Quyết tâm chống gian lận thi cử
Các địa phương dù có quy trình thi chặt chẽ, thiết bị hiện đại nhưng con người không có trách nhiệm, cố ý làm trái thì việc ngăn chặn tiêu cực là vô cùng khó khăn
Các đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức thi THPT quốc gia 2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã đến Bắc Giang, Hải Phòng và Quảng Ninh trong 2 ngày 6 và 7-4.
Lựa chọn nhân sự tin tưởng
Năm 2019, Bắc Giang có khoảng 19.000 học sinh lớp 12. Tỉnh này dự kiến sẽ tổ chức từ 36 đến 40 điểm thi phục vụ kỳ thi THPT quốc gia. Theo ông Bạch Đăng Khoa, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Giang, đến thời điểm này, tất cả trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên đã tổ chức cho học sinh học quy chế thi, phát hồ sơ đăng ký dự thi và hướng dẫn thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia 2019.
Để hỗ trợ thí sinh khi làm hồ sơ dự thi và chọn ngành nghề đăng ký xét tuyển…, các trường thành lập tổ tư vấn, nhóm tư vấn tuyển sinh, nhóm kỹ thuật nhập dữ liệu của thí sinh. Thành viên các tổ, nhóm này là giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn khối 12, cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật có kinh nghiệm và được tập huấn kỹ lưỡng. Hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh đều được các trường kiểm tra, đối chiếu nhiều lần các thông tin cá nhân, thông tin đăng ký xét tuyển… để tránh sai sót.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, kiểm tra công tác tổ chức thi tại Bắc Giang ngày 7-4 Ảnh: Hùng Lê
Ông Khoa cho biết thêm Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Giang đã xây dựng cẩm nang phổ biến đến tất cả cán bộ, thầy cô giáo để triển khai công tác thi THPT. Về giải pháp chống gian lận thi cử, ông Khoa đánh giá Bắc Giang chú trọng đến việc lựa chọn nhân sự để đảm nhiệm các công việc nhạy cảm, đòi hỏi trách nhiệm cao. Đồng thời, Bắc Giang cũng chuẩn bị chu đáo các điều kiện cơ sở vật chất để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc.
Giám sát đặc biệt khu vực in sao đề thi
Tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), ông Mai Văn Trinh, lưu ý Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Giang và các sở GD-ĐT đặc biệt chú ý đến bộ phận tư vấn, phát huy vai trò của giáo viên chủ nhiệm trong việc hỗ trợ học sinh đăng ký dự thi và ôn tập.
Video đang HOT
Ông Trinh lưu ý đến việc tổ chức dạy học, ôn tập một cách bài bản, có trách nhiệm cho học sinh. Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng gợi ý việc sử dụng nhiều giải pháp khác nhau, đặc biệt nhấn mạnh đến sử dụng nhiều giáo viên cốt cán tham gia ôn tập, hình thành các nhóm học tập, bạn giúp bạn. Các thầy cô tuyệt đối không được cắt xén chương trình. “Các sở GD-ĐT cần chủ động tham mưu với UBND tỉnh để huy động nguồn lực thực hiện tốt nhất cho kỳ thi. Lưu ý bố trí các điểm thi, đặc biệt đối với những điểm thi có thí sinh tự do cần có phòng chờ cho thí sinh” – ông Mai Văn Trinh nhắc nhở.
Về chuẩn bị cơ sở vật chất cho kỳ thi, ông Trinh cho rằng các sở GD-ĐT cần kiểm tra chất lượng và số lượng camera an ninh, đặc biệt là tại khu vực in sao đề thi. Các địa phương cần lựa chọn nhân sự tham gia thực hiện kỳ thi đúng quy chế. “Quy trình chúng ta đã chặt chẽ, thiết bị kỹ thuật hiện đại nhưng con người không có trách nhiệm, chủ động làm trái quy chế thì việc ngăn chặn tiêu cực là vô cùng khó khăn” – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nhìn nhận. Ông cũng đề nghị cần có sự phối hợp nhuần nhuyễn với các trường ĐH được bố trí tại địa phương, đặc biệt lưu ý thời gian bàn giao cơ sở vật chất để chấm thi trắc nghiệm.
Cùng vào cuộc chống tiêu cực
Nhấn mạnh đến công tác chống tiêu cực thi cử, ông Mai Văn Trinh cho rằng kỳ thi cần sự vào cuộc của các địa phương, các cơ quan và toàn xã hội. Bộ GD-ĐT, ban chỉ đạo thi là đơn vị tổ chức, chỉ đạo để tổ chức kỳ thi nhưng việc triển khai lại tại các địa phương, vì vậy đề nghị các địa phương chung tay vào cuộc và nghiêm khắc với gian lận trong thi cử để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc. Ông Trinh cũng nhấn mạnh các địa phương cần thường xuyên làm công tác truyền thông đến giáo viên, học sinh, phụ huynh về kỳ thi trên địa bàn. Đặc biệt, chú trọng đến truyền thông cho toàn xã hội hiểu đúng về quyết tâm chống và xử lý nghiêm gian lận, tiêu cực trong kỳ thi này.
Yến Anh
Theo Người lao động
Gian lận thi THPT quốc gia: Công khai danh tính thí sinh hay không?
Trước nhiều ý kiến về việc công bố danh tính của thí sinh liên quan tới gian lận điểm thi THPT quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT cho biết việc công bố danh tính là thẩm quyền của cơ quan điều tra...
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT trả lời những vấn đề báo chí quan tâm trong cuộc họp báo thường kỳ - ẢNH: KIM ANH
Trong cuộc họp báo định kỳ quý 1/2019 của Bộ GD-ĐT ngày 26.3, những lùm xùm trong kết quả của một số kỳ thi và việc thực hiện lời hứa "giảm áp lực cho giáo viên" của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT được báo chí quan tâm.
Công khai có thể tác động cực đoan
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT, chia sẻ một số thông tin liên quan tới việc xử lý kết quả thi do gian lận của một số thí sinh ở Hòa Bình, Sơn La trong các kỳ thi THTP quốc gia 2017, 2018.
Ông Trinh cho biết căn cứ vào quy chế thi, kết quả chấm thẩm định là kết quả chính thức, được thay thế cho kết quả đã công bố trước đó. Vì thế, đương nhiên kết quả chấm thi sau thẩm định được sử dụng để xét tốt nghiệp; xét tuyển sinh đại học, cao đẳng. Đó là cơ sở để Bộ GD-ĐT có công văn hướng dẫn các sở GD-ĐT Hòa Bình, Sơn La, các cơ sở đào tạo, Cục Nhà trường Bộ Quốc phòng, Cục Đào tạo Bộ Công an, để có sự liên thông về thông tin xử lý việc này.
Trước nhiều ý kiến đặt vấn đề về việc công bố danh tính của thí sinh và phụ huynh liên quan tới các bài thi bị chỉnh sửa điểm, ông Trinh cho biết việc công bố danh tính ở thời điểm nào, công bố đến đâu, là thẩm quyền của cơ quan điều tra, cơ quan chức năng.
"Tôi rất chia sẻ mong muốn của dư luận, nhưng chúng ta phải tính đến nhiều yếu tố tác động của việc này. Thứ nhất là phụ thuộc vào quá trình điều tra của cơ quan chức năng, thứ hai là phải thực hiện trong phạm vi khuôn khổ pháp luật cho phép, thứ ba là không thể không tính đến những tác động có thể rất cực đoan của các thí sinh liên quan", ông Trinh nói.
Cân nhắc bỏ tuyển thẳng học sinh đạt giải thưởng khoa học kỹ thuật
Sau những ý kiến "khiếu nại" của phụ huynh học sinh (HS) về kết quả một số dự án được giải và không được giải trong kỳ thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho HS trung học năm 2019, phóng viên Thanh Niên đặt vấn đề: Nhiều ý kiến cho rằng vì giải thưởng của cuộc thi này được Bộ GD-ĐT cho phép xét tuyển thẳng vào lớp 10 và ĐH nên có thể dẫn tới những mục đích thiếu lành mạnh trong quá trình tham gia vào cuộc thi.
Cùng với việc cắt giảm nhiều cuộc thi, bỏ chế độ cộng điểm khuyến khích và hạn chế tuyển thẳng vào lớp 10, tuyển sinh ĐH trong thời gian qua, Bộ có tính sẽ áp dụng như vậy với cuộc thi này để cuộc thi trở về đúng nghĩa là sân chơi lành mạnh, dành cho những HS thực sự đam mê khoa học kỹ thuật hay không?
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, cho biết hiện nay việc dạy học gắn với các dự án nghiên cứu khoa học kỹ thuật của các nhà trường đã không dừng lại ở việc tham gia dự thi mà đã được lồng ghép vào những bài học hằng ngày. Nhiều nhà trường và địa phương trên cả nước đã coi đó là hoạt động quen thuộc, tất yếu trong các hoạt động giáo dục ở nhà trường. Điều này cần nhiều hình thức khuyến khích và duy trì.
Tuy nhiên, ông Thành khẳng định: "Để đảm bảo cho việc tham gia của HS và các nhà trường đúng vì năng lực, sở trường của các em, tạo sân chơi trí tuệ lành mạnh thì chúng tôi sẽ nghiên cứu và xem xét lại chế độ cộng điểm, ưu tiên tuyển thẳng với HS đoạt giải trong cuộc thi này có còn cần thiết nữa không. Sau đó, chúng tôi sẽ tham mưu, đề xuất với lãnh đạo bộ để có những sửa đổi trong thời gian tới".
Ý kiến
"Cuộc thi Khoa học kỹ thuật do Bộ tổ chức là một hội thi rất hay, kích thích học trò đam mê sáng tạo. Tuy nhiên, để cuộc thi đánh giá đúng năng lực và trao giải xứng đáng thì ngay từ cấp tỉnh phải thực hiện đúng các tiêu chí đặt ra, phải tổ chức công bằng, minh bạch, thẩm định chính xác đó có phải sản phẩm của HS hay không. Lúc đó, các em có được tuyển thẳng mới xứng đáng. Về phía các trường ĐH, khi nhận hồ sơ xét tuyển thẳng của thí sinh đối tượng này thì cũng chỉ được xem tên của công trình các em đoạt giải chứ không nắm được quá trình thực hiện nên không thể thẩm định được".
Tiến sĩ Nguyễn Kim Quang (Nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM)
"Việc có giáo viên hỗ trợ và hướng dẫn, động viên là điều cần thiết và đương nhiên, vì các em vẫn đang còn là HS; nhưng nếu công trình của HS mà giáo viên hỗ trợ nhiều quá thì đúng là không nên"
Nguyễn Trần Thái Vũ (Giáo viên Trường THPT Trường Chinh, Ninh Thuận)
"Hiện nay môn giáo dục công nghệ tại các trường THPT chỉ được coi là môn phụ. Nếu được quan tâm, đầu tư đúng mức thì chính môn học này sẽ kích thích khả năng và đam mê sáng tạo khoa học kỹ thuật của HS. Lúc đó, nếu tham gia các cuộc thi, giáo viên sẽ chỉ phải hỗ trợ rất ít, chủ yếu các em tự làm".
PGS-TS Bùi Văn Hồng (Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM)
Mỹ Quyên
Theo Thanh Niên
Các tỉnh vẫn có thể bắt tay nhau khi chấm chéo bài thi THPT quốc gia "Không nên chấm chéo mà nên có ma trận tổ chức chấm thi để tránh hiện tượng bắt tay nhau giữa các tỉnh. Ma trận chấm thi sẽ phức tạp hơn chấm chéo giữa 2 tỉnh với nhau", bà Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Trung tâm Kiểm định Chất lượng Giáo dục, Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam...