York Times , số lượng tuyển sinh ở khối này tại xứ cờ hoa đã giảm đáng kể.
Một cuộc khảo sát của Hiệp hội các trường Cao đẳng Sư phạm Mỹ cho thấy 19% chương trình giảng dạy ở bậc đại học và 11% sau đại học đã giảm mạnh trong năm nay.
Tổ chức Teach for America, đơn vị tuyển dụng sinh viên vừa tốt nghiệp vào dạy cho các trường có học phí thấp, cho biết họ nhận được ít đơn đăng ký hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Video đang HOT
Với nhiều người trẻ, họ sợ nghề mình chọn sẽ kéo theo rủi ro gia tăng. Ảnh: The Conversation.
Đại diện của tổ chức này tin rằng số lượng học sinh giảm cùng với sự thất vọng lâu dài về mức lương đã dẫn đến tình trạng này.
Nhiều người hy vọng tình hình sẽ được cải thiện khi vaccine Covid-19 được triển khai rộng rãi và trường học hoạt động trở lại.
Tuy nhiên, những thách thức trong việc tuyển dụng và duy trì nguồn giáo viên cũng là vấn đề đáng quan tâm. Số lượng bằng cấp sư phạm do các trường cao đẳng và đại học Mỹ chứng nhận đã giảm 22% từ năm 2006-2019. Điều này làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu giáo viên trong tương lai.
Nicole Blagsvedt, sinh viên chuyên ngành giáo dục tại Đại học Wisconsin-La Crosse, lo lắng khi bắt đầu khóa đào tạo nghiệp vụ tại một trường công lập địa phương. Sau nhiều tháng chỉ gặp bạn bè cùng phòng, cô cảm thấy căng thẳng khi kiểm soát lớp học chỉ toàn học sinh lớp 4, lớp 5.
Nhiệm vụ của Blagsvedt là khử trùng đồ chơi, nhắc nhở đeo khẩu trang, làm sạch chai nước mà học sinh mang đến trường.
“Sự hoảng sợ hiện lên rõ ràng trong tâm trí tôi”, nữ sinh chia sẻ.
Chán nản vì dịch bệnh, học online
David J. Chard, trưởng khoa Giáo dục và Phát triển Con người tại Đại học Boston, nói: “Mọi người đang cân nhắc xem việc đến lớp học có còn hợp lý hay không khi những lựa chọn thay thế có vẻ an toàn hơn”.
Với nhiều sinh viên, những thách thức đặt ra bởi việc giảng dạy từ xa hoàn toàn khác với tưởng tượng của họ. Thay vì được nắm tay học sinh, làm quen với các em, hiện tại, họ chỉ có thể nhìn thấy những “thiên thần nhỏ” qua Zoom.
Trong một số trường hợp, giảng dạy từ xa đã tước đi cơ hội đào tạo của sinh viên sư phạm. Tại Đại học bang Portland ở Oregon, một số sinh viên không hề biết về thông tin lớp học khi trường dạy online.
Những người khác chỉ được cấp quyền truy cập hạn chế vào các tài liệu và lịch sử học tập vì lo ngại về vấn đề riêng tư.
Marvin Lynn, hiệu trưởng của trường Đại học Sư phạm Mỹ, cho rằng số đơn đăng ký giảm có thể do sinh viên lo ngại những khó khăn trong việc đào tạo vào mùa Covid-19.
Theo bà Lynn, trước đại dịch, việc tuyển dụng cũng đã rất chật vật. Những năm gần đây, khoảng 8% giáo viên công lập đã nghỉ hưu.
Các cuộc khảo sát trên toàn quốc về nghề giáo đã chỉ ra mức lương thấp và điều kiện làm việc tệ là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực.
Trong một nghiên cứu của RAND Corporation, 1/4 số người được hỏi nói rằng họ có khả năng rời bỏ nghề giáo trước khi kết thúc năm học. Gần một nửa số giáo viên trường công đã ngừng giảng dạy sau tháng 3/2020.
Không ít giáo viên chật vật trong việc giảng dạy vì dịch. Ảnh: AP.
Miguel A. Cardona, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Mỹ, đã kêu gọi sự giúp đỡ tài chính để mở lại các trường học một cách an toàn. Động thái này nhằm giúp các trường thu hút nhiều nhân sự hơn để họ có thể thu nhỏ lớp học của mình. Tổng thống Joe Biden đã phê duyệt gói hỗ trợ 129 tỷ USD cho các trường K-12.
Nhờ sự điều chỉnh hợp lý, nhiều trường có đào tạo sư phạm đã ghi nhận tín hiệu đáng mừng. Số đơn ghi danh vào Đại học bang California ở Long Beach đã tăng 15% trong năm nay.
Marquita Grenot-Scheyer, phó hiệu trưởng trường, cho rằng điều này là do Thống đốc Gavin Newsom tạm thời cho phép các ứng viên đăng ký chương trình chuẩn bị mà không cần đáp ứng yêu cầu kỹ năng cơ bản vì tình trạng thiếu giáo viên.
Sau thời gian dài cân nhắc, Ameni-Melvin quyết định tiếp tục gắn bó với sự nghiệp giáo dục.
Maria Ízunza Barba (19 tuổi) cũng gác lại những nghi ngờ của mình để nộp đơn vào trường Cao đẳng Giáo dục Wheelock thuộc Đại học Boston. Trước đó, cô nhiều lần đắn đo về việc chuyển qua ngành luật khi chứng kiến cha mẹ mình – cả hai đều là giáo viên – chật vật với lớp học trực tuyến.
Cô đã giúp họ về sử dụng các thiết bị công nghệ để công việc suôn sẻ hơn. Barba cảm nhận được sự yêu nghề của mẹ khi nhìn thấy bà làm nhiều cách để thu hút sự chú ý của học sinh.
“Nhìn thấy mẹ làm cho các học trò cười khiến tôi nhận ra rằng một giáo viên có thể tác động đến ai đó nhiều thế nào. Tôi được truyền cảm hứng bởi điều đó”, Barba bày tỏ.
Hiệu trưởng trường sư phạm: 'Dạy học không thuần túy chỉ là làm công ăn lương'
Tại lễ kỷ niệm 38 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam diễn ra sáng 20/11, GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã chia sẻ những tâm tư, nhắn nhủ về nghề giáo đến các sinh viên, giảng viên.
GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ tại buổi lễ.
GS Nguyễn Văn Minh cho hay, đã đi theo nghề giáo thì xác định dạy học là một thiên chức đạo đức cao quý.
Song, dù thiên chức cao quý nhưng cũng lắm gian nan, và nhà giáo phải đối diện với nhiều thứ, nhiều chiều.
"Trong quan niệm xã hội có lúc chưa thật tích cực khi nhìn nhận về giáo dục, về học vấn và hệ quả là lăng kính về người thầy không như những gì thật cao đẹp. Cũng có lúc một bộ phận đánh đồng việc dạy học với kiếm sống thông thường. Hãy nhớ rằng nó không chỉ là một nghề thuần túy. Nếu như vậy, chắc chẳng có ai nguyện dành tuổi thanh xuân của mình cho trẻ nơi vùng biên ải, núi rừng, hải đảo", thầy Minh nói.
Theo GS Minh, dạy học là thiên hướng, là tạo dựng tương lai chứ không thuần túy chỉ là làm công ăn lương.
GS Minh cho rằng, những gì đang diễn ra trong lớp học, trên giảng đường hôm nay, dù có ít ỏi chăng nữa vẫn mang tính quyết định, định hình xã hội ngày mai.
"Không thể chối cãi rằng, đất nước nào đầu tư đúng mức cho giáo dục, người thầy được tôn trọng thì không chỉ tiến bộ trong hiện tại mà đó là nền tảng cho phát triển của tương lai. Nơi nào người thầy được tôn trọng thì ở đó xã hội văn minh. Sự bền vững muôn đời của một đất nước là từ giáo dục và cách giáo dục".
Theo thầy Minh, giáo dục, nhất là giáo dục phổ thông cần có quan niệm đúng đắn: "Đừng để cho giáo dục chuyển một nền học vấn sang tìm kiếm việc làm một cách thuần túy. Đừng để kiến thức trở thành hàng hóa, một sản phẩm để mua bán và sử dụng. Sự tầm thường hóa này sẽ dẫn đến quan niệm lệch lạc về người thầy, về những chuẩn mực chân chính của xã hội và là gốc rễ của những suy đồi trong đạo đức. Đừng quá coi trọng kỹ năng mà quên rằng giáo dục để mỗi người tự soi sáng bản thân để tiến bộ. Nếu chỉ nhăm nhăm tập trung đào tạo nghề nghiệp để mỗi người không biết gì ngoài địa hạt của mình thì quả thật thiếu sót".
Ông Minh nhìn nhận, giáo dục đang đổi mới và đòi hỏi rất nhiều, do đó trọng trách lớn lao đặt ra với cả thầy và trò trường sư phạm.
Muốn vượt qua, ông Minh cho rằng nhà trường phải thay đổi: "Phải tạo bước chuyển căn bản trong nhận thức về người thầy. Không thể áp những quy chuẩn hành chính thông thường đối với thầy cô mà phải coi đây là lao động đặc biệt". Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, ông Minh cũng nhắn nhủ tới các giảng viên và sinh viên sư phạm, trong mọi hoàn cảnh, hãy giữ tâm sáng, chí bền và hành động chân chính. "Vì rằng, ai sẽ là người làm thay đổi nền giáo dục, nếu không phải bắt đầu từ chúng ta", ông Minh nói.
Tại buổi lễ, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng tổ chức trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các nhà giáo xuất sắc.
Các cá nhân xuất sắc được nhận giấy khen của hiệu trưởng nhà trường.
Hà Nội tuyên dương 170 học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu Chiều 29-11, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (thị xã Sơn Tây), Ban Dân tộc thành phố Hà Nội phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Thành đoàn Hà Nội tổ chức lễ tuyên dương khen thưởng học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số Thủ đô xuất sắc, tiêu biểu năm học 2019-2020. Học...