Siêu thị điện máy giảm giá ảo ngày Black Friday
Trên website một siêu thị điện máy, một mẫu TV OLED giảm giá hơn 40%, còn 35 triệu đồng, nhưng mua ở nơi khác chỉ hơn 20 triệu đồng.
Nguyễn Minh Tiến, nhân viên văn phòng tại TP HCM, nhấp vào một mẫu quảng cáo giảm giá 50% thiết bị điện tử của một hệ thống điện máy lớn ngày Black Friday. Anh lập tức bị thu hút bởi chiếc TV OLED đang được giảm giá còn nửa giá gốc. Tiến lên Google, tìm thông tin về sản phẩm và bắt đầu hoang mang trong “mê trận” giá. Giá niêm yết của nhà sản xuất là gần 60 triệu đồng, nhưng mỗi siêu thị điện máy lại giảm giá một cách khác nhau.
Mẫu TV Oled được giảm giá còn 35 triệu đồng và giảm thêm 15% nếu thanh toán trong ngày Black Friday.
Sau khi tìm hiểu và so sánh, Tiến rút ra một “công thức” về cách các cửa hàng treo giá khuyến mãi. Ví dụ, chiếc TV sẽ được giảm giá khoảng 35% nếu cửa hàng bán với giá 45 triệu đồng. Một cửa hàng khác có thể giảm đến 50% nhưng giá niêm yết của sản phẩm lại là 60 triệu đồng. “Có nghĩa, họ sẽ đẩy giá gốc của sản phẩm lên cao, sau đó giảm giá thật mạnh”, Tiến nói.
Sau khi so sánh “giá Black Friday” của ba siêu thị điện máy lớn, Tiến ước chừng giá của mẫu TV mình đang tìm khoảng 35 – 40 triệu đồng. Anh quyết định ra vài cửa hàng nhỏ hơn để kiểm tra lại lần nữa. Một cửa hàng nhỏ lại đang chào bán đúng model anh tìm nhưng giá hơn 20 triệu đồng, bảo hành chính hãng, nguyên tem chưa bóc thùng – rẻ hơn ở siêu thị hơn 10 triệu đồng. “Nếu không so sánh kỹ giá và chạy đi nhiều nơi kiểm tra, có lẽ mình đã ‘lỗ’ cả chục triệu đồng bởi ‘tham’ giảm giá”, anh nói.
Tương tự, mẫu máy giặt lồng đứng 3,5 kg được giảm giá đến 59% trên website một hệ thống siêu thị lớn, xuống còn 6,1 triệu đồng. Tuy nhiên, từ vài tháng trước, khách hàng đã có thể dễ dàng tìm mua model này với giá 6 triệu đồng tại các cửa hàng bán lẻ mà không cần phải chờ đến ngày Black Friday. Giá gốc 14,9 triệu đồng mà hệ thống niêm yết là giá đề nghị của nhà sản xuất khi sản phẩm mới ra mắt, cách đây nửa năm. Khi ra thị trường, qua vài lần điều chỉnh giá, model này đã rẻ hơn phân nửa. Như vậy, mặc dù đã giảm 59%, giá mẫu máy giặt này vẫn được bán bằng ngày thường.
Nhiều mặt hàng công nghệ khác, như tủ lạnh, điều hoà và thậm chí điện thoại, cũng được treo giá “ảo” tương tự mẫu TV và máy giặt nói trên.
Video đang HOT
Theo Ngọc Can, một người buôn đồ điện tử lâu năm trên đường Nhật Tảo, nếu mua sắm trong những đợt giảm giá, người mua nên tỉnh táo kiểm tra hai tiêu chí. Đầu tiên, đây là hàng mới hay hàng tồn kho, trưng bày. Tiếp theo, tìm hiểu và so sánh giá thực tế trên thị trường của sản phẩm với giá đã giảm của siêu thị điện máy. “Nhiều nơi họ lấy giá gốc ban đầu tăng lên rồi lại giảm mạnh theo phần trăm để thu hút người tiêu dùng”, anh Can nói.
Không chỉ ở Việt Nam, nạn treo “giá ảo” trong ngày Black Friday còn diễn ra ở cả các nước phương Tây. Tờ The Wall Street Journal dẫn chứng, khoảng 1/5 số hàng giảm giá mà báo này theo dõi sẽ tăng giá 8% trước Black Friday. Thậm chí, đồ chơi và dụng cụ sẽ đội giá lên 23%. Vậy nghĩa là, không phải các mặt này được giảm giá khủng mà do mức giá ban đầu của chúng đã được đẩy cao.
Theo vnexpress
Coi chừng "sập bẫy" cơn bão giảm giá Black Friday?
Dù ngày Black Friday vẫn chưa tới, nhưng nhiều cửa hiệu đã đồng loạt treo biển sale sập sàn, giảm giá kịch trần, giảm giá 30%-50% thậm chí 70%,... làm mê hoặc không ít người tiêu dùng.
Thông thường vào mỗi dịp cuối năm, sẽ có rất nhiều lễ hội mua sắm, ngoài ngày Black Friday còn hàng loạt chương trình giảm giá với những thông tin ưu đãi đến bất ngờ. Nếu người mua không tỉnh táo dễ dàng bị sa đà vào cơn lốc mua sắm, mua những món đồ không thật sự cần thiết, thậm chí mua phải những sản phẩm kém chất lượng, hàng lỗi, hết hạn sử dụng,...
Người mua không tỉnh táo dễ dàng bị sa đà vào cơn lốc mua sắm mùa giảm giá
Mê hoặc trước ma trận giảm giá
Ngày Black Friday bắt nguồn từ các nước phương Tây. Vào ngày Black Friday, tại một số nước trên thế giới, phần lớn các cơ sở bán lẻ lớn đều mở cửa từ khoảng 4 giờ sáng hay sớm hơn, với hàng chục ngàn mặt hàng thời trang, nội thất, điện lạnh, đồ gia dụng,... giảm giá từ 30-40%, thậm chí giảm giá lên tới 60-80%.
Theo đó, vào Thứ Sáu đen tối'>ngày Thứ Sáu đen tối, người ta ghi nhận cảnh có hàng ngàn người chen lấn, lao vào nhau tại các siêu thị, cửa hàng bán lẻ để giành giật những món đồ giảm giá mạnh.
Black Friday được du nhập vào Việt Nam mấy năm gần đây. Hoạt động khuyến mãi ngày Black Friday thường kéo dài cả tuần, song vào ngày lễ chính Black Friday thì mức độ giảm giá sẽ mạnh nhất.
Năm nay, ngày Black Friday 2019 sẽ diễn ra vào thứ Sáu, ngày 29/11.
Vào ngày Black Friday, để cạnh tranh các hãng bán lẻ, đặc biệt là các địa chỉ online thường đưa ra những bảng giảm giá khủng, băng - rôn đỏ chói gây ấn tượng mạnh để khách hàng chú ý. Các chương trình giảm giá không chỉ diễn ra trong vòng 1 ngày mà có thể kéo dài tới cả tuần trời từ trước đó.
Các thương hiệu giảm giá đa dạng từ cửa hàng thời trang, giày dép, điện máy, mỹ phẩm với những lời mời chào như mua một tặng một, sale sập sàn, khuyến mại khủng, giảm giá kịch trần.
Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng cũng chỉ ra thắc mắc, dù các mặt hàng giảm giá khủng nhưng mức giá niêm yết của sản phẩm sau giảm vẫn khá cao. Một số khách có "thâm niên" săn hàng giảm giá cho biết, họ đã tham khảo giá sản phẩm từ trước và cảm thấy mức giá sau giảm của cửa hàng đưa ra là không hợp lý. Thậm chí một số sản phẩm còn có giá tương tự như khi chưa giảm.
Đặc biệt, tình trang trà trộn hàng tồn kho, hàng kém chất lượng để tranh thủ bán những ngày "siêu khuyến mãi" cũng không phải là hiếm. Theo kinh nghiệm của nhiều chị em chuyên săn hàng giảm giá, những hàng giảm giá khủng từ 70% cho tới 90% thường là những hàng lưu kho, chất lượng sản phẩm có thể là tốt nhưng không thời trang. Một số mẫu khác bị lỗi thiết kế, phai màu, không thể sử dụng được.
Nói về việc giảm giá lên tới 70%, chủ một shop thời trang tại quận Cầu Giấy tiết lộ: "mức giảm 70% chỉ áp dụng cho một số sản phẩm. Thực chất đây là nghệ thuật để hút khách hàng vào shop".
Cũng theo lời chủ cửa hàng này, phần lớn số sản phẩm được giảm giá sâu toàn là những mẫu đã cũ, mẫu size to hoặc bán chậm. Cửa hàng phải xả hết số hàng đó trước Tết, để thu hồi vốn cho mùa tiếp theo. Hơn nữa, nếu để đến năm sau hàng sẽ bị cũ, mốc không thể bán được.
Người tiêu dùng cần tỉnh táo
Theo đánh giá của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Công Thương, những năm gần đây, doanh nghiệp Việt Nam đã hưởng ứng sự kiện như Black Friday rất tích cực, đánh dấu một trong những sự kiện mua sắm, giảm giá lớn trong năm.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong và sau ngày Black Friday thì quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng bị xâm phạm. Điển hình trong việc nhiều người mua phải hàng hóa, dịch vụ với giá cao nhưng chất lượng kém. Bị lừa mua hàng bởi những thông tin có tính dụ dỗ, thổi phồng, chế độ bảo hành không được như cam kết.
Đứng trước tình trạng này cũng như chuẩn bị bước vào mùa mua sắm, khuyến mại, giảm giá lớn nhất trong năm, nếu có dự định đi mua hàng thời điểm này người tiêu dùng nên có kế hoạch rõ cho việc mua sắm, như: mua những gì, mua giới hạn số tiền là bao nhiêu.
Cần tìm hiểu kỹ, lựa chọn cửa hàng, đơn vị kinh doanh uy tín trước khi thực hiện giao dịch.
Đặc biệt, người tiêu dùng nên dành thời gian đánh giá các thông số kĩ thuật, thông tin, chất lượng sản phẩm do doanh nghiệp công bố để tránh mắc bẫy giá cả trước khi thanh toán, vì hàng mua ngày Black Friday thường sẽ không được đổi trả và bảo hành.
Theo dân việt
Black Friday bắt đầu trên toàn thế giới Ngày thứ Sáu đen đã chính thức diễn ra trên toàn thế giới, với hàng loạt sản phẩm được giảm giá mạnh tay để kích cầu. Black Friday là ngày hội mua sắm lớn nhất Mỹ, diễn ra vào thứ Sáu ngay sau lễ Tạ Ơn. Trong dịp này, các sản phẩm thường được giảm giá mạnh tay, có thể lên tới 70-80%....