Phụ huynh nghèo khó khăn khi con học online: Chắt bóp cả tháng để mắc wifi, có 1 chiếc máy tính là chuyện xa vời
“Hôm nọ con đang học thì mẹ có điện thoại gọi đến, thế là việc học bị gián đoạn. Nhưng giờ bảo mua thêm cái laptop nữa cho con thì bố mẹ không có tiền”, chị Ng. M chia sẻ.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên thời gian đầu năm học 2021-2022, học sinh nhiều tỉnh thành trên cả nước phải học online. Mới đây, một số địa phương đã cho học sinh tựu trường và sẽ khai giảng vào ngày 5/9 tới đây.
Việc học online nhằm giúp đảm bảo tiến độ năm học và góp phần phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên nó cũng nhiều hạn chế như việc học sinh khó tập trung, chất lượng học không được đảm bảo, đặc biệt là đối tượng lớp 1.
Với những phụ huynh là người lao động có thu nhập thấp, không ổn định thì việc học online thực sự là “bài toán khó”. Bởi họ không có đủ kinh phí để mua laptop, iPad,… còn việc học trên smartphone màn hình nhỏ cũng gây nhiều bất tiện. Màn hình quá nhỏ khiến trẻ khó nhìn rõ bài giảng của thầy cô cũng như mặt các bạn trong lớp.
Học sinh nhiều tỉnh thành học online vì dịch. (Ảnh minh họa)
Tiền mắc mạng cũng là cả một vấn đề, phải cân đối chi tiêu trong tháng
Chị Nguyễn Thị Minh Uyên (phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) là một trong những công nhân môi trường bị nợ lương, từng gây xôn xao dư luận thời gian qua. Sau khi được các tổ chức đoàn thể giúp đỡ và có công việc mới ổn định, cuộc sống của chị và con trai hiện đã tốt hơn.
Video đang HOT
Được biết, mức lương hiện tại của chị Uyên là 6 triệu đồng/tháng. Vì căn nhà cũ lụp xụp quá nên chị tính sửa lại nhưng do ảnh hưởng của dịch nên việc này phải tạm hoãn. Thời gian qua, hai mẹ con đi thuê trọ hết 2,5 triệu đồng/tháng, đã bao gồm điện nước.
Năm nay cháu Nguyễn Minh Phúc, con trai chị Uyên lên lớp 4. Cậu bé đã tựu trường online 2 ngày trước bằng chiếc điện thoại smartphone cũ được mẹ chuẩn bị cho. Chưa lắp mạng wifi nên Phúc học tạm bằng 4G nhưng kết nối không mấy ổn định.
Chị Uyên và con trai.
“Nhiều lúc mạng kém, cháu không đăng nhập vào lớp học được. Có lần, cháu vào lớp chậm gần 1 tiếng và chỉ học được 30, 40 phút thôi. Nhưng may cháu cũng được cô giáo quan tâm, cho bài giảng để học tiếp.
Thời gian tới, mình cũng dự tính lắp wifi. Hiện tại mình đang phải đi thuê trọ, rồi tiền học cho con, sinh hoạt phí hàng tháng nữa nên cũng sẽ khó khăn một chút. Nói chung cũng phải chắt bóp mới đủ”.
Chị Uyên chia sẻ thêm, nhiều đồng nghiệp của chị cũng chưa lắp mạng và con hiện đang học bằng mạng 3G, 4G. Công việc của công nhân môi trường làm ca, đi cả ngày từ chiều tối đến sáng hôm sau nên cũng không thể sát sao được với việc học của con. “Con một đồng nghiệp của mình không vào mạng học được, mà ở nhà lại không có ai bảo ban nên cháu nó giận dỗi, không học nữa” , chị Uyên chia sẻ thêm.
Chị cũng cho biết, với đặc thù công việc của công nhân môi trường, con cái phải học tự túc là chính. Cháu Phúc năm học vừa rồi tuy không được tiên tiến nhưng cũng có nhiều môn học tốt, được cô giáo khen.
Con đang học bằng điện thoại thì có cuộc gọi đến, vậy là gián đoạn
Còn với gia đình chị Ng.M (quận Cầu Giấy, Hà Nội), câu chuyện học online của con hiện vẫn chưa được giải quyết. Chị L.P làm nhân viên hành chính ở một công ty du lịch, vì ảnh hưởng của dịch nên hiện tại chị đang nghỉ không lương. Sinh hoạt phí của cả nhà suốt 2 tháng qua trông cậy vào khoản lương của chồng chị.
“2 anh em phải học online mà nhà chỉ có một cái laptop cũ. Tức là một đứa phải học tạm bằng điện thoại của mẹ. Để công bằng thì nay cháu lớn học laptop thì mai cháu bé học, luân phiên nhau cho đỡ tị nạnh.
Nhưng cũng là giải pháp tạm thời thôi, còn nếu học online lâu dài thì không được. Vì điện thoại của mẹ cũng là loại đời cũ, màn hình bé, còn hay bị đơ. Rồi cũng nhiều bất tiện nữa. Như hôm nọ con đang học thì mẹ có điện thoại gọi đến, thế là việc học bị gián đoạn. Nhưng giờ bảo mua thêm cái laptop nữa cho con thì bố mẹ không có tiền”, chị Ng. M chia sẻ. Ngoài thiếu phương tiện, chị cũng lo ngại việc các con nhìn màn hình máy tính, điện thoại nhiều không tốt cho mắt.
Hiện tại, một địa phương đã xây dựng phương án hỗ trợ thiết bị học tập cho học sinh. Tại TP.HCM, nhiều trường lập “ATM điện thoại, laptop” giúp các học sinh khó khăn học trực tuyến. Theo đó, nhà trường sẽ tạo ra một đường link kêu gọi đến phụ huynh, học sinh hay mạnh thường quân có các điện thoại thông minh cũ, máy điện thoại để bàn hay laptop cũ (kèm theo dây sạc) có thể đăng ký để gửi tặng lại cho phụ huynh.
Còn tại Bạc Liêu, với những gia đình khó khăn, chưa chuẩn bị phương tiện cho con em mình thì phụ huynh cũng sẽ được thầy, cô giáo hướng dẫn việc học con em thông qua các hình thức như giao đề cương, tổ chức học tập tại nhà, xây dựng sản phẩm báo cáo thầy, cô giáo theo định kỳ.
Lãnh đạo Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu cũng cho biết, đã yêu cầu các phòng chuyên môn rà soát nội dung chương trình học cho từng khối lớp rồi xác định giáo viên giảng dạy. Ngoài trực tuyến, khi xây dựng chương trình học qua truyền hình cũng cần mang tính chất trọng tâm, nội dung có thể lặp đi lặp lại để học sinh dễ tiếp cận.
Hơn 75.000 học sinh TP.HCM không có điều kiện học online
Nhiều trẻ không thể tham gia học online vì thiếu thiết bị, đường truyền Internet. Với bậc tiểu học, các bé không có phụ huynh hỗ trợ cũng là rào cản lớn của học trực tuyến.
Sau khi các trường tiểu học, THCS, THPT thực hiện rà soát những học sinh không có thiết bị tối thiểu để học online và đường truyền Internet, có thiết bị nhưng không có đường truyền, các lý do khác, Sở GD&ĐT TP.HCM đã tổng hợp và cho biết khoảng 4% học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 không có điều kiện tham gia việc học trực tuyến. Ở bậc tiểu học, con số này là khoảng 8,5%.
Cụ thể, trong tổng số gần 700.000 học sinh trung học, khoảng 17.000 học sinh không có thiết bị, không có đường truyền Internet, hơn 5.000 học sinh có thiết bị nhưng lại không có Internet.
Học sinh lớp 10 tại TP.HCM sẽ học trực tuyến đầu năm học này. Ảnh minh họa: Phụ huynh cung cấp.
Còn ở bậc tiểu học, số liệu thống kê của sở đến sáng 3/9 cho thấy khoảng 53.349 học sinh (8,5%) không có điều kiện tham gia học trực tuyến. Cụ thể, 19.669 học sinh không có thiết bị, 3.633 gia đình thiếu đường truyền Internet, 11.186 học sinh không có người hỗ trợ, học sinh đang ở quê...
Hiện các trường đã tập trung rà soát, nắm tình hình cụ thể của từng học sinh để có phương án hỗ trợ tiếp cận phù hợp. Với những học sinh không có điều kiện tham gia học trực tuyến, trường sẽ cử giáo viên gửi tài liệu, nội dung học tập.
Các trường cũng đang kêu gọi ủng hộ điện thoại, máy tính bảng, máy tính cá nhân cũ cho những học sinh không có thiết bị học tập tối thiểu. Sở GD&ĐT TP.HCM cũng làm việc với đơn vị liên quan để hỗ trợ đường truyền Internet cho những nơi khó khăn.
Ngoài việc dạy online của các trường, sở đã làm việc với Đài Truyền hình TP.HCM để phát sóng các đoạn bài giảng, giúp học sinh có thể tự học.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, đánh giá đây là năm học khó khăn, học sinh phải thực hiện hình thức học trực tuyến ngay từ đầu năm học. Nhiều học sinh, kể cả khu vực nội thành, gặp khó khăn về mặt thiết bị, đường truyền. Giáo viên cũng gặp thách thức không nhỏ khi hệ thống dạy học trực tuyến hiện nay không đồng bộ và hạn chế về phần mềm dạy học.
Ngày 6/9, học sinh THCS, THPT, giáo dục thường xuyên của TP.HCM sẽ chính thức bước vào năm học mới. Ngày 8/9, học sinh tiểu học sẽ làm quen với lớp mới, được hướng dẫn cách thức học tập trước khi bắt đầu chương trình năm học từ ngày 19/9.
Hà Đông: Chuẩn bị sẵn sàng 2 phương án cho năm học mới 2021-2022 Năm học 2021 - 2022 đang đến gần, trước tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, quận Hà Đông đã chuẩn bị sẵn sàng chuẩn bị 2 phương án dạy và học. Sẵn sàng dạy và học online Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp, để triển khai tốt việc dạy và học năm học 2021 - 2022,...