Sáp nhập TTGDTX vào trường nghề: Lại một đề xuất “trên trời”!
Đề xuất sáp nhập trung tâm GDNN-GDTX vào các trường nghề đang vấp phải sự phản đối gay gắt của các chuyên gia giáo dục.
Thực sự không hợp lý!
Trên thực tế, có nhiều trường cao đẳng, trung cấp đang triển khai mô hình 9 cộng đào tạo nghề kết hợp dạy văn hóa chương trình giáo dục thường xuyên (GDTX) hệ THPT. Học sinh sau khi tốt nghiệp THCS không có khả năng thi đỗ vào lớp 10 trường THPT công lập hoặc mong muốn đi học nghề thì đăng ký vào trường cao đẳng, trung cấp học theo mô hình 9 (học nghề trình độ trung cấp; học văn hóa chương trình GDTX hệ THPT có 7 môn).
Do trường nghề không có chức năng dạy văn hóa, nên phải phối hợp với trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) để học sinh học hết lớp 12 mới được tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT lấy bằng tốt nghiệp.
Mới đây, TS. Phạm Xuân Khánh (trường cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội) nêu quan điểm: “Cùng một học sinh có 2 đơn vị đồng thời quản lý dẫn đến vừa tốn kém, phức tạp vừa dễ chồng chéo ảnh hưởng đến kết quả học tập. Lại có những ý kiến khác lo lắng về việc trường nghề không được can thiệp sâu vào việc dạy văn hóa nên khó kiểm soát được trung tâm GDNN-GDTX đi thuê giáo viên thỉnh giảng (vì cùng lúc mỗi trung tâm GDNN-GDTX hợp tác với nhiều trường nghề), dẫn đến chất lượng dạy văn hóa không bảo đảm, ảnh hưởng đến học sinh. Vì vậy, nhiều trường trung cấp, cao đẳng đề xuất nên sáp nhập các trung tâm GDNN-GDTX vào các trường trung cấp, cao đẳng”.
Tuy nhiên, ý kiến này lại vấp phải sự phản đối từ nhiều phía. Theo ông Nguyễn Công Dương (Giám đốc trung tâm GDNN-GDTX quận Ba Đình, Hà Nội), từ trước đến nay, hoạt động và chức năng, nhiệm vụ của trung tâm GDNN-GDTX khác với các trường cao đẳng, trung cấp.
Học sinh học văn hóa tại trung tâm GDNN-GDTX quạn Cầu Giấy (Hà Nội).
Ông phân tích: “Đề xuất này mà được đưa ra trưng cầu ý kiến thì ít người đồng ý lắm! Các trung tâm GDNN-GDTX vừa giáo dục văn hóa, vừa đào tạo nghề. Chúng tôi dạy từ lớp 6 đến lớp 12, còn làm công tác phổ cập, đáp ứng nhu cầu nâng cao dân trí địa phương, duy trì ổn định và dạy nghề phổ thông, dạy nghề ngắn hạn… đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng từ các quận, huyện. Còn các trường cao đẳng, trung cấp thực hiện chức năng, nhiệm vụ cao hơn, có những nội dung không liên quan, mà cũng không nắm được như các trung tâm. Hơn nữa, không phải quận, huyện nào, địa phương nào cũng có những trường cao đẳng, trung cấp, để muốn sáp nhập là sáp nhập được”.
“Cách đây mấy năm, đã sáp nhập 3 đơn vị vào 1, nay đang hoạt động ổn định, tự nhiên lại đề xuất sáp nhập. Thực sự không hợp lý!
Nếu đề cập đến chuyện sáp nhập trường trung cấp vào trường cao đẳng thì còn khả thi, mà chưa kể, ngay bài toán này đến nay vẫn còn chưa đi đến đích” – ông Nguyễn Công Dương bày tỏ.
Sáp nhập vậy, đại học Quốc gia Hà Nội sẽ đào tạo mầm non
Video đang HOT
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, ông Đỗ Phú Việt (Giám đốc trung tâm GDNN-GDTX quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, những năm gần đây, chất lượng đào tạo hệ phổ thông của trung tâm được đánh giá chủ yếu qua cuộc thi học sinh giỏi thành phố và kỳ thi tốt nghiệp THPT, đều có tín hiệu tốt. Cụ thể, nhiều năm, trung tâm có học sinh đoạt giải Nhất môn Ngữ văn, môn Hóa học trong kỳ thi học sinh giỏi do sở GD&ĐT tổ chức cho học viên GDTX toàn thành phố; đồng thời, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT khá ổn định, tăng nhẹ qua từng năm (năm 2020 đạt 97,3%, có 8 thí sinh đỗ đại học).
Ông Việt chỉ ra: “Đối tượng học sinh tại trung tâm GDNN-GDTX tương đối đặc biệt, học sinh thường có hoàn cảnh éo le, nhiều em phải vừa học vừa lo làm việc mưu sinh. Trong khi đó, nhiều phụ huynh chưa có sự quan tâm đúng mực đến việc học của con em. Giáo viên tại trung tâm phải rất tâm huyết mới có thể động viên các em học tập chăm chỉ, thậm chí, còn bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi.
Chưa kể, trung tâm nào cũng có những học sinh cá biệt, mà sự kỷ luật nào cũng phải đề cao tính giáo dục… Có thể nói đây là môi trường đặc thù và nhạy cảm, điều kiện khắc nghiệt, trung tâm luôn phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương hàng ngày, hàng giờ”.
Ông Đỗ Phú Việt cũng bày tỏ rất nhiều băn khoăn: “Bây giờ, đề xuất sáp nhập trung tâm GDNN-GDTX vào các trường nghề, tôi chưa đặt vấn đề về luật, chỉ đề cập đến chức năng, nhiệm vụ mang tính chất xã hội của trung tâm. Về mảng văn hóa, đối với các em ở lứa tuổi đang đi học, đa phần là học sinh có nhận thức, kiến thức thấp hơn so với mặt bằng chung. Nhiều trường hợp khác lại rơi vào những hoàn cảnh rất éo le, phụ huynh, gia đình khó khăn, hoàn cảnh kinh tế; những người lao động từ tỉnh khác đến đây, muốn đi học nhưng quá độ tuổi đi học mà vẫn có nhu cầu và nguyện vọng đi học.
Ông Đỗ Phú Việt (Giám đốc trung tâm GDNN-GDTX quận Cầu Giấy) bày tỏ nhiều băn khoăn trước đề xuất này.
Bên cạnh đó, nhiều học sinh đi học hòa nhập, bố mẹ đưa đón mỗi ngày, chỉ cần con đi học, chẳng quan trong điểm số… Mỗi năm, làng trẻ SOS còn gửi vào trung tâm hàng chục học sinh (chiếm gần 1/4 học sinh của trung tâm), là đối tượng được giảm trừ học phí…
Trung tâm GDNN-GDTX đáp ứng những trường hợp như vậy. Các trường nghề kia có làm được điều đó không?
Chưa kể, còn rất nhiều chức năng nhiệm vụ khác nữa. Nếu suy nghĩ sáp nhập như vậy thì theo đà này, có lẽ, đại học Quốc gia Hà Nội sẽ đào tạo cả bậc mầm non? Phá vỡ một hệ thống!”.
“Cho dù có thể sáp nhập, nhưng giả sử, tại Hà Nội, trong một quận/huyện, có rất nhiều trường cao đẳng, trung cấp thì phải giao trung tâm GDNN-GDTX cho trường nào? Căn cứ vào những tiêu chí như thế nào để lựa chọn?” – ông Đỗ Phú Việt nhấn mạnh thêm.
Trao đổi về đề xuất trên, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ (nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT) cũng khẳng định: “Các trung tâm GDNN-GDTX và các trường trung cấp, cao đẳng là các đơn vị thuộc 2 hệ thống giáo dục, đào tạo khác nhau, cả về chức năng, nhiệm vụ và quản lý, làm sao có thể sáp nhập lại được?
Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, không thể sáp nhập 2 đơn vị như vậy.
Việc học sinh học nghề cần có bằng tốt nghiệp THPT để học liên thông thì cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng và xem xét lại, từ từ từng bước giải quyết một cách cơ bản, nếu cần thiết thì cớ thể sửa luật, chứ không phải nghĩ đến chuyện gặp đâu sửa đấy, sửa một cách “chắp vá”, vấp phải rất nhiều vướng mắc”.
Trước thông tin về đề xuất trên, ông Hoàng Đức Minh – Vụ trưởng vụ Giáo dục thường xuyên (bộ GD&ĐT) khẳng định: “Sẽ không có chủ trương sáp nhập!”. Vị đại diện bộ GD&ĐT cũng cho hay, chỉ có trung tâm GDTX, trung tâm GDNN-GDTX được thực hiện chương trình GDTX cấp THPT.
Theo báo cáo thống kê của các sở GD&ĐT, trong năm học 2020-2021, quy mô và số lượng các trung tâm GDTX trên cả nước là 645 trung tâm (trong đó, trung tâm GDTX cấp tỉnh là 71; trung tâm GDNN-GDTX là 574). Số học viên đang theo học chương trình GDTX cấp THPT tại các trung tâm GDTX trên cả nước là 261.077 học viên. Với quy mô như vậy, việc đáp ứng yêu cầu của người học là đảm bảo.
Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn khi dạy văn hóa trong trường nghề
Hiệp hội giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và nghề Công tác xã hội Việt Nam phối hợp với Hiệp hội các trường cao đẳng, trung cấp kinh tế - kỹ thuật có văn bản kiến nghị đến Thủ tướng về việc giảng dạy văn hóa THPT cho học sinh tốt nghiệp THCS và học trong các cơ sở GDNN.
Cơ sở GDNN gặp khó khi giảng dạy chương trình THPT
Theo các Hiệp hội, thời gian qua, các Hiệp hội đã nhận được nhiều thông tin của các cơ sở GDNN trao đổi, phản ánh về những khó khăn trong việc tổ chức giảng dạy văn hóa THPT cho người học trong các cơ sở GDNN.
Cụ thể, theo quy định của Luật GDNN, Luật Giáo dục năm 2019 quy định người học tốt nghiệp THCS đi học nghề trình độ trung cấp có thể học thêm văn hóa THPT để được liên thông lên trình độ cao hơn.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có trách nhiệm ban hành thông tư quy định về khối lượng kiến thức văn hóa THPT mà người học cần tích lũy. Tại Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28-5-2020 về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ GD&ĐT phải ban hành nội dung này trong quý III năm 2020. Tuy nhiên, đến nay, Bộ GD&ĐT vẫn chưa ban hành được thông tư này.
Trước năm 2018, tại nhiều địa phương, Sở GD&ĐT đã cho phép các trường (TC nghề, CĐ nghề, TC chuyên nghiệp, CĐ) được tổ chức giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT (học 7 môn văn hóa bắt buộc). Người học, sau khi hoàn thành chương trình được tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT để nhận được Bằng tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, người học có bằng tốt nghiệp trung cấp nếu đã học xong khối lượng kiến thức văn hóa THPT (4 môn) theo quy định tại Thông tư số 16/2010/TT-BGDĐT thì cũng được tham dự kỳ thi đại học.
Hiệp hội GDNN và nghề Công tác xã hội Việt Nam phối hợp với Hiệp hội các trường cao đẳng, trung cấp kinh tế - kỹ thuật có văn bản kiến nghị đến Thủ tướng về việc giảng dạy văn hóa THPT cho học sinh tốt nghiệp THCS và học trong các cơ sở GDNN (Ảnh: T.H)
Tuy nhiên, kể từ năm 2019, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các sở GD&ĐT không cho phép các cơ sở GDNN được tổ chức giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT mà chỉ được giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019 (tức là chỉ được dạy chương trình 4 môn học) để chỉ liên thông từ Trung cấp lên Cao đẳng trong hệ thống GDNN, chứ không liên thông lên đại học.
Thực tế ở nhiều địa phương, trong những năm gần đây, số học sinh tốt nghiệp THCS vào học GDNN ngày càng đông, trong số đó có đến trên 80% có nhu cầu học văn hóa THPT để tham dự kỳ thi quốc gia và lấy bằng tốt nghiệp THPT. Trong khi đó, nhiều cơ sở GDNN ở các địa phương đã không được tiếp tục thực hiện giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT...
Trước bất cập này, nhiều địa phương đã có văn bản kiến nghị và Bộ GD&ĐT trả lời là việc giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT phải do các trung tâm GDTX thực hiện. Các trường trung cấp, cao đẳng phải liên kết với trung tâm GDTX, chứ không được quyền tự tổ chức giảng dạy, mặc dù trước đây đã được Sở GD&ĐT cho phép.
Để tháo gỡ khó khăn cho các trường, ngày 16-10-2020, Bộ LĐ-TB&XH đã có Công văn số 4066/LĐTBXH-TCGDNN ngày 16-10-2020 về việc giảng dạy văn hóa THPT cho học sinh tốt nghiệp THCS vào học trình độ trung cấp. Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH đã đề nghị Bộ GD&ĐT cho phép các trường trung cấp, trường cao đẳng đã được Sở GD&ĐT các địa phương đồng ý cho giảng dạy văn hóa THPT được tiếp tục giảng dạy văn hóa THPT cho người học của trường mình. Tuy nhiên, trong Công văn số 4656/BGDĐT-GDtrH trả lời Bộ LĐ-TB&XH, Bộ GD&ĐT chỉ đồng ý để các cơ sở GDNN thực hiện giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT cho học sinh theo học trình độ trung cấp để liên thông lên trình độ cao đẳng. Bộ GD&ĐT không đồng ý để các trường giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT cho người học.
Vì vậy, 2 Hiệp hội cho rằng: "Hiện nay, hàng trăm trường TC, CĐ có đủ điều kiện và đã được sở GD&ĐT ở các địa phương cho phép giảng dạy văn hóa THPT (bao gồm cả chương trình GDTX cấp THPT) trước đây vẫn không được giảng dạy chương trình này. Quan điểm này chưa đúng với quy định của Luật Giáo dục năm 2019 và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành giáo dục năm 2020, gây khó khăn cho cơ sở GDNN và nhất là cho người học".
Tìm giải pháp tháo gỡ
Với những phân tích như trên, 2 Hiệp hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT cho phép các trường TC, CĐ đã được Sở GD&ĐT các địa phương đồng ý cho giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT được tiếp tục giảng dạy chương trình này cho người học đến khi có quy định mới.
Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT sớm ban hành thông tư quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT và việc giảng dạy văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN. Trong đó quy định rõ: Khối lượng kiến thức văn hóa THPT để giảng dạy trong các cơ sở GDNN, điều kiện để các cơ sở GDNN được tham gia giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT và chương trình GDTX cấp THPT.
Cùng với đó quy định các cơ sở GDNN đủ điều kiện theo quy định của Bộ GD&ĐT thì được giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT, khối lượng kiến thức văn hóa THPT và cấp giấy chứng nhận hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa THPT cho người học theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019.
Đối với người học có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp, được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa THPT thì được học liên thông lên trình độ đại học. Người học hoàn thành chương trình GDTX cấp THPT tại các cơ sở GDNN được tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm.
Hai Hiệp hội cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT quy định cụ thể thẩm quyền cho phép các cơ sở GDNN được giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019.
Trước đó, về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho biết đối với học sinh không có định hướng chọn THPT mà đi theo hướng GDNN sau THCS thì học ở các cơ sở GDNN, các trường trung cấp nghề.
Những năm vừa qua, nội dung giáo dục phổ thông vẫn đang thực hiện trong chương trình khung trung cấp chuyên nghiệp với các modul về khối lượng kiến thức văn hóa cho học sinh theo Thông tư 16/2010TT-BGDĐT.
Hiện Bộ GD&ĐT đang soạn thảo Thông tư hướng dẫn về khối lượng kiến thức THPT cho đối tượng học sinh có bằng tốt nghiệp THCS học theo chương trình trung cấp trong cơ sở GDNN. Dự kiến trong tháng 4 sẽ đăng tải dự thảo này để lấy ý kiến góp ý trước khi chính thức ban hành.
Dừng dạy văn hóa trong trường nghề? Từ năm 2021, theo Luật Giáo dục sửa đổi bổ sung 2019 (gọi là Luật Giáo dục 2019), các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không được phép tuyển sinh vào lớp 10 giáo dục thường xuyên (GDTX) hệ THPT. Quy định này đang khiến các lãnh đạo trường nghề băn khoăn. Học viên trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội đang học...