Quà Tết miền Trung giữa Sài Gòn
Từ bánh chưng, bánh tét cho đến bánh thuẫn hay củ kiệu, dưa món… tất cả món ăn đặc trưng trong ngày Tết của người miền Trung đều được bán ở Sài Gòn.
Đặt bánh chưng, bánh tét Tết ở Sài Gòn
Người miền Trung lập nghiệp ở Sài Gòn, mỗi năm đến giáp Tết lại tìm đến chợ Bà Hoa (quận Tân Bình) để mua sắm các món đồ cần thiết cho gia đình. Giống như khu chợ ông Tạ nổi tiếng bán hàng miền Bắc, chợ Bà Hoa có bán đầy đủ tất cả các mặt hàng đặc trưng của người Trung. Đến đây vào những ngày này, bạn sẽ có cảm giác thân quen như đang đi một ngôi chợ quê nào đó. Tất cả hàng cho ngày tết từ bánh chưng, bánh tét cho đến củ kiệu, dưa món… tưởng như chỉ có ở chợ quê đều bán đầy đủ trong ngôi chợ này.
Bánh chưng, bánh tét được bán nhiều ở chợ Bà Hoa trong những ngày này. Mổi đòn bánh tét như trong hình có giá 50.000 đồng. Riêng bánh chưng thì có giá 60.000 đồng cho loại bánh 1 kg. Ảnh:Khánh Hòa.
Trong những ngày tháng Chạp, mặt hàng được nhiều người quan tâm nhất là bánh chưng, bánh tét. Đây là hai loại bánh không thể thiếu trong ngày Tết của người miền Trung để cúng ông bà. Nắm bắt được nhu cầu đó, các hàng quán ở trong ngôi chợ này bắt đầu nhận đặt bánh chưng, bánh tét ngay từ những ngày đầu tháng chạp. Bạn có thể dễ dàng đặt mua bánh nấu chín sẵn hoặc bánh đang còn sống để về nhà tự nấu.
Có bánh chưng, bánh tét thì không thể thiếu củ kiệu, dưa món. Củ kiệu tươi được chất thành từng đống to trong chợ, chỉ việc mua về, lột vỏ, phơi nắng cho héo trước khi ngâm chua. Với những người không có thời gian, đã có củ kiệu phơi sẵn hay những hũ củ kiệu thành phẩm rất đẹp mắt và ngon miệng, hợp khẩu vị.
Các nguyên liệu để làm dưa món đều được bán sẵn ở đây như: cà rốt, củ cải, dưa leo, củ kiệu, đu đủ, ớt khô… Ảnh: Khánh Hòa.
Ngoài củ kiệu, dưa món cũng được bán rất nhiều. Món ăn là sự pha trộn các nguyên liệu như đu đủ, cà rốt, củ kiệu, dưa leo, củ cải…. ăn hơi giòn và có vị chua ngọt rất ngon miệng. Từng loại nguyên liệu được chế biến sẵn, bà nội trợ chỉ cần mua về, pha trộn thêm với các gia vị khác là đã có dưa món ngon để dùng cho gia đình trong dịp Tết.
Bánh thuẫn đặc trưng của người miền Trung cũng được bán rất nhiều ở chợ. Từng chiếc bánh còn nóng hổi trên khuôn rất đẹp mắt và hấp dẫn. Ảnh: Khánh Hòa.
Video đang HOT
Bánh thuẫn cũng là một món ăn không thể thiếu trong ngày Tết. Những chiếc bánh to bằng nắm tay, mặt bánh nở bung ra như cánh hoa với màu vàng ươm đẹp mắt. Bánh thuẫn là món ăn để người miền Trung dùng đãi khách cùng với các loại bánh mứt khác trong ngày Tết. Vào những ngày này, các hàng bánh thuẫn có rất nhiều trong chợ. Bạn sẽ được tận mắt chứng kiến cả quá trình đổ bánh thuẫn, từ khâu đánh bột, đổ vào khuôn cho đến khi bánh chín vàng tỏa mùi thơm nức.
Ngoài các mặt hàng đặc trưng kể trên, ở đây còn có bánh in, bánh tổ, măng khô, chả giò, bánh rò, bánh ít lá gai… đều là những món ăn phổ biến trong dịp Tết của người miền Trung.
Khánh Hòa
Theo VNE
Bánh Tết xứ Quảng
Những ngày giáp Tết, vùng Quảng Nam - Đà Nẵng thường thấy xuất hiện các loại bánh tét, bánh tổ, bánh nổ, bánh in - bốn loại bánh chủ lực trong những ngày đầu năm mới ở xứ Quảng.
Bốn loại bánh này hầu như không nhà nào ở vùng quê Quảng Nam - Đà Nẵng không làm vào dịp Tết. Gặp gỡ nhân ngày đầu năm, trao đổi, chuyện trò công việc đồng áng, mùa màng..., chủ nhà thường mời khách bát nước chè xanh hoặc bát nước lá gối (vối) cùng với các loại bánh trên.
Các cụ cũng luận bàn may mắn, hên xui dựa trên các loại bánh đó. Cứ theo quan niệm dân gian, bánh tét vàng được xem là không tốt cho nhiều việc trong năm, còn bánh trắng, đẹp báo hiệu cho nhiều điều may mắn suốt cả năm mới. Còn với các loại bánh khô nếu cứng mà không xốp, đường không kéo thành sợi như tơ được xem là chưa đạt kỹ thuật làm bánh. Chính vì vậy, việc chuẩn bị gói bánh tét hay làm bánh tổ, bánh nổ, bánh in và các loại bánh khác là hết sức quan trọng.
Bánh tét
Để có một đòn bánh tét "đạt tiêu chuẩn" không phải dễ. Nếp dùng làm bánh phải được chọn lựa kỹ, ngâm nước vừa đủ sao cho khi nấu chín, tét ra từng lát không thấy lợm cợm những hạt gạo lẫn vào nếp, bánh không quá dính cũng không quá rời.
Gói bánh phải chú ý sao cho nhân đậu nằm ngay ở giữa và tròn đều để khi tét ra, lát bánh là một vòng tròn lớn có màu xanh của nếp chín bao bọc chung quanh một vòng tròn đậu xanh màu vàng mỡ. Lại phải chú ý đến khâu nấu, sao cho bánh không ngả vàng mà có màu xanh nhạt.
Và cuối cùng là tét bánh thành từng lát bằng một sợi dậy nhợ (nay dùng dây cước) - chính sợi dây này sẽ góp phần làm cho lát bánh trơn láng, đẹp mắt. Ngày xưa, các cô, các bà trước tết phải kiếm cho được một nhánh lá gai, vài lá thơm tước lấy chỉ làm dây nhợ để dành tét bánh.
Có người gọi bánh tét là bánh chưng tròn, chính vì sự tương đồng gần như hoàn toàn về chất liệu giữa hai thứ bánh này, chỉ khác ở chỗ: tỷ lệ thịt mỡ trong nhân và tỷ lệ nhân so với nếp ở bánh tét ít hơn bánh chưng. Song ngày trước nhân bánh tét thường chỉ là mè rắc vào giữa bánh. Mè được rang chín, bóc vỏ sạch, trộn với muối khi gói bánh để bánh được sánh và đậm đà hơn.
Riêng ở vùng Đại Lộc nhân bánh tét còn làm bằng đậu xanh đãi vỏ, hong chín, có thêm một ít muối ăn và tiêu nhưng hoàn toàn không có mỡ, được gói bằng lá chuối sứ nên rất thơm ngon và giữ được lâu ngày. Những nhà giàu có thường làm vài ang nếp để gói bánh tét, bánh để lâu ngày đem chiên giòn, ăn nửa buổi khi đi làm đồng áng. Có gia đình dùng đến tháng hai mới hết bánh tét.
Bánh tét thường phải có dưa món ăn kèm. Nếu các tỉnh phía Bắc có dưa hành thì đến vùng Quảng Nam, ngoài dưa hành có thêm củ kiệu, đu đủ, gần đây có cả củ cà rốt trong lọ dưa món, tất nhiên có cả ớt; thêm nhiều màu sắc, hương vị phong phú. Tên gọi dưa món cũng không ngoài ý nghĩa ấy: phong phú, đa dạng, nhiều món.
Bánh tổ
Loại bánh mang đậm hồn quê kiểng này có thể ra đời từ thời Lê Thánh Tôn. Khi đó, những người từ miền Bắc di cư vào vùng đất mới Quảng Nam nhớ về quê cha đất tổ, nên vào dịp tết họ làm một loại bánh bằng chất liệu sẵn có tại địa phương dâng cùng tổ tiên, tạ ơn trời đất đã được bình yên sau một năm cày sâu cuốc bẫm trên những cánh đồng vừa mới khai phá không lâu.
Bánh tổ, có nơi gọi là bánh ổ, được làm từ đường đen và nếp hương. Đường đen là loại đường bát, cứng, sản xuất từ các lò đường thủ công trong làng, còn nếp chọn loại dẻo, thơm ngon. Người ta thắng đường bát ra nước, lọc hết các tạp chất; nếp vo thật sạch, để ráo rồi đem xay mịn thành bột. Hai chất liệu ấy trộn với nhau theo tỷ lệ thích hợp, có pha thêm chút nước gừng để bánh có hương vị thơm hơn. Dùng một cái giỏ đan bằng tre (như cái rọ bịt mõm bò) miệng rộng hơn đáy, lót lá chuối chờ sẵn.
Đổ bột làm bánh vào giỏ, xong đưa vào nồi có lót một cái vỉ tre nhỏ gần với đáy nồi. Đổ nước vào nồi, cách chừng 5-6cm, chụm lửa cho sôi đều đến khi bánh chín. Khi vớt bánh ra rải ít hột mè lên mặt bánh cho đẹp rồi phơi nơi thoáng mát đến chừng bánh ráo trên mặt thì đem cất, dùng trong các ngày Tết; có thể xắt từng lát ăn ngay hoặc đem chiên giòn, kiểu nào cũng có cái thơm ngon riêng.
Bánh nổ
Đặc trưng của vùng nông nghiệp lúa nước, với thành phần gạo nếp là chủ yếu. Gạo nếp được rang lên cho nổ đều, hạt nở to, bung ra khỏi vỏ, bỏ những hạt nổ này vào cối đá (hoặc gỗ) giã cho mịn vừa phải. Thắng đường bát loại tốt, ngọt thanh, cho thêm ít gừng. Lửa đun riu riu đến lúc đường kéo thành sợi là có thể ép bánh được. Đổ bột nổ vào đường trộn đều, rắc thêm một chút vani, rồi tất cả đưa vào khuôn, ép lại thành bánh. Khuôn để ép bánh phổ biến có hình chữ nhật, dài chừng 10 cm và rộng 6 cm, dày chừng 2-3 cm.
Bánh in
Làm bánh in cũng hết sức công phu. Nếp thơm, dẻo vuốt với nước sạch, vớt ra giữ độ ẩm thích hợp đến khi ráo nước. Dùng một cái trã (nay người ta dùng chảo) rang nếp cho chín, phồng lên, ngả màu vàng mật, thoảng mùi thơm của nếp là được. Cho nếp vào cối đá hoặc gỗ, giã mịn (bây giờ đã có máy xay bột vừa nhanh vừa tiện lợi). Bột mịn, khô xốp nên cần phải phơi một hoặc hai sương cho có độ ẩm thích hợp.
Kế đó, đường bát cũng được nạo thành bột mịn, trộn đều vào bột bánh. Để bột có thể in thành lát được, người ta dùng tay hoặc một đoạn gỗ nhồi thật kỹ, thật đều, cho tới đường - đến khi có thể nắm thành từng viên là được, lúc đó mới có thể cho bột vào khuôn in được.
Nhẹ tay úp khuôn bánh lên nong, nia có lót giấy hoặc lá chuối cho sạch, để lấy bánh ra. Để bánh được cứng hơn, có thể phơi một nắng, hoặc dùng than củi nướng qua một lần, bánh sẽ cứng hơn và có mùi thơm hòa quyện của đường và nếp. Nay, phổ biến là bánh in có trộn thêm bột đậu xanh. Cũng có loại bánh in chỉ làm hoàn toàn bằng bột đậu xanh đã được rang chín xay mịn, trộn với đường đã thắng keo lại.
Ngoài bốn loại bánh trên, ở Quảng Nam - Đà Nẵng dịp Tết còn có vài loại bánh khác như bánh rò, bánh khô, bánh gừng...
Bánh rò
Được làm trong các ngày kỵ giỗ, đám tiệc trong năm nên đến ngày Tết nó chỉ xuất hiện vài chiếc trên bàn thờ tổ tiên, còn thì nhường chỗ cho một loại bánh anh em ruột: bánh tét. Từ quê hương đồng bằng Bắc bộ, chiếc bánh chưng khi vào đến vùng Quảng Nam có thể đã trở thành chiếc bánh rò. Chất liệu hoàn toàn giống nhau, chỉ có khác thay vì hình dạng vuông vắn, bánh rò được gói thành hình tháp, mặt trên nhỏ hơn mặt dưới, mô phỏng các tháp của người Chăm!
Bánh khô
Rất phổ biến ở vùng Hòa Vang, Đà Nẵng. Về mặt hình thức, có hai loại: bánh mè và bánh nổ và đều được làm rất công phu. Một cái bánh khô ngon là khi bẻ đôi mà nổ hoặc mè không rơi rụng, xốp, giòn (do công đoạn nướng và độ ẩm thích hợp mà có).
Ở Quảng Nam, nếp ngon có ở Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc, Quế Sơn, còn ở Đà Nẵng có cánh đồng xã Hòa Liên thuộc huyện Hòa Vang trồng được loại nếp thơm. Nếp dẻo và thơm dùng gói bánh tét, làm bánh khô, bánh nổ, bánh in rất ngon. Nhưng nơi sinh thành của chiếc bánh khô lại là làng Quan Châu thuộc xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang (phía nam TP Đà Nẵng).
Bánh gừng
Bánh làm bằng bột nắn thành hình trông như củ gừng, đem chiên dầu cho phồng lên và có màu vàng như màu gừng. Người ta cắm những củ gừng ấy vào tăm tre nhỏ rồi đem đặt thành hình tháp chung quanh một cái lõi làm bằng thân cây chuối. Tất cả đặt trên chiếc mâm gỗ trông như một khối tháp, toàn khối như vậy gọi là "quả bánh gừng".
Bên cạnh bánh gừng còn có khối bánh thuẩn, bánh ngũ sắc, bánh quai vạc, bên cạnh lát bánh khô, bánh rò, bánh in còn có xôi đường. Tất cả đều góp phần tạo nên phong vị Tết Quảng Nam - Đà Nẵng thêm phong phú. Rất nhiều loại bánh tết xứ Quảng có thể dự trữ lâu, dễ mang xách. Mang theo vài đòn bánh tét, vài cái bánh tổ là có thể yên trí ngao du vài ngày xem hội đua ghe, hát bội đầu xuân. Ra giêng, đi làm ngoài đồng, ngoài bãi có thể mang theo ít bánh khô để "uống nước" nửa buổi, kéo dài hương vị ngày xuân...
Theo PNO
Lạ mắt 6 loại bánh Tết cổ truyền miền Trung Người miền Trung rất thích ăn bánh trong dịp Tết vì thế họ chế biến rất nhiều loại bánh mỗi độ Tết đến xuân về... Dưới đây là 6 loại bánh truyền thống không thể thiếu trên đĩa bánh tết miền Trung. 1. Bánh lá răng bừa xứ Thanh Trên mâm cỗ ngày Tết cổ truyền, tuy có rất nhiều thức ăn ngon...