Sẻ chia trách nhiệm để có môi trường GD toàn diện
Trong bối cảnh hiện nay, hoạt động giáo dục không chỉ gói gọn trong phạm vi nhà trường mà còn “mở” ra môi trường bên ngoài. Do đó, công tác kết nối giữa nhà trường – gia đình – xã hội đóng vai trò quan trọng.
Để có môi trường giáo dục toàn diện, sự vào cuộc của xã hội, đặc biệt là vai trò của phụ huynh được nhiều trường học phát huy có hiệu quả.
Cô trò Trường TH Võ Trường Toản (TP Cần Thơ) bên vườn rau xanh – mô hình giúp các em trải nghiệm, chăm sóc. Ảnh: Q. Ngữ
Khi nguồn lực phụ huynh được phát huy
Trường TH Võ Trường Toản (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) là một trong những điểm sáng về xã hội hóa giáo dục. Để làm được điều này, nhà trường đã tạo được sự đồng thuận cao từ Ban Giám hiệu, giáo viên cho đến Ban đại diện cha mẹ học sinhvà mỗi phụ huynh.
Nhờ làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, nhà trường được hỗ trợ tích cực từ xã hội, đặc biệt là cha mẹ học sinh và các mạnh thường quân. Thời gian qua nhà trường phát động trong phụ huynh và học sinh đóng góp lồng đèn tặng bạn nghèo trong trường; tổ chức Tết Trung thu; vận động hỗ trợ bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn cho học sinh…
Bên cạnh đó, các hội thi được giáo viên chủ nhiệm, học sinh tham gia tích cực, được sự hỗ trợ nhiệt tình từ phía cha mẹ học sinh.
Video đang HOT
Được sự ủng hộ, đồng thuận của cha mẹ học sinh, nhà trường còn tổ chức được nhiều hoạt động trải nghiệm về nguồn cho học sinh như viếng mộ cụ Võ Trường Toản ở tỉnh Bến Tre, mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc ở Đồng Tháp, thăm Bến Nhà Rồng và trải nghiệm nghề nghiệp tại Kiz city TPHCM…
Cô Mạch Lệ Xuân – Hiệu trưởng Trường TH Võ Trường Toản cho biết: Để xã hội hóa giáo dục đạt hiệu quả, cần làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác xã hội hóa đến toàn thể giáo viên, nhân viên, cha mẹ học sinh. Theo cô Lệ Xuân, làm xã hội hóa giáo dục, phải bảo đảm 3 nguyên tắc:
Thứ nhất là “Nguyên tắc về lợi ích hai chiều”, mỗi hoạt động hợp tác, phối hợp đều phải xuất phát từ nhu cầu và lợi ích của hai phía: Nhà trường và cộng đồng. Cần quán triệt nguyên tắc lợi ích 2 chiều trong việc triển khai các biện pháp cụ thể, phải bảo đảm rằng kết quả của việc xã hội hóa giáo dục không chỉ mang lại lợi ích cho giáo dục, cho nhà trường mà còn mang lại lợi ích thiết thực cho những người tham gia, cho cộng đồng, cho địa phương thì biện pháp đó mới khả thi và có sức sống.
Thứ hai là nguyên tắc tình cảm, tự nguyện hay nguyên tắc “đồng thuận”: Nguyên tắc này coi trọng việc làm sao để người được huy động chia sẻ đồng tâm, nhất trí, tự nguyện và đồng thuận với chủ trương xã hội hóa của nhà trường, không được áp đặt hoặc ép buộc.
Thứ ba là “Nguyên tắc dân chủ”: Tạo môi trường công khai, dân chủ cho mọi tầng lớp của cộng đồng hiểu giáo dục, nhà trường hơn nhằm tạo sự ủng hộ, đồng thuận trong việc thực hiện xã hội hóa giáo dục.
Cùng nhà trường giáo dục học sinh
Học sinh Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm, TPHCM đang chăm sóc vườn rau trên sân thượng – một công trình ý nghĩa do phụ huynh và nhà trường cùng thực hiện giúp “xanh hóa sân thượng”.
Tại TPHCM, với cách làm hay về xã hội hóa giáo dục đã phát huy vai trò của cha mẹ học sinh trong việc đồng hành cùng nhà trường trong việc chăm lo, giáo dục các em học sinh. Không chỉ đơn thuần là những khoản tiền tài trợ, những công trình ý nghĩa, vai trò của phụ huynh hỗ trợ nhà trường ở trên nhiều phương diện khác nhau.
Cô Tống Thị Mai Hương – Phó Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) chia sẻ: “Ở trường có phụ huynh là bác sĩ răng hàm mặt đứng ra tổ chức một buổi khám răng miễn phí cho học sinh; có người là bác sĩ tâm lý, bác sĩ ở Bệnh viện Nhi đồng cũng phối hợp để tổ chức những chuyên đề về Phòng tránh xâm hại tình dục cho các em; có người là nhà thơ, nhà văn, hỗ trợ các con trong sinh hoạt Câu lạc bộ Ươm mầm văn học hay có phụ huynh là luật sư tổ chức tư vấn luật cho cán bộ, giáo viên và phụ huynh nhà trường”.
Phụ huynh là nghệ sĩ đàn tranh đã hỗ trợ dạy các em về chuyên đề âm nhạc dân tộc; có phụ huynh là chuyên gia tâm lý, sẵn sàng đến để nói chuyện với học sinh, giáo viên về các chuyên đề; có phụ huynh đang công tác ở bảo tàng đã lên kế hoạch, xin hỗ trợ để các con tới học ngoại khóa tại đây. Tại trường mầm non ở ngoại thành, thấy trường cải tạo sân chơi cho con, phụ huynh đều hỗ trợ, người cho vài xe đất, người cho chục xe cát, người thì tặng cây cho trường…
Ban đầu chỉ có một vài hoạt động được phụ huynh tổ chức, do phát huy hiệu quả, “tiếng lành đồn xa”, các phụ huynh khác cũng mạnh dạn vào cuộc với nhà trường. Vừa qua, có hai phụ huynh là Tiến sĩ Vật lý đã thành lập Câu lạc bộ Em yêu khoa học hoàn toàn miễn phí để học sinh nhà trường tham gia… Thậm chí khi nhà trường mua sắm trang thiết bị, sửa chữa… có nhiều phụ huynh sẵn sàng bỏ công giúp nhà trường tham gia khâu giám sát. Phụ huynh có chuyên môn về lĩnh vực nào đó được giáo viên mời đến tham gia tiết học cùng học sinh… Cô Mai Hương cho biết: “Tất cả đều được nhà trường rất trân trọng, hợp tác trên tinh thần tự nguyện, vì mục tiêu tạo môi trường giáo dục toàn diện cho con em”.
Tất cả đều chung tay với nhà trường để chăm lo cho việc giáo dục. Đó là kết quả của sự đồng thuận, đồng lòng khi mối quan hệ giữa nhà trường – gia đình – xã hội được phát huy tích cực.
Quốc Ngữ – Phan Nga
Theo giaoducthoidai
Kiểm tra các khoản thu huy động từ cha mẹ học sinh
Sở GD&ĐT Lạng Sơn lưu ý thực hiện các khoản thu năm học 2019-2020, trong đó có kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Ảnh minh họa/internet
Sở GD&ĐT nhấn mạnh đây là khoản thu tự nguyện, không bắt buộc, do cha mẹ học sinh đóng góp, phối hợp với nhà trường phục vụ tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh, để thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện.
Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ thu các khoản phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện của cha mẹ học sinh như:
Chi phục vụ cho Ban đại diện cha mẹ học sinh tổ chức các cuộc họp phụ huynh học sinh; văn phòng phẩm cho Ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động; hỗ trợ học sinh tham gia các hoạt động ngoài giờ lên lớp, giáo dục truyền thống, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao do nhà trường và các cấp tổ chức; khen thưởng cho học sinh có thành tích trong học tập và tham dự đạt giải các kỳ thi do nhà trường và các cấp tổ chức;...
Tuyệt đối cấm việc lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định.
Theo quy định tại Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT, Ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu các khoản: bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Đối với cơ quan quản lý giáo dục (cấp sở, phòng) sẽ đưa nội dung kiểm tra các khoản huy động từ cha mẹ học sinh vào trong kế hoạch kiểm tra. Trong quá trình kiểm tra nếu phát hiện có những sai phạm trong công tác thu - chi thì kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Hải Bình
Theo GDTĐ
Giáo dục thường xuyên góp phần xây dựng hệ thống giáo dục mở Nhiều người coi giáo dục thường xuyên (GDTX) như một hệ thống giáo dục bổ túc. Việc hiểu không đầy đủ về GDTX làm cho hệ thống các loại hình học tập thuộc phạm vi giáo dục tiếp tục, học tập suốt đời trở nên khó khăn khi triển khai trong thực tiễn. (Ảnh minh họa) GDTX LÀ GÌ? Trong bối cảnh toàn...