Phải đảm bảo chất lượng trong tuyển sinh
Nên hay không nên hạ điểm chuẩn với những ngành không tuyển sinh được hoặc tuyển sinh quá ít người học?
Và có nên bỏ những ngành này để mở ngành mới nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động thì hiện tại? Đây là bài toán đặt ra cho không ít trường ĐH trên phạm vi cả nước trước mỗi mùa tuyển sinh.
SV trường ĐHBK Đà Nẵng với công tác nghiên cứu khoa học.
Hạ điểm chuẩn là…hạ sách!
Thực tế, có không ít ngành từng là thế mạnh của nhiều trường ĐH cả nước đang gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh. Để giải bài toán này, một số trường buộc hạ ngưỡng đầu vào. Điều này ảnh hưởng chất lượng đầu vào, đầu ra và cả chất lượng nguồn nhân lực cung cấp cho xã hội.
Qua trao đổi với một số nhà quản lý giáo dục ĐH thuộc ĐH Đà Nẵng, việc hạ ngưỡng đầu vào đối với các ngành khó tuyển sinh là…hạ sách. Thay vào đó, các trường chỉ nên giảm dần chỉ tiêu tuyển sinh đối với những ngành này. Và chỉ tạm thời dừng tuyển sinh khi không tuyển được hoặc tuyển quá ít người học. Bởi theo quy luật, bất kỳ ngành nghề, lĩnh vực nào, sau một thời gian có nhu cầu tuyển dụng cao cũng sẽ bão hòa. Một số ngành vào thời điểm hiện tại nhu cầu tuyển dụng ít hoặc rất ít nhưng tương lai gần, xa lại cần và rất cần. Vì thế, cần thiết phải duy trì những ngành đào tạo hiện có ít nhu cầu tuyển dụng cũng như ít người học để đảm bảo việc cung cấp nguồn nhân lực khi xã hội cần. Đó vừa là tầm nhìn cũng vừa là trách nhiệm chính trị của các cơ sở đào tạo đối với xã hội.
PGS.TS Nguyễn Hồng Hải- Trưởng Phòng Đào tạo trường ĐH Bách Khoa-ĐHĐN- cho biết, từ trước đến nay, trong tuyển sinh, trường ĐHBK Đà Nẵng luôn xác định quan điểm phải đảm bảo được chất lượng ngưỡng đầu vào. Theo đó, nhà trường không bao giờ hạ điểm chuẩn để tuyển cho được bằng mọi giá đối với những ngành hiện xã hội không còn “hót”. “Không có ngành nào là “hót” mãi, đến một giai đoạn nào đó cũng sẽ bão hòa. Chưa kể hiện nay có những ngành nhu cầu tuyển dụng của thị trường lao động vẫn đang thiếu, nhưng người học do chưa biết nên ít đăng ký theo học. Theo tôi, ngoài trách nhiệm đào tạo, các trường còn có trách nhiệm đối với xã hội trong việc đảm bảo nguồn nhân lực cả hiện tại lẫn tương lai”- PGS.TS Nguyễn Hồng Hải bày tỏ suy nghĩ.
Video đang HOT
Đồng quan điểm này, PGS.TS Lê Văn Huy- Trưởng Phòng đào tạo trường ĐH Kinh tế thuộc ĐHĐN cho rằng, không nên vì vào thời điểm hiện tại tuyển sinh ít hoặc không tuyển sinh được mà bỏ hoặc hạ điểm chuẩn đầu vào đối với các ngành truyền thống, từng là thế mạnh các trường. “Theo tôi, những ngành khó tuyển sinh không có nghĩa là ở thời điểm hiện tại xã hội không có nhu cầu tuyển dụng, chỉ là ít mà thôi. Vẫn cần thiết duy trì đào tạo đối với những ngành này nhằm đảm bảo việc nhu cầu cung cấp nguồn nhân lực vĩ mô cho xã hội trong tương tai. Đấy chính là trách nhiệm chính trị của các đơn vị đào tạo đối với xã hội. Đừng để đến lúc xã hội cần thì mới đào tạo cấp tốc là không nên”- PSG.TS Lê Văn Huy chia sẻ thêm.
Đâu là giải pháp?
Ngoài nguyên nhân từ nhu cầu của thị trường lao động, theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hải, việc một số ngành gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh còn do bản thân người học và phụ huynh chưa thật sự hiểu cặn kẽ về những ngành học này. Bên cạnh đó, công tác tư vấn, hướng nghiệp cho HS năm cuối cấp hiện còn hạn chế.
“Hầu hết các em chọn ngành nghề là do bố mẹ định hướng hoặc theo trào lưu. Đơn cử như ngành Xây dựng công trình thủy, ngành Kỹ thuật công trình giao thông và ngành Môi trường của trường ĐHBK Đà Nẵng vài năm trở lại đây số lượng tuyển sinh không nhiều như các ngành khác. Trong khi trên thực tế, hàng năm các đơn vị, doanh nghiệp liên hệ với nhà trường để tuyển dụng những ngành này nhưng tuyển không đủ. Với 2 ngành: Xây dựng công trình thủy và Kỹ thuật công trình giao thông tuyển sinh không nhiều bằng các ngành khác, theo tôi là do 2 ngành này phụ thuộc vào đầu tư công… Riêng đối với ngành Môi trường, theo tôi, xã hội chưa thực sự hiểu hết về ngành học này học về cái gì, ra trường làm ở những đơn vị nào…”- ông Hải bộc bạch.
Trên cơ sở phân tích, chỉ ra nguyên nhân, để thu hút thí sinh đăng ký theo học những ngành đang gặp khó khăn trong tuyển sinh, theo Trưởng Phòng Đào tạo trường ĐHBK Đà Nẵng, điều quan trọng nhất các trường phải nêu rõ ngành nghề cho người học hiểu học để làm cái gì; đồng thời phải công khai chính xác tỉ lệ SV tốt nghiệp ra trường có việc làm ở những ngành này. “Tất nhiên, việc chọn lựa ngành nghề còn phụ thuộc vào đam mê của người học. Nhưng trách nhiệm của các trường ĐH là phải làm tốt công tác tư vấn hướng nghiệp”- PGS.TS Nguyễn Hồng Hải nói rõ. Cũng theo ông, báo chí truyền thông đóng góp vai trò rất lớn trong quá trình định hướng, hướng nghiệp cho người học.
Ngoài ra, theo PGS.TS Lê Văn Huy, để thu hút được người học vào học những ngày đang gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh, các cơ sở đào tạo ĐH cần có chính sách về học bổng, miễn giảm học phí và tuyển thẳng để thu hút người học có năng lực học tập tốt vào học những ngành này. Tại hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh năm 2020 diễn ra ngày 13-2, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý, nhắc nhở các trường trong xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh phải bám sát thực tiễn; đồng thời không vì tuyển sinh không được mà hạ ngưỡng đầu vào. “…tất cả đều phải hướng đến chất lượng, từ đầu vào đến đầu ra. Theo đó, không được vì đặc thù mà hạ chất lượng”- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
PHAN THỦY
Theo cadn
Tuyển sinh ĐH, CĐ 2020: Hướng tới chuẩn chất lượng đầu ra
Đảm bảo chất lượng đầu vào của một số ngành, tích hợp các nội dung của công tác tuyển sinh đào tạo là những điểm mới trong Dự thảo Quy chế tuyển sinh.
Xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của một số ngành, có sự tích hợp các nội dung của công tác tuyển sinh đào tạo chính quy, vừa làm vừa học... là những điểm mới đáng lưu ý trong Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh năm 2020 mà Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến đến hết ngày 21/2/2020.
Siết chất lượng ngành y và giáo viên bằng điểm sàn
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết, về cơ bản, quy chế tuyển sinh năm 2020 giữ ổn định trong giai đoạn 2017-2020 như đã được công bố với thí sinh và xã hội. Tuy nhiên, dự thảo Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non 2020 có sửa đổi một số nội dung đáng chú ý, như: Tiếp tục quy định tiêu chí xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với khối ngành đào tạo giáo viên, ngành sức khoẻ; đặc biệt là quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đồng bộ giữa các hình thức, loại hình đào tạo của hai khối ngành này.
(Ảnh minh họa)
Điểm mới nữa là, Bộ GD-ĐT chỉ quy định về tuyển sinh trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non. Như vậy, chính thức từ năm 2020, ngành học mầm non dừng tuyển sinh hệ trung cấp. Việc này để phù hợp với quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2020. Trong đó, Luật quy định chuẩn trình độ đào tạo giáo viên mầm non là Cao đẳng sư phạm, giáo viên Tiểu học và Trung học cơ sở là cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên.
So với quy chế trước đó, dự thảo cũng bổ sung quy định về tuyển sinh đào tạo vừa làm vừa học, bằng thứ hai, chương trình tiên tiến, theo đặt hàng và liên thông. Theo đó, người dự tuyển đào tạo cấp bằng đại học thứ hai là người đã có bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên. Riêng các ngành khối sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề chỉ tuyển sinh đào tạo cấp văn bằng thứ hai đối với người có văn bằng thứ nhất thuộc khối ngành sức khỏe hoặc khối ngành tự nhiên.
Với các ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe, trong trường hợp sử dụng phương thức xét tuyển kết hợp giữa điểm thi Trung học phổ thông Quốc gia (THPTQG) và kết quả học tập Trung học phổ thông hoặc kết hợp giữa điểm của trường tổ chức sơ tuyển với điểm thi THPTQG... ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của điểm thi THPTQG, điểm kết quả học tập phải tương đương với các ngưỡng theo quy định như sau: Điểm trung bình cộng xét tuyển sử dụng kết quả học tập Trung học phổ thông trình độ đại học với các ngành đào tạo giáo viên và các ngành y khoa, y học cổ truyền, răng-hàm-mặt, dược học tối thiểu là 8,0 trở lên.
Liên quan đến ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào của một số khối ngành, PGS Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết: Có một số ý kiến cho rằng, khối sư phạm nghệ thuật, thể dục thể thao chú trọng đến năng khiếu của người học hơn vấn đề học vấn. Vì thế, nếu quy định "điểm sàn" và các điều kiện quá cao sẽ khó để có thể tuyển được người có năng khiếu tốt. Vì vậy, đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp tục nghiên cứu, thảo luận kỹ nội dung này để có quyết định hợp lý nhất.
"Mục đích chúng ta hướng tới là, dù đào tạo chính quy hay tại chức đều có chất lượng chuẩn đầu ra như nhau..."- PGS Nguyễn Phong Điền.
Hướng tới chuẩn chất lượng đầu ra
Một điểm đáng chú ý nữa đó là, dự thảo Quy chế tuyển sinh năm nay đã phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, gắn với trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học. Các trường sẽ tự xác định phương thức tuyển sinh trên cơ sở các quy định của Quy chế tuyển sinh. Trên tinh thần ấy, các trường phải công khai trong đề án tuyển sinh. Ngoài ra, trong đề án sẽ cung cấp tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm trong vòng 12 tháng. Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, đối với các trường tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng, cần đề cao trách nhiệm giải trình và bảo đảm tính khách quan, nghiêm minh, chất lượng của kỳ thi. Tránh tình trạng hợp thức hóa đầu vào bằng cách tổ chức một kỳ thi lỏng lẻo, nhiều lỗ hổng.
Các trường có sử dụng kết quả kỳ thi THPTQG để sơ tuyển, xét tuyển, xác định và công bố công khai tổ hợp các bài thi/môn thi để xét tuyển vào các ngành, nhóm ngành. Trong đó, Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội là các bài thi. Đối với phương thức xét tuyển bằng kết quả thi THPTQG, dự thảo yêu cầu sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó có ít nhất một trong hai bài thi/môn thi Toán, Ngữ văn để xét tuyển. Hiện chỉ tiêu xét tuyển sinh theo kết quả của kỳ thi này vẫn chiếm tỉ lệ lớn, từ 40% đến 85% tổng chỉ tiêu tuyển sinh.
Về đảm bảo mặt bằng chất lượng tuyển sinh, PGS Nguyễn Phong Điền phân tích: Dự thảo này có sự tích hợp các nội dung của công tác tuyển sinh đào tạo chính quy, vừa làm vừa học, văn bằng 2... Việc này nhằm bảo đảm mặt bằng chất lượng tuyển sinh trong cùng trình độ; đồng thời, dễ tra cứu, áp dụng pháp luật. Đây là điểm mới và quan trọng của dự thảo Quy chế tuyển sinh năm nay. Trước đây, quy chế tuyển sinh chỉ áp dụng cho loại hình đào tạo chính quy. Vì thế việc tích hợp như trên là hợp lý, bởi theo kế hoạch, tháng 3 tới Bộ GD-ĐT sẽ ban hành Thông tư liên quan đến nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học. Theo đó, trên văn bằng sẽ không ghi loại hình đào tạo mà chỉ bổ sung ghi vào phần phụ lục. Hơn nữa, theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, sẽ không phân biệt loại hình đào tạo./.
Theo VOV
"Các trường chuẩn bị mọi mặt để sẵn sàng đón HS, SV trở lại học tập" Báo cáo về công tác tuyển sinh, đoàn công tác ghi nhận các trường đã có nhiều giải pháp thiết thực cho công tác tuyển sinh. Ngày 20/2, Đoàn công tác của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp do TS Nguyễn Hồng Minh- Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp làm trưởng đoàn làm việc với 3 trường: Trường Cao đẳng...