Phát triển văn hóa đọc, phục vụ học tập suốt đời cho người khiếm thị
Chiều 7/10, tại trụ sở Hội Người mù Việt Nam (Hà Nội) đã diễn ra lễ ký kết phối hợp công tác giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hội người mù Việt Nam nhằm phát triển văn hóa đọc, phục vụ học tập suốt đời cho người khiếm thị.
Tham dự Lễ ký kết Chương trình phối hợp công tác: có Lãnh đạo Vụ Thư viện – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Lãnh đạo Hội Người mù Việt Nam; Về Khách mời: có Đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy Ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam, Cục bảo trợ Xã hội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam, Hội Người mù Thành phố Hà Nội, Hội Xuất bản, Hội Thư viện, cùng một số tổ chức quốc tế, một số trường có người khiếm thị và các cơ quan thông tấn báo chí.
Ông Phạm Viết Thu – Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam và bà Vũ Dương Thúy Ngà – Vụ trưởng Vụ Thư viện ký kết chương trình phối hợp công tác.
Phát biểu tại buổi lễ ký kết, Bà Đinh Việt Anh – Phó Chủ tịch Hội người mù Việt Nam nhấn mạnh: Văn hóa đọc có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp mọi người nâng cao kiến thức, rèn luyện khả năng tư duy, nuôi dưỡng tâm hồn, vun đắp giá trị sống tốt đẹp, hoàn thiện nhân cách của bản thân. Ngày nay, khi xã hội càng phát triển, các tài liệu, sách báo được xuất bản, các phương tiện, thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin, các vật mang tin xuất hiện ngày càng phong phú, đa dạng giúp cho người sáng mắt tiếp cận một cách dễ dàng hơn. Tuy nhiên, đối với người khiếm thị vẫn gặp rất nhiều trở ngại trong vấn đề này do không thể đọc được các tài liệu, sách báo in thông thường cũng như thiếu các kiến thức, kĩ năng, phương tiện tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin.
Trong những năm trước đây, ngành Thư viện đã có các hoạt động xây dựng hệ thống phòng đọc cho người khiếm thị tại Thư viện các tỉnh, thành phố trong phạm vi toàn quốc. Sau một thời gian triển khai và thu được những kết quả quan trọng nhưng việc phát triển các phòng đọc này cũng gặp không ít những khó khăn do thiếu thốn về kinh phí, trang thiết bị, phương tiện cũng như việc kết nối nắm bắt nhu cầu và các hoạt động đưa sách báo, tài liệu đến với bạn đọc khiếm thị… Với mong muốn tiếp tục được đón nhận sự quan tâm, giúp đỡ của ngành Thư viện cũng như nâng cao trách nhiệm của các cấp Hội Người mù đối với việc phát triển văn hóa đọc phục vụ mục tiêu học tập suốt đời cho người khiếm thị, Hội Người mù Việt Nam đã có văn bản đề xuất với Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về Chương trình phối hợp hoạt động từ nay đến năm 2025, Bà Đinh Việt Anh cho biết.
Về phía Hội Người mù Việt Nam cam kết sẽ làm tròn trách nhiệm, chỉ đạo các cấp Hội triển khai, thực hiện tốt Chương trình phối hợp, đẩy mạnh các hoạt động nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, văn hóa, giáo dục, cũng như tăng cường các hoạt động nâng cao trình độ văn hóa, tin học, ngoại ngữ, phát triển các loại hình câu lạc bộ, các cuộc thi, phong trào tìm hiểu các nội dung kiến thức trên sách báo, sáng tác thơ ca… “Chúng tôi tin rằng đây sẽ là một bước tiến mới, mở ra một quá trình các cấp Hội Người mù cùng với hệ thống ngành Thư viện chung tay hành động để nhằm phát triển văn hóa đọc và nâng cao kiến thức kỹ năng giúp người khiếm thị hòa nhập chung với cộng đồng”, Bà Đinh Việt Anh khẳng định.
Video đang HOT
Bà Vũ Dương Thúy Ngà – Vụ trưởng Vụ Thư viện cho biết: Trong những năm qua, để hỗ trợ cho người khiếm thị ở Việt Nam, với sự chỉ đạo, hướng dẫn của Vụ Thư viện, các thư viện công cộng đã tích cực tổ chức phục vụ người khiếm thị với nhiều loại tài liệu như: Sách chữ nổi Braille, Sách nói, sách nói kỹ thuật số, sách minh hoạ nổi, tài liệu đồ hoạ nổi, máy tính cùng các phần mềm chuyên dụng, máy phóng đại CCTV, máy đọc sách nói Victor Reader, máy sản xuất tài liệu đồ hoạ nổi Heater. Với sự hợp tác của Quỹ Force, một số tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp trong và ngoài nước, Vụ Thư viện đã xúc tiến việc hỗ trợ các phương tiện, trang thiết bị chuyên biệt cho thư viện tỉnh phục vụ người khiếm thị.
Xuất phát từ thực tiễn hoạt động của ngành thư viện trong những năm qua và đề nghị của Hội Người mù Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Vụ Thư viện) với Hội Người mù Việt Nam ký kết Chương trình phối hợp công tác nhằm phát triển văn hóa đọc, phục vụ học tập suốt đời cho người khiếm thị. Mục đích của chương trình này hướng tới mục tiêu cụ thể: Xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu kỹ năng và phong trào đọc; đẩy mạnh tổ chức các dịch vụ phục vụ học tập suốt đời cho người khiếm thị; cải thiện môi trường đọc, tăng cường vốn tài liệu và các dịch vụ giúp người khiếm thị có thể phát triển tư duy, nâng cao khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách tâm hồn và hình thành nối sống lành mạnh, phục vụ nhu cầu học tập suốt đời ở nhiều phương diện khác nhau; Thông qua chương trình hợp tác giúp thực hiện hiệu quả mục tiêu Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030″ và Đề án “Đẩy mạnh hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ”, và góp phần xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam, Bà Ngà cho biết.
“Ngoài sự nỗ lực của Vụ Thư viện và Hội Thư viện, cùng toàn thể ngành Thư viện, chúng tôi mong muốn nhận được sự đồng hành ủng hộ của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân và cả cộng đồng, để góp phần giúp người khiếm thị có được cơ hội để hòa nhập cống hiến, tham gia xây dựng phát triển đất nước”, bà Vũ Dương Thúy Ngà nhấn mạnh.
Lan Anh
Theo toquoc
Bộ GD&ĐT phát động chào mừng Tuần lễ học tập suốt đời
Trong khuôn khổ Tuần lễ Hưởng ứng Học tập suốt đời năm 2019, sáng ngày 7/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức chương trình phát động chào mừng Tuần lễ học tập suốt đời với chủ đề "Phát triển thói quen đọc sách đề trở thành người tự học suốt đời".
Đại diện các nhà sách, nhà xuất bản tặng sách cho Bộ GD&ĐT.
Tham dự lễ phát động có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ; GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; ông Toshi - Trưởng phụ trách mảng giáo dục, Văn phòng Unesso tại Việt Nam; bà Vũ Dương Thúy Ngà - Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch) cùng đại diện các đơn vị các Cục, Vụ của Bộ GD&ĐT, các nhà sách, nhà xuất bản và đông đảo cán bộ công chức, viên chức Bộ GD&ĐT.
Đây là lần đầu tiên chương trình phát động có sự tham gia của lãnh đạo tất cả các cục, vụ, cán bộ, công nhân viên của Bộ GD&ĐT.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại lễ phát động chào mừng.
Phát biểu tại chương trình, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết: Những ngày này, trên cả nước sôi nổi tổ chức Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời. Đây là hoạt động thường niên diễn ra hằng năm nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết của việc học tập suốt đời của mỗi người dân và xây dựng xã hội học tập.
Tại Việt Nam, tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời được lựa chọn tổ chức vào tháng 10 hàng năm bởi ý nghĩa lịch sử to lớn của nó. Ngày 4/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh có lời hiệu triệu toàn thể quốc dân đồng bào "Chống nạn thất học".
Ngày 10/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh lập Ban Văn khoa, tiền thân của đại học Quốc gia (đây là cở sở giáo dục bậc cao đầu tiên của Việt Nam sau khi giành độc lập). Từ bình dân học vụ tới giáo dục tinh hoa, sự kiện Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời được tổ chức vào những ngày đầu tháng 10 đã tôn vinh và khơi thông mãi dòng chảy của truyền thống học tập suốt đời của dân tộc ta kể từ khi lập nước.
Trong những năm qua, tuần lễ học tập suốt đời đã được các địa phương tích cực tổ chức, có tác dụng lan tỏa trong xã hội, đã huy động được các Sở, ngành, hội, các tổ chức, cá nhân tham gia, đóng góp ủng hộ; mở được nhiều lớp học chuyên đề; xây dựng được nhiều thư viện, tủ sách cho các cơ sở giáo dục, lớp học và cho cộng đồng, góp phần phát triển văn hóa đọc trong xã hội.
Đại diện lãnh đạo các cục, vụ tham dự lễ phát động.
Tuần lễ học tập năm nay được Bộ GD&ĐT chỉ đạo với chủ đề do các đơn vị, địa phương lựa chọn như chủ đề "Đọc và học tập suốt đời theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại - Tự học để phát triển năng lực và phẩm chất - Tự học là một cách xây dựng xã hội học tập. Đặc biệt là chủ đề "Phát triển thói quen đọc sách để trở thành người tự học suốt đời".
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết: Phát triển văn hóa đọc luôn là một vấn đề mang ý nghĩa chiến lược của mọi quốc gia trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực.
Văn hóa đọc được hiểu là ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân, của cộng đồng xã hội và của các nhà quản lý nhà nước. Ứng xử giá trị và chuẩn mực này gồm 3 yếu tố: Thói quen đọc sách, sở thích đọc và kỹ năng đọc. Các yếu tố này có mối quan hệ mật thiết với nhau cùng bổ sung, bồi đắp cho nhau giúp cho việc đọc sách hiệu quả.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ tham quan gian trưng bày mô hình Tủ sách học tập suốt đời.
Muốn phát triển văn hóa đọc phải phát triển ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc lành mạnh của mỗi thành viên trong xã hội, phát triển thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc lành mạnh của họ. Năng lực đọc là nền tảng của tự học. Đó chính là nền tảng của xã hội học tập, của việc học suốt đời, một yêu cầu cũng là một thách thức của xã hội hiện đại.
Đây là hoạt động mang nhiều ý nghĩa, tạo điều kiện để các cán bộ công chức, viên chức Bộ GD&ĐT nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình trong công tác tự bồi dưỡng nghiên cứu, tự đọc, tự học, xây dựng văn hóa đọc hiệu quả trong cơ quan Bộ GD&ĐT góp phần nâng cao năng lực công tác của mình đáp ứng yêu cầu của đổi mới GD-ĐT hiện nay.
Trong khuôn khổ chương trình, Bộ GD&ĐT giao cho Vụ GDTX chủ trì xây dựng tủ sách Học tập suốt đời tại cơ quan Bộ. Đây cũng là mô hình tủ sách được Bộ GD&ĐT phát động nhân rộng tại các cơ quan, công sở... trên cả nước tại công văn 4080/BGDĐT-GDTX nhằm xây dựng văn hóa đọc cho cán bố, công nhân viên chức tại cơ quan Bộ.
Lê Đăng
Theo GDTĐ
Hiệu quả thư viện trường học Nhằm xây dựng văn hóa đọc cho học sinh, những năm qua, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đầu tư, đổi mới thư viện trường, giúp học sinh (HS) hình thành thói quen đọc sách, kỹ năng học tập suốt đời. Thư viện Trường Tiểu học Đông Cương (TP Thanh Hóa) thu hút nhiều học sinh. Ở Trường Tiểu...