Quyết tâm đạt được điểm 0 vì lời thách thức của bố, nam sinh đỗ luôn vào Harvard, trở thành dịch giả lừng danh
Vì lời thách thức của người bố, cậu con trai đã đỗ luôn vào Harvard!
Dạy con học luôn là vấn đề muôn thuở của các bậc phụ huynh, nhiều cha mẹ luôn tỏ ra bất lực khi con trẻ quá lười học. Tìm ra phương pháp học tập hiệu quả cho con cái không phải là điều dễ dàng, điển hình là việc ông bố dưới đây đã mất hàng năm trời để có được phương pháp “làm xoay ngược tình thế” giúp con trai trở nên siêng năng hơn, thậm chí là đỗ vào Harvard nhờ lời hứa đồng ý cho con trai làm mọi điều mình muốn nếu cậu bé đạt điểm 0 trong các bài kiểm tra.
Cụ thể khi mới lên 8 tuổi, cậu bé Lưu Xuân cùng gia đình từ Đài Loan sang định cư tại Mỹ. Thời gian đầu cậu vẫn rất ngoan ngoãn và chăm chỉ học tập, tuy nhiên môi trường trung học đã khiến cậu dần trở nên nổi loạn. Các giáo viên đã không ít lần bày tỏ sự than phiền với gia đình vì Lưu Xuân quá nghịch ngợm, không chịu cố gắng học hành và kết quả điểm số trên lớp vô cùng tệ hại.
Cậu nhóc thường xuyên đạt được điểm C và chỉ ước mơ trở thành tay đua số một như Michael Schumacher. “ Schumacher là thần tượng của con. Khi bằng tuổi con, điểm số của anh ấy cũng rất tệ, thậm chí còn hay bị điểm 0. Nhưng bố nhìn xem, giờ anh ấy là tay đua hàng đầu thế giới“, Lưu Xuân từng nói với bố.
“ Ý con là nếu được điểm 0 thì con sẽ phần nào giống Michael Schumacher thời học sinh, đúng không? Vậy con cố gắng đạt điểm 0 đi. Hãy cá cược rằng nếu con đạt điểm 0 thì bố sẽ không bao giờ can thiệp vào việc học của con nữa và con có thể làm bất cứ điều mình muốn. Tuy nhiên, cho đến khi con đạt điểm 0, con phải tuân thủ những quy tắc bố đưa ra là phải học tập chăm chỉ, được chứ?“.
Ông bố cũng lưu ý thêm luật rằng: không được bỏ xót mà tất cả những câu hỏi đều phải được trả lời, nếu bỏ trống bất kỳ câu nào sẽ là vi phạm luật chơi. Lưu Xuân nghe vậy đồng ý ngay lập tức.
Ban đầu nghe thì có vẻ đơn giản nhưng mà khi bắt tay vào làm cậu mới nhận ra, để lấy được điểm 0 không hề dễ dàng. Dù nhiều lần khoanh bừa nhưng cậu vẫn khoanh nhầm vào đáp án đúng, lúc này các bài kiểm tra vẫn luôn đạt điểm C, và để đạt được điểm 0 cậu phải biết đâu là đáp án sai thì mới có thể chọn.
Lúc này người bố đưa ra lời gợi ý: “ Muốn biết đâu là đáp án sai, con phải học đi chứ“.
Nghe lời khuyên của bố, cứ thế đến 1 năm sau cậu bạn mới lần đầu được điểm 0 đầu tiên. Đó chính là thành quả của việc nỗ lực học tập, để biết đâu là đáp án đúng và đâu là đáp án sai. Nghe tin con trai được 0 điểm, ông bố rất vui mừng: “ Chúc mừng con! Cuối cùng con cũng lấy được điểm 0 như mong muốn. Chỉ những học sinh giỏi thực sự mới biết chính xác đâu là đáp án sai để được điểm 0“.
Video đang HOT
Dù biết mình đã bị lừa, nhưng chính nhờ cú lừa đó của ông bố mà Lưu Xuân đã dần lấy lại được tinh thần học tập, chăm chỉ tích cực hơn với việc học. Cậu bé nổi loạn và mong muốn được điểm 0 năm nào giờ đã trở thành Thạc sĩ tại Đại học Havard, là một dịch giả, tác giả.
Cậu bé nổi loạn và mong muốn được điểm 0 năm nào giờ đã trở thành Thạc sĩ tại Đại học Havard.
Rất nhiều cha mẹ đang tự gây áp lực cho mình, rằng con mình phải nổi trội, phải giỏi, hoặc nếu không ít nhất cũng không thua con nhà hàng xóm. Thói quen cố hữu luôn coi trọng điểm số, thành tích khiến bố mẹ phải gồng mình trong cuộc chạy đua thành tích vô nghĩa.
Học kiến thức là việc cả đời. Ở độ tuổi còn nhỏ này, cái trẻ cần hơn là các kỹ năng xã hội và kỹ năng giao tiếp. Điểm số kỳ này của con có thể thấp hơn nhưng nếu con lễ phép, biết kính trên nhường dưới, vui vẻ, hòa nhã với mọi người thì cũng đâu phải là vấn đề quá to tát. Con vẫn có thể cố gắng ở những kỳ tiếp theo. Chính cái nhìn tích cực của bố mẹ trong cách dạy con học sẽ ảnh hưởng tốt đến trẻ. Khi ấy, trẻ không coi việc học là việc bắt buộc, dần dần sẽ sớm coi việc học như một sở thích, thú vui.
Nguồn: Sina
Theo Helino
Một lá thư tay...!
Tôi đã giữ lá thư này ở trong ví mình suốt 11 năm qua. Khi còn học lớp 11, tôi rất ngỗ nghịch, học kém Tiếng Anh và lười học. Tôi không còn nhớ tôi đã làm gì khiến cô giận tôi. Nhưng lá thư này đến tay tôi vào sáng hôm sau, Lê Na chuyển nó cho tôi và nói: "Cô Vinh gửi cho mi"...
Cô Phạm Trà Vinh - Giáo viên Tiếng Anh trường THPT Hương Sơn.
Cô Phạm Trà Vinh là cô giáo dạy môn Tiếng Anh trong suốt ba năm cấp ba của tôi. Từ ngày đầu chập chững bước chân vào mái trường THPT Hương Sơn (Hà Tĩnh) tôi đã bị cuốn vào những bài giảng của cô dù tôi học thật kém môn Tiếng Anh. Hình ảnh cô giáo với mái tóc ngang vai, gương mặt phúc hậu, đôi mắt đượm buồn, giọng nói ấm cùng những tiết học thú vị, vui nhiều, buồn nhiều đến tận bây giờ chắc vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí bao thế hệ học trò.
Lớp tôi là lớp chọn, nhiều học sinh giỏi nhưng cũng nhiều học sinh "lắm chiêu" và nghịch. Tôi nhớ có những tiết học cô đã ngừng giảng và im lặng vì lớp quá ồn. Nhưng sau đó, cô đã chạm đến trái tim học trò bởi sự nghiêm khắc xen lẫn thương yêu. Cô đã phân tích để chúng tôi hiểu rằng những kiến thức thu nhận được từ ghế nhà trường sẽ luôn là hành trang vững vàng để bước chân vào đời sau này. Và giờ đây, khi xa mái trường THPT tròn 10 năm tôi mới hiểu hành trang đó chính là sự ngoảnh lại, để thấy cội nguồn của tương lai chính là những lời giảng say sưa và tình cảm ấm nồng mà thầy cô đã vun đắp cho lớp lớp học trò như tôi.
Trong lá thư, cô viết: "Trang thân yêu! Cô đang thấy sự tiến bộ trong em. Có phải cô nhầm không? Hy vọng niềm tin trong cô về em sẽ không bị đánh mất. Đừng làm cô thất vọng, đừng làm cô buồn em nhé. Khi nào cô khẳng định được niềm tin yêu của cô đã đặt đúng chỗ, cô và em sẽ tâm sự thật nhiều".
Lá thư viết tay cô Trà Vinh gửi tới học trò.
Suốt quãng thời gian ngồi trên ghế nhà trường tôi nhận được khá nhiều lá thư tay, nhưng lá thư đó là lá thư tay duy nhất của thầy cô giáo gửi cho tôi, tôi nhận nó vào năm 2008 và luôn mang theo bên mình như một niềm tin, như một lời căn dặn, như một sự chia sẻ trên suốt chặng đường của mình...
Tôi chỉ nhớ và có lẽ mãi mãi không thể quên ánh mắt cô và tôi "chạm" vào nhau sau khi tôi nhận được lá thư này, khi đi ngang qua dãy hành lang phòng giáo viên, hai cô trò lướt qua nhau, nhưng tôi đã không chào cô như những lần khác, cô không "để yên" như vậy, cô hỏi lại tôi: "Dương Trang, tại sao gặp cô mà lại không chào?". Tôi vẫn cúi gầm mặt cho đến khi cô đi...
Tôi là một học sinh học cực tệ môn Tiếng Anh. Lúc học đại học, Tiếng Anh vẫn là môn tôi thi đi thi lại nhiều nhất. Nhưng có lẽ quãng thời gian được là học trò của cô, tôi chăm chú học Tiếng Anh nhất, mặc dù mãi đến tận bây giờ tôi vẫn không khá hơn.
Đã 10 năm qua đi, kể từ ngày tôi trở thành cựu học sinh của mái trường THPT Hương Sơn, tôi và cô vẫn chưa gặp lại nhau lần nào. Lời "tâm sự" mà cô hứa với tôi đến nay vẫn chưa được thực hiện... nhưng tôi vẫn giữ "nó" bên mình, như nhắc nhở về ký ức, kỷ niệm của một thời học sinh dại khờ, ngây thơ, nông nổi...
Giờ đây, tôi đã lớn khôn. Đã tự mình bước đi những bước đi chập chững vào đời, mưu sinh với nghề. Còn cô vẫn miệt mài "ở lại", vẫn chèo lái con thuyền tri thức cập bến tương lai. Hẳn trong số hàng trăm, hàng nghìn học sinh của cô, tôi không phải là một học trò đáng nhớ. Nhưng trong tất cả những người thầy thời học sinh của tôi thì cô là người mà suốt đời tôi chẳng thể nào quên...
Tôi biết, tôi quá nhỏ bé so với cuộc đời rộng lớn này, và càng khiêm nhường trước cô. Song sự kính trọng và lòng biết ơn vẫn dành tặng cô không ngơi nghỉ.
Nhân dịp kỷ niệm 37 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, trái tim của bao thế hệ học trò cũ lại văng vẳng tiếng trống trường, lời thầy cô qua mỗi tiết học trong lớp học nơi dãy nhà cấp bốn có ánh điện vàng vọt, cũ kỹ...
Tôi mở ví ra, đọc lại thư của cô. Để nhớ mong, hoài niệm về những tháng năm "mài đũng quần trên ghế nhà trường" và dặn lòng mình luôn cố gắng sống xứng đáng với niềm tin yêu mà cô trao gửi năm nào.
Với học sinh, dù thành bại, dù "to lớn" ngoài đời, dù vùng vẫy biển khơi thì khi trở về mái trường thân yêu, sống lại những giây phút ấm êm của tuổi học sinh, vẫn thấy mình bé nhỏ trước biển kiến thức, tình thương yêu dạt dào, niềm mong mỏi của thầy cô - những "con tằm" rút ruột mình nhả ra những sợi tơ vàng óng có ích cho đời.
Chúng con đã đi qua muôn nẻo đường
Đường rộng rãi, thênh thang, nhiều hy vọng
Chỉ mong thời gian đừng đổi màu mái tóc
Của người vẫn trên bục giảng, Thầy ơi!
Bài viết là lời tri ân gửi đến cô giáo Phạm Trà Vinh, giáo viên môn Tiếng Anh, trường THPT Hương Sơn (Hà Tĩnh).
Tác giả: Dương Quỳnh Trang (cựu học sinh lớp A1 trường trường THPT Hương Sơn, khóa 2006 - 2009).
Theo nguoiduatin
Mỗi năm đều làm việc này, nữ hiệu trưởng Đại học Havard đã dạy con trở thành người hiểu biết và trau dồi vốn ngoại ngữ cực tốt Trong một bài phát biểu gần đây, hiệu trưởng đại học Havard, bà Drew Gilpin Faust, đã chia sẻ về kinh nghiệm dạy con của mình. Theo đó mỗi năm cha mẹ nên cho con ra ngoài khỏi ngôi nhà thân yêu, tới những vùng đất mới để du lịch và có cái nhìn thực tế về cuộc sống ở những nơi khác,...