Phụ huynh phản đối cách tính học phí của trường tư
Phụ huynh cho rằng trường Tiểu học Vietschool, quận Thanh Xuân, thu học phí trái với thông báo, nhưng đại diện trường khẳng định thu đúng.
Ngày 4/6, Ban phụ huynh trường Tiểu học Vietschool tiếp tục lấy ý kiến phụ huynh để gửi kiến nghị về việc thu học phí “trái quy định và không đúng cam kết” lên Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.
Trong đơn, phụ huynh cho biết nhà trường tuyên bố trên phương tiện thông tin đại chúng về việc không thu phí học trực tuyến đến hết tháng 4. Tuy nhiên, trường lại tính khoản này và đưa ra chính sách giảm 10% cho 5 tháng của học kỳ II mà chưa thảo luận cùng phụ huynh.
Một bà mẹ có con học lớp 1 cho rằng một học kỳ có 5 tháng, số tháng thực học ở trường trong kỳ này chỉ khoảng 3 tháng (tính đến 15/7), còn hai tháng học online. Nếu miễn phí chương trình online, nhà trường chỉ được thu học phí 3 tháng. “Giảm 10% là quá vô lý bởi chỉ tương đương 0,5 tháng”, bà mẹ nói. Học phí đối với hệ Việt của trường là 5,2 triệu đồng một tháng và với hệ Mỹ là 8,1 triệu đồng.
Hiện, hầu hết phụ huynh của 9/11 lớp cho rằng chính sách này là không thỏa đáng và không có căn cứ bởi theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, việc tính học phí trực tuyến các trường tư phải dựa trên sự đồng thuận giữa nhà trường và phụ huynh. Việc giảm 10% học phí 5 tháng học kỳ II là “không thỏa đáng”. Thời gian nghỉ phòng Covid-19, học sinh không được sử dụng dịch vụ đồng nhất về chất lượng, thời gian học online chỉ khoảng 3 tiếng mỗi ngày.
Anh Phạm Xuân Sơn (trú tại phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân), Trưởng ban phụ huynh trường, cho hay việc kiến nghị lên Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội được ban phụ huynh đặt ra sau rất nhiều lần trao đổi, thảo luận với trường nhưng không thành. “Chúng tôi gửi nhiều email và nói về cách tính học phí tại cuộc họp vào ngày 6/5 nhưng không được trường phản hồi nên rất bức xúc”, anh Sơn nói, khẳng định nếu trường giải thích thỏa đáng, phụ huynh sẵn sàng chia sẻ.
Trường Tiểu học Vietschool ở Triều Khúc, quận Thanh Xuân. Ảnh: Dương Tâm.
Ông Lê Việt Chung, đại diện Truyền thông trường Tiểu học Vietschool, khẳng định trường không thu bất kỳ phí online nào như đã thông báo và khoản phí này không nằm trong học phí năm học. Do ảnh hưởng của Covid-19, kỳ II năm học 2019-2020 của trường chia thành nhiều giai đoạn. Từ đầu tháng 2 đến 22/3, trường ôn tập online cho học sinh. Từ 22/3 đến 10/5, trường dạy bài mới qua phần mềm Zoom. Từ 11/5 đến dự kiến đến 15/7, học sinh trở lại học tập trung tại trường.
Về học phí, nhà trường thu theo học kỳ và năm học chứ không thu theo tháng, tức là mức học phí theo kỳ sẽ đảm bảo học sinh hoàn thành chương trình học kỳ đó. “Theo cách thu này, dù học sinh phải học đến tháng 8 hay muộn hơn nữa để hoàn thành chương trình, nhà trường cũng không thu thêm”, ông Chung nói.
Dẫn công văn số 809 ngày 17/3 của Sở Giáo dục và Đào tạo “tiền hỗ trợ học online, số tiền học phí đã thu và học phí của các tháng học còn lại (sau khi học sinh trở lại trường) không vượt quá tổng số tiền học phí cả năm của học sinh đã được nhà trường thông báo từ đầu năm”, ông Chung cho rằng nhà trường không thu sai, thậm chí còn giảm 10% học phí học kỳ II cho các em. Mức giảm này sẽ được tính vào năm sau do năm nay học phí đã thu xong.
Với các khoản tiền dịch vụ như tiền bán trú, tiền ăn, dịch vụ đưa đón tham quan dã ngoại, trường sẽ trả lại cho phụ huynh vào cuối kỳ hoặc trừ vào năm học sau.
Video đang HOT
Ông Chung nhận định những bức xúc của phụ huynh liên quan đến học phí có thể do “câu từ gây hiểu lầm”. Do không thể tùy ý họp phụ huynh mà phải đợi đến đầu kỳ hoặc cuối kỳ, nhà trường chưa tổ chức họp trong thời gian qua. “Chúng tôi đã lên lịch họp với đại diện ban phụ huynh vào cuối tuần này để lắng nghe và giải đáp các thắc mắc”, ông Chung nói.
Nhận được phản ánh về việc này, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân đã làm việc với trường và yêu cầu giải trình. Trường Tiểu học Vietschool đã gửi báo cáo giải trình vào chiều qua.
Trường Tiểu học Vietschool thành lập năm 2018, trụ sở ở Triều Khúc, quận Thanh Xuân. Trường hiện có 11 lớp, từ khối 1 đến 3, chia làm hai hệ là hệ Việt và hệ Song ngữ – Mỹ. Mỗi lớp có từ 20 đến 28 học sinh.
Không chỉ Vietschool, phụ huynh nhiều trường tư thục và quốc tế khác như Quốc tế Úc, Quốc tế Mỹ, Việt – Úc ở TP HCM, cũng mâu thuẫn với trường về cách tính học phí trong thời gian học sinh nghỉ phòng chống Covid-19.
Hôm 11/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo trong giai đoạn phòng chống Covid-19, việc thực hiện các khoản thu đối với năm học 2019-2020 phải bảo đảm nguyên tắc minh bạch và thỏa thuận thu trên cơ sở triển khai dạy học. Trường ngoài công lập nếu không tổ chức học trực tuyến thì không được thu học phí và các khoản thu hộ, chi hộ. Nếu đã thu, trường phải thanh toán bù trừ khi học sinh đi học trở lại và thanh quyết toán vào cuối năm học với phụ huynh.
Phụ huynh chờ cả ngày vẫn không thể đối thoại với trường Việt Úc
Nhiều phụ huynh đợi từ sáng đến chiều, yêu cầu lãnh đạo trường Dân lập Quốc tế Việt Úc, TP.HCM, đối thoại về học phí và chất lượng giáo dục nhưng không được đáp ứng.
Những tờ rơi, băng rôn với nội dung "Phản đối chính sách học phí của Việt Úc trong mùa dịch Covid-19", "Phản đối chất lượng giáo dục trường Việt Úc" được hàng trăm phụ huynh giăng lên trước cổng trường Dân lập Quốc tế Việt Úc từ 8h30 đến 17h30 ngày 5/5.
Sau một ngày chờ đợi, tập thể phụ huynh vẫn không được đối thoại với lãnh đạo trường.
"Nếu trường vẫn im lặng, chúng tôi sẽ khởi kiện"
Tranh luận giữa phụ huynh và trường Dân lập Quốc tế Việt Úc về học phí online và mức hoàn trả học phí trong thời gian học sinh nghỉ vì dịch Covid-19 kéo dài cả tháng nay.
Nhiều phụ huynh cho rằng họ phải cùng nhau đến trường là hành động "tức nước vỡ bờ", bởi cách hành xử, thái độ của nhà trường với phụ huynh trong suốt thời gian qua.
Ngày 5/5, các quản lý của cơ sở Ba Tháng Hai đã nhiều lần mời phụ huynh vào hội trường để trao đổi và ghi nhận thông tin. Tuy nhiên, phụ huynh kiên quyết chỉ làm việc với người có thẩm quyền quyết định các vấn đề của trường. Họ từ chối trao đổi với người không có thẩm quyền, không có giấy ủy quyền từ trường.
Phụ huynh kiên trì chờ nhà trường đến 17h30 ngày 5/5 nhưng vẫn không được đối thoại. Ảnh: H.L.
Chị H. N., phụ huynh có con học tại cơ sở Sala (quận 2, TP.HCM), cho hay thời gian qua, phụ huynh cho nhà trường cơ hội thỏa thuận về học phí mùa dịch, tổ chức dạy bù sao cho hợp lý. Nhưng thay vì đối thoại với phụ huynh, trường lại đơn phương đưa ra những chính sách học phí.
Anh T.T. có con học tại cơ sở Ba Tháng Hai (quận 11, TP.HCM) cho biết anh cùng nhiều phụ huynh rất thất vọng với cách hành xử của trường Việt Úc.
Chúng tôi không muốn đẩy sự việc đi quá xa, chỉ muốn người có thẩm quyền quyết định của trường đứng ra đối thoại với phụ huynh. Nhưng nếu trường vẫn không có động thái tích cực, buộc lòng chúng tôi phải đưa vụ việc ra tòa.
Phụ huynh Nguyễn Thạch Thảo
"Tôi đã gửi email đến trường thông báo hôm nay phụ huynh sẽ đến đây, mong gặp lãnh đạo trường để đối thoại. 200 phụ huynh đã bỏ công ăn, việc làm để chờ cả ngày nhưng trường vẫn không cử người có đủ thẩm quyền làm việc. Yêu cầu này của phụ huynh không hề quá đáng, trường hành xử thế này là quá coi thường phụ huynh", anh T. bức xúc.
Các phụ huynh cho hay trong trường hợp hai bên không thể đối thoại, trường vẫn kiên quyết giữ lập trường thu học phí mà không thỏa thuận, phụ huynh sẽ đưa vụ việc ra tòa.
"Tôi xác định cho con chuyển trường nhưng vẫn đấu tranh đến cùng. Chúng tôi đã chuẩn bị hồ sơ, nếu trường vẫn im lặng, chúng tôi sẽ khởi kiện", chị P., phụ huynh có 3 con học tại trường, nói.
Phụ huynh làm việc với Sở GD&ĐT TP.HCM
Chiều cùng ngày, Sở GD&ĐT TP.HCM đã làm việc, ghi nhận ý kiến của đại diện phụ huynh trường Việt Úc. Ông Nguyễn Thạch Thảo, đại diện phụ huynh nhà trường, đã xác nhận lại một số kiến nghị của phụ huynh từng đề cập trong đơn gửi sở.
"Tôi đã khẳng định với Sở GD&ĐT TP.HCM rằng chúng tôi không đồng ý với việc thu 30% học phí trong thời gian nghỉ dịch đối với cấp tiểu học và trung học của trường. Giữa trường và phụ huynh là giao dịch dân sự nhưng trước khi dạy online, trường không thông báo hoạt động dạy học này có thu phí", ông Thảo nói.
Đại diện phụ huynh Việt Úc mong muốn Sở GD&ĐT TP.HCM, với vai trò cơ quan quản lý, có ý kiến chỉ đạo trường tổ chức đối thoại, thỏa thuận với phụ huynh về những bất cập trong học phí và chất lượng đào tạo.
"Chúng tôi không muốn đẩy sự việc đi quá xa, chỉ muốn người có thẩm quyền quyết định của trường đứng ra đối thoại với phụ huynh. Nhưng nếu trường vẫn không có động thái tích cực, buộc lòng chúng tôi phải đưa vụ việc ra tòa", ông Thảo nói thêm.
Phụ huynh chờ đợi nhưng không gặp được người có thẩm quyền của trường. Ảnh: Minh Nhật.
Về việc thu học phí, ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho rằng các trường phải xem xét với phụ huynh công tác giảng dạy đủ chưa, đảm bảo kiến thức cho học sinh chưa. Trên cơ sở đó, nhà trường thống nhất với phụ huynh. Sở không nắm được tình hình dạy học tại các trường nên không đưa ra bình luận.
"Học phí thu theo thỏa thuận. Các trường tư thục cung cấp dịch vụ giáo dục. Phụ huynh đồng ý thì bỏ tiền ra để sử dụng dịch vụ. Nếu không, họ có thể tìm trường khác. Sở không can thiệp được", ông Nam cho hay.
Trước đó, như Zing thông tin trong tháng 4, trường Dân lập Quốc tế Việt Úc đã đưa ra nhiều thông báo với nội dung thu 100% học phí học phần 4, khiến nhiều phụ huynh phản đối.
Ngày 2/5, trường thông báo giảm 70% học phí bậc tiểu học và trung học trong thời gian nghỉ, phải học online, miễn 100% học phí đối với bậc mầm non.
Tuy nhiên, phụ huynh cho rằng học sinh chỉ bắt đầu học online từ cuối tháng 3, trong khi trường thu 30% học phí tính từ khi học sinh nghỉ (đầu tháng 1) là không hợp lý.
Khi đề nghị gặp đại diện trường Dân lập Quốc tế Việt Úc để trao đổi thông tin phản hồi từ nhà trường về sự việc ngày 5/5, phóng viên Zing được gặp người quản lý cơ sở Ba Tháng Hai của trường.
Tuy nhiên, người này cho biết bà chỉ là quản lý, vận hành các vấn đề liên quan cơ sở Ba Tháng Hai, không đủ thẩm quyền trả lời phụ huynh và phóng viên.
"Chúng tôi vẫn có thiện chí tiếp đón phụ huynh. Nhưng trong tình hình dịch bệnh hiện nay, trường yêu cầu tiếp từng nhóm 20 người, ghi lại thông tin phụ huynh, nhưng họ không đồng ý. Không biết ai là ai, sao chúng tôi dám tiếp. Phụ huynh cứ đòi gặp người có thẩm quyền quyết định nhưng hiện tại ở đây không có người nào có thể đưa ra quyết định hay giải đáp những vấn đề phụ huynh thắc mắc", người này nói thêm.
Quản lý cơ sở Ba Tháng Hai cho hay bộ phận truyền thông của trường sẽ liên lạc với phóng viên để cung cấp thông tin. Tuy nhiên, đến hết ngày 5/5, phóng viên vẫn không nhận được câu trả lời của trường.
Trường Quốc tế Singapore điều chỉnh học phí: Phụ huynh tiếp tục kiến nghị Cho rằng mức thu sau khi điều chỉnh vẫn chưa hợp lý, một số phụ huynh Trường Quốc tế Singapore (Vạn Bảo, Hà Nội) tiếp tục kiến nghị. Chị M.T., đại diện một số phụ huynh Trường Quốc tế Singapore cho biết, sau khi nhận thông báo về việc thu học phí online lần thứ 2 của trường gửi phụ huynh, chị thấy...