Phó Tổng thống Mỹ ngầm cảnh báo “ngoại giao bẫy nợ” của Trung Quốc
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence hôm nay tiếp tục công kích Trung Quốc, cho rằng Washington sẽ mang tới cho khu vực châu Á một lựa chọn tốt hơn về hợp tác kinh tế và ngoại giao so với cách tiếp cận “bẫy nợ” của Trung Quốc.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence phát biểu tại hội nghị APEC ngày 17/11. (Ảnh: AFP)
“Đừng chấp nhận những khoản nợ nước ngoài mà có thể gây tổn hại cho chủ quyền của các bạn”, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố sáng nay 17/11 trong bài phát biểu tại hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại Papua New Guinea.
“Chúng tôi sẽ không nhấn chìm các đối tác của chúng tôi trong biển nợ. Chúng tôi không ép buộc, hối lộ hay gây tổn hại cho sự độc lập của các bạn. Mỹ thỏa thuận một cách công khai và công bằng, chúng tôi không đề xuất một vành đai siết chặt hay một con đường một chiều”, ông Pence nói thêm.
Theo Bloomberg, phát biểu của Phó Tổng thống Mike Pence là đòn công kích trực tiếp tới Sáng kiến Vành đai và Con đường của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Tập cũng có mặt tại Papua New Guinea để tham dự hội nghị cấp cao APEC năm nay, trong khi ông Pence thay mặt Tổng thống Donald Trump dự sự kiện này.
Bài phát biểu của Phó Tổng thống Mike Pence được đưa ra không lâu sau bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình tại hội nghị APEC. Ông Pence không ngại chỉ trích Trung Quốc về những khoản vay phát triển cơ sở hạ tầng “không minh bạch” và có nguy cơ đẩy các nước tiếp nhận những khoản vay này vào “bẫy nợ”. Phó Tổng thống Mỹ cũng chỉ trích Trung Quốc về việc buộc các công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ nếu muốn làm ăn tại Trung Quốc, đánh cắp sở hữu trí tuệ và quân sự hóa Biển Đông.
Phó Tổng thống Pence tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục các biện pháp trừng phạt kinh tế với Trung Quốc và tiến hành các hoạt động đảm bảo tự do hàng hải.
Video đang HOT
“Chúng tôi đã áp thuế đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và con số đó có thể sẽ tăng gấp đôi. Chúng tôi hy vọng mọi chuyện sẽ tốt hơn, tuy nhiên Mỹ sẽ không thay đổi lập trường, cho đến khi Trung Quốc thay đổi. Như Tổng thống (Donald Trump) từng nói: Chúng tôi rất tôn trọng Chủ tịch Tập Cận Bình và Trung Quốc, nhưng theo lời tổng thống, Trung Quốc đã lợi dụng Mỹ trong suốt nhiều năm. Những ngày đó bây giờ đã qua rồi”, ông Pence nhấn mạnh.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại hội nghị APEC (Ảnh: AFP)
Cũng theo Phó Tổng thống Mike Pence, Mỹ sẽ hợp tác với Papua New Guinea và Australia để thực hiện sáng kiến hàng hải chung tại căn cứ hải quân Lombrum trên đảo Manus. Hồi đầu năm, Australia đã cam kết sẽ nâng cấp căn cứ hải quân của Mỹ từ thời Thế chiến 2 trên đảo Manus nhằm đối phó với sự hiện diện của Trung Quốc tại đây. Australia và Mỹ lo ngại Bắc Kinh sử dụng cảng ở đảo Manus như một tiền đồn quân sự, đe dọa an ninh của Canberra và Washington.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa tàu và máy bay hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật quốc tế cho phép và các lợi ích quốc gia của chúng tôi yêu cầu. Các hành vi quấy rối sẽ chỉ càng làm tăng thêm quyết tâm của chúng tôi”, ông Pence tuyên bố.
Phó Tổng thống Pence cũng thông báo một số sáng kiến mới nhằm thể hiện cam kết của Mỹ với khu vực, trong đó có Sáng kiến Minh bạch Ấn Độ – Thái Bình Dương. Ngoài ra, ông Pence cũng tiết lộ về một “sáng kiến lịch sử giúp thay đổi tương lai của Papua New Guinea”.
Trong bài phát biểu tại hội nghị APEC sáng nay, Chủ tịch Tập Cận Bình đã cảnh báo tác động của chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương có thể làm suy yếu sự phát triển toàn cầu. Ông Tập cũng lên tiếng bênh vực Sáng kiến Vành đai và Con đường, khẳng định đây “không phải là cái bẫy như cách một số người gắn cho sáng kiến này”.
Thành Đạt
Theo Dantri/ Bloomberg
Mỹ mong hợp tác, chứ không phải kiểm soát Ấn Độ - Thái Bình Dương
Phó Tổng thống Mike Pence khẳng định cam kết kiên định và lâu dài của Mỹ với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhấn mạnh rằng Mỹ mong muốn hợp tác, chứ không phải kiểm soát khu vực này.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence. Ảnh: AP
Tại Hội nghị cấp cao APEC ở Đà Nẵng năm 2017, Tổng thống Donald Trump đã nêu lên tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Tuần này, thay mặt cho Tổng thống, ông Mike Pence sẽ dẫn đầu một phái đoàn tới Singapore dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á và Hội nghị Lãnh đạo các nền kinh tế APEC tại Papua New Guinea.
Trong bài viết đăng trên tờ The Washington Post trước chuyến đi, Phó Tổng thống Mike Pence khẳng định, Mỹ mong muốn một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương - kéo dài từ Mỹ tới Ấn Độ, từ Nhật Bản xuống Australia, cũng như toàn bộ khu vực nằm ở giữa - là một nơi mà ở đó chủ quyền được tôn trọng, các dòng chảy thương mại không bị cản trở và các quốc gia độc lập làm chủ vận mệnh của chính mình.
"Khu vực chiêm hơn nửa diện tích và dân số thê giới này đã trải qua những phát triển to lớn khi mà các nguyên tắc trên được tôn trọng. Trong khi một số quốc gia hiện đang tìm cách làm suy yếu nền tảng này, Mỹ đang có những hành động kiên quyết nhằm bảo vệ lợi ích chung và thúc đẩy thành công chung của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" - Phó Tổng thống Pence nhấn mạnh.
Chiến lược khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ dựa trên ba trụ cột chính. Đầu tiên là sự thịnh vượng. Hai phần ba dòng chảy thương mại toàn cầu được thực hiện qua vùng biển, vùng trời, bằng đường bộ và đường sắt của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Thương mại giữa Mỹ và khu vực này chiếm hơn 1,8 nghìn tỉ USD mỗi năm, đóng góp cho hơn 3,3 triệu việc làm tại Mỹ, và tổng đầu tư của Mỹ trong khu vực lên tới gần 1 nghìn tỉ USD - nhiều hơn tổng số đầu tư của cả Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cộng lại.
Đó là lý do tại sao Chính phủ Mỹ hiện nay đã xây dựng những thỏa thuận thương mại song phương mới tự do, công bằng và có đi có lại.
Ngoài thương mại, Mỹ cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ tăng cường đầu tư tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Để thúc đẩy làn sóng đầu tư tư nhân mới cho hạ tầng trong khu vực, Tổng thống Donald Trump gần đây đã ký chuyển Đạo luật khai thác hiệu quả hơn hoạt động đầu tư phát triển (Build Act) thành luật. Điều này cho phép mở rộng khả năng hỗ trợ tài chính của Mỹ cho phát triển lên 60 tỉ USD.
Trụ cột thứ hai là an ninh, và đây chính là nền móng cho sự thịnh vượng. Trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với các quốc gia có cùng quan điểm nhằm đối đầu với các mối đe dọa cấp bách nhất trong khu vực, từ việc phổ biến vũ khí hạt nhân tới chủ nghĩa cực đoan và khủng bố.
Chỉ riêng năm nay, Mỹ đã cũng cấp hơn nửa tỉ USD để hỗ trợ an ninh. Con số này bao gồm gần 400 triệu USD hỗ trợ cho các lực lượng quân đội - nhiều hơn cả tổng số của ba năm trước đây cộng lại.
Phó Tổng thống Mike Pence cho biết, Mỹ cũng sẽ cung cấp những hỗ trợ mới nhằm giúp các quốc gia bảo vệ biên giới của mình - cả trên đất liền, trên biển và trong môi trường số - và sẽ tiếp tục hợp tác với các đồng minh và đối tác của mình nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không. Các cuộc tập trận hải quân chung với Nhật Bản và Ấn Độ gần đây thể hiện rõ cam kết này của Mỹ.
Cuối cùng, Mỹ sẽ hỗ trợ cho việc xây dựng chính phủ minh bạch và mang tính đáp ứng cao, pháp quyền và bảo vệ quyền lợi của mỗi cá nhân. Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương không có chỗ cho chủ nghĩa độc đoán và hiếu chiến.
"Mỹ mong muốn hợp tác, chứ không phải kiểm soát... An ninh và sự thịnh vượng của Mỹ phụ thuộc vào khu vực cực kỳ then chốt này, và Mỹ sẽ tiếp tục đảm bảo rằng mọi quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều có thể phát triển và trở nên thịnh vượng trong một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở" - Phó Tổng thống Mike Pence kết luận.
SONG MINH
Theo Laodong
Trung Quốc khó tìm đồng minh trong cuộc chiến thương mại với Mỹ Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sẽ tận dụng những cuộc hội nghị thượng đỉnh tại Singapore để tìm kiếm sự ủng hộ của các quốc gia châu Á nhằm chống chọi sức ép từ Mỹ trong cuộc chiến thương mại. Tuy nhiên, Trung Quốc có thể phải đối mặt với một số trở ngại ngoại giao liên quan đến vấn đề...