Samsung vẫn đứng đầu thế giới mà không cần thị trườngTrung Quốc
Là thương hiệu sản xuất smartphone số một thế giới nhưng Samsung chỉ có 1% thị phần tại thị trường Trung Quốc.
Theo thống kê của Strategy Analytics , trong tháng 2/2021, Samsung – hãng công nghệ đến từ Hàn Quốc – đã soán ngôi Apple để trở thành nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới. Với hơn 23,1% thị phần, Samsung đã xuất xưởng 24 triệu chiếc smartphone trong tháng 2.
Tuy là thương hiệu sản xuất smartphone thường xuyên dẫn đầu thị phần trên thế giới, theo thống kê của Statista , Samsung chỉ có 1% thị phần ở Trung Quốc. Trái ngược với Apple, luôn tìm cách lấy lòng đất nước tỷ dân.
Hiện nay, các công ty như Xiaomi, Oppo, Huawei mới là những ông lớn thống trị thị trường đất nước tỷ dân.
Sự trỗi dậy của thương hiệu nội địa
Điện thoại Samsung từ lâu đã xuất hiện phổ biến tại Trung Quốc. Có thời điểm, theo CNN , cứ 5 người dùng smartphone tại Trung Quốc lại có một người sử dụng smartphone Samsung. Thống kê của Statista cho biết vào năm 2013, thị phần smartphone Samsung chiếm gần 19%, dẫn đầu các thương hiệu tên tuổi nhất trên thị trường nội địa.
Mặc dù vậy, khoảng cách này nhanh chóng bị thu hẹp khi các nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc phát triển mạnh không chỉ tại quê nhà mà trên toàn thế giới.
Người dùng Trung Quốc có xu hướng ưu chuộng các sản phẩm nội địa với chất lượng tốt, giá thành rẻ.
Từ 12,1% thị phần nắm giữ năm 2014, chỉ một năm sau, ảnh hưởng của Samsung tại Trung Quốc suy giảm nhanh chóng. Với chưa đầy 1% thị phần vào năm 2015, Samsung dường như biến mất hoàn toàn khỏi thị trường smartphone Trung Quốc.
Kể từ năm 2015, các thương hiệu tiêu biểu như Huawei, Oppo, Vivo, Xiaomi đều mở rộng thị phần nội địa của mình. Tính đến năm 2020, Huawei hiện nắm 41,4% thị phần trong tay, Vivo chiếm 17,8%, Oppo chiếm 16,6% còn Xiaomi chiếm 13% thị phần.
Tuy không có chung số phận như Samsung, thị phần của Apple tại Trung Quốc vẫn giảm mạnh, từ 13,6% vào năm 2015 xuống còn 8,3% vào năm 2020.
“Với số tiền bỏ ra cho một chiếc điện thoại Samsung, người ta có thể mua một chiếc iPhone. Khi nói đến sự tương xứng với giá tiền, các thương hiệu nội địa như Huawei rõ ràng đang trở nên tốt hơn”, một bài đăng phổ biến trên Weibo được SCMP đề cập.
Theo Park Sung-soon, nhà phân tích đến từ công ty Cape Investment & Securities, người Trung Quốc có xu hướng nghiêng về thương hiệu nội địa hoặc các dòng smartphone cao cấp của Apple.
Sự cạnh tranh gay gắt giữa các thương hiệu điện thoại thông minh Trung Quốc giúp người dùng có nhiều lựa chọn ở mọi mức giá, đặc biệt trong phân khúc bình dân. Những cái tên mới nổi như Xiaomi dễ dàng chiếm được thiện cảm của người dùng nhờ tung ra nhiều mẫu smartphone hiệu suất tốt với giá thành rẻ.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, các thương hiệu nội địa có ưu thế hơn hẳn Samsung khi sở hữu mạng lưới phân phối, bán lẻ rộng khắp.
Các thương hiệu smartphone nội địa Trung Quốc có mạng lưới hệ thống bán lẻ rộng rãi.
Không chỉ có dân số lớn, Trung Quốc còn có nhiều thành phố, thị trấn bao phủ khắp cả nước. Theo SCMP , các thành phố “nhỏ” của Trung Quốc là thị trường lớn. So với Samsung, các nhà sản xuất smartphone nội địa dễ dàng tiếp cận khách hàng tại nhiều nơi hơn.
Cả Vivo và Oppo đều sở hữu mạng lưới đối tác bán lẻ trên khắp Trung Quốc, nhất là ở những khu vực nông thôn. Mạng lưới này cho phép các công ty nội địa kết nối trực tiếp với nhiều khách hàng vốn không có thói quen mua sắm trực tuyến. Ngoài ra, Trung Quốc là đất nước có 100 thành phố trên 1 triệu dân. Vì vậy, việc phát triển hệ thống bán lẻ sẽ giúp tối ưu hóa quá trình mở rộng quy mô kinh doanh.
Samsung không ‘lấy lòng’ Trung Quốc
Cuộc khủng hoảng pin năm 2016 là “giọt nước tràn ly” ảnh hưởng đến những thành tựu mà Samsung gây dựng trước đó.
Vào thời điểm đó, một số người dùng trên thế giới phản ánh tình trạng mẫu Galaxy Note 7 phát nổ do pin quá nóng. Samsung nhanh chóng thông báo thu hồi 2,5 triệu sản phẩm này trên 10 thị trường. Tuy nhiên, đợt thu hồi này không bao gồm Trung Quốc.
Samsung cho biết tại Trung Quốc, hãng sử dụng dòng pin khác trang bị trên Note 7. Do vậy, dòng sản phẩm này hiện an toàn và không thuộc diện phải thu hồi.
Theo ZDnet , tình trạng Galaxy Note 7 nổ pin bắt đầu xảy ra ở Trung Quốc sau một thời gian mở bán. Tuy nhiên, hãng cho biết những sự cố cháy nổ của Note 7 tại Trung Quốc chỉ do tác động bên ngoài. Sự cố này khiến nhiều người dùng Trung Quốc phẫn nộ.
Thương hiệu nội địa Trung Quốc có khả năng nắm bắt nhu cầu thị trường tốt hơn Samsung.
Flora Tang, nhà phân tích tại Counterpoint Research , cho biết phản ứng chậm trễ của Samsung trước tình huống đó đã dẫn đến sự mất niềm tin nghiêm trọng của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, SCMP phản ánh tình trạng nhiều người dùng Trung Quốc phàn nàn về dịch vụ chăm sóc khách hàng của Samsung.
“Tôi không thấy Samsung nỗ lực làm hài lòng người dùng Trung Quốc”, một người dùng khác chia sẻ với SCMP.
Cuối năm 2019, Samsung đóng cửa nhà máy sản xuất điện thoại cuối cùng tại thành phố Huệ Châu, miền nam Trung Quốc. Trước tình hình doanh số và thị phần nội địa giảm mạnh, Samsung phải đóng cửa các nhà máy tại Trung Quốc và đặt mục tiêu vào các thị trường hứa hẹn hơn.
“Quyết định đóng cửa nhà máy Samsung Electronics Huệ Châu là một trong những nỗ lực nâng cao năng lực sản xuất của hãng, đây đồng thời là quyết định khó khăn của Samsung”, thương hiệu Hàn Quốc tuyên bố.
Samsung quyết định đóng cửa nhà máy gần 30 năm tuổi.
Cũng trong thời gian này, website tin tức địa phương Zhiwei Tech đăng tải video trên Weibo quay lại cảnh các công nhân Samsung nhận điện thoại miễn phí. Chiếc điện thoại này là món quà chia tay dành tặng những nhân viên đã gắn bó với nhà máy trong hơn 10 năm.
Vào thời hoàng kim, khu phức hợp sản xuất của Samsung ở Huệ Châu đảm nhiệm 1/5 số lượng điện thoại thông minh bán tại Trung Quốc. Năm 2011, khi doanh số bán smartphone của Samsung đứng đầu thế giới, 2 nhà máy của công ty ở Huệ Châu và Thiên Tân lần lượt sản xuất 70,14 triệu và 55,64 triệu chiếc điện thoại.
Tuy nhiên, trong quý I/2019, dữ liệu thuộc hải quan Trung Quốc cho biết doanh số xuất khẩu smartphone của Samsung tại nhà máy Huệ Châu đã giảm 20,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Giờ đây, Samsung đang nỗ lực mở rộng sản xuất tại các thị trường mới nổi. Theo công ty nghiên cứu Canalys , khoảng 60% điện thoại thông minh của Samsung hiện được sản xuất tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Ấn Độ, thị trường điện thoại thông minh lớn thứ 2 thế giới, cũng là một trong những khu vực mà Samsung hướng tới.
“Hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh của Samsung ở Đông Nam Á và Ấn Độ có vẻ khả quan hơn so với ở Trung Quốc”, Flora Tang nhận định.
Với Mi 11 Ultra, Xiaomi đã chính thức cướp lấy tất cả những gì từng thuộc về Huawei
Xiaomi đã có 10 năm tăng trưởng ổn định, củng cố vị trí của mình là một trong những nhà sản xuất smartphone thuộc top đầu thế giới.
Xiaomi đã có 10 năm tăng trưởng ổn định, củng cố vị trí của mình là một trong những nhà sản xuất smartphone thuộc top đầu thế giới. Thế nhưng khi được so sánh, Xiaomi vẫn có phần lép vế hơn so với người đồng hương Huawei, đặc biệt là khi nhắc đến phân khúc smartphone cao cấp cạnh tranh với Apple hay Samsung.
Có thể nói Huawei đã tạo ra một cái bóng rất lớn đối với tất cả các hãng smartphone Trung Quốc khác. Huawei không chỉ thống trị thị trường trong nước, mà còn xâm chiếm thị trường Châu Âu và nhiều thị trường khác trên thế giới. Chỉ duy nhất tại Mỹ là Huawei không thể đặt chân lên được, nhưng ngay cả như vậy thì Huawei cũng đã từng vượt cả Samsung để trở thành nhà sản xuất smartphone số 1 thế giới.
Thế nhưng cái bóng ấy giờ đã không còn nữa, gã khổng lồ Huawei đã gục ngã. Giữa năm 2019, khi Huawei bắt đầu bị Mỹ liệt vào danh sách thực thể, gã khổng lồ này vẫn đang là nhà sản xuất smartphone lớn thứ 2 thế giới. Đến cuối năm 2020, Huawei đã tụt xuống vị trí thứ 4, và theo nhận định của các chuyên gia phân tích thì thị phần toàn cầu của Huawei sẽ còn tiếp tục giảm.
Huawei yếu thế, Xiaomi được đà lấn tới
Vào hôm thứ 4 vừa qua, Xiaomi công bố báo cáo tài chính năm 2020 với lợi nhuận cao kỷ lục. Nguyên nhân chính là sự yếu thế của gã khổng lồ Huawei, giúp Xiaomi mở rộng thị phần và tăng doanh số bán hàng. Đặc biệt là tại thị trường Châu Âu, nơi Huawei từng là thương hiệu smartphone Trung Quốc được người dùng lựa chọn nhiều nhất.
Theo nhà phân tích cấp cao Fiona Vanier của CCS Insight: "Xiaomi chắc chắn đã tận dụng những khó khăn của Huawei để mở rộng thị phần toàn cầu. Trong cùng khoảng thời gian Huawei từ vị trí thứ 2 trượt xuống vị trí thứ 4, chúng ta có thể thấy Xiaomi tăng trưởng rõ rệt".
Theo dữ liệu của IDC, thị phần của Xiaomi trên thị trường smartphone toàn cầu đã tăng lên 11,2% trong Q4/2020, với tổng số smartphone xuất xưởng đạt 43,4 triệu chiếc. Những con số này giúp Xiaomi giữ vững vị trí thứ 3, chỉ sau Apple và Samsung.
Trong khi đó tại thị trường Trung Quốc, Huawei vẫn giữ vị trí số 1 với 37% thị phần. Tuy nhiên theo báo cáo của Counterpoint trong tháng 1 năm 2021, tốc độ tăng trưởng của Huawei đã giảm 26%, còn của Xiaomi là tăng 15%. Xiaomi hiện nắm giữ 12% thị phần smartphone tại Trung Quốc.
Xiaomi chủ định xâm chiếm thị phần mà Huawei đánh mất
Sự tăng trưởng của Xiaomi trong thời gian Huawei gặp khó khăn không phải là một điều ngẫu nhiên, mà đó hoàn toàn nằm trong dự tính của Xiaomi. Chính Xiaomi đã lên kế hoạch trước để xâm chiếm thị phần mà Huawei đánh mất, sau khi Huawei gặp những rắc rối vì lệnh cấm từ phía Mỹ.
Xiaomi có hơn 3.000 cửa hàng bán lẻ tại Trung Quốc, trong 3 tháng tính đến tháng 12. Con số này tăng hơn 1.000 cửa hàng so với quý trước đó. Chủ tịch Wang Xiang của Xiaomi đã nói rõ: "Chúng tôi đang mở rộng kênh bán lẻ của mình một cách chiến lược, để có thể phủ sóng trên khắp mọi nơi của Trung Quốc".
Không chỉ trong thị trường nội địa, Xiaomi cũng có kế hoạch mở rộng ở các thị trường nước ngoài. Theo Canalys, Xiaomi đã có mặt tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới, được xếp hạng là một trong năm nhà sản xuất smartphone hàng đầu tại 54 quốc gia.
Nhà phân tích Will Wong của IDC đã phải thừa nhận rằng: "Trong năm 2020, Xiaomi đã có những bước đi đúng đắn để duy trì sức cạnh tranh trên thị trường nội địa. Và Xiaomi cũng đã tích cực xâm nhập các thị trường quốc tế để chiếm trọn thị phần mà Huawei bỏ lại".
Mi 11 Ultra có thể đặt dấu chấm hết cho Huawei
Mặc dù đã chiếm được rất nhiều thị phần từ tay Huawei, nhưng có một thứ mà Xiaomi chưa động đến được, đó chính là phân khúc cao cấp nhất. Thương hiệu Xiaomi vẫn thường được gắn với cái mác giá rẻ, chưa bao giờ là một thương hiệu cao cấp hay đẳng cấp. Nhưng Xiaomi muốn thay đổi điều đó.
Bằng cách ra mắt chiếc Mi 11 Ultra cao cấp cực kỳ ấn tượng, Xiaomi muốn chiếm lấy tất cả những gì thuộc về Huawei. Mi 11 Ultra là sự lựa chọn dành cho những người tiêu dùng đẳng cấp, muốn một thiết bị cấu hình mạnh mẽ nhất, nhiều tính năng nhất và mức giá không còn là phải chăng nữa.
Mi 11 Ultra sẽ giúp Xiaomi được đặt cùng mâm với Apple hay Samsung, vị trí mà trước đây chỉ có Huawei là nhà sản xuất smartphone Trung Quốc duy nhất có thể ngồi. Quan trọng hơn, đó là một chiếc smartphone cao cấp sẽ có thể thay thế cho những chiếc flagship như Huawei P hay Huawei Mate.
Trong thời gian tới, chúng ta có thể sẽ thấy thị phần của Huawei tiếp tục sụt giảm, trong khi đó Xiaomi sẽ lên ngôi như nhà sản xuất smartphone hàng đầu đến từ Trung Quốc. Huawei sẽ phải gấp rút tìm ra cách giải quyết vấn đề tự sản xuất chip và mối quan hệ hợp tác với Google, nếu không muốn ngày càng chìm sâu hơn.
Sản xuất smartphone giảm trong quý 2/2021 Hãng phân tích TrendForce cảnh báo sản lượng smartphone sẽ giảm 5% trong quý 2 do bão tuyết ập vào nhà máy Austin (Mỹ) của Samsung vào giữa tháng 2, nơi sản xuất các linh kiện điện thoại. Lượng smartphone 5G sẽ sụt giảm trong quý tới vì bão tuyết ở Austin hồi tháng 2 Theo Neowin , một số thành phần smartphone...