Sẵn sàng các điều kiện, phương án đảm bảo kỳ thi tốt nghiệp THPT
Chỉ còn ít ngày nữa kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 diễn ra. Đến thời điểm này, tại tỉnh Ninh Thuận mọi công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất, sẵn sàng cho kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế và đạt kết quả cao.
Thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2019 tại Ninh Thuận.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Thuận, năm nay, toàn tỉnh có khoảng 5.757 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, có 5.220 thí sinh hệ THPT, 333 hệ GDTX và 224 thí sinh đã tốt nghiệp thi để xét tuyển đại học, cao đẳng.
Tỉnh Ninh Thuận đã thành lập 14 điểm thi với 248 phòng thi, 17 phòng chờ và 28 phòng thi dự phòng đặt tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, huyện Ninh Hải, Ninh Phước, Ninh Sơn, Bác Ái, Thuận Bắc.
Để kỳ thi đạt được kết quả cao, Sở GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục tăng cường bố trí giáo viên có trách nhiệm, tận tâm theo sát hướng dẫn cho học sinh ôn tập, củng cố kiến thức và giải đáp các thắc mắc. Đặc biệt là nhóm học sinh có học lực trung bình, yếu.
Phối hợp chặt chẽ thường xuyên với phụ huynh để đôn đốc, quản lý học sinh. Bám sát nội dung chương trình lớp 12 và đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT. Tổ chức thi thử kịp thời để đo lường năng lực làm bài của học sinh, từ đó kịp thời điều chỉnh nội dung và phương pháp ôn tập cho phù hợp.
Ngoài ra, Sở GD&ĐT cũng yêu cầu các trường THPT, TT GDTX – Hướng nghiệp tăng cường công tác truyền thông về kì thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đến với học sinh, cha mẹ học sinh và cộng đồng địa phương.
Tăng cường kết nối mọi sự hỗ trợ từ địa phương, đoàn thể, cộng đồng trong công tác vận động học sinh, hỗ trợ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là học sinh vùng dân tộc thiểu số, học sinh vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. Có phương án hỗ trợ ăn ở đi lại cho học sinh ở xa, phương án xử lý khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra. Tổ chức học tập quy chế thi cho cán bộ, giáo viên, nhân viên.
Video đang HOT
Đối với các trường có đặt điểm thi, tiến hành rà soát toàn bộ các điều kiện về cơ sở vật chất như: phòng thi, phòng hội đồng, phòng lãnh đạo điểm thi, nơi lưu trữ đề thi, bài thi, tủ, khóa, camera an ninh, phòng chống cháy nổ, công tác vệ sinh môi trường.
Có phương án bố trí nơi ăn, ở cho cán bộ coi thi, thanh tra thi từ nơi khác đến có thể phải lưu trú lại,..
Học sinh trường THPT Phạm Văn Đồng (huyện Ninh Phước) ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.(Ảnh: Duy Quan).
Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Thuận, Nguyễn Anh Linh cho biết: “Sở đã thành lập 2 đoàn kiểm tra tất cả các trường có cấp THPT về việc thực hiện chương trình và triển khai kế hoạch ôn tập, phụ đạo cho học sinh (tất cả các bộ môn thi tốt nghiệp THPT).
Đã tiến hành rà soát, kiểm tra cơ sở vật chất, trang thiết bị, đề xuất sửa chữa, bổ sung máy móc phục vụ công tác sao in, chấm thi. Kiểm tra toàn bộ camera an ninh và các bình chữa cháy đã trang bị tại các điểm thi, địa điểm chấm thi…”.
Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị các điều kiện tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận cơ bản hoàn thành các công việc, nhiệm vụ theo tiến độ đề ra. Tỉnh Ninh Thuận huy động gần 850 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác thi.
Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid – 19, tỉnh Ninh Thuận cũng đã xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho thí sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia làm thi.
Ngoài ra, Ban chỉ đạo các kỳ thi năm 2020 tỉnh Ninh Thuận cũng đang tiếp tục rà soát, làm tốt hơn nữa các điều kiện, phương án, giải pháp phòng, chống dịch Covid – 19 (nhân sự và cơ sở vật chất đảm bảo y tế, vệ sinh, khử khuẩn phòng thi, điểm thi, trang bị khẩu trang, nước sát khuẩn…) đảm bảo kỳ thi diễn ra nghiêm túc, an toàn cả về an ninh và sức khỏe thí sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên làm công tác thi.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ bắt đầu từ ngày 8 đến 10/8.
'Đừng gọi con là thí sinh F'
Trên con đường hoàn thành học vấn bậc phổ thông, các em học sinh đã được phân loại học lực theo thành tích học tập, theo đánh giá hạnh kiểm...
Và sắp tới, trong kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia giữa thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, rất có thể sẽ thêm một lần nữa các em "được" phân loại bằng ký hiệu "thí sinh F".
Kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia hằng năm vẫn được coi là thước đo chất lượng giáo dục phổ thông. Ảnh: LS
Ngày 30/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) gửi Văn bản số 2832 đề nghị tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn cho Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông (THPT) năm 2020 trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại Đà Nẵng và đang lây lan sang các địa phương khác. Trong đó, lần đầu tiên khái niệm "thí sinh F" được đề cập.
Cụ thể, đối với thí sinh, Bộ GD&ĐT đề nghị các cấp, ngành, cơ quan liên quan rà soát về mặt sức khoẻ để phân loại thí sinh đăng ký dự thi thành 4 nhóm: F0, F1, F2 và các đối tượng khác. Căn cứ điều kiện cụ thể, các địa phương tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp.
Cũng trong công văn trên, Bộ GD&ĐT yêu cầu: Trong quá trình tổ chức kỳ thi, thí sinh có biểu hiện ho, sốt được bố trí thi tại phòng thi dự phòng tại Điểm thi. Cán bộ, giáo viên, nhân viên làm công tác thi tại các phòng thi dành cho thí sinh thuộc diện F1, F2 thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành Y tế. Đối với Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, chủ động xây dựng phương án hỗ trợ đưa đón thí sinh thuộc diện F1, F2 bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh.
Như vậy, trong lần thi tốt nghiệp THPT này, có thêm một dạng thí sinh mới. Các thí sinh được gọi tên là "thí sinh F"!
Ngay sau đó, trong cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 với 63 địa phương chiều 31/7, lãnh đạo TP Đà Nẵng và Quảng Nam - hai địa phương đang căng mình chống dịch - đã đề xuất Bộ GD&ĐT báo cáo lên Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 và Chính phủ cho dừng tổ chức thi tốt nghiệp THPT; từ đó có phương án xét đặc cách tốt nghiệp cho tất cả các thí sinh.
Đà Nẵng và Quảng Nam là hai địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất trong cả nước. Hiện nhiều khu vực trong thành phố được phong toả và có một số giáo viên, học sinh bị nghi nhiễm COVID-19 do có tiếp xúc gần với các ca nhiễm. Điều này khiến tâm lý của phụ huynh học sinh và xã hội có nhiều biến động. Do đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đề xuất 3 phương án là: Tổ chức thi ngay, tổ chức thi sau 1 tháng hoặc xét tốt nghiệp tùy theo diễn biến của dịch bệnh.
Cũng cần nói thêm, kết quả tốt nghiệp THPT nhiều năm qua đều đạt đến gần 100%, và dù được ngành giáo dục lý giải là để đánh giá chất lượng của giáo dục phổ thông, duy trì nền nếp dạy, học trong các cơ sở giáo dục, nhưng cũng từng không ít lần nhận được sự ta thán là kỳ thi lãng phí, không cần thiết.
Tuy vậy, việc đề xuất xét đặc cách tốt nghiệp cũng khiến không ít chuyên gia ngành giáo dục đắn đo. Nhiều ý kiến quan ngại, việc xét tuyển cũng làm hạn chế cơ hội chọn trường của các thí sinh khi có nguyện vọng vào học ở các trường đúng với năng lực nhưng các trường này lại không tổ chức xét tuyển.
Trước những khó khăn do dịch bệnh ở mùa tuyển sinh năm nay, đã có ý kiến từ một số trường Đại học, Cao đẳng cho rằng nếu không có kỳ thi tốt nghiệp này, họ vẫn có biện pháp và căn cứ để xét tuyển thí sinh cho mình, dựa trên kết quả xét tốt nghiệp của thí sinh.
Việc bất ngờ và bối rối tìm phương án là những phản ứng đầu tiên mỗi khi gặp phải khó khăn, trở ngại đột xuất. Trước một kỳ thi lớn, tập trung, huy động nhiều sức người, sức của như kỳ thi tốt nghiệp THPT, việc tìm ra một phương án căn cơ, công bằng và sáng suốt ngay khi dịch bệnh ở giai đoạn gia tăng lại càng khó khăn, vì nó quyết định đến cả sự an toàn của thí sinh trong dịch bệnh lẫn tương lai của các con trước "ngưỡng cửa cuộc đời"!
Nhiều ý kiến cho rằng, ở thời điểm hiện tại, một số tỉnh, thành phố cao điểm dịch bệnh vẫn có thể tính đến phương án thi tốt nghiệp THPT riêng cho địa phương sau kỳ thi THPT của toàn quốc, nhằm giảm áp lực cho các Ban chỉ đạo thi ở các địa phương, và quan trọng hơn cả là đảm bảo an toàn cho các em học sinh, góp phần kiểm soát dịch bệnh.
Nếu những thí sinh đặc biệt nhất của một năm học đặc biệt nhất hoàn thành 12 năm học tập theo một cách "đặc biệt" - tạm gọi như vậy về việc chỉ xét tốt nghiệp mà không tổ chức thi, hay thi sau khi dịch bệnh tại địa phương đã được kiểm soát, đó cũng là điều cần chấp nhận - để chúng ta không có "thí sinh loại F".
'Nóng' với kiến nghị dừng thi tốt nghiệp THPT Tại cuộc họp trực tuyến với Bộ GD-ĐT về kỳ thi tốt nghiệp THPT chiều 31.7, kiến nghị của lãnh đạo UBND TP.Đà Nẵng, Quảng Nam... gây chú ý vì đề nghị không tổ chức kỳ thi do diễn biến phức tạp của Covid-19. Học sinh lớp 12 tại TP.HCM ôn thi chuẩn bị cho kỳ thi - ẢNH: ĐẬU TIẾN ĐẠT Đà...