Ông Tập Cận Bình muốn thành ‘truyền nhân’ của Đặng Tiểu Bình
Báo mạng Wantchinatimes dẫn tờ Want Daily (Đài Loan) rằng, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình mong muốn được nhớ đến như một người kế nhiệm thực sự của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình.
Ông Đặng Tiểu Bình, người qua đời năm 1997, được coi là “kiến trúc sư trưởng của quá trình cải cách, mở cửa của TQ”. Ông đã dẫn dắt TQ đi theo con đường đổi mới, chuyển mình trong những năm 1970 sau khi ông Mao Trạch Đông qua đời.
Ông Tập Cận Bình đặt vòng hoa tưởng niệm tại tượng đồng ông Đặng Tiểu Bình ở Thâm Quyến. Ảnh: THX
Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh ông Đặng Tiểu Bình đã được tổ chức trọng thể ở Bắc Kinh ngày 20/8 với sự tham dự của ông Tập và toàn bộ 6 ủy viên thường vụ Bộ Chính trị TQ. Tại sự kiện này, ông Tập đã nhắc lại một số câu nói nổi tiếng của ông Đặng Tiểu Bình như “tìm sự thật từ các sự kiện”, “chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc TQ” hay “thực hiện đổi mới trong tinh thần tiên phong”…
Ông Tâp Cận Bình còn phê bình cuộc Cách mạng Văn hóa, nhấn mạnh rằng, một trong những đóng góp lịch sử của ông Đặng Tiểu Bình là “vô hiệu hóa hoàn toàn thực tiễn và lý thuyết sai lầm của Cách mạng Văn hóa”.
Cùng ngày, Nhân dân Nhật báo TQ xuất bản một bài dài nói về tính cần thiết trong các chiến lược cải cách và mở cửa của ông Đặng Tiểu Bình, đồng thời khẳng định, ông Tập đang đi theo con đường tương tự.
Video đang HOT
Kể từ khi trở thành lãnh đạo TQ tháng 11/2012, với các chính sách, chiến dịch đưa ra, nhiều nhà phân tích cho rằng, ông Tập có ý định đưa TQ trở lại con đường chủ nghĩa Mao Trạch Đông. Nhưng trong thực tế, ông Tập lại muốn được nhớ tới như một người kế nhiệm thực sự của ông Đặng.
Cả ông Tập và ông Đặng đều chia sẻ một tầm nhìn – niềm tin vững chắc vào cải cách và thừa nhận gánh nặng của lịch sử. Cả hai đều nhấn mạnh “giấc mơ TQ” trên con đường xây dựng một TQ mới. Vì thế, không ngạc nhiên khi vào ngày 7/12/2012, không lâu sau khi ông Tập nắm quyền lãnh đạo, ông đã tới đặt vòng hoa tưởng niệm tại tượng đồng ông Đặng ở Thâm Quyến.
Ông Tập Cận Bình đã nhiều lần nhắc lại rằng, ông có ý định tiếp tục đào sâu cải cách, có kế hoạch thúc đẩy chiến lược phân quyền của ông Đặng bằng cách cho phép vốn tư nhân tham gia các lĩnh vực nhà nước kiểm soát như tài chính, vận tải và quân sự.
Ông cũng được cho là người đánh giá cao vai trò của ông Đặng trong việc lãnh đạo TQ đi theo con đường trở thành một cường quốc thế giới và không bao giờ muốn đưa TQ trở lại thời Mao Trạch Đông. Cách mạng Văn hóa đã khiến ông Tập Cận Bình phải rút ngắn thời gian học trung học, buộc ông về lao động ở nông thôn, và khiến cha ông phải vào tù.
Vietnamnet
Chuyến thăm 'điểm huyệt' Mông Cổ của ông Tập Cận Bình
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 21/8 đã cùng với phu nhân là bà Bành Lệ Viên tiến hành chuyến thăm cấp nhà nước đến thủ đô Ulan Bator của Mông Cổ.
Trong chuyến thăm, ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh tình bạn giữa Trung Quốc và Mông Cổ, kêu gọi hai nước trở thành đối tác chiến lược đáng tin cậy và có trách nhiệm. Trong khi đó, Tổng thống Mông Cổ Tsakhiagiin Elbegdorj cũng đánh giá cao việc ông Tập Cận Bình coi trọng Mông Cổ.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của một vị nguyên thủ Trung Quốc đến Mông Cổ trong vòng 11 năm qua. Các nhà phân tích cho rằng ông Tập Cận Bình thăm Mông Cổ ngoài việc tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản, xây dựng cơ sở hạ tầng để mở con đường nhập khẩu năng lượng cho Trung Quốc, còn nhằm mục đích cạnh tranh với Mỹ và Nhật Bản trong việc lôi kéo Mông Cổ, bảo đảm Mỹ-Nhật không thể sử dụng Mông Cổ làm "quân cờ" để kiềm chế Trung Quốc.
Tổng thống Mông Cổ Tsakhiagiin (trái) đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình Elbegdorj tại Ulan Bator. Ảnh: AFP
Theo nhận định của giới phân tích, chuyến thăm Mông Cổ theo kiểu "điểm huyệt" của nhà lãnh đạo Trung Quốc càng cho thấy sự linh hoạt và thực dụng trong chính sách của Bắc Kinh. Là một nước láng giềng ở phía Bắc có vị trí đặc biệt quan trọng giữa khu vực Đông Bắc Á và Trung Quốc, Mông Cổ rất đáng được Trung Quốc "chú ý".
Ngày 21/8, Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Elbegdorj đã ký một tuyên bố chung, thông báo nâng cấp mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mông Cổ lên thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Hai bên cũng chứng kiến lễ ký một loạt văn bản hợp tác trong các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế, tài chính, văn hóa và các lĩnh vực khác.
Mông Cổ với diện tích hơn 1,56 triệu km2, dân số chưa đầy 3 triệu, có đến 4.700 km biên giới với Trung Quốc. Trước khi tách ra trở thành quốc gia độc lập, Mông Cổ được Trung Quốc gọi là "Ngoại Mông".
Thống kê cho thấy Trung Quốc trong nhiều năm liền luôn là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Mông Cổ, hơn 90% các sản phẩm xuất khẩu của Mông Cổ được xuất sang Trung Quốc, trong đó chủ yếu là các loại khoáng sản như than đá, đồng. Trong số các doanh nghiệp nước ngoài đăng ký đầu tư vào Mông Cổ, doanh nghiệp Trung Quốc chiếm tới 49%.
Sau cuộc cách mạng Tân Hợi năm 1911, dẫn tới sự sụp đổ hoàn toàn của Vương triều Mãn Thanh, dưới sự ủng hộ của chính quyền Nga hoàng và sau này là Liên Xô, những người Ngoại Mông chủ trương độc lập đã tuyên bố độc lập và đứng lên thành lập chính quyền, song gặp phải sự đàn áp mạnh mẽ của chính phủ Bắc Dương Trung Quốc.
Tháng 2/1945, Mỹ, Anh và Liên Xô ký "Hiệp định Yalta", trong đó quy định "Hiện trạng của Ngoại Mông (nước Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ) cần được duy trì". Tháng 8/1945, chính phủ Quốc Dân Đảng do Tưởng Giới Thạch đứng đầu đã ký kết với chính phủ Liên Xô "Hiệp ước đồng minh hữu nghị Trung-Xô", đồng ý sẽ căn cứ vào kết quả bỏ phiếu của người dân Mông Cổ để quyết định xem có nên thừa nhận nước Cộng hòa nhân dân Mông Cổ hay không, với điều kiện Liên Xô tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ phía Đông Bắc; không can thiệp vào công việc nội bộ của Tân Cương, không trợ giúp Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ngày 20/10/1945, Mông Cổ tổ chức trưng cầu ý dân, kết quả bỏ phiếu cho thấy đa số người dân Mông Cổ ủng hộ độc lập. Tháng 1/1946, Trung Hoa Dân Quốc đã ra thông báo, thừa nhận "nền độc lập của Ngoại Mông". Cũng tháng 2 năm đó, chính phủ Quốc Dân Đảng thiết lập quan hệ ngoại giao với Mông Cổ.
Năm 1949, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc được thành lập, và nửa năm sau đó, ngày 16/10/1949 đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Mông Cổ. Sau những năm 1960, quan hệ Trung-Xô xấu đi, quan hệ Trung Quốc-Mông Cổ trong một thời gian dài không có sự phát triển. Năm 2003, Trung Quốc-Mông Cổ thiết lập quan hệ đối tác láng giềng tin cậy, và đến năm 2011 nâng lên thành quan hệ đối tác chiến lược.
Trước tình hình nền kinh tế gặp khó khăn do giá cả hàng hóa tăng và đầu tư nước ngoài giảm, Mông Cổ rất hy vọng chuyến thăm lần này của ông Tập Cận Bình có thể thúc đẩy việc thực hiện các dự án lớn như xây dựng đường ống dẫn khí đốt và đường sắt xuyên qua biên giới hai nước.
Theo các nhà phân tích, việc Trung Quốc-Mông Cổ lần này tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại, bao gồm cả khu vực thương mại tự do, không chỉ mở thêm một nhánh mới cho "Con đường tơ lụa" được ông Tập Cận Bình đề ra, mà còn giúp cho Mông Cổ vốn giàu tài nguyên khoáng sản có thể tìm được thị trường.
Trong khi đó, Trung Quốc có thể thực hiện ý đồ tăng cường khai thác các nguồn tài nguyên năng lượng đất liền, cùng với các nguồn năng lượng đến từ Nga và các nước Trung Á hình thành mạng lưới cung cấp năng lượng hoàn thiện hơn, giảm bớt áp lực phải khai thác năng lượng trên biển. Đó quả thực là một mũi tên trúng hai đích.
Theo Baotintuc
Vì sao ông trùm an ninh Chu Vĩnh Khang bị điều tra? Không phải một chính khách quá mạnh như Đặng Tiểu Bình, nhưng Tập Cận Bình chắc chắn hơn nhiều so với Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Bưu điện Hoa Nam ngày 29/7 dẫn lời giới phân tích bình luận, việc thông báo chính thức điều tra "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng" cựu ủy viên Thường vụ Bộ chính trị đảng...