Sách xưa lắng đọng, nhân văn, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ, sao cứ phải thay đổi?
Càng đọc sách mới càng khiến người ta hoài niệm sách cũ, vậy sao không kế thừa lại bài học vỡ lòng sâu lắng và nhân văn đó mà cứ phải thay đổi?
Trong khi sách Tiếng Việt 1 bị chỉ trích khó học, thiếu tính giáo dục thì hình ảnh sách cũ dễ học, dễ nhớ và thấm đượm tình yêu quê hương đất nước được dân mạng chia sẻ “chóng mặt”. Nhiều người đặt câu hỏi: Sao sách giáo khoa xưa hay vậy, dễ nhớ và đầy tính nhân văn mà lại thay đổi?
Vì sao phải thay sách?
Theo GS.TS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, sách cũ có nhiều điểm bất cập nên phải thay sách mới để phù hợp xu thế hội nhập thế giới. Từ năm 1945 đến nay, nước ta thực hiện 3 cuộc cải cách giáo dục (năm 1950, 1959 và 1979) và 2 lần đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông (năm 2000 và 2018).
Trong đó lần đổi mới chương trình, sách giáo khoa năm 2018 được thực hiện theo Nghị quyết 29 của Ban chấp hành trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Mục tiêu của lần đổi mới này nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; định hướng nghề nghiệp; chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực, tiềm năng của mỗi học sinh.
Bên cạnh đó, theo GS Quân, các nội dung trong sách giáo khoa cũ đã có những điểm bất cập trước sự phát triển mạnh mẽ của xã hội và đòi hỏi của quá trình hội nhập quốc tế. Do đó, chúng ta phải thay chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa để đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn lực chất lượng, giáo dục học sinh có đủ năng lực, phẩm chất, kỹ năng mới.
(Ảnh minh hoạ: T.T)
Ở lần đổi mới năm 2000, sách giáo khoa được viết trước, chương trình giáo dục phổ thông viết sau. Sách giáo khoa là pháp lệnh, giáo viên “răm rắp” dạy theo. Việc này không còn phù hợp với thực tại và đi ngược với xu thế phát triển của các trước trên thế giới.
Theo GS Trần Hồng Quân, điểm cốt yếu trong lần đổi mới này là sách giáo khoa sẽ cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông thay vì quá phụ thuộc vào sách như trước đây. Đồng thời, việc thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, tức là một môn học sẽ có một số sách giáo khoa giúp giáo viên được tự chủ xây dựng bài soạn từ nhiều bộ sách khác nhau, học sinh chủ động trong tiếp thu kiến thức.
Theo một chủ biên sách giáo khoa, chương trình và sách giáo khoa ở nước ta không phải đổi mới liên tục. Sách giáo khoa lớp 1 ở nước ta đã dùng 20 năm, dài hơn chu kỳ dùng sách ở các nước trên thế giới.
Một chuyên gia giáo dục đến từ Hà Lan cũng bày tỏ, giáo dục phổ thông của Hà Lan từ rất lâu đã áp dụng mô hình một chương trình thống nhất trong cả nước và có nhiều sách giáo khoa cụ thể hóa chương trình này. Chương trình tổng thể, chương trình môn học là nền tảng để căn cứ vào đó các nhà xuất bản xây dựng sách giáo khoa.
Video đang HOT
Mô hình một chương trình – nhiều sách giáo khoa cụ thể hóa chương trình này, là điều ngành giáo dục đào tạo Việt Nam đang triển khai và sẽ bắt đầu áp dụng từ năm học 2020-2021. Đây cũng là mô hình mà nhiều quốc gia trên thế giới khác đã và đang nỗ lực áp dụng.
Chủ biên nói gì?
So sánh giữa sách giáo khoa cũ và sách giáo khoa mới, nhiều phụ huynh cho rằng, sách Tiếng Việt lớp 1 cũ dễ học hơn sách hiện hành, các tác giả nên kế thừa những điều đó thay vì lược bỏ hết phần cao dao tục ngữ, truyện dân Việt Nam thay bằng truyện ngắn nước ngoài.
Tuy nhiên, chủ biên sách một bộ giáo khoa mới thẳng thắn nói: “Đó chỉ là nhận định cảm quan từ phía phụ huynh. Để đánh giá hiệu quả cuốn sách Tiếng Việt 1 cần quá trình và thời gian. Học sinh vừa khai giảng năm học mới được 6 tuần, trong khi mục tiêu đánh giá của chương trình là hết năm học lớp 1 đảm bảo các em đọc thông, viết thạo”.
Vị chủ biên cũng cho rằng, học sinh lớp 1 như tờ giấy trắng, giáo viên là người trực tiếp giảng dạy và uốn nắn những nét chữ đầu tiên, phụ huynh nên bình tĩnh, để giáo viên được chủ động trong việc dạy chữ. Đồng thời, giáo viên có quyền chủ động lên kế hoạch bồi dưỡng kiến thức, không nhất thiết phải bám sát tiến trình các bài của sách giáo khoa. Sách chỉ là học liệu, không phải “pháp lệnh”, giáo viên, phụ huynh cần thay đổi lối tư duy cũ trước đây.
Làm rõ hơn thắc mắc trên, PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, Tổng chủ biên kiêm Chủ biên sách Tiếng Việt 1 – bộ Kết nối tri thức với cuộc sống khẳng định sách kế thừa rất nhiều kinh nghiệm của sách Tiếng Việt trước đây. Nhiều bài đọc quen thuộc với học sinh qua nhiều thế hệ cũng có trong sách như các tác phẩm của Huy Cận, Phan Thị Thanh Nhàn, Hoàng Minh Chính. Nếu như trước đây từng có sách thiết kế 3 vần, thì bộ Kết nối tri thức và cuộc sống cũng sử dụng nhiều bài 3 vần. Dù vậy, những bài 3-4 vần hầu hết đơn giản và giống nhau về cách đọc cũng như viết.
Về lý do không đưa ngữ liệu ca dao, tục ngữ vào giai đoạn đầu lớp 1, theo ông Hùng vì lúc này vốn âm chữ của học sinh rất ít, các em chưa thể hiểu được nội dung. Các sách Tiếng Việt 1 mới ở cả 5 bộ đều thiết kế bài học theo nguyên tắc ngữ liệu trong phần đọc phải có âm chữ được học trong bài, các âm chữ còn lại đều phải được học trước đó (tuyệt đối không được có những âm chữ chưa học) để bảo đảm học sinh có thể tự đọc.
“Vì vậy, khả năng đưa ca dao, tục ngữ vào 6 – 7 tuần đầu coi như bằng 0, trừ khi sách thiết kế theo cách đưa ngữ liệu văn chương vào để học sinh nghe thầy cô đọc và học thuộc lòng. Các sách Tiếng Việt 1 mới đều không thiết kế bài học theo cách đó”, PGS Hùng giải thích.
(Ảnh minh hoạ: T.T)
Sang tập 2, khi học sinh đủ vốn âm vần để đọc được gần như tất cả các tiếng thì các tác giả có đưa đồng dao, sáng tác văn chương mang đậm dấu ấn của đời sống và con người Việt Nam.
Về câu hỏi tại sao sách giáo khoa ngày trước có nhiều bài thơ, bài văn hay mà sách mới không dùng, vị chủ biên khẳng định: “S ách Tiếng Việt 1 mới có dùng”.
Bên cạnh việc kế thừa truyền thống, sách mới cũng cần cập nhật những ngữ liệu đáp ứng mục tiêu giáo dục mới và phù hợp với đời sống trẻ em Việt Nam hiện nay. Ví dụ cần có những bài đọc cho các chủ điểm bảo vệ môi trường, giáo dục kỹ năng sống, và những nội dung giáo dục mà trước đây chưa bao giờ có.
Theo ông, quan điểm dạy học ngôn ngữ mới là tỷ lệ văn bản thông tin phải được tăng lên, chứ không chỉ tập trung vào ngữ liệu là sáng tác văn chương như sách cũ trước.
Thế hệ trước có thể vừa học vừa có thời gian chăn trâu, cắt cỏ vì phù hợp với nội dung giáo dục và nhu cầu nhân lực thời đó. Còn ngày nay, kiến thức mới được bổ sung theo đà phát triển của khoa học và công nghệ, trẻ học nhiều môn với nội dung giáo dục khác như ngoại ngữ, âm nhạc, mỹ thuật, kỹ năng sống.
“Không nên nghĩ vừa học vừa chơi mà vẫn có kiến thức và công việc tốt. Nếu không có áp lực trong việc học thì rất khó để cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa. Đây là xu hướng chung của các nước trên thế giới. Tất nhiên học sinh lớp 1 thì vẫn la fưu tiên bồi dưỡng tâm hồn, hình thành nhân cách, phát triển một số kỹ năng”, ông nói
Ở góc độ tâm lý, TS Nguyễn Thanh Nga, Trung tâm tư vấn tâm lý giáo dục học đường và tuổi vị thành niên cho rằng, nguyên nhân khiến trẻ sợ học Tiếng Việt khi vào lớp 1 là do trước đó các em chưa được tiếp xúc với chữ cái, việc phải ngồi nghiêm túc học viết trung bình 35 phút/tiết học và tập trung nghe cô giáo giảng là điều rất khó với trẻ từ 5 đến 8 tuổi.
Vì vậy, phụ huynh không cần quá sốt ruột, năng lực nhận biết của mỗi trẻ là khác nhau. Có những em phải nghe giảng từ 10 đến 12 lần mới ghi nhớ, nhưng cũng có em chỉ cần nghe 1 đến 2 lần là hiểu. Việc quan trọng là giáo viên phải luôn đổi mới cách thức giảng, khiến trẻ hứng thú, không tạo áp lực, trẻ sẽ tiếp nhận thông tin theo chiều hướng tự nhiên, nhẹ nhàng nhất.
Các ngữ liệu sử dụng trong sách Tiếng Việt 1 được quy định cụ thể ở Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn (ban hành theo Thông tư 32 năm 2018 của Bộ GD&ĐT).
Theo đó, ngữ liệu phải phục vụ trực tiếp cho việc phát triển các phẩm chất và năng lực theo mục tiêu, yêu cầu cần đạt của chương trình; phù hợp với kinh nghiệm, năng lực nhận thức, đặc điểm tâm – sinh lý của học sinh ở từng lớp học, cấp học.
Với từ ngữ dùng làm ngữ liệu dạy tiếng ở cấp tiểu học phải được chọn lọc trong phạm vi vốn từ văn hoá, có ý nghĩa tích cực, bảo đảm mục tiêu giáo dục phẩm chất, giáo dục ngôn ngữ, giáo dục thẩm mĩ và phù hợp với tâm lí học sinh.
Đồng thời các ngữ liệu phải phản ánh được thành tựu về tư tưởng, văn học, văn hoá dân tộc; thể hiện tinh thần yêu nước, độc lập dân tộc, ý thức về chủ quyền quốc gia; có tính nhân văn, giáo dục lòng nhân ái, khoan dung, tình yêu chân thiện mĩ, tình yêu thiên nhiên, tinh thần hội nhập quốc tế, hướng đến những giá trị phổ quát của nhân loại.
Do vậy, việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa là hoàn toàn phù hợp với thời cuộc và gắn với vận thế phát triển của đất nước và những thác thức trong thời kỳ hội nhập.
Sách giáo khoa lớp 1: Lắng nghe, để cần thì điều chỉnh
Trước phản ánh của báo chí về việc sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 có một số nội dung chưa phù hợp, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo kiểm tra, làm rõ và có phương án xử lý phù hợp vấn đề này.
Trên thực tế, không chỉ từ phía Hội đồng biên soạn và thẩm định, chính các bậc phụ huynh cũng cần lắng nghe để không vội vàng, bởi giáo viên vẫn là người quyết định cuối cùng trong một giờ học.
Những ngày qua, trên các phương tiện truyền thông đại chúng đã có phản ánh về việc sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 có một số nội dung chưa phù hợp đối với học sinh lớp 1. Bộ GD&ĐT đề nghị Hội đồng rà soát, kiểm tra các nội dung báo chí nêu và báo cáo của Hội đồng thẩm định gửi về Bộ GD&ĐT trước ngày 17-10-2020.
Công văn nêu rõ, triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa đã tổ chức thẩm định sách giáo khoa lớp 1. Căn cứ kết quả thẩm định, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã phê duyệt 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 để các nhà trường lựa chọn, triển khai các hoạt động dạy học theo quy định.
Trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã tiến hành kiểm tra, khảo sát, nắm tình hình triển khai chương trình, sách giáo khoa mới ở một số địa phương. Kết quả kiểm tra cho thấy, sách giáo khoa lớp 1 đã được các nhà trường lựa chọn, tổ chức dạy học bước đầu đáp ứng yêu cầu; học sinh lớp 1 được làm quen với phương pháp dạy học mới, hứng thú và tự tin trong học tập.
Một giờ học tiếng Việt theo chương trình mới, sách mới của học sinh trường TH Lê Quý Đôn, quận Hà Đông. (Ảnh: P.T)
Tuy nhiên, trước ý kiến về số tiết học môn Tiếng Việt tăng, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT cho biết: Thời điểm chương trình, sách mới triển khai một tháng mà nói sách nặng hay nhẹ là chưa đủ căn cứ, tuy nhiên, Bộ sẽ có kiểm tra, đánh giá, có điều chỉnh nếu cần.
PGS.TS Bùi Mạnh Hùng - Phó tổng Chủ biên CT GDPT 2018 cho rằng: Trong giai đoạn đầu, giai đoạn học âm chữ, không phải sách giáo khoa Tiếng Việt 1 mới nào cũng tăng nhiều kiến thức, kĩ năng như phụ huynh phản ánh. Chẳng hạn, có thể tham khảo vài so sánh Tiếng Việt 1 năm 2000 và Tiếng Việt 1 mới, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống (NXBGD Việt Nam).
Ở sách giáo khoa Tiếng Việt 1 năm 2000: Phần âm chữ (kể cả 3 nguyên âm đôi) học trong 31 bài, trong đó có 5 bài ôn tập và kể chuyện. Mỗi tuần 5 bài, mỗi bài 2 tiết, tổng: 62 tiết (khoảng 6 tuần, 10 tiết/tuần). Còn với sách giáo khoa Tiếng Việt 1 bộ sách "Kết nối tri thức với cuộc sống": Phần âm chữ (kể cả 3 nguyên âm đôi) học trong 30 bài, trong đó có 6 bài ôn tập và kể chuyện. Như vậy, tổng thời gian cho phần âm chữ là: 60 tiết (buổi sáng) 12 tiết (buổi chiều) = 72 tiết. Như vậy, cùng số lượng âm chữ như nhau, nhưng sách giáo khoa Tiếng Việt 1 mới dành thời gian nhiều hơn hẳn so với Tiếng Việt năm 2000.
Còn với những bài học mà nội dung đang gây băn khoăn (như bộ sách Cánh Diều đang bị ý kiến về việc dạy trẻ con thói lười nhác, thủ đoạn và khôn lỏi...), PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên chương trình môn Ngữ văn - Chương trình Giáo dục phổ thông mới nhận xét: "Tôi nghĩ, việc đưa 1 câu chuyện vào dạy cho trẻ thế nào còn phụ thuộc vào câu hỏi hướng dẫn đọc và cách dạy của thầy cô giáo.
Cũng truyện ấy nhưng giáo viên hướng học sinh hiểu thế nào cho đúng, cho nhân hậu, có ý nghĩa giáo dục cao là do tấm lòng, từ nhận thức, hiểu biết của người thầy... Trong chuyện này, nếu có hạn chế thì chỉ là các tác giả khi phỏng theo, biên tập lại cần chau chuốt hơn để câu văn hay, tránh thô thiển dễ gây hiểu nhầm" .
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống viện dẫn, chẳng hạn bài học "Chữ số 4" với ví dụ về "Bốn cái làn" được lan truyền trên mạng xã hội những ngày qua là sai hoàn toàn bởi thực chất không cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 nào có nội dung như vậy.
Trước ý kiến về việc sách đưa nhiều ngữ liệu là truyện ngụ ngôn được dịch từ nước ngoài có nội dung phản giáo dục; PGS. TS Đỗ Ngọc Thống cho rằng, truyện nếu lấy từ tác phẩm của các nhà văn nổi tiếng nước ngoài thì sao có thể bảo là phản giáo dục được?
Chẳng qua là truyện ngụ ngôn thường có nhiều ý nghĩa và có thể suy luận theo nhiều cách hiểu khác nhau. Và nếu cứ suy luận kiểu như thế thì tất cả các câu chuyện cổ đều sẽ bị phê phán.
Vì vậy, PGT.TS Đỗ Ngọc Thống cho rằng: "Mỗi cuốn sách đều có những ưu điểm và hạn chế. Không nên chỉ nhìn thấy một vài thiếu sót rồi vội vã khái quát, phủ nhận sạch trơn toàn bộ cuốn sách".
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, với những ý kiến phản ánh, Bộ GD&ĐT, các hội đồng viết sách, thẩm định sách lên lắng nghe và có sự cầu thị, với những nội dung chưa thật sự phù hợp, gây hiểu lầm cần có điều chỉnh nếu cần.
Tuy nhiên, ngay cả phía phụ huynh, dư luận, cũng cần có cái nhìn khách quan, lắng nghe thông tin đúng, để không phủ nhận sạch trơn, chỉ trích cá nhân. Đổi mới giáo dục là một quá trình dài mà trong khi thực hiện, toàn xã hội phải có sự chung tay, đóng góp, phản biện có tính chất xây dựng, như vậy, những bước đi của đổi mới mới vững chắc và tiến đến thành công được.
Hậu Giang: Chưa nghe phản ánh về nội dung SGK Cánh diều Lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang khẳng định đến nay chưa nghe giáo viên hay cán bộ quản lý ngành giáo dục trên địa bàn phản ánh về nội dung của sách giáo khoa Cánh diều. Ngày 21-10, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức Hội nghị báo cáo viên tháng 10-2020. Tại đây, bà Nguyễn Ngọc Ánh, Phó Giám...