Sai phạm ở ĐH QGHN: Khó thu bằng thạc sĩ
Cơ quan công an và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục làm rõ việc ĐH Quốc gia Hà Nội chuyển tiền ra nước ngoài và trích giữ tiền nằm ngoài sổ sách là có vi phạm hình sự hay không.
Trao đổi với báo chí ngày 11/1, GS Vũ Minh Giang, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết những sai phạm của trường này trong liên kết đào tạo với nước ngoài đang được xử lý theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, căn cứ quy định hiện hành, Bộ GD-ĐT quyết định biện pháp xử lý phù hợp, bảo đảm quyền lợi đối với số văn bằng cử nhân, thạc sĩ do đối tác nước ngoài liên kết đào tạo với Trung tâm Công nghệ đào tạo và Hệ thống việc làm (ETC) đã cấp cho học viên và số bằng thạc sĩ của Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) cấp chưa phù hợp quy định.
Có thể thu hồi bằng do nước ngoài cấp?
Theo ông Ngô Văn Khánh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP), trong buổi làm việc gần đây với ĐH Quốc gia Hà Nội, TTCP vẫn đề xuất thu hồi bằng thạc sĩ do Trường ĐH Kinh tế cấp cho những học viên không viết và bảo vệ luận văn.
Trong khi đó, ông Vũ Minh Giang lại cho rằng việc “bảo đảm quyền lợi cho các học viên” nêu trong kết luận của Thủ tướng, không chỉ Bộ GD-ĐT, ĐH Quốc gia Hà Nội mà còn có trách nhiệm của TTCP. Đề xuất không công nhận bằng cấp của TTCP là không đúng luật bởi những bằng cấp này do nước ngoài cấp. “Một cơ quan trong nước không thể tuyên bố bằng cấp của nước ngoài cấp là không có giá trị” – ông Giang nói.
ĐH Quốc gia Hà Nội (Ảnh: Hoàng Lan Anh)
Video đang HOT
Ông Giang cũng cho hay ĐH Quốc gia Hà Nội đã làm việc với Bộ GD-ĐT về vấn đề bằng cấp của học viên. Theo Quyết định số 77/2007 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định về trình tự, thủ tục công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp, công dân Việt Nam có văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp, các cơ quan, cá nhân có nhu cầu xác nhận bằng cấp cần liên hệ với Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT). Ông Giang nhấn mạnh việc có tuyển dụng những người được cấp bằng của chương trình học này hay không là do nơi sử dụng lao động quyết định.
Làm rõ thu – chi
Theo ông Ngô Văn Khánh, vụ sai phạm ở ĐH Quốc gia Hà Nội còn nhiều vấn đề cần giải quyết tiếp. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GD-ĐT đang giám sát việc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến những sai phạm được TTCP chỉ ra. Ngoài ra, Thủ tướng còn giao ngành công an cùng Ngân hàng Nhà nước tiếp tục làm rõ việc trích nộp học phí trong liên kết đào tạo và trích 0,15% ngân sách Nhà nước để ngoài sổ sách có vi phạm hình sự hay không.
Trước đó, theo TTCP, trong liên kết đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội đã trích nộp trái quy định 21,373 tỉ đồng. “Việc này Bộ Tài chính đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ” – ông Khánh cho biết. Bên cạnh đó, việc ETC chuyển 177,8 tỉ đồng cho ĐH Griggs (Mỹ) qua tài khoản mở tại Singapore cũng có nhiều dấu hiệu vụ lợi. “Với chức năng của mình, chúng tôi không tiếp tục đi sâu vào vụ việc. Các cơ quan được Thủ tướng giao sẽ tiếp tục làm rõ những vấn đề đã được TTCP chỉ ra” – ông Khánh nói. Theo ông Khánh, Thủ tướng đã chỉ đạo nếu việc trích nộp và chuyển tiền ra nước ngoài có vụ lợi, tham nhũng thì phải xử lý nghiêm theo pháp luật.
Theo Thế Kha – Yến Anh (Người Lao Động)
Hàng loạt sai phạm ở ĐHQG HN, thu hồi hơn 21 tỷ
Ngày 10/1, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra liên kết đào tạo đại học và sau đại học của ĐHQG Hà Nội giai đoạn từ năm 2006-2010.
Hàng loạt sai phạm được phát hiện
Thanh tra chính phủ phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật của Trung tâm Công nghệ đào tạo và hệ thống việc làm (ETC) - đơn vị được ĐHQGHN cho thực hiện liên kết đào tạo với 2 đối tác nước ngoài là ĐH Griggs và ĐH Delawave.
Hàng loạt sai phạm trong liên kết đào tạo tại ĐHQGHN bị phát hiện. (Ảnh: Internet)
Thanh tra Chính phủ cho biết qua kiểm tra hồ sơ, tài liệu có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi ETC vừa tổ chức tuyển sinh, quản lý lớp học lại vừa ký hợp đồng liên kết tuyển sinh, quản lý, tổ chức với 6 đơn vị. Vì nội dung hợp đồng quy định mức phí trái với quy định của Bộ Tài chính.
Bên cạnh đó, việc giám đốc ĐHQGHN ký quyết định bổ nhiệm cán bộ có dấu hiệu vi phạm quy định tại Luật Phòng chống tham nhũng.
Kiến nghị thu hồi hơn 21 tỷ đồng
Đối với ĐHQGHN, kiến nghị thủ tướng chính phủ giao cho các cơ quan chức năngthanh tra toàn diện công tác thu chi tài chính của ĐHQGHN và các đơn vị thành viên ĐHQGHN giai đoạn 2006-2011.
Đồng thời, xác minh thông tin liên quan ngành nghề, lĩnh vực đào tạo và lịch sử của ĐH Griggs. Nếu không phù hợp mục tiêu liên kết đào tạo cho cán bộ của Việt Nam thì chấm dứt liên kết đào tạo của các cơ sở đào tạo Việt Nam với ĐH Griggs.
Về xử lý hành chính, thanh tra chính phủ kiến nghị thủ tướng chính phủ chỉ đạo ĐHQGHN tổ chức kiểm điểm, xác định trách nhiệm của giám đốc ĐHQGHN trong việc ban hành các văn bản trái quy định; cấp phép cho các đơn vị trực thuộc liên kết nước ngoài trái thẩm quyền; vi phạm điều kiện tuyển sinh, vi phạm quy chế đào tạo sau ĐH; bổ nhiệm cán bộ vi phạm Luật Phòng chống tham nhũng và tự đặt ra khoản thu phần trăm từ các nguồn kinh phí và thu dịch vụ của đơn vị trực thuộc.
Về xử lý về kinh tế, kiến nghị thu hồi các khoản tiền vi phạm về ngân sách nhà nước: Giám đốc ĐHQGHN có trách nhiệm nộp 21 tỷ 373 triệu đồng do đã yêu cầu các đơn vị trích nộp trái quy định về ngân sách nhà nước.
Ủy ban dân tộc có trách nhiệm thu hồi số kinh phí đã thanh toán cho các học viên lớp thạc sĩ quản lý công tổ chức tại ĐH Kinh tế không đúng đối tượng.
Về xử lý hình sự: chuyển hồ sơ, tài liệu cho Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng - Bộ Công an tiếp tục điều tra làm rõ và xử lý theo pháp luật.
Đồng thời, xác minh, làm rõ hoặc điều tra mở rộng với các hợp đồng còn lại của ETC với các đơn vị: công ty CP đào tạo ASem link; Viện đào tạo và ứng dụng công nghệ - NIIT; CĐ Điện lực TP.HCM.
Thanh tra chính phủ cũng đề nghị Bộ Công an xác minh làm rõ báo cáo thủ tướng chính phủ chủ sở hữu tài khoản, việc thanh toán, đối tượng được hưởng số tiền do ETC chuyển thanh toán cho ĐH Griggs ở Singapore...
AN HOÀNG
Theo Infonet
Những sự kiện "chấn động" giáo dục 2012 Nhìn lại sự kiện năm 2012 cho thấy "bức tranh" giáo dục nước nhà có không ít tín hiệu... buồn. Làn sóng nói không với bằng tại chức; Gian lận thi cử tập thể; Cải tiến thi càng rối; Bát nháo liên kết đào tạo; bạo lực học đường.... là những "bài toán" đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải tìm...