Phụ huynh, học sinh lớp 9 ở Hà Nội đứng ngồi không yên vì dịch Covid-19
Dịch Covid-19 diễn biến khó lường, học sinh trên toàn thành phố Hà Nội phải tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến. Việc này có ảnh hưởng không nhỏ tới những học sinh lớp 9 chuẩn bị thi chuyển cấp.
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa, học sinh trên toàn TP Hà Nội sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 – kỳ thi được cho là cam go không kém tuyển sinh đại học. Tuy nhiên, hiện tại, học sinh trên toàn TP Hà Nội đang phải tạm dừng đến trường, chuyển sang hình thức học trực tuyến, ôn tập từ xa, bởi vậy không không ít phụ huynh, học sinh lớp 9 đang không khỏi lo lắng.
Nguyễn Minh Hạnh (Đống Đa, Hà Nội) có nguyện vọng thi vào trường THPT Kim Liên đang đứng ngồi không yên khi bài vở quá tải nhưng lại không thể đến trường. Việc học online với Hạnh không còn xa lạ khi đã trải qua năm thứ 2 vừa học vừa chống dịch, song nữ sinh cũng cho rằng, học trực tuyến không thể chất lượng bằng việc học trực tiếp trên lớp.
Học sinh không khỏi lo lắng khi dịch bệnh bùng phát trở lại khi gần đến kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. (Ảnh minh họa)
“Em cảm thấy rất lo lắng vì trường THPT Kim Liên là một trong những trường THPT công lập không chuyên có điểm trúng tuyển thuộc top cao nhất của Hà Nội, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chắc kiến thức sẽ rất khó để đỗ. Khi học online chúng em không thể tương tác nhiều với thầy cô như ở trên lớp, việc thảo luận với các bạn trong tiết học cũng sẽ hạn chế hơn. Hiện tại em còn khá lo lắng môn Lịch sử vì có nhiều sự kiện và mốc thời gian cần nhớ. Với các môn Toán, Văn, Tiếng Anh em đang tích cực ôn lại và làm các đề thi thử để củng cố kiến thức và luyện kỹ năng làm bài nhanh hơn”.
Có nguyện vọng thi vào lớp chuyên Toán của THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, Trần Minh Tú (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết đang phải vừa học nốt kiến thức của chương trình, vừa ôn tập. “Việc học online không thể hiệu quả bằng học trực tiếp, nên ngoài những tiết học trực tuyến em thường chủ động gọi điện thoại hỏi thầy cô những bài khó hoặc trao đổi qua facebook cùng các bạn trong lớp. Hiện tại kiến thức môn Văn và Lịch sử của em chưa thực sự chắc, cần ôn rất nhiều, bên cạnh đó, em cần đặc biệt chú trọng môn thi chuyên nên em cảm thấy khá áp lực. Em nghĩ thời gian này điều quan trọng nhất là cần học đến đâu chắc đến đó, em cũng tích cực làm các bài thi cử để biết mình còn thiếu kiến thức phần nào từ đó có thể bổ sung kịp thời”.
Nam sinh cho biết, những ngày gần đây, lịch học dày đặc, gần như không có cuối tuần, khi chuyển sang học online, thời gian học của Tú thường bắt đầu từ 7h sáng, có hôm kết thúc vào 1, 2 giờ đêm.
Không chỉ học sinh, mà không ít phụ huynh cũng đứng ngồi không yên. Chị Bùi Thu Trang (Long Biên, Hà Nội) có con đang học lớp 9 cho biết, dịch bệnh khiến việc học của con bị đảo lộn nghiêm trọng, con phải dừng các lớp luyện thi tại các trung tâm. Ngoài ra, việc học nhóm với các bạn để luyện đề cũng phải dừng lại do dịch bệnh.
Video đang HOT
Dù không đến trường, nhưng ngày nào con gái chị Trang cũng phải học từ 5h sáng đến 11, 12 giờ đêm, hết học online theo chương trình của trường, lại tự luyện đề các môn, học kèm với gia sư.
“Không chỉ các con vất vả mà hầu hết các gia đình có các con thi vào lớp 10 đều cùng tâm trạng lo lắng. Không chỉ lo con khó khăn trong học tập, mà còn lo việc học vất vả, quá tải sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe khi kỳ thi đang đến gần. Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay của Hà Nội có nhiều thay đổi từ việc đăng ký nguyện vọng, thí sinh không được thay đổi nguyện vọng… Trước đó, thời gian tuyển sinh cũng được điều chỉnh khiến các con lo lắng. Hơn nữa, đây là năm thứ 2 liên tiếp các con phải học online, như vậy sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý và cả kiến thức của các con”, chị Trang chia sẻ.
Phụ huynh học sinh không nên quá lo lắng
Cô Dư Thị Lan Anh, Phó Hiệu trưởng trường THCS Trưng Vương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhắn nhủ học sinh lớp 9 không nên quá lo lắng: “Tất cả kiến thức đã được chuẩn bị trong suốt 4 năm THCS, thời điểm hiện tại quan trọng nhất là các em cần sắp xếp thời gian biểu hợp lý, cân bằng giữa việc học mà vẫn có thời gian nghỉ ngơi, tập trung củng cố lại kiến thức và rèn luyện kỹ năng tốt để sẵn sàng bước vào kỳ thi. Các em cũng không nên quá áp lực, cần giữ tâm trạng thoải mái, bình tĩnh, học đến đâu chắc đến đó và giữ gìn sức khỏe để bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10″, cô Lan Anh nói.
Học sinh nên bình tĩnh, tự tin trước kỳ thi và phụ huynh cũng cần đồng hành cùng con, tránh tạo cho con những áp lực. (Ảnh minh họa)
Đại diện trường THCS Trưng Vương cũng nhắn nhủ tới các bậc phụ huynh cùng nhà trường đồng hành bên học sinh trong suốt kỳ thi, yêu thương con đúng cách, quan tâm nhưng không gây áp lực, hướng dẫn, định hướng cho các con nhưng tránh ra lệnh, áp đặt, động viên, khích lệ các con. Ngay cả khi các con chưa đạt được kết quả như mong muốn, cha mẹ cũng nên chia sẻ với các con nhiều hơn, điều quan trọng là các con biết rút ra bài học, có quyết tâm và ý chí vươn lên trong học tập và cuộc sống./.
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) khẳng định việc hoàn thành chương trình năm học vẫn sẽ đúng theo khung kế hoạch thời gian năm học đã được Bộ GD-ĐT ban hành là trước ngày 31/5.
Thời gian này, các nhà trường đã, đang và chuẩn bị đánh giá định kỳ cuối năm học. Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp khiến học sinh không thể đến trường, lưu ý địa phương để tổ chức kiểm tra đánh giá học sinh, bảo đảm chính xác, công bằng, khách quan.
Học trực tuyến, học sinh lớp 9 gặp áp lực
Có kinh nghiệm dạy học trực tuyến từ các đợt nghỉ dịch COVID-19 trước, các trường học tại Hà Nội triển khai ngay từ ngày 4/5. Tuy nhiên, các trường lo chất lượng học online khó đảm bảo để học sinh lớp 9 thi vượt cấp.
Khi học sinh học trực tuyến, nhiều phụ huynh, nhà trường lo các em gặp áp lực trong kỳ thi vượt cấp
Ngày đầu tiên học sinh tạm dừng tới trường, các trường xếp thời khoá biểu cho học sinh học trực tuyến bài mới, in phiếu cho học sinh làm bài... để củng cố kiến thức chờ ngày dịch ổn định, kiểm tra cuối kỳ.
Bà Lê Thị Tuyết Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Phương, nói rằng, nếu phải học trực tuyến kéo dài, có thể phải tính đến phương án kiểm tra định kỳ online. Việc này rất mới với các nhà trường nên phải chờ hướng dẫn của Phòng GD&ĐT, nhưng trường sẽ có sự chuẩn bị.
Cụ thể, giáo viên sẽ xây dựng ngân hàng đề trắc nghiệm phù hợp kiểm tra trực tuyến các môn như tiếng Anh, Lịch sử... "Bậc tiểu học, việc đánh giá không quá khó khăn vì lâu nay việc kiểm tra ở cấp học này vẫn khá nhẹ nhàng. Chưa kể, trong quá trình học, giáo viên đã có những đánh giá thường xuyên trong năm học, vì thế sẽ dễ dàng xếp loại và xét lên lớp để học sinh không gặp áp lực", bà Lan nói.
Bà Nguyễn Thị Lan, Hiệu trưởng Trường THCS Bát Tràng, cho biết, ngày 4/5, trường khởi động dạy học trực tuyến. Giáo viên đã có kinh nghiệm, học sinh được trang bị điện thoại, máy tính để học 100% nên các khối lớp 6-8 cơ bản sẽ hoàn thành chương trình năm học.
Tuy nhiên, khi chuyển sang học trực tuyến, nhiều học sinh lớp 9 cũng như nhiều hiệu trưởng băn khoăn, lo lắng về kỳ thi tuyển vào lớp 10. Trước đó, kỳ thi này được Hà Nội quyết định tổ chức từ ngày 10-11/6 với 4 bài thi. Điều Hiệu trưởng Nguyễn Thị Lan lo lắng là chất lượng học sinh lớp 9 năm nay có đáp ứng kỳ thi hay không vì theo bà, hiệu quả học trực tuyến khó đảm bảo như học trên lớp.
"Trước đó, trường đã phân loại học sinh theo năng lực: giỏi, khá, trung bình... để giáo viên có kế hoạch ôn tập phù hợp. Nhất là nhóm học sinh có năng lực trung bình, yếu khi học trực tuyến giáo viên khó tương tác, theo dõi sát được như trên lớp", bà Lan nói.
Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tri Phương, bà Phạm Thị Hương Giang, cũng nhận định, học trực tuyến chất lượng không đảm bảo như học trực tiếp nên học sinh lớp 9 sẽ lo lắng, bị áp lực lớn. Từ năm ngoái đến nay, đây là lần thứ 3 lứa học sinh lớp 9 phải dừng đến trường vì dịch nên rất thiệt thòi.
Theo bà Giang, nhiều phụ huynh đã có ý kiến với nhà trường về việc xin Hà Nội giảm bớt môn thi thứ 4 hay giảm tải trong đề thi cho học sinh năm nay. Kỳ thi vượt cấp lên lớp 10, nhiều học sinh rất căng thẳng vì lo trượt nguyện vọng trường công. Để hỗ trợ học sinh, trường đã tăng cường lịch học thêm trực tuyến, tăng giáo viên các môn thi hỗ trợ.
"Nếu kiểm tra định kỳ trực tuyến, khó nhất là không phải 100% học sinh có máy tính, đường truyền tốt, có phụ huynh giám sát để thực hiện bài kiểm tra. Nếu dịch kéo dài, Sở GD&ĐT cần có phương án để tháo gỡ thế khó cho các nhà trường, học sinh", bà Giang nói.
Không để đứt đoạn việc học, việc thi
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học - Bộ GD&ĐT, cho biết, theo kế hoạch năm học 2020-2021 cho các bậc giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên, các cơ sở giáo dục sẽ hoàn thành kế hoạch giáo dục học kỳ II trước ngày 25/5, kết thúc năm học trước ngày 31/5.
Trường hợp học sinh không thể đến trường, địa phương dạy trực tuyến để hoàn thành chương trình và kết thúc thời gian học theo khung chương trình của Bộ. Các kỳ thi chuyển cấp như thi vào lớp 10, việc quy định về hình thức thi, địa điểm, thời gian thi... đều do các địa phương căn cứ tình hình thực tế địa phương để chủ động quyết định.
"Trong thời gian học sinh không đến trường để phòng, chống dịch COVID-19, việc học tại các địa phương không bị gián đoạn, các hoạt động dạy học trực tuyến vẫn được duy trì, do vậy thời gian kết thúc năm học chưa cần điều chỉnh. Vì vậy, kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn thực hiện đúng theo hướng dẫn của Bộ GDĐT", ông nói.
Ông Thành nói rằng, Thông tư dạy học trực tuyến quy định việc kiểm tra, đánh giá định kỳ, thường xuyên, trong đó có tính đến trường hợp học sinh không thể đến cơ sở giáo dục phổ thông tại thời điểm kiểm tra, đánh giá định kỳ vì lý do bất khả kháng, việc tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ được thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông quyết định lựa chọn hình thức kiểm tra, đánh giá định kỳ theo quy định của Bộ GD&ĐT, bảo đảm việc kiểm tra, đánh giá, chính xác, công bằng, khách quan, trung thực.
"Các trường chủ động đề ra phương án để giám sát quá trình kiểm tra trực tuyến, đảm bảo việc đánh giá đó là khách quan, chính xác, đúng năng lực học sinh. Hiện tại vẫn còn gần 1 tháng nữa là sẽ kết thúc năm học 2020-2021, hy vọng dịch được khống chế để các kỳ thi diễn ra đúng kế hoạch và đảm bảo an toàn", ông nói.
8 địa phương đóng cửa trường học
Tính đến chiều tối 4/5, có 8 tỉnh, thành phố cho học sinh nghỉ học để phòng chống dịch COVID-19, gồm Hà Nội, Đà Nẵng, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Quảng Nam, Hà Nam và Bắc Giang. Các địa phương khác cũng kích hoạt hệ thống phòng dịch từ cổng trường.
Tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội: Tăng cơ hội, giảm áp lực cho thí sinh Theo quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, từ ngày 12-5-2021, học sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội đăng ký dự tuyển vào lớp 10 trung học phổ thông công lập năm học 2021-2022. Đáng chú ý, kỳ thi năm nay đã áp dụng nhiều quy định mới nhằm tăng cơ hội, giảm áp lực, tạo thuận...