Quy định trường mầm non nhận trẻ từ 3 tháng tuổi là cần thiết
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung năm 2017. Trong đó, có quy định: Trường mầm non, nhóm lớp mầm non độc lập là cơ sở giáo dục kết hợp nhà trẻ và mẫu giáo, nhận trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi.
Một giờ học vận động của lớp 3 – 12 tháng tuổi tại Trường Mầm non
Tham gia góp ý vào quy định này, nhiều ý kiến cho rằng việc thực hiện là rất khó khăn bởi nhận trẻ từ 3 tháng tuổi là quá nhỏ, độ tuổi này rất cần sự chăm sóc của người mẹ để trẻ có thể phát triển một cách bình thường, nhất là thường xuyên được bú nguồn sữa mẹ.
Nhưng ý kiến khác lại cho rằng cần thiết phải có quy định này để tạo điều kiện cho người lao động được gửi trẻ để đi lao động kiếm sống.
Theo tôi, Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định như trên là rất nhân văn, đánh trúng vào nguyện vọng chính đáng của đa số người lao động, nhất là người lao động nghèo, không có người thân để gửi trẻ. Nếu không có chỗ gửi trẻ thì người lao động không thể đi làm hoặc phải thuê riêng người chăm sóc trẻ thì chi phí sẽ rất đắt đỏ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người lao động.
Với quy định của Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung năm 2017, bắt buộc các trường mầm non, nhóm lớp mầm non độc lập phải chuẩn bị các điều kiện cần thiết để nhận trẻ như phải có đủ số lượng giáo viên, bảo mẫu, nơi giữ trẻ phải sạch sẽ, thoáng mát, các điều kiện về chăm sóc, y tế phải được đảm bảo…Nói chung, nhận giữ trẻ từ 3 tháng tuổi là rất khó khăn, nhất là các cháu thường xuyên quấy khóc, đi vệ sinh nhiều lần hoặc liên tục đòi sữa mẹ…, do đó, đội ngũ giáo viên, bảo mẫu phải là người mẹ thứ hai, phải có tinh thần nhiệt tình, tâm huyết mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ.
Mặt khác, vì chăm sóc trẻ em từ 3 tháng tuổi tốn rất nhiều công sức, do đó, các chi phí phải cao hơn so với các chăm sóc trẻ có độ tuổi lớn hơn; giáo viên, bảo mẫu phải được hưởng mức lương tương xứng nhằm động viên, khuyến khích để đảm nhận công việc. Đồng thời, Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất tại trường mầm non, nhóm lớp mầm non để có thể thực hiện tốt việc này.
Quy định các trường mầm non, nhóm lớp mầm non nhận trẻ em từ 3 tháng tuổi không phải cơ sở nào cũng dám đảm nhận nhưng khi đã có quy định thì các cơ sở này bắt buộc phải thực hiện một cách nghiêm túc, không được từ chối. Nếu từ chối là trái luật và sẽ bị xử lý theo quy định.
Việc nhận trông giữ trẻ từ 3 tháng tuổi là đối tượng đặc thù, dó đó cần phải có chế độ chăm sóc, dinh dưỡng, y tế phải đặc thù…không thể cào bằng so với trẻ có độ tuổi lớn hơn.
Video đang HOT
Trường mầm non, nhóm lớp mầm non nhận trẻ từ 3 tháng tuổi phải có sự liện hệ mật thiết với cha mẹ, lắp đặt camera để cha mẹ trẻ có thể kiểm tra, giám sát việc chăm sóc con mình bất cứ lúc nào. Nếu phát hiện tình trạng bất thường thì phải kịp thời phối hợp để xử lý tình huống phát sinh.
Vì vậy, Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung năm 2017 cần thiết phải có quy định trường mầm non, nhóm lớp mầm non độc lập nhận trẻ em từ 3 tháng tuổi nhằm tạo điệu kiện cho người lao động, nhất là công nhân tại các khu công nghiệp hiện nay.
Theo Giaoducthoidai.vn
Tiếp nhận trẻ từ 3 tháng tuổi vào trường mầm non là phù hợp
Bộ GD&ĐT đang tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung năm 2017. Trong đó có Điều 25 quy định: "Trường mầm non, nhóm lớp mầm non độc lập là cơ sở giáo dục kết hợp nhà trẻ và mẫu giáo, nhận trẻ em từ 3 tháng - 6 tuổi".
Ngành GD luôn nỗ lực đổi mới hoạt động nhằm đảm bảo quyền đến trường của trẻ mầm non
Rất nhiều những ý kiến đóng góp cho đề xuất trên, xoay quanh việc giữ độ tuổi tiếp nhận trẻ từ 3 tháng tuổi hay nâng lên mức từ 6 tháng tuổi. PGS.TS Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD&ĐT) có những phân tích sâu hơn về vấn đề này.
Đảm bảo quyền được đến trường mầm non của trẻ
Trước các ý kiến đa chiều trong thời gian vừa qua, PGS.TS Nguyễn Bá Minh đã phân tích rõ hơn sự thuận lợi hay khó khăn của từng phương án cụ thể: Giữ nguyên hay nâng độ tuổi đến trường mầm non của trẻ.
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, tại Điều 21, Luật Giáo dục hiện hành, quy định: "Giáo dục mầm non thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ ba tháng tuổi đến sáu tuổi".
Do Khoản 1 Điều 157 của Bộ luật Lao động 2012, quy định "Lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 6 tháng", nên có ý kiến cho rằng nên thay đổi quy định tại Luật Giáo dục theo hướng tăng độ tuổi trẻ mầm non đến trường từ 3 tháng lên 6 tháng.
PGS.TS Nguyễn Bá Minh cho biết, có thể chỉ ra một số nội dung phân tích liên quan đến hai phương án nâng tuổi đến trường của trẻ mầm non hay không nâng, như sau:
Nếu nhận trẻ từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi (nghĩa là không nâng tuổi đưa trẻ đến trường mầm non), sẽ vẫn có trường hợp trẻ mới 3 - 4 tháng tuổi, cha mẹ phải đi làm và không thuê được người giữ trẻ, việc giữ nguyên quy định để các cơ sở giáo dục mầm non có điều kiện có thể nhận trẻ đáp ứng nhu cầu của đối tượng này, dù đối tượng này rất ít. Việc giữ nguyên độ tuổi đến nhà trẻ (từ 3 tháng tuổi) là để không bỏ sót đối tượng.
Ngược lại, nếu nâng độ tuổi đưa trẻ tới trường mầm non từ 6 tháng tuổi đến 6 tuổi, chúng ta sẽ nhìn thấy ngay một sự hợp lý: Khoản 1 Điều 157 của Bộ luật Lao động 2012, quy định "Lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 6 tháng", như thế bà mẹ có thể ở nhà 6 tháng để giữ con, đảm bảo trẻ được gần gũi mẹ, hết thời gian này, mẹ đi làm còn con tới trường mầm non.
Về chương trình giáo dục mầm non, vốn dĩ được xây dựng dành cho trẻ từ 3 tháng đến 6 tuổi; nghĩa là chương trình bảo đảm cho việc tiếp nhận và nuôi dạy trẻ từ 3 tháng tuổi trở đi, nên không có khó khăn gì về độ tuổi đến trường của trẻ, dù giữ ở độ tuổi 3 tháng đến 6 tuổi hay nâng lên 6 tháng đến 6 tuổi.
Đó là những mặt thuận lợi của việc giữ hay nâng độ tuổi đến trường mầm non của trẻ. Còn về những khó khăn thì giữ nguyên hay thay đổi cũng đều có những khó khăn nhất định.
Trước hết là về đội ngũ giáo viên. Giáo viên mầm non được đào tạo để nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ trong đó có yêu cầu phải thực hiện được chương trình giáo dục mầm non, tức là có năng lực để nuôi dưỡng chăm sóc, giáo dục trẻ từ 3 tháng đến 6 tuổi.
Tuy nhiên, cơ sở thực hành chăm sóc trẻ từ 3 tháng đến 2 tuổi trên thực tế không có nên năng lực chăm sóc trẻ nhỏ từ 3 tháng đến 2 tuổi của giáo viên mầm non hiện nay rất hạn chế. Chưa kể đối với trẻ từ 3 tháng đến 1 tuổi, mỗi giáo viên đảm nhiệm 5 - 6 trẻ nên cần nhiều giáo viên, dẫn đến học phí cao. Như thế về mặt đội ngũ giáo viên, cả hai phương án giữ nguyên hay nâng tuổi đến trường của trẻ mầm non đều khó khăn như nhau.
Đối với cơ sở vật chất hiện có, cả hai phương án đều gặp những khó khăn cũng như thuận lợi tương tự nhau vì cơ sở vật chất dành cho độ tuổi trẻ nhỏ không tốn kém hơn cơ sở vật chất dành cho trẻ mẫu giáo.
Đã có giai đoạn nhà trẻ nhận trẻ từ 2 tháng tuổi
Trên đây PGS.TS Nguyễn Bá Minh đã phân tích một số nội dung liên quan đến hai phương án nâng tuổi đến trường của trẻ mầm non (nhận trẻ từ 6 tháng tuổi đến 6 tuổi) hay không nâng (nhận trẻ đến trường từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi). Hiện nay, có hai luồng ý kiến trái chiều nhau:
Luồng ý kiến thứ nhất, nếu chọn phương án nhận trẻ từ 3 tháng tuổi (giữ nguyên quy định hiện hành) thì ý kiến phản biện cho rằng thiếu thực tế, thiếu tính khả thi.
Luồng ý kiến thứ hai, nếu chọn phương án nhận trẻ từ 6 tháng tuổi thì ý kiến phản biện cho rằng bỏ sót đối tượng cần quan tâm, đặc biệt là đối tượng khó khăn.
Từ thực tiễn giáo dục mầm non hiện nay, với quan điểm cá nhân, PGS.TS Nguyễn Bá Minh đề xuất chọn phương án không thay đổi, bởi một số lý do sau:
Thứ nhất, Luật Giáo dục hiện hành quy định "Nhà trẻ, nhóm trẻ... nhận trẻ từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi" là quy định cho phép cơ sở giáo dục mầm non nhận trẻ từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi chứ không phải nghĩa vụ phải nhận (không phổ cập giáo dục);
Thứ hai, Luật không bỏ sót đối tượng cần quan tâm, đặc biệt là đối tượng khó khăn. Thực hiện được đến mức độ nào là phụ thuộc vào điều kiện, luật cần tạo điều kiện để ở đâu thực hiện được thì có thể thực hiện.
Thứ ba, trong thực tiễn có thời gian các nhà trẻ đã nhận trẻ từ 2 tháng tuổi để bố mẹ yên tâm công tác.
Ý kiến đề xuất là vậy, tuy nhiên PGS.TS Nguyễn Bá Minh cũng nhấn mạnh Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục lấy ý kiến để có phương án tốt nhất trong việc điều chỉnh quy định độ tuổi tiếp nhận trẻ tới trường mầm non, theo hướng thích hợp nhất với sự đồng thuận cao của xã hội.
Theo Giaoducthoidai.vn
Dự thảo quy định trường mầm non giữ trẻ từ 3 tháng tuổi: Khó thực hiện Dự thảo quy định các cơ sở giáo dục kết hợp nhà trẻ và mẫu giáo, nhận trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi được nhiều giáo viên, nhà quản lý giáo dục cho rằng khó thực hiện. Một lớp giữ trẻ 6 tháng tuổi ở Trường mầm non Sơn Ca 6 (Q.12, TP.HCM) Trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ...