Phổ cập GDMN 3-4 tuổi: Dân cư trên địa bàn chưa ổn định, khó huy động trẻ ra lớp
Lãnh đạo phòng Giáo dục Mầm non Sở Giáo dục và Đào tạo Cà Mau đưa ra góp ý về đề án phổ cập GDMN cho trẻ 3-4 tuổi.
Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3 – 4 tuổi đang được nhiều người đánh giá là hết sức cần thiết để thực hiện các mục tiêu của Đảng và Chính phủ về phát triển giáo dục nói chung, phát triển giáo dục mầm non nói riêng, góp phần nâng cao tỷ lệ trẻ em mẫu giáo được tiếp cận giáo dục, đặc biệt là tại các vùng khó khăn.
Còn khoảng cách đáng kể về giáo dục mầm non giữa thành thị và nông thôn
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3 – 4 tuổi, ông Nguyễn Tấn Nguyên, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non – Phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau cho biết, giáo dục mầm non tỉnh Cà Mau vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức lớn.
“Hiện mạng lưới trường lớp cấp mầm non trên địa bàn tỉnh Cà Mau chưa đáp ứng được nhu cầu thu nhận trẻ đến trường; đặc biệt là ở những nơi khó khăn, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số; còn ở khu đô thị đông dân cư, nhiều điểm trường quá tải.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam)
Tỷ lệ trẻ em nhà trẻ và trẻ mẫu giáo (3 – 4 tuổi) được tiếp cận giáo dục ở nhiều địa phương trên địa bàn còn ở mức thấp (nhà trẻ: 5,48%, mẫu giáo 3 và 4 tuổi: 42,07%), một số địa phương mới chỉ tập trung chủ yếu việc huy động trẻ 5 tuổi; nhiều trẻ em dưới 5 tuổi được tiếp cận với giáo dục mầm non muộn so với độ tuổi, đặc biệt là trẻ em tại các vùng khó khăn. Từ đó dẫn tới còn khoảng cách đáng kể về giáo dục mầm non giữa thành thị và nông thôn”.
Bên cạnh đó, ông Nguyên cho rằng, việc thiếu đội ngũ giáo viên cũng là một trong những trở ngại cho phổ cập giáo dục mầm non. Hiện tại, mới thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đã khó khăn, thì nếu tính đến phổ cập cho trẻ 3 và 4 tuổi chắc chắn nhu cầu về đội ngũ giáo viên sẽ càng tăng lên.
Hiện đội ngũ giáo viên mầm non trên toàn tỉnh vẫn đang thiếu, nếu tính đến phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 3 – 4 tuổi thì thời điểm hiện tại chưa thể đáp ứng. Do tỷ lệ giáo viên cấp mầm non/lớp bình quân toàn tỉnh chỉ đạt 1,7 người/lớp (thấp hơn tỷ lệ quy định tại Thông tư 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV).
Video đang HOT
Số giáo viên mẫu giáo (3, 4, 5 tuổi) còn thiếu so với định mức theo Thông tư 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ là 123 giáo viên (trong đó, nhóm lớp cho trẻ 3 và 4 tuổi thiếu 81 giáo viên).
Nguyên nhân gây ra việc thiếu lượng lớn nguồn lực này là do các xã vùng sâu rất khó tuyển giáo viên (nhất là tại các xã không có giáo viên là người địa phương); giáo viên đăng ký dự tuyển thấp hơn so với nhu cầu, đặc biệt là những địa bàn không có chính sách thu hút. Tính theo định mức của Thông tư 06, dự báo đến năm 2025, tỉnh Cà Mau sẽ thiếu khoảng 300 giáo viên dạy lớp 3, 4 tuổi (do phát triển mạng lưới trường, lớp).
Cũng theo ông Nguyên, khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất cũng là một trong những trở ngại cho việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 3 – 4 tuổi (dự thảo đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 3 – 4 tuổi có mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 bảo đảm tỷ lệ 01 phòng/01 lớp mẫu giáo).
Tuy nhiên, theo quy mô phát triển hiện nay, toàn tỉnh còn thiếu khoảng 135 phòng học (trong đó số phòng đang học nhờ là 126 phòng); hiện tại số phòng học dành cho các lớp mẫu giáo 3 tuổi và 4 tuổi còn thiếu 21 phòng (trong đó số phòng đang học nhờ là 13 phòng).
Mặt khác, tỷ lệ huy động trẻ 3 – 4 tuổi ra lớp toàn tỉnh Cà Mau cũng còn thấp. Một trong những lý do gây nên vấn đề này do có một bộ phận người dân sống trên địa bàn không ổn định, định cư theo mùa tôm, mùa đi biển, … nên việc huy động trẻ ra lớp còn gặp khó khăn; một số địa bàn mới chỉ tập trung chủ yếu việc huy động trẻ em mẫu giáo 5 tuổi,…
Cần có chính sách hỗ trợ cho đội ngũ quản lý, giáo viên, nhân viên ngoài công lập
Theo ông Nguyên, hiện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau đã và đang tích cực đề xuất nhiều giải pháp để khắc phục những khó khăn, góp phần chuẩn bị triển khai đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3 – 4 tuổi được diễn ra thuận lợi như:
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các địa phương trong việc phát triển, triển khai phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 3 – 4 tuổi và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; đưa mục tiêu đạt chuẩn giáo dục mầm non cho trẻ em 3 – 4 tuổi và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào chương trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, xây dựng và ban hành các chương trình, kế hoạch, chính sách của địa phương để hoàn thành mục tiêu phổ cập này.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội tại địa phương trong việc thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 3 – 4 tuổi, nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát thực hiện mục tiêu này để bảo đảm thực chất, hiệu quả, tránh hình thức;
Đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng về chủ trương, mục đích, ý nghĩa của phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo (3 – 4 tuổi) và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2023-2030, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội;
Phát huy các sáng kiến của cộng đồng, động viên các bậc phụ huynh đưa trẻ đến trường, lớp để thực hiện công tác phổ cập; Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, phát huy vai trò của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội, cùng tham gia phát triển giáo dục mầm non và thực hiện nhiệm vụ phổ cập.
Mặt khác, cần kịp thời bổ sung giáo viên mầm non để đáp ứng nhu cầu của đề án cũng như thực hiện có hiệu quả công tác bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ giáo viên để đáp ứng yêu cầu giảng dạy trong chương trình mới.
Cũng theo Trưởng phòng Giáo dục Mầm non – Phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo Cà Mau, các địa phương đang gặp khó khăn trong công tác phổ cập giáo dục mầm non cần tập trung các nguồn lực, ưu tiên ngân sách chi thường xuyên và Chương trình mục tiêu quốc gia cho nhiệm vụ phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 3, 4, 5 tuổi (ưu tiên các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn) cũng như chủ động huy động các nguồn vốn từ ngân sách địa phương;
Hơn nữa, cần đề xuất Chính phủ có chính sách miễn học phí cho đối tượng trẻ em mẫu giáo 3 – 4 tuổi và có chính sách hỗ trợ đối với đội ngũ quản lý, giáo viên, nhân viên ngoài công lập để họ có thể yên tâm công tác, gắn bó và cống hiến với cấp học mầm non.
Giai đoạn 2023 - 2030: Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi
Bộ GD&ĐT sẽ tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án 'Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo (3-4 tuổi) và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2023 - 2030'.
Giai đoạn 2023-2030: Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
Tại Hội nghị Sơ kết 2 năm thực hiện Nghị định số 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, ngay khi có Nghị định số 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non, Bộ GD&ĐT đã ban hành văn bản kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình thực hiện chính sách và góp ý đối với dự thảo chính sách phát triển giáo dục mầm non của địa phương.
Theo đó, Bộ GD&ĐT đã ban hành cách văn bản quy định thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ về thủ tục thực hiện chính sách sách hỗ trợ ăn trưa, trợ cấp trẻ em con công nhân và hỗ trợ đối với giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp.
Các chính sách đầu tư, ưu tiên phát triển giáo dục mầm non
Bộ GD&ĐT cũng đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để triển khai thực hiện các quy định tại Nghị định số 105/2020/NĐ-CP được tốt nhất. Cụ thể, trong 2 năm thực hiện Nghị định, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất Chính phủ bổ sung 20.300 biên chế giáo viên mầm non; tham mưu Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại cơ sở giáo viên mầm non.
Tuy nhiên, sau 2 năm việc thực hiện Nghị định vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Quá trình tham mưu, ban hành văn bản quy định mức hỗ trợ cụ thể theo thẩm quyền ở một số địa phương còn chậm. Đến nay, vẫn còn một số địa phương chưa ban hành Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh quy định việc thực hiện chính sách địa phương. Vẫn còn hơn 20 tỉnh chưa ban hành Nghị quyết Hội đồng Nhân dân quy định mức hỗ trợ cụ thể đối với trẻ em và giáo viên mầm non tại cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập ở địa bàn có khu công nghiệp.
Cùng với đó, công tác quy hoạch và phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non tại nhiều địa phương chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu đưa trẻ đến trường của nhân dân. Các khu công nghiệp, khu đô thị đông dân cư vẫn còn tình trạng thiếu trường, lớp.
Đầu tư cho giáo dục mầm non tại một số địa phương còn chưa đáp ứng yêu cầu, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn ngân sách hạn hẹp của nhà nước và mới chỉ tập trung cho các cơ sơ giáo dục mầm non công lập. Các ý kiến cũng chỉ ra thu nhập của giáo viên mầm non, nhất là của giáo viên mầm non ngoài biên chế, nhân viên nuôi dưỡng hiện nay còn thấp so với mặt bằng chung của xã hội, chưa tương xứng với cường độ lao động và tính chất công việc. Đồng thời, mức hỗ trợ chính sách đối với trẻ em và giáo viên mầm non còn thấp.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh khẳng định, Nghị định số 105/2020/NĐ-CP về chính sách phát triển giáo dục mầm non là một văn bản quan trọng. Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo sát sao, các địa phương tích cực tham mưu và triển khai thực hiện; đã có nhiều cách làm, phương pháp để thực hiện Nghị định này.
Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục mầm non để tham mưu và quy định theo thẩm quyền bổ sung những vấn đề mới, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục mầm non.
Học sinh mầm non trong lễ khai giảng năm học 2021-2022.
"Bộ GD&ĐT cũng sẽ tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án "Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo (3-4 tuổi) và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2023-2030" và Đề án "Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2023-2030". Bên cạnh đó, chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục mầm non; tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra; ban hành và tham mưu ban hành các văn bản tháo gỡ khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện chính sách", bà Minh cho hay.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị lãnh đạo các địa phương chú trọng, thực hiện nghiêm túc, kịp thời các chủ trương, chính sách, các quy định về quy hoạch, kế hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội. Bảo đảm việc phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của ngành. Tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý đối với các cơ sở giáo dục mầm non, nhất là các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.
Cùng với đó, các địa phương cũng cần quan tâm quy hoạch quỹ đất xây dựng cơ sở giáo dục mầm non trong kế hoạch sử dụng đất của địa phương; có chính sách phù hợp đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục; tăng cường quản lý và có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, bảo đảm môi trường chăm sóc, giáo dục trẻ lành mạnh, thân thiện và an toàn.
Dự thảo quy chế trường chuyên: Bước lùi trong đào tạo mũi nhọn Nếu dự thảo được thông qua, nhiều chuyên gia giáo dục và các nhà giáo cho rằng là bước thụt lùi trong quy định về hệ đào tạo mũi nhọn Dự thảo Thông tư ban hành quy chế và hoạt động của trường THPT chuyên theo công bố của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đang gây nhiều tranh luận, bởi những...