Saudi Arabia trở lại vai trò ‘bánh lái’ chi phối thị trường dầu mỏ
Saudi Arabia đã trở lại vị thế nhà sản xuất quan trọng, có sức chi phối lớn đối với giá dầu trên thị trường quốc tế.
Nhà máy lọc dầu của Tập đoàn Dầu mỏ quốc gia Saudi Aramco, Saudi Arabia. Ảnh: AFP/TTXVN
Trồi sụt nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc là một tác nhân gây ra biến thiên của giá dầu trong năm nay. Nhưng dịch chuyển mới nhất về nguồn cung “vàng đen” sẽ tạo ra những tác động về địa chính trị, tài chính vượt khỏi khuôn khổ thị trường dầu mỏ. Đáng chú ý, Saudi Arabia đã quay trở lại vai trò nhà sản xuất quan trọng hàng đầu, có ảnh hưởng lớn đối với giá dầu.
Hiệu ứng từ cầu tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc đối với giá dầu là điều đã được công nhận rộng rãi. Đây là quốc gia rộng lớn, có nhu cầu cao về năng lượng, với một nền sản xuất, tiêu dùng thâm dụng nhiều năng lượng. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu năng lượng từ bên ngoài để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Năm nay, tác động về giá liên quan đến cầu tiêu thụ tại Trung Quốc đặc biệt khó đoán định, khi nhà chức trách nước này thường xuyên siết rồi lại mở phong tỏa để phòng chống đại dịch dựa trên chính sách zero-Covid (Không COVID). Trong khi đó, biến số tác động đến giá liên quan đến phía cầu lại không được liên tục, khiến hiệu ứng của cuộc chiến cung-cầu thêm thú vị.
Video đang HOT
Để lượng định bước dịch chuyển này, cần xem xét những nhân tố chi phối trên thị trường đã dịch chuyển ra sao trong vòng 15 năm qua. Dễ nhận thấy nhất là vai trò suy giảm của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), do sự bùng nổ của ngành khai thác dầu đá phiến, đặc biệt là tại Mỹ. Hệ quả là vai trò của “nhà sản xuất chi phối” dần tuột khỏi tay Saudi Arabia và OPEC.
Để lập lại ảnh hưởng của liên minh dầu mỏ này, Saudi Arabia và Nga trong năm 2016 đã đạt thỏa thuận về thiết lập cơ chế hợp tác giữa OPEC và các đối tác (gọi tắt là OPEC ), với 13 thành viên OPEC và 10 đối tác bên ngoài, nhằm mở rộng điều phối sản lượng-hạn mức.
OPEC đã khôi phục lại hiệu quả biện pháp trần sản lượng. Thế nhưng vai trò xác lập mức giá của liên minh này suy yếu trong vài năm sau đó, khi thế giới ngày một quan tâm nhiều hơn đến biến đổi khí hậu, đi cùng đó là nhu cầu cấp thiết về giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch. Can thiệp quân sự của Nga tại Ukraine hồi tháng 2 vừa qua đã có tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng đến vai trò của OPEC , khi bắt đầu xuất hiện tiếng nói đòi “ngắt” Nga khỏi liên minh.
Gánh nặng về giá với người tiêu dùng cũng là một nhân tố cần tính tới. Lệnh trừng phạt của phương Tây gây đứt gãy nguồn cung dầu mỏ từ Nga, đẩy giá dầu tăng cao. Điều này một lần nữa làm nổi bật vai trò của Saudi Arabia trên thị trường, với việc rất nhiều lãnh đạo phương Tây hối thúc nước này tăng sản lượng để hạ nhiệt giá dầu.
Minh chứng rõ nét nhất cho xu thế Saudi Arabia quay trở lại vị thế “bánh lái” thị trường dầu mỏ toàn cầu chính là việc Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ sớm có chuyến thăm tới Riyadh trong tháng này nhằm nỗ lực giảm thiểu gánh nặng giá nhiên liệu với người tiêu dùng Mỹ trước thời điểm bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới. Thị trường kỳ vọng cuộc gặp giữa ông Biden với Thái tử Mohammed bin Salman sẽ đẩy OPEC đi tới quyết định tăng sản lượng khai thác.
Việc Saudi Arabia tìm lại được vị thế chi phối trên thị trường cũng có những tác động tài chính. Với việc giá dầu liên tục duy trì trên mức 100 USD/thùng trong năm nay, ngân sách của Saudi Arabia tăng vọt, giúp cải thiện cán cân thanh toán.
Tháng trước, tập đoàn dầu mỏ Saudi Aramco công bố mức lợi nhuận kỉ lục 39,5 tỷ USD trong quý một, tăng 82% so với mức 21,7 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Ở tình cảnh “thừa tiền”, Saudi Arabia và nhiều nước sản xuất dầu mỏ khác trong khu vực đang tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới, liên tục đưa ra các kế hoạch chi tiêu, phát triển hạ tầng nội địa đầy tham vọng.
Tuy nhiên, khả năng duy trì vai trò áp đặt thị trường của Saudi Arabia trong thời gian bao lâu hiện vẫn là câu hỏi còn để ngỏ. Giá dầu đứng ở mức cao sẽ làm giảm nhu cầu tiêu thụ, theo các tác động trực tiếp và gián tiếp. Nguồn cung cũng sẽ có sự nhập cuộc tương xứng. Các nhà sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ có kế hoạch tăng sản lượng khai thác, khi những quy định về môi trường được nới lỏng một bước.
Diễn biến trên thị trường dầu mỏ 15 năm qua cho thấy, thế áp đảo thị trường – dù là của OPEC hay ngành dầu đá phiến – đều không kéo dài. Việc Saudi Arabia bất chợt quay trở lại vai trò “bánh lái”, “nhà sản xuất chi phối” không làm thay đổi những chuyển động trong dài hạn trên thị trường toàn cầu, nơi nguồn nhiên liệu hóa thạch không còn được chào đón mạnh do yếu tố môi trường.
Saudi Arabia nói sẵn sàng tăng sản lượng dầu nếu nguồn cung từ Nga sụt giảm
Saudi Arabia đã chuyển tín hiệu tới các đồng minh phương Tây về việc nước này sẵn sàng tăng sản lượng dầu thô khai thác trong trường hợp sản lượng của Nga sụt giảm đáng kể do lệnh trừng phạt của phương Tây.
Giá xăng dầu tại Mỹ lên mức cao kỉ lục. Ảnh: THX/TTXVN
Trước đó, Riyadh vẫn luôn khước từ kêu gọi của Mỹ về tăng sản lượng bất chấp dầu thô leo lên mức giá 120 USD/thùng, mức cao nhất trong vòng một thập kỷ qua, làm dấy lên lo ngại khủng hoảng năng lượng có thể còn xấu hơn nữa vào cuối năm nay. Saudi Arabia tin rằng cần phải dự trữ công suất tiềm năng dư thừa.
Sau khi đạt đồng thuận về lệnh trừng phạt một phần nhằm vào dầu mỏ nhập khẩu từ Nga, Liên minh châu Âu (EU) và Anh vừa ký thỏa thuận cấm cung cấp bảo hiểm cho tàu chở dầu Nga, có hiệu lực vào cuối năm nay - một động thái mà giới phân tích cho rằng sẽ làm suy yếu khả năng của Moskva trong tái phân phối nguồn dầu thô ra các khu vực, thị trường khác.
Theo nguồn thạo tin ẩn danh, Saudi Arabia nhận thức rõ nguy cơ và bảo lưu quan điểm mất khả năng kiểm soát giá dầu sẽ làm tổn hại tới lợi ích của Riyadh. Giới chức nước này cho rằng thị trường dầu mỏ đương nhiên đang gặp căng thẳng, đẩy giá dầu tăng, nhưng không xuất hiện thiếu hụt nguồn cung thực chất.
Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi khi kinh tế toàn cầu phục hồi tốt sau đại dịch COVID-19, trong đó có việc mở cửa trở lại nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc, cầu tiêu thụ dầu thô tăng vọt, trong khi triển vọng sản lượng khai thác của Nga sụt giảm ngày một rõ. Nga chiếm 10% sản lượng dầu thô toàn cầu tính ở thời điểm trước khi nổ ra xung đột tại Ukraine.
Xuất hiện căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Saudi Arabia kể từ sau khi ông Joe Biden lên nhậm chức. Nhưng các chuyến thăm tới Riyadh trong vài tuần qua của nhiều quan chức Mỹ, như Điều phối viên chính sách Trung Đông của Nhà Trắng Brett McGurk hay Đặc phái viên Mỹ về Năng lượng Amos Hochstein, đã giúp cải thiện tình hình.
Nguồn thạo tin tham gia vào tiến trình trao đổi giữa Mỹ và Saudi Arabia cho biết Riyadh đã đồng ý thay đổi cách tiếp cận về giảm nhiệt giá dầu, coi đây là một phần trong kế hoạch tái lập quan hệ tích cực với chính quyền Joe Biden. Saudi Arabia đưa ra lời bảo đảm sẽ tăng sản lượng khai thác một khi thị trường dầu mỏ va phải cú sốc về nguồn cung.
Nhiều ngân hàng dự đoán năm 2022 giá dầu thế giới đạt mức 3 con số Theo các nhà quan sát, bản thân nhiều nước trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang thiếu khả năng đẩy mạnh sản lượng. Những quốc gia khác có năng lực bơm thêm dầu lại đang giảm dư thừa công suất toàn cầu từ đó gây rủi ro bùng phát gián đoạn nguồn cung và khiến giá dầu tăng thêm....