Quốc tế ngữ: ‘Giấy thông hành’ cho giới trẻ Việt ra thế giới
Hơn nửa năm nay, trụ sở công ty luật của chị Trịnh Huyền đã trở thành điểm hẹn của nhiều người yêu Quốc tế ngữ Esperanto ở Hà Nội.
Đến hẹn lại lên, chiều thứ 7 hàng tuần, họ gặp nhau ở 57 Trần Quốc Toản để tham gia các lớp học tiếng Esperanto miễn phí, cùng nhau tham dự tọa đàm, thảo luận, giao lưu, kết nối… xoay quanh thứ ngôn ngữ vô cùng độc đáo, thú vị.
Chị Phương Mai và chị Trịnh Huyền (thứ 4, thứ 5 từ trái sang) nhận cờ thi đua từ UBND TP Hà Nội
“Mái nhà chung” của người yêu quốc tế ngữ
Cuối tháng 7 năm 2020, Không gian sinh hoạt cộng đồng Quốc tế ngữ Esperanto – KK (phiên âm theo tiếng Esperanto được đọc là “kôkô”) đã được khai trương tại 57 Trần Quốc Toản, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
“Việc có được một địa điểm để các nhà Quốc tế ngữ có thể gặp mặt, tương tác, trao đổi và học hỏi lẫn nhau là sự khao khát lớn lao của các nhà Quốc tế ngữ Việt Nam qua nhiều thế hệ. Đây là nơi có vai trò rất quan trọng trong việc thu hút sự chú ý, quan tâm của cộng đồng bên ngoài giới Esperanto, để có thể quảng bá và giới thiệu ngôn ngữ, văn hóa Esperanto; qua đó giới thiệu nét đặc trưng, thanh lịch, truyền thống lịch sử của đất nước, con người Việt Nam, đặc biệt là mảnh đất, con người Hà Nội ra thế giới, góp phần nhỏ bé vào công tác đối ngoại nhân dân của Thủ đô; góp phần vào phong trào Quốc tế ngữ thế giới, một phong trào vì hòa bình, coi tất cả các dân tộc trên thế giới đều là anh em, không có chiến tranh và bạo lực”, chị Trịnh Huyền, đại diện nhóm điều hành KK cho biết.
Với mục tiêu đó, nửa năm qua, tại địa điểm này, KK đã tổ chức các khóa học tiếng Esperanto trực tiếp và online, các buổi nói chuyện về quốc tế ngữ, triển lãm, thư viện, hoạt động ngoại khóa… Mỗi lớp học ở đây thường có từ 20-25 học viên. Các học viên đến từ khắp các tỉnh thành trong cả nước. Người làm giáo viên, bác sỹ, nhân viên ngân hàng, có cả các em học sinh 14-15 tuổi và học viên trên 90 tuổi. Tất cả đều được miễn phí.
“Tôi biết đến Quốc tế ngữ chưa lâu nhưng thấy đây là ngôn ngữ rất hay. Nếu trên thế giới có thứ gì đó ngăn cách mọi người với nhau thì đó chính là ngôn ngữ. Và chính Esperanto là ngôn ngữ xoá nhòa rào cản đó. Hơn nữa, so với tiếng Việt và tiếng Anh, tôi thấy nó còn dễ học hơn”, anh Đinh Hoàng Lộc (24 tuổi), học viên của lớp học tại KK chia sẻ.
Tham gia giảng dạy chính ở các lớp học Esperanto là cô gái trẻ Trần Hoan, một người trẻ tiêu biểu cho phong trào Quốc tế ngữ ở Việt Nam. Ngay từ năm thứ nhất đại học, Hoan đã biết và theo học Esperanto. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội, Hoan bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc và theo đuổi Esperanto. Cô tham gia Hội Quốc tế ngữ toàn cầu và trở thành tình nguyện viên ở nhiều nước trên thế giới.
“Nhờ đó, tôi cảm thấy mình đã trưởng thành nhiều hơn trong quá trình làm việc với bạn bè quốc tế, đặc biệt là những thanh niên châu Âu trong tổ chức, quản lý, giáo dục và đào tạo. Những trải nghiệm, kinh nghiệm ấy chắc chắn sẽ rất hữu ích cho tôi khi hoạt động trong các phong trào thanh niên tại Việt Nam”, Trần Hoan cho biết.
Nhờ những đóng góp tích cực cho phong trào thanh niên Quốc tế ngữ, năm 2015, Hoan được nhận Bằng khen của Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam. Cô cũng vinh dự được bầu làm Chủ tịch của Tổ chức Thanh niên Quốc tế ngữ toàn cầu.
“Tôi muốn chứng minh cho mọi người thấy, Esperanto là một ngôn ngữ thực tế giúp chúng ta có nhiều cơ hội học tập, trau dồi kinh nghiệm hơn. Cho đến nay, tôi vẫn muốn thay đổi cách nhìn nhận của các bạn trẻ Việt Nam và châu Á về Esperanto. Qua đó, thanh niên sẽ yêu thích Esperanto hơn và cùng chung tay để phát triển, mở rộng tầm ảnh hưởng của ngôn ngữ này”, Trần Hoan tâm niệm.
Con đường ngắn nhất để ra thế giới
Một điểm đặc trưng khiến ngôn ngữ này được lòng nhiều người đó là rất dễ học. “Ngôn ngữ này khác với các ngôn ngữ tự nhiên là không có ngoại lệ trong ngữ pháp và từ vựng, không phải chia động từ rắc rối như tiếng Pháp, không có 6 cách như tiếng Nga và không viết một đàng phát âm một nẻo như tiếng Anh. Chữ viết thì theo mẫu tự Latinh quen thuộc với mọi người. Chỉ cần học vài buổi cũng đã có thể giao tiếp cơ bản”, chị Nguyễn Thị Phương Mai, Chủ tịch Hội Quốc tế ngữ Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quốc tế ngữ Việt Nam phân tích.
Gần 25 năm bén duyên với Quốc tế ngữ, là người từng tham gia rất nhiều đại hội Quốc tế ngữ trên toàn thế giới, chị Phương Mai cho biết, trong các sự kiện của Quốc tế ngữ không hề có phiên dịch, dù đến từ Anh, Pháp, Mỹ hay Việt Nam thì cũng đều nói một ngôn ngữ chung là Esperanto. Và khi đã dùng chung một ngôn ngữ thì mọi người đều coi nhau như anh em một nhà.
“Chính tôi là người đã trải nghiệm điều đó. Năm 1997, khi mới bắt đầu học Quốc tế ngữ, tôi đã đánh liều viết thư tay sang Nhật ngỏ ý muốn tham dự đại hội Quốc tế ngữ của nước bạn. Tôi rất bất ngờ khi họ lập tức gửi lời mời. Và khi sang đó, dù không biết tiếng Nhật, không có người quen, chỉ biết duy nhất tiếng Esparento nhưng tôi vẫn được họ tiếp đón như người nhà, hoàn toàn miễn phí”, chị kể.
Bản thân chị Trịnh Huyền cũng có những trải nghiệm thú vị ngay từ những buổi đầu làm quen với Quốc tế ngữ. “Sau buổi học tiếng Esperanto thứ 3, tôi đã nhận được nhiệm vụ tiếp một đoàn khách từ cộng đồng Quốc tế ngữ ở nước ngoài sang Việt Nam. Tôi đã đưa họ đi chơi vòng quanh phố cổ, hồ Hoàn Kiếm, giới thiệu văn hoá Việt Nam… Mặc dù thỉnh thoảng bí từ, tôi vẫn phải dùng tiếng Anh, vẫn phải mang từ điển ra tra từ, nhưng mọi người vẫn rất vui vẻ, như thể đã quen biết nhau từ lâu. Họ còn nhiệt tình dạy tôi một số từ mới và mời tôi sang thăm đất nước họ”, chị kể.
Phong trào Quốc tế ngữ ở Việt Nam mở ra cơ hội cho những người trẻ bước ra thế giới
Vì tính kết nối cao lại thân thiện với người dùng, nên nhiều người dù đã biết nhiều thứ tiếng nhưng vẫn đỗ lại ở Quốc tế ngữ. Bản thân là một luật sư, sử dụng ngoại ngữ chính là tiếng Anh và tiếng Nhật để phục vụ công việc nhưng khi “chạm” vào Quốc tế ngữ, chị Trịnh Huyền đã hoàn toàn bị chinh phục: “Người ta học nhiều ngôn ngữ để giao tiếp được với nhiều người, nhưng với Quốc tế ngữ, họ chỉ cần học một ngôn ngữ duy nhất cũng có thể giao tiếp được với nhiều người”.
Hội Quốc tế ngữ Hà Nội thu hút nhiều thành viên từ mọi ngành nghề, lứa tuổi
Nhiều bạn trẻ khi tìm đến Quốc tế ngữ thường băn khoăn là học để làm gì, học xong làm sao xin được việc khi mà ở Việt Nam ngôn ngữ này chưa thông dụng. Tuy nhiên, theo chị Trịnh Huyền, việc biết Quốc tế ngữ lại mang đến cho các bạn trẻ một cơ hội rất lớn khi xin việc ở nước ngoài.
“Nếu học tiếng Anh, tiếng Pháp có thể khó xin việc ở các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, thì khi tham gia cộng đồng Quốc tế ngữ, bạn dễ dàng tìm được việc như giáo viên dạy tiếng, biên dịch, làm tình nguyện viên cho các hội Quốc tế ngữ của các nước… Nói chung, nếu các bạn trẻ đang tìm kiếm cơ hội để ra thế giới thì Esperanto chính là tấm giấy thông hành hiệu quả nhất”, chị Trịnh Huyền nói.
Video đang HOT
Esperanto là ngôn ngữ quốc tế được bác sĩ Zamenhof, người Ba Lan sáng tạo ra và công bố năm 1887. Ước muốn của vị bác sĩ này là một khi con người có ngôn ngữ chung, mọi xung đột sẽ giảm đi và con người sẽ ứng xử với nhau trong hoà bình.
Trải qua 134 năm, Esperanto đã liên tục phát triển ra khắp các châu lục, trở thành phương tiện giao tiếp thông thường của nhiều thế hệ những người sử dụng Quốc tế ngữ trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, nói là mới mẻ nhưng thật ra Hội Quốc tế ngữ Việt Nam đã được thành lập năm 1957. Hiện nay, Hội trực thuộc Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam.
Giáo viên thời đại 4.0, đừng dạy học như cuốn sách giáo khoa biết nói
Nếu giáo viên trong ba năm không làm mới trang giáo án của mình thì họ không thể hoàn thành nhiệm vụ của một nhà giáo thế kỷ 21.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cho phép người học có thể học trực tuyến, học bất cứ nơi đâu và bằng bất cứ phương tiện nào. Việc học không chỉ diễn ra trong trường học, tri thức không còn độc quyền trong tay người thầy, người học có thể tiếp thu kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau.
Tuy nhiên, điều đó không làm hạ thấp vai trò, ý nghĩa của người thầy, mà ngược lại, người thầy càng có vai trò, ý nghĩa quan trọng cùng với những nhiệm vụ mới.
Bốn nhiệm vụ, ba yêu cầu đặt ra cho giáo viên thời đại 4.0
Chia sẻ về vai trò, nhiệm vụ của giáo viên thời đại 4.0, cô giáo Tô Thụy Diễm Quyên - Tổng giám đốc Innedu, giảng viên các chương trình đổi mới giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định: "Bản thân giáo viên cần phải học tập, sáng tạo để mình trở thành một người thầy hiện đại và tiệm cận được với năng lực nhà giáo thế kỷ 21".
Cô giáo Tô Thị Diễm Quyên - Tổng giám đốc Innedu, giảng viên các chương trình đổi mới giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Ảnh: Phạm Minh)
Theo cô Diễm Quyên, trước đây, nhà trường là nơi duy nhất cung cấp kiến thức, giáo viên là người duy nhất truyền đạt kiến thức đến học sinh. Chính vì vậy, vai trò của người thầy là chuyển giao kiến thức. Tuy nhiên, hiện nay, kiến thức có ở khắp mọi nơi và ở nhiều kênh khác nhau.
Với bối cảnh mới của xã hội, vai trò của người thầy cũng đã có nhiều thay đổi. Cô Quyên cho biết: "Nếu người thầy chỉ đơn thuần làm nhiệm vụ cung cấp kiến thức thì người thầy chỉ giống như cuốn sách giáo khoa biết nói. Trong cuộc cách mạng 4.0, robot sẽ làm công việc đó tốt hơn. Nhiệm vụ của người thầy thế kỷ 21 là những nhiệm vụ mới mà robot không bao giờ có thể thay thế được".
Cụ thể, cô Quyên nêu ra 4 nhiệm vụ cụ thể đối với giáo viên thời đại 4.0.
Thứ nhất, giáo viên phải hiểu học sinh của mình là ai, xác định được năng lực và nhu cầu học tập của học sinh.
Thứ hai, giáo viên giúp học sinh định hướng học tập cũng như các phương tiện, phương pháp học tập phù hợp với nhu cầu, năng lực của các em.
Thứ ba, giáo viên phải biết cách tạo động lực để học sinh chủ động trong học tập, bởi vì nguyên lý của giáo dục thế kỷ 21 là tự học và học tập suốt đời.
Thứ tư, giáo viên có nhiệm vụ đánh giá học sinh theo xu hướng mới, với mục đích giúp học sinh có động lực phát triển bản thân.
Quá trình đánh giá không phải để phân loại, xếp hạng người học, không phải so sánh học sinh này với học sinh kia.
Mục đích của đánh giá là giúp người học nhận ra mình cần thay đổi, điều chỉnh, định hướng phương pháp học tập như thế nào, để học sinh tiến bộ hơn so với chính bản thân mình ngày hôm qua.
Đặc điểm của giáo dục 4.0 còn là cá thể hóa việc học tập, lấy người học làm trung tâm, dạy cho trẻ có kỹ năng làm việc từ khi trẻ có nhận thức.
Cô Quyên nhấn mạnh: "Nếu một giáo viên trong ba năm không làm mới trang giáo án của mình, họ giữ nguyên một trang giáo án để dạy học cho tất cả học sinh từ yếu đến giỏi thì sẽ không thể hoàn thành mục tiêu của giáo dục 4.0".
Cô Quyên nêu ra 3 yêu cầu quan trọng đối với giáo viên thời đại 4.0, đó là phải hiểu biết về công nghệ, phải cập nhật kiến thức và phải có phương pháp sư phạm.
Không có hiểu biết về công nghệ đồng nghĩa với việc giáo viên không thể thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục, giáo viên bị hạn chế về phương pháp dạy học.
Đồng thời, học sinh cũng bị hạn chế cơ hội học tập, phát triển, khó có thể tiếp cận với tri thức, hệ thống học tập số hóa.
Một vấn đề bức thiết của thời đại công nghệ số chính là kiến thức nhanh chóng bị lạc hậu. Yêu cầu đặt ra cho giáo viên là phải nhanh chóng bắt kịp những thay đổi, cập nhật kiến thức mới thường xuyên.
Đó cũng là lý do chương trình giáo dục mới, giáo viên không nên dạy học lệ thuộc hoàn toàn vào sách giáo khoa mà cần linh hoạt, chủ động trong việc tổ chức dạy học.
Theo quan điểm của cô Quyên, phương pháp sư phạm nắm giữ vai trò vô cùng quan trọng đối với người thầy trong thời đại chuyển đổi số.
Giáo viên cần phải học phương pháp một cách bài bản, cần có những trải nghiệm để vận dụng phương pháp một cách thông minh nhất và hiệu quả nhất.
Bộ Giáo dục đã thực nghiệm chương trình giáo dục phổ thông mới như thế nào?
Với mỗi đối tượng học sinh, người thầy sẽ áp dụng những phương pháp khác nhau, giáo viên phải có sự nhạy bén, tinh tế, sáng tạo để làm cho quá trình học tập không còn là quá trình 1 chiều chuyển giao kiến thức, mà là quá trình tạo ra các tổ chức hoạt động để cho người học chủ động tìm kiếm tri thức.
Để làm rõ tầm quan trọng của 3 yêu cầu trên, cô Quyên nêu ví dụ: "Trong dạy học trực tuyến, nhiều giáo viên chụp tài liệu gửi vào nhóm zalo để học sinh làm bài, khi học sinh làm bài xong, các em chụp hình bài làm gửi lại cho cô giáo.
Quá trình này vừa tốn thời gian, vừa phức tạp, hình ảnh chất lượng thấp không hiệu quả.
Nếu giáo viên có phương pháp sư phạm và hiểu biết về công nghệ, họ chỉ đơn giản là tạo ra Google form hoặc Microsoft form, sau đó gửi đường link đến học sinh, học sinh sẽ trả lời ngay trên máy tính, điện thoại.
Ứng dụng này còn có tiện ích là tự chấm điểm, học sinh làm xong bài sẽ biết kết quả rõ ràng, nhanh chóng. Đặc biệt khi ứng dụng công nghệ này, giáo viên có thể gửi kèm theo video, hình ảnh..."
Giáo viên phải là người tiên phong trong việc sử dụng công nghệ số, mở ra cơ hội cho học sinh được hưởng nền giáo dục hiện đại.
Người thầy phải dạy học sinh thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của thế giới; kiểm soát được công nghệ; tự nhận thức, tự quản lý bản thân và dạy học sinh chuẩn bị làm những ngành nghề chưa có trong hiện tại.
Thầy cô giáo hãy trở thành giáo viên toàn cầu
Chia sẻ về nghề giáo trong nền giáo dục 4.0, thầy Ngô Thành Nam - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khai Nguyên (Thành phố Hồ Chí Minh), cố vấn học tập Microsoft cho biết: "Chúng ta thường dạy học sinh trở thành công dân toàn cầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, giáo viên không thể mong đợi học sinh của mình trở thành những công dân toàn cầu trong khi bản thân họ chưa là một giáo viên toàn cầu".
Thầy Ngô Thành Nam - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khai Nguyên, Cố vấn học tập Microsoft (Ảnh: Thầy Nam cung cấp)
Kỷ nguyên số đặt ra những yêu cầu lớn về việc chuyển đổi vai trò của giáo viên.
Trong giai đoạn hiện nay, giáo viên là những người hướng dẫn, cố vấn và huấn luyện học sinh đào sâu các ý tưởng, giúp các em học và hiện thực hóa các ý tưởng ấy.
Giáo viên sẽ tập trung hơn vào việc tạo ra môi trường học tập mà ở đó kích thích được sự sáng tạo, sự tò mò và động cơ học tập của học sinh.
Theo thầy Thành Nam, quá trình chuyển đổi của giáo dục 4.0 cũng cần đi từ số hóa, ứng dụng số hóa đến chuyển đổi số.
Để thực hiện chuyển đổi số đạt hiệu quả đòi hỏi 2 yếu tố là hạ tầng cơ sở và con người.
Sự thiếu thốn về cơ sở vật chất và sự hạn chế năng lực, tâm lý ngại đổi mới của giáo viên là những khó khăn của giáo dục Việt Nam trong thời đại 4.0.
Mục tiêu giáo dục hiện nay được thể hiện rõ trong chương trình giáo dục phổ thông mới: Bên cạnh việc cung cấp kiến thức thì cần tập trung vào phát triển phẩm chất và năng lực của người học.
Quá trình dạy học được chuyển từ dạy học tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực. Nếu như trước đây, việc học lấy mục tiêu học để thi, học để hiểu thì hiện nay chính là học để sống, học để biết làm.
Muốn vậy, từ mục tiêu, nội dung dạy học, phương pháp, môi trường học tập, đánh giá và sản phẩm học tập đều cần có sự thay đổi.
"Sự thiếu thốn về cơ sở vật chất và sự hạn chế năng lực, tâm lý ngại đổi mới của giáo viên là những khó khăn của giáo dục Việt Nam trong thời đại 4.0". (Ảnh minh họa: Thầy Ngô Thành Nam cung cấp)
Thầy Nam nêu ví dụ: "Trong giáo dục 4.0, môi trường học tập cũng có những điểm khác so với dạy học truyền thống, đó là: người dạy có thể đứng phía sau, đứng ở gần, ở xa... để điều khiển nhóm học tập, tạo không khí cởi mở, thân thiện trong lớp học. Lớp học có thể ở không gian ngoài trời, ở thực địa...".
Theo quan điểm của thầy Ngô Thành Nam, giáo viên cần phải đón nhận những thách thức của cuộc cách mạng 4.0 như cơ hội để phát triển bản thân mình.
Giáo viên sẵn sàng học hỏi, thay đổi, thích ứng, và sẵn lòng chia sẻ những thành công cũng như thất bại của bản thân.
"Việc sẵn lòng cộng tác và học hỏi từ những người khác là một kỹ năng quan trọng trong thế giới ngày nay và trong tương lai.
Trong một thế giới phẳng, không còn lý do gì mà bạn không cộng tác với những người khác để học hỏi và phát triển.
Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần biết chấp nhận sai lầm để cải thiện, đó là điều không kém phần quan trọng khi chúng ta hòa mình vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư."
Thầy Nam cũng nếu ra 4 vấn đề quan trọng đối với giáo viên thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
Thứ nhất, giáo viên phải là hình mẫu của việc học tập suốt đời. Người thầy cần bước ra khỏi ranh giới của các lớp học, sách giáo khoa và khuôn mẫu nội dung giảng dạy để làm cho học sinh có cơ hội sáng tạo và đổi mới.
Học sinh không thể tiến bộ nếu chỉ biết và hài lòng với những kiến thức trong sách giáo khoa.
Muốn vậy, bản thân người giáo viên phải là hình mẫu trong việc thường xuyên cập nhật kiến thức để đáp ứng được các yêu cầu mang tính thời đại của xã hội.
Thứ hai, hãy là giáo viên toàn cầu để giúp học sinh trở thành công dân toàn cầu.
Giáo viên cần là người biết đánh giá cao và tôn trọng sự khác biệt giữa các nền văn hóa khác nhau cũng như sự khác biệt của từng cá thể.
"Ngày nay, với sự hỗ trợ của công nghệ như Skype, Zoom, Hangout,.. việc kết nối thế giới đang nằm trong tầm tay.
Thông qua sức mạnh của công nghệ, mọi người có thể học hỏi và thậm chí có thể trải nghiệm các nền văn hóa khác nhau của thế giới mà không cần phải rời khỏi vị trí hiện tại của mình.
Bên cạnh đó, công nghệ còn hỗ trợ đắc lực để công tác quản lý lớp học, giảng dạy của giáo viên trở nên thuận tiện hơn, rút ngắn khoảng cách của giáo dục Việt Nam và giáo dục các nước tiên tiến", thầy Nam khẳng định.
Thứ ba, giáo viên dạy học giúp học sinh hình thành các kỹ năng thế kỷ 21, bao gồm: tư duy phản biện (critical thinking); giao tiếp (communication); hợp tác (collaboration); sáng tạo (creativity); quyền công dân (citizenship) và phát triển nhân cách (character development).
Thứ tư, giáo viên cần dạy học theo xu hướng của giáo dục STEM, STEAM.
Với xu thế phát triển nghề nghiệp trong tương lai, một thế hệ có sự hiểu biết, kỹ năng tổng hòa các kiến thức nhiều môn học sẽ là nguồn nhân lực được mong đợi.
Giáo viên hãy để cho học sinh trở thành một phần của quá trình học tập, mang cơ hội khám phá tri thức và giúp các em chủ động chiếm lĩnh các tri thức ấy.
Không ít người băn khoăn lo lắng, với công nghệ 4.0 liệu robot có thể thay thế vai trò của người thầy hay không?
Trên thực tế, để không bị công nghệ thay thế thì giáo viên cần làm được những điều mà công nghệ chưa làm được.
Công việc của nhà giáo đặc biệt vì người thầy lao động bằng trái tim, lao động để nuôi dưỡng trái tim.
Khi người thầy sử dụng trái tim để giáo dục học sinh thì họ sẽ tạo ra những đứa trẻ biết thương yêu, biết quan tâm, hình thành nhân cách, đạo đức, lối sống.
Đó chính là một trong những nhiệm vụ cao quý mà robot không bao giờ thay thế được vị trí của người thầy trong thời đại 4.0.
Lan tỏa yêu thương từ mô hình 'Con nuôi vùng biên giới' Thông qua chương trình "Con nuôi Đồn Biên phòng" và nâng bước em tới trường, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum đã nhận nuôi và giúp đỡ cho 75 em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nơi khu vực biên giới. Qua đó, tạo điều kiện giúp các em vượt qua những khó khăn, mất mát trong cuộc sống, vươn...