Quán hàng me
Với trái me, ta có nhiều cách thưởng thức hay và thú vị. Quen thuộc nhưng không hề mất đi sức lôi cuốn là những ly đá me mát lành
Me có một thứ ý vị riêng, rất nên thơ và đằm thắm khi được đặt trong không gian của những món ăn. Loài cây không lấy gì làm xa lạ, người ta nhắc đến nó cũng như cây bàng xòe tán lá rậm rì trước ngõ hay cây khế trổ những hoa tím mỏng manh trong vườn.
Nhưng me đặc biệt hơn khi cây không chỉ chắt chiu dành nhựa cho trái mà còn để những chiếc lá cũng se sẽ mang vị chua chan chát. Cái thứ quả ấy, thứ lá ấy cứ như một món quà tinh tế mà thiên nhiên không biết đã hữu ý hay vô tình dâng tặng cho con người. Những chiếc lá me có cùng một dáng vẻ với lá phượng, chỉ thon nhỏ và gọn gàng hơn đôi chút. Cái thanh mảnh ấy được kìm toả bởi những chiếc gai nhỏ, đủ xây xước bàn tay nào vội vàng hái lá. Ai đó có bảo lá me đỏng đảnh thì đành chịu, nhưng nắm lá ấy cho vào nước luộc rau thì vị chua của sấu, của chanh cũng phải thầm ghen tị. Không gắt, vị chua chỉ vừa đủ cho sự háo nước vơi đi và màu nước canh cũng gợi thêm nhiều xúc cảm. Không phải sắc trong veo khi cho chanh hay đùng đục của trái sấu, bát nước canh lá me có màu xanh vàng yên bình như những tia nắng trú mình dưới bóng mát của vòm lá cây xoè rộng.
Nhưng với trái me, ta có nhiều cách thưởng thức hay và thú vị. Quen thuộc nhưng không hề mất đi sức lôi cuốn là những ly đá me mát lành. Nước đá me chỉ có thể thưởng thức ở những quán chè đề tấm biển Sài Gòn. Cái quán be bé, bán dăm ba loại chè và mấy thứ kem của cô bán hàng có nụ cười hồn hậu dễ mến. Nước đá me không uống ở nhà, ly nước sóng sánh phải đặt trong không gian của bàn ghế xinh xinh, của chiếc quạt chạy rờ rẫm, của giọng nói miền trong ngọt ngào. Mà thực ra, ngoài những cô bán hàng ấy ra, ít người biết cách làm cho ly đá me trở nên ngon lành, cuốn hút.
Nước đá me thì tôi uống nhiều, cái đều tay của cô bán hàng khiến cho ly nước nào tôi uống cũng ngon và đầy háo hức như lần đầu. Khi mời khách thưởng thức, cô bán hàng cho vào ly lượng đá bào mịn nhỏ cùng với nước đường, cuối cùng là lạc rang vàng rộm. Ly nước có vị chua thanh thanh của trái me, ngòn ngọt của đường, mát lạnh của đá, mềm dẻo của hạt me và béo ngậy của lạc rang. Từng ấy mùi vị hòa hợp thân tình trong một ly nước, để mùa hè cũng bớt đi phần nào tính gắt gỏng.
Ly đá me nguyên chất và đủ vị đó được làm khi hạt của trái chín được tháo bỏ lớp vỏ đen rang vàng. Những hạt me mềm nhưng không nát cho vào nồi nước thịt me đang đun, khuấy đều tay sao cho sánh. Khi thịt những trái me chín khéo léo bao bọc lấy hạt thì cũng là lúc hoàn thành công đoạn khó nhất.
Me không chỉ dùng để chế biến nước mà còn có thể nấu chè. Cứ mỗi độ mùa hè, những quán chè gần cổng trường cấp 2, cấp 3 lại đông nghịt khách. Cái quán vừa đủ rộng, với những bộ bàn ghế nhựa nép mình dưới màu xanh rậm rì của tán lá sấu. Trước quán, bà chủ hiệu trưng bày nào bình nước mơ, nước sấu rồi đủ thứ chè với nhiều màu sắc bắt mắt: màu xanh mát của chè cốm, màu vàng lụa là của chè hoa cau… Nhưng được yêu thích nhất vẫn là chè hạt me. Nghe nói, cô chủ quán là người miền trong, khi làm dâu ngoài Bắc đã đem theo (của hồi môn) là món chè hạt me độc đáo. Những cô cậu học trò tan trường, phù hiệu còn ghim trên ngực áo, đã vội sà vào quán, hối hả gọi bát chè hạt me. Vài ba đôi lứa tranh thủ vừa tránh nắng vừa thưởng thức vị ngọt ngào đặc biệt của bát chè miền Nam. Bát chè ấy không giống bất cứ loại chè nào tôi được ăn. Không cần vani hay nước cốt dừa, tự thân nếp thơm cùng với hạt me đã toả cái hương vị ngon lành giản dị. Vì vậy, chè hạt me ăn hoài không ngán.
Cô bán hàng dễ tính vẫn chỉ khách hàng cách chế biến món chè đặc biệt mà chẳng sợ bị mất bản quyền. Những hạt me lăn lóc được rửa thật sạch rồi rang lên. Khi hạt nguội, đập bỏ lớp vỏ cứng, lấy phần nhân trắng đem ngâm vào nước tro ấm, có thế hạt mới đạt độ dẻo và mùi cũng thơm hơn. Sau đó, đem hầm trên lửa nhỏ. Nếp thơm vo sạch ninh nhừ rồi cho hạt me vào đảo đều. Gạo nếp và hạt me sánh lại với nhau mới cho đường vào. Phải là thứ đường cát trắng bát chè mới thơm đúng mùi, đúng vị. Đường mía tuy ngọt hơn nhưng chính thế bát chè mất đi nét thanh đạm, lại cũng không có được màu trắng ngà mát mắt.
Chị em tôi cũng vài ba bận làm thử mà chẳng thể nào ngon bằng bát chè nơi quán cây sấu. Và thế là, mỗi khi rãnh rỗi chúng tôi lại dắt díu nhau đến quán quen, nơi chúng tôi gọi “quán hàng me”.
Theo PLXH