Phải trả lại quyền tự chủ cho trường đại học
Tại Hội nghị trực tuyến Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách ngày 9-1, nhiều đại biểu cho rằng, cần trả quyền tự chủ cho các trường ĐH và chỉ khi ĐH được tự chủ thì mới có thể tăng chất lượng giáo dục đại học.
Phó trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM Trần Du Lịch cho rằng các trường ĐH phải được tự chủ nhưng lâu nay, quyền tự chủ đó bị Bộ GD&ĐT thâu tóm về, rồi nhả ra một cách từ từ. Vì không tự chủ, các trường không thể chủ động tuyển sinh, dẫn tới nhiều bất cập, giống như kiểu xe đò rước khách: Nguyện vọng 1 là lên xe loại một và cứ như thế cuối cùng những người còn lại vét lên xe cọc cạch, ông Lịch nói.
Theo ĐB Lịch, cũng do cơ chế mà các trường ĐH ra đời ồ ạt, kém chất lượng. Để chấm dứt tình trạng yếu kém, nhất định phải trao quyền tự chủ cho các trường ĐH và trường ĐH là một pháp nhân, ông nói. Nhưng dự luật Giáo dục ĐH lại chưa làm rõ, chẳng hạn như để tự chủ, ĐH phải có bộ máy riêng, có tài sản riêng và có quyền tự mình tham gia các quan hệ pháp luật.
Theo GS Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của QH, nên nhìn nhận vấn đề tự chủ dưới góc độ là cơ chế quản trị các trường ĐH, chứ không phải quyền cụ thể. Bởi nếu là cơ chế quản trị thì trường ĐH nào cũng phải thực hiện, cũng phải vận hành theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đó. Còn nếu nhìn nhận đó là quyền, thì xảy ra tình trạng có thể “cho” hoặc “không cho”.
Với mô hình này, hiệu trưởng là thành viên của Hội đồng quản trị (hay hội đồng trường) và Luật phải quy định rất rõ. Hiệu trưởng là người thực thi còn Hội đồng trường hoạch định chính sách phát triển. “Luật phải xác định rõ điều kiện, tiêu chuẩn thành lập trường, chỉ khi đáp ứng đầy đủ điều kiện mới cho thành lập”, bà Đan nói.
“Không có quyền tự chủ thì không phát triển được đại học”, GS Đặng Hữu, nguyên Trưởng ban Khoa giáo T.Ư nhấn mạnh.
Theo ông, yếu tố quyết định là phải giao quyền tự chủ cho các trường ĐH, bởi tự chủ là thuộc tính của các trường ĐH. Đã là thuộc tính thì một khi thành lập trường ĐH thì phải thực hiện được quyền tự chủ chứ không thể chờ đợi theo lộ trình.
“Tại sao lại phải thực hiện tự chủ theo lộ trình? Đó sẽ là quay lại cơ chế xin – cho. Phải thực hiện tự chủ, nếu trường nào không thực hiện được thì giải thể, chứ không nên giao nửa vời”, GS Hữu nói.
Nhiều ĐBQH cho rằng, chỉ khi ĐH được tự chủ thì mới có thể tăng chất lượng giáo dục.
Video đang HOT
Căn bệnh trầm kha của các trường ĐH, nhất là ĐH ngoài công lập hiện nay, theo GS Hoàng Xuân Sính, là thiếu tiền. Bài toán xã hội hóa giáo dục là đúng nhưng có những vấn đề cần tháo gỡ và phải đảm bảo công bằng.”Vậy vì sao cùng là ĐH, nhưng có trường phải đóng thuế, có trường không?”, GS Sính nêu vấn đề.
Theo GS Sính, để tồn tại, những trường này phải vật lộn hết hơi với cơ chế. Ví dụ, doanh thu, lợi nhuận trường xin giữ lại để đầu tư, đền bù đất nhưng cơ quan thuế không nghe, cứ đè ra để thu ngay.
“Mùa giáp hạt (khi chưa thu được học phí), chúng tôi phải huy động anh em cho vay với lãi suất tiết kiệm ngân hàng, nhưng khi trả lãi cho anh em thì lại bị đánh thuế! “Chỉ nên đánh thuế khi chia cổ tức, còn lợi nhuận mà dành để đầu tư cơ sở vật chất thì phải ưu đãi”, GS Sính kiến nghị.
Theo ĐBQH Trần Du Lịch, giáo dục là sự nghiệp của nhà nước, nhưng lâu nay chúng ta quan niệm có phần còn lệch lạc. Trên thế giới, các trường danh tiếng đều là trường phi lợi nhuận. “Phi lợi nhuận – phải hiểu là người bỏ tiền ra đầu tư, thành lập trường không thu lợi nhuận cho mình (bất kể do nhà nước hay cá nhân lập ra). Mà lợi nhuận thu được dành để đầu tư cho phát triển sự nghiệp giáo dục, phát triển trường. Chính sách chung của Nhà nước là phải khuyến khích loại trường này, dù do Nhà nước hay cá nhân lập ra, ông Lịch đề xuất.
Từ góc độ này, ông cho rằng, với những trường hoạt động vì lợi nhuận theo mô hình công ty thì nhà nước nhất quyết không ưu đãi.
Theo tiền phong
Trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cần có điều kiện và lộ trình
Góp ý Dự thảo luật giáo dục đại học, PGS.TS. Lê Kim Hùng, hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng, cho rằng để thực hiện trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cần có điều kiện và lộ trình.
Theo PGS.TS. Lê Kim Hùng cho biết: "Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu chúng tôi hoàn toàn ủng hộ, nhất trí cao các điều khoản mới mà dự thảo luật đề cập. Với một hy vọng và tin tưởng Luật Giáo dục Đại học nếu được thông qua Quốc hội lần này sẽ là một dấu ấn quan trọng trong sự phát triển giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng. Nhìn chung dự thảo luật đã bao quát hầu hết hoạt động giáo dục đại học, phù hợp với các qui định hiện hành của pháp luật Việt Nam".
Đưa dự thảo Luật giáo dục đại học để lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, trình Quốc hội thông qua là một việc mang nhiều ý nghĩa quan trọng.
PGS.TS. Lê Kim Hùng đã đưa ra 4 vấn đề góp ý về dự thảo Luật Giáo dục đại học (GDĐH):
Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm: Cần có bước đi thận trọng!
Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở GDĐH đã được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Việc phân cấp, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở GDĐH đã được thể hiện trong các chương, có thể nói là xuyên suốt trong dự thảo luật, thể hiện được tư tưởng đổi mới căn bản về quản lý hệ thống, đồng thời để trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cũng cần có điều kiện và lộ trình hợp lý, được xem xét trên cơ sở năng lực quản lý, năng lực giảng viên, cơ sở vật chất của từng cơ sở GDĐH. Qua đó, các trường tự phải nhận thấy tự chủ càng cao sẽ phải gánh vách trách nhiệm càng lớn, càng nặng nề để có các giải pháp nâng cao chất lượng, uy tín của nhà trường.
Trong bối cảnh chung của GDĐH Việt Nam: nhiều cơ sở GDĐH có sự cách biệt khá xa nhau về trình độ quản lý, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất... thì việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm chưa thể thực hiện đồng loạt với tất cả các cơ sở GDĐH được. Nếu cơ sở GDĐH nào đó được trao quyền tự chủ, nhưng nếu thiếu trách nhiệm, non yếu trong quản lý thì sẽ gây hậu quả rất lớn đối với xã hội. Việc quy định giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm từng bước có điều kiện, có lộ trình, trước hết cho một số cơ sở GDĐH có uy tín, đủ năng lực là cần thiết, bước đi thận trọng.
Cần có quy định cụ thể về Hội đồng trường
Vấn đề này đã được đề cập từ lâu (Luật GD năm 2005, Điều lệ trường đại học năm 2003 và Điều lệ trường cao đẳng năm 2008), tuy nhiên vẫn chưa thực hiện rộng rãi. Nguyên nhân chính là sự chồng chéo trách nhiệm, các thành viên trong Hội đồng trường chưa được gắn liền trách nhiệm và quyền lợi, hoạt động của Hội đồng trường còn mang tính hình thức, đặc biệt vai trò của các thành viên Hội đồng ở bên ngoài trường còn quá mờ nhạt. Vì vậy, nên chăng trong lần này, luật cần cụ thể và chi tiết hơn về thành phần, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng.
Nếu Chủ tịch Hội đồng trường là Hiệu trưởng, Giám đốc thì tổ chức của Hội đồng trường sẽ nhiều thuận lợi hơn trong vấn đề điều hành, trong việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nghị quyết của hội đồng trường đến hoạt động dạy và học của nhà trường, mạnh dạn hơn trong việc đưa ra các quyết sách cho sự phát triển nhà trường, dễ tạo ra được sự đồng thuận cao trong nhà trường.
Kiểm định chất lượng GD: Chỉ nên khuyến khích
Dự thảo Luật GDĐH đã xác định rõ mục tiêu kiểm định chất lượng GDĐH là bao đam va nâng cao chất lượng GDĐH xác nhận mức độ cơ sở GDĐH hoặc chương trình đào tạo đáp ứng mục tiêu GDĐH và công khai chất lượng GDĐH, trên nguyên tắc độc lập, khách quan, đúng pháp luật trung thực, công khai, minh bạch và bình đẳng, tự nguyện, định kỳ.
Trên cơ sở quy định này, cơ sở GDĐH có nhiệm vụ lựa chọn tổ chức kiểm định chất lượng GD để định kỳ kiểm định chất lượng cơ sở GDĐH và chương trình đào tạo và có quyền yêu cầu cơ quan kiểm định chất lượng giải thích về việc kiểm định chất lượng khiếu nại, tố cáo với cơ quan có thẩm quyền về các quyết định, kết luận, hành vi vi pham phap luât của tổ chức, cá nhân thực hiện kiểm định chất lượng GDĐH.
Chúng tôi cho rằng, quy định như trên là phù hợp, vì kiểm định chất lượng GD ở nước ta đang ở giai đoạn hình thành bước đầu, ta chưa có thực tiễn và kinh nghiệm về việc này, nên không nên quy định là bắt buộc cơ sở GDĐH phải thực hiện kiểm định chất lượng GD ngay, mà chỉ nên khuyến khích các cơ sở GDĐH tự nguyện tham gia. Các cơ sở GDĐH, nếu tự nguyện tham gia kiểm định chất lượng GD và được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng, thì sẽ được xem xét giao quyền tự chủ trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, mở ngành đào tạo.
Phân tầng đào tạo phù hợp với hội nhập
Việc phân tầng đào tạo được Dự thảo Luật GDĐH nêu ra trong Khoản 5 Điều 10 như sau:"Thực hiện phân tầng cơ sở GDĐH để có chính sách đầu tư, giao nhiệm vụ và quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm phù hợp với vị trí, vai trò, năng lực bảo đảm chất lượng đào tạo của cơ sở GDĐH" ở khoản 3 Điều 24 "Phát triển các chương trình đào tạo theo định hướng nghiên cứu hoặc định hướng nghề nghiệp bảo đảm sự liên thông giữa các chương trình và trình độ đào tạo".
Như vậy, tinh thần của Dự thảo luật đã định hướng rõ nét việc phân tầng trong đào tạo gắn liền với giao trách nhiệm và quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở GD. Mức độ phân tầng phụ thuộc vào năng lực của từng trường. Có thể nói đây là một ý tưởng mới và rất cần thiết nhằm định hướng cho sự phát triển GD trong thời gian sắp tới.
Qua kinh nghiệm thực tế tại trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng, các chương trình đạo tạo Chất lượng cao, chương trình tiên tiến triển khai tại trường trong những năm qua đã minh chứng nếu phân tầng rõ nét, liên thông mềm dẻo sẽ là động lực tốt cho việc nâng cao chất lượng đầu ra của sinh viên, nâng cao uy tín cơ sở GD trong xã hội và phù hợp trong xu thế hội nhập nền kinh tế tri thức.
PGS.TS. Lê Kim Hùng
Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng
Theo dân trí
Sẽ giải quyết những bức xúc của giáo dục ĐH Chất lượng giáo dục đại học có được thay đổi hay không đều phụ thuộc vào Luật Giáo dục đại học sắp tới. Vậy, dự thảo Luật Giáo dục đại học lần này có những điểm mới nào để giải quyết bất cập của giáo dục đại học hiện nay? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Kim Khôi (ảnh),...