Phát hoảng khi con phải học thêm 18 ca mỗi tuần
Trên một diễn đàn giáo dục, một thầy giáo chia sẻ, lớp có 20 học sinh thì 80% các con học thêm trên 10 ca/tuần, thường dao động từ 12 đến 14 ca/tuần, thậm chí có 1 con học đến 18 ca/tuần. Nhìn con số ấy, nhiều phụ huynh phát hoảng.
Phát hoảng bởi 1 tuần có 7 ngày, nếu 14 ca/tuần thì ngày nào các em cũng đi học thêm 2 ca mà không có ngày nghỉ. Mỗi ca 1,5-2 giờ, 2 ca là 3-4 giờ, chưa kể thời gian đi lại. Tính ra, gần như cuộc sống của các em chỉ ở các lớp học, cả ngày học ở trường, tối lại đi học thêm. Quay cuồng, chạy sô với việc học như thế, những đứa trẻ chẳng khác nào bị vắt kiệt sức cho việc học.
Cuộc đua thi vào 10 ở Hà Nội khiến nhiều học sinh học thêm “điên cuồng”. Ảnh minh họa
Cũng có con đi học thêm kín tuần, chị Hoàng Thu Thảo (phố Kim Mã, Hà Nội) cho biết, con gái chị học lớp 9, đang ôn thi vào trường THPT chuyên ngữ, nên từ hè đến hết năm học này học thêm “điên cuồng”. “Ngoài buổi sáng học chính khóa ở trường thì tất cả các buổi chiều con học thêm ở trung tâm do giáo viên trong lớp dạy. 5 buổi tính ra là 10 ca. Ngoài ra, con đi ôn ở trường chuyên ngữ 2 ca Văn, 2 ca Toán, 4 ca tiếng Anh. Chưa hết, con còn học thêm tiếng Anh ở trung tâm tiếng Anh do giáo viên nước ngoài dạy 2 ca nữa. Tổng cộng mỗi tuần con học 20 ca. Nhìn con bơ phờ, mệt mỏi vì học mà thương. Thế nhưng, trong cuộc đua thi vào 10, đa phần những học sinh thi chuyên đều phải chạy sô học thêm như vậy”.
Theo chị Thảo, với lịch học kín mít như vậy, con gần như không có thời gian để nghỉ ngơi. Lượng bài tập để hoàn thành ở trên lớp, ở các buổi đi học thêm khiến đêm nào con cũng phải “cày” đến khuya. Điều mà các con thèm nhất chính là ngủ. Không chỉ các con mệt mỏi mà bố mẹ cũng căng thẳng. Mệt mỏi vì đưa đón con đi học thêm, căng thẳng vì số tiền học thêm cho con đến cả chục triệu đồng/tháng, “bay” luôn tiền lương của một người trong gia đình.
Con mệt mỏi vì học thêm, bố mẹ căng thẳng vì phải lo tiền học. Ảnh minh họa
Con có mục tiêu thi chuyên Hóa trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam nên chị Bùi Thúy Minh (phố Núi Trúc, Hà Nội) tìm giáo viên dạy giỏi cho con. Chị Minh cho biết, việc con học mười mấy ca mỗi tuần là chuyện rất thường ngày, không phải chỉ năm nay mà từ mấy năm trước. Tuy nhiên, năm học này, con phải học thêm theo kiểu “cắm trại” ở nhà thầy dạy Hóa. Trong một tuần, có một buổi con học liền một mạch từ 14g đến 21 giờ. Sau mỗi 1,5 giờ, con được nghỉ vài phút. Con và các bạn được người giúp việc nhà thầy gọi hoặc phục vụ bữa tối rồi lại tiếp tục “chiến đấu” với các kiến thức nâng cao.
Nhiều học sinh học nhiều ca/tuần vừa do các con học thêm nhiều môn, hoặc do 1 môn con học 3 – 4 thầy cô. Chị Nguyễn Thùy Anh (đường Trường Chinh, Hà Nội) cho biết, riêng môn Toán con chị đã học thêm 3 cô, chưa kể 1 gia sư ở nhà. “Ngoài học thêm cô giáo ở lớp vào buổi chiều, tôi cho con học Toán với 2 giáo viên nữa. Môn Toán nhân hệ số 2 nên tôi rất lo, chỉ mong “nhồi nhét” được tí nào hay tí nấy cho con. Chưa kể, tôi thuê gia sư để kèm con làm các bài tập mà các giáo viên dạy thêm giao. Tôi cũng chỉ biết cố gắng đầu tư cho con để mong con đỗ vào ngôi trường ưng ý”.
Mẹ xúc cơm cho con ăn trước giờ vào học. Ảnh minh họa
Video đang HOT
Bữa cơm ăn vội trên đường đến lớp. Ảnh minh họa
Việc cho con học thêm quá nhiều thế này khiến các con không có thời gian nghỉ ngơi để tái tạo năng lượng cũng như tinh thần học tập. Bố mẹ rất biết điều đó, nhưng không dám để con đứng ngoài cuộc đua thi vào lớp 10 vô cùng căng thẳng ở Hà Nội. Tiền học thêm cho con cũng ngốn một khoản không nhỏ trong thu nhập của gia đình. Cho con học thêm thi chuyên ở những giáo viên nổi tiếng, học phí của mỗi ca lên tới 500 nghìn đồng. Thế nhưng, xin được vào các lớp này không hề dễ dàng chút nào. Cuộc chạy đua của các con nhưng thực ra là cuộc chạy đua của các bố mẹ
N.Minh
Theo phunuvietnam
Nếu thực hiện đúng Thông tư 17 nhiều trung tâm dạy thêm phải đóng cửa
Nhiều người nói: "Không dạy học sinh của mình thì lấy học sinh ở đâu mà dạy?" "Nếu không cho dạy học sinh của mình thì các trung tâm dạy thêm có mà đóng cửa".
Người làm giáo dục mà đặc biệt là các thầy cô giáo không ai là không biết đến Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT ban hành quy định về dạy thêm, học thêm.
Tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn rất khó quản lý (Ảnh minh họa: Báo Lao động)
Biết và hiểu rõ như thế nhưng rất nhiều giáo viên và cơ quan quản lý giáo dục ở nhiều địa phương lại đang vi phạm những điều không được làm quy định rất rõ trong Thông tư.
Chúng tôi khẳng định rằng chính vì nhiều người vi phạm như thế nên tình trạng dạy thêm học thêm vẫn diễn ra tràn lan và khó kiểm soát.
Trung tâm dạy thêm mọc lên như nấm
Một huyện lị nhỏ bé ven biển miền Trung, thế nhưng chỉ đếm sơ sơ cũng đã có vài chục cái trung tâm dạy thêm.
Trung tâm mang tên người này người kia nhưng chủ nhân thật sự chủ yếu vẫn là giáo viên (toàn giáo viên dạy những môn có học thêm).
Người có trung tâm dạy thêm tự họ đứng ra dạy vài lớp và cũng liên kết với nhiều thầy cô giáo đang dạy ở các trường công quanh vùng mang học sinh về trung tâm giảng dạy cho xôm tụ.
Khác với nhiều trung tâm dạy thêm ở những thành phố lớn, các trung tâm có nhiệm vụ chiêu sinh và mướn giáo viên về dạy. Mức lương sẽ do hai bên thỏa thuận với nhau.
Những trung tâm dạy thêm ở huyện chúng tôi, chiêu sinh học trò là nhiệm vụ của người dạy.
Một số giáo viên tiết lộ mức hoa hồng trích ra cho trung tâm từ 20-25% trên tổng số tiền thu được.Trung tâm gần như chỉ cho mượn chỗ và ăn hoa hồng.
Giáo viên chủ yếu dạy học sinh đang học chính khóa
Thông tư 17 quy định rõ:
Điều 4. Các trường hợp không được dạy thêm
1. Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
2. Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
3. Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.
4. Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập:
a) Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường;
b) Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.
Thế nhưng trong thực tế hiện nay, giáo viên đang vi phạm nhiều nhất là điểm 1 và điểm 4 trong Điều 4 của Thông tư 17.
Đó là, không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Nhưng hiện nay, nhiều trường trung học phổ thông và trung học cơ sở học sinh đang phải học cả ngày nhưng tối tối vẫn đến trung tâm dạy thêm của các thầy cô giáo dạy trên trường để học tiếp.
Điều này vi phạm quy định trong Thông tư 17: "Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó".
"Nếu không cho dạy học sinh của mình thì các trung tâm dạy thêm có mà đóng cửa?"Có không ít thầy cô nói vui: "Không dạy học sinh của mình thì lấy học sinh ở đâu mà dạy?"
Cơ quan quản lý không biết hay cố tình làm lơ?
Từ trước đến nay, mỗi khi có đợt đi kiểm tra việc thực hiện dạy thêm, học thêm trong địa bàn, cơ quan chức năng chủ yếu xem xét địa điểm học có phù hợp không?
Phòng học có đúng theo yêu cầu, giáo viên có giấy phép dạy thêm không? Giấy phép còn thời hạn hay đã hết?
Còn việc các em có phải là học trò đang học chính khóa ở trường với thầy cô giáo hay học trò nơi khác, lớp khác tìm đến học lại chẳng bao giờ người ta quan tâm tới.
Cũng có giáo viên lo xa nên đã có sự đề phòng trước. Đó là việc lập một danh sách "ma" đổi họ tên cho học trò khi chẳng may bị thanh tra hỏi tới.
Thế là, thầy cô cứ đàng hoàng dạy thêm mà chẳng còn sợ điều gì nữa.
Và trung tâm dạy thêm đã trở thành tấm bình phong chắc chắn nhất.
Nhưng nếu, các cấp quản lý ngành giáo dục địa phương làm chặt chẽ từ khâu đối tượng học sinh như quy định cấm của Thông tư 17 thì chắc chắn không dẹp, nạn dạy thêm, học thêm cũng sẽ không áp lực nhiều như hiện nay.
Trúc Mai
Theo giaoduc.net
Bạn đọc viết: Con sốc, phụ huynh cũng sốc khi chuyển cấp Đọc bài viết "Học sinh đầu cấp rất cần phương pháp học đúng đắn" của cô giáo Thanh Thanh đăng trên Dân trí, gia đình tôi và rất nhiều phụ huynh như đã cởi được nỗi lòng. Những lời tâm sự của cô giáo đã phần nào trấn an được chúng tôi về những băn khoăn, lo lắng khi có con đang học...