Rơm khô, vỏ trấu có giá bất ngờ trên sàn thương mại điện tử
Rơm khô, vỏ trấu là vật phẩm mà nhiều người bỏ đi ở các làng quê, nay bỗng”đổi đời” sau bước ngoặt gia nhập sàn thương mại điện tử.
Dạo 1 vòng quanh các sàn thương mại điện tử, rơm khô, vỏ trấu được các gian hàng rao bán rầm rộ.
Giá cho mỗi cân vỏ trấu là 40.000 đồng, rơm khô là 15.000 đồng/kg. Theo quảng cáo của người bán, vỏ trấu và rơm khô được dân trồng cây cảnh ưa chuộng bởi chúng có tác dụng làm tăng độ xốp, độ thông thoáng cho đất.
Vỏ trấu được rao bán rầm rộ trên sàn thương mại điện tử
Chị Thanh Ngọc – tiểu thương bán vỏ trấu – chia sẻ, trung bình mỗi ngày, chị cung ứng ra thị trường 5 – 10kg vỏ trấu, khách mua thường là dân trồng rau, trồng cây cảnh.
Sản phẩm sẽ được trộn trực tiếp vào đất hoặc phủ lên bề mặt để giữ ẩm, cung cấp khoáng cho cây. Đặc biệt, vỏ trấu còn là “chiến hữu” của giới trồng hồng, Bởi giá thể của chúng khi trộn chung với đất sẽ tạo sự tơi xốp, khiến cây phát triển mạnh.
Chị Ngọc cho hay: “Tùy từng trường hợp, vỏ trấu sẽ được để nguyên, trộn với than hay một số giá thể khác như vỏ dừa, bã mía để trồng lan chuyên nghiệp. Và chúng cũng được ứng dụng rộng rãi để trồng rau thủy canh bằng máng cạn”.
Để tăng thêm giá trị dinh dưỡng, vỏ trấu còn được ủ mục với các loại phân vi sinh. Thường với các dòng này, chị chỉ bán trực tiếp ở cửa hàng, còn vỏ trấu nguyên chất, chưa qua pha trộn thì được chị bán phổ biến ở trên mạng.
Video đang HOT
Rơm khô được đóng bao cẩn thận
Vừa ngồi kiếm đơn và đóng hàng cho khách, anh Nguyễn Dũng (Hà Nội) chia sẻ, từ ngày phong trào trồng rau trên sân thượng phát triển, rơm và trấu là 2 mặt hàng bán chạy nhất tại cửa hàng anh. Để tiện cho khách mua, anh sẽ đóng rơm, trấu vào từng túi nhỏ với trọng lượng là 0,5kg.
“Rơm khô có ưu điểm là lành tính, tạo môi trường tốt cho hạt nảy mầm, tránh rau dập nát khi trời mưa và úa táp khi trời nắng. Còn trấu thì có nhiều chất dinh dưỡng, giúp giữ nước và tạo độ ẩm tốt cho cây” – anh chia sẻ.
Anh Dũng cho biết, ngày trước, rơm hay trấu ở quê anh thường được đốt bỏ sau mỗi khi thu hái. Mãi sau này, người dân mới bắt đầu chú trọng và thương mại hóa sản phẩm, tuy nhiên, mô hình này không nhiều.
“Ở quê nội tôi Bắc Giang, rơm rạ người ta còn chất đống ở ngoài đường, nhà nào có trâu bò thì lấy, còn không sẽ đốt bỏ. Tương tự, trấu cũng vậy, chủ yếu là để nhóm lò, đốt bếp chứ chẳng ai mang đi bán hay làm gì” – anh Dũng nói.
Nhận thấy tiềm năng phát triển, anh Dũng mới bàn với 1 chủ cơ sở xay xát trong thôn về việc thu mua vỏ trấu định kỳ. Hàng tháng, anh sẽ ra bến xe nhận đơn theo lịch hẹn, hàng sẽ được làm sạch và đóng gửi thành từng bao.
Ở nhiều làng quê, rơm rạ thường được đốt tại ruộng ngay sau khi thu hoạch
Chị Ngọc Mai (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, ngày trước, thi thoảng chị về quê thường xin vỏ trấu hoặc rơm khô để trồng rau nhưng sau này do công việc bận rộn thì chị hay mua trên mạng.
“Hiện nay, hầu hết ở các cửa hàng bán hoa, cây cảnh hay dụng cụ làm vườn đều có trấu và rơm. Thi thoảng, đi làm qua tôi vẫn mua nhưng giờ trên mạng bán nhiều thì tôi cũng ít đến” – chị Mai kể.
Cũng theo chị Mai, từ khi nhà chị dùng vỏ trấu trồng rau, cây phát triển rất tốt, đất không những tơi xốp mà còn thông thoáng, đặc biệt là vườn sạch sẽ và không gây mùi.
Thời của "tiểu thương online"
Người tiêu dùng chuyển dần sang mua sắm trên diễn đàn, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử... làm hình thành lực lượng "tiểu thương online".
Nếu trước đây những người bán hàng thực phẩm online chủ yếu kinh doanh mặt hàng quà quê, sản phẩm nhà làm, nhà trồng khó truy xuất nguồn gốc thì nay, nhiều gian hàng trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) hoặc mạng xã hội (MXH) đã trở thành "tiệm tạp hóa trực tuyến", góp phần tăng thị phần cho các doanh nghiệp (DN).
"O bế" cộng tác viên online
Kể câu chuyện phát triển hơn 200 cộng tác viên, đại lý phân phối online để đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến trong mùa dịch Covid-19 vừa qua, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Vinamit, cho biết nhờ có những "tiểu thương online" này mà đầu ra sản phẩm của công ty phần nào bớt ảm đạm trong thời gian qua.
Theo ông Viên, trong khi doanh thu từ những mặt hàng chế biến của công ty sụt giảm tại hầu hết điểm phân phối cửa hàng, siêu thị thì tại "chợ mạng", mọi chuyện đang tốt dần lên. "Công ty mới xây dựng đội ngũ cộng tác viên bán hàng online một thời gian ngắn nhưng đã cho thấy có chiều hướng phát triển tốt. Trong tháng 4, những cộng tác viên này đã mang về cho công ty hơn 800 triệu đồng doanh thu từ bán hàng tươi sống lẫn chế biến" - ông Viên tiết lộ.
Tại Vinamit, cộng tác viên online được chăm sóc với chế độ tương đương đại lý truyền thống. Ngoài phần trăm chiết khấu, còn có chính sách đãi ngộ, tích điểm thưởng và hỗ trợ quảng cáo, bán hàng.
Cũng đang đẩy nhanh tiến độ bán hàng thực phẩm trên kênh TMĐT, trong 4 tháng đầu năm, Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) đã hợp tác với Momo, Now, một số đơn vị bán hàng qua điện thoại và mới đây nhất là phối hợp bán hàng trên Sendo.vn. Ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Vissan, giải thích lý do chọn Sendo.vn là bởi sàn này có nhiều chính sách hỗ trợ tốt về chi phí marketing lẫn giao hàng. "Chúng tôi còn có kế hoạch hợp tác bán hàng trên Lazada và mở rộng hệ thống đại lý bán hàng online lẫn truyền thống. Bởi trong bối cảnh cạnh tranh mới, công ty rất khuyến khích đại lý đa dạng hóa hình thức bán hàng" - ông Dũng nói.
Chủ một website chuyên về thực phẩm cho biết ngoài cửa hàng chính ở quận Bình Thạnh và website này, chị còn quản trị tài khoản Facebook cùng tên để giới thiệu sản phẩm, tương tác với khách hàng và nhận đặt hàng. Trên website lẫn Facebook, ngoài những đơn hàng trọn gói nguyên liệu nấu canh, món mặn như canh ngót nấu thịt bằm, canh khổ qua dồn thịt, thịt ba chỉ kho trứng cút..., còn bán đủ loại rau củ, trái cây, thịt heo, thịt bò, thịt gà, cá, tôm, trứng, xúc xích, lạp xưởng... của những thương hiệu lớn như C.P., Vissan... "Doanh số bán hàng mảng online đã tăng lên mức ngang ngửa bán hàng trực tiếp. Đến mức một số DN lớn đã chủ động liên hệ chào hàng và đặt vấn đề hợp tác bán hàng online với khá nhiều ưu đãi" - chủ cửa hàng này nói.
Kênh bán hàng online đang được doanh nghiệp huy động tối đa trong bối cảnh thị trường có nhiều thay đổi.
Cần được hướng dẫn và quản lý
Theo ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, 2 năm qua, tỉ lệ lựa chọn mua sắm trên diễn đàn, MXH và sàn TMĐT liên tục tăng cao. Trong khi bán hàng qua truyền hình gần như dừng lại ở mức độ giới thiệu, quảng cáo sản phẩm; người bán sử dụng kênh này như công cụ hỗ trợ việc mua bán, giao dịch qua website, ứng dụng hoặc diễn đàn, MXH.
"Xu hướng người tiêu dùng mong muốn được lựa chọn hàng hóa phong phú hơn nên chuyển dần sang các diễn đàn, MXH, sàn giao dịch TMĐT vì nơi đây tập trung nhiều người bán với nguồn hàng đa dạng" - ông Kiên nói, đồng thời chỉ ra nguyên nhân cơ bản của xu hướng chuyển dịch này là pháp luật hiện hành chỉ tập trung quản lý website và ứng dụng di động (apps), yêu cầu phải thực hiện thủ tục thông báo, đăng ký (website, ứng dụng) với Bộ Công Thương. Trong khi đó, người bán hàng trên diễn đàn, MXH, sàn TMĐT chỉ cần cung cấp đầy đủ thông tin sản phẩm theo Nghị định 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về TMĐT, không cần thực hiện các thủ tục hành chính khác.
Mới đây, tại buổi tọa đàm về giải pháp khôi phục và phát triển kinh tế TP HCM, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP, cũng cho biết kinh doanh trực tuyến, cụ thể là qua sàn TMĐT và MXH đã phát triển rất nhanh trong thời gian qua, đặc biệt những ngày giãn cách xã hội do dịch Covid-19. Theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, thị trường đã hình thành đội ngũ tiểu thương online tham gia trực tiếp nhưng nhóm đối tượng này đang hoạt động tự phát, thiếu sự hướng dẫn, kiểm soát của cơ quan chức năng. Vì vậy, nhà nước nên tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng cho những tiểu thương này tương tự chương trình đào tạo kỹ năng cho tiểu thương chợ truyền thống trước đây để phát triển họ thành một bộ phận tham gia kinh doanh trong môi trường kinh doanh lành mạnh, hiện đại của TP HCM.
Việc nhẹ, thu nhập cao
Trong khi những DN lớn, làm ăn bài bản mới bắt đầu tìm đến đội ngũ đại lý, cộng tác viên online để mở rộng thị phần trên "chợ mạng" thì khá nhiều DN nhỏ và vừa cũng như cá nhân đã nhanh nhạy tạo dựng được mạng lưới phân phối hùng hậu trên kênh mua sắm trực tuyến. Họ công khai rao tuyển cộng tác viên, đại lý bán hàng online trên các diễn đàn, MXH với những chính sách hấp dẫn, cam kết "việc nhẹ, thu nhập cao", không cần đến công ty, không cầu đầu tư vốn mua hàng gối đầu, không tốn kém quá nhiều thời gian, không bị áp đặt doanh số, không yêu cầu bằng cấp... Cộng tác viên, đại lý còn được hướng dẫn cách quảng cáo bán hàng, được cung cấp hàng giá sỉ, hỗ trợ giao hàng với tỉ lệ chiết khấu lên đến 20%-25%.
Nhu cầu mua bao cao su online tăng 56% trong mùa dịch Ngoài nhu yếu phẩm, khẩu trang thì bao cao su lại là mặt hàng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh trên các sàn thương mại điện tử trong mùa dịch. Tiệm trà chanh "hồi sức" nhờ nắng nóng Từ hôm nắng nóng, lượng khách ở các quán trà chanh tăng cao đột biến. Nhiều lúc, có nơi phải từ chối tiếp "thượng đế"...