Ông Putin: Nga không đi chệch hướng và không muốn xích mích
Phát biểu tại diễn đàn đầu tư “Nước Nga vẫy gọi”, Tổng thống Nga Vladimir Putin đảm bảo với giới kinh doanh rằng chính phủ sẽ không đi chệch khỏi phương hướng đã định, bất chấp những vấn đề đối nội và đối ngoại phức tạp, theo Tiếng nói nước Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh Reuters
Tổng thống Nga cho biết Moscow bình tĩnh trước các biện pháp trừng phạt của phương Tây, dù chúng vi phạm loạt nguyên tắc cơ bản của WTO và làm cho niềm tin vào các hệ thống tài chính quốc tế bị lung lay.
Video đang HOT
“Tôi nhấn mạnh một điều quan trọng, đó là những yếu tố cơ bản đảm bảo sự ổn định của chúng tôi rất mạnh và đáng tin cậy. Chúng tôi có một ngân sách cân bằng, có lượng dự trữ ngoại tệ đáng kể và có một cán cân thanh toán vững chắc”, ông Putin tuyên bố.
Rõ ràng, chủ đề các biện pháp trừng phạt chống Nga không làm cho điện Kremlin quá lo lắng. Mặc dù điều hiển nhiên là cuộc chiến trừng phạt sẽ gây nên thiệt hại lâu dài cho nền kinh tế toàn cầu, nhưng bị ảnh hưởng nhiều nhất chính là những người chủ mưu các trừng phạt này, vẫn theo quan điểm của phía Nga.
Đài Tiếng nói nước Nga cũng cho rằng có những dấu hiệu cho thấy thấy việc Brussels đang chịu những áp lực từ bên ngoài. Phó Tổng thống Mỹ Joseph Biden thừa nhận gần đây rằng, các nước Liên minh châu Âu không chủ động áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga trước các diễn biến ở Ukraine, họ buộc phải làm những điều này dưới sức ép mạnh mẽ từ Washington.
Như vậy, người Mỹ đã đẩy Brussels chạm trán với Moscow, Tiến sĩ Khoa học Lịch sử Alexander Galkin, Viện sĩ Viện Xã hội học Viện Hàn lâm khoa học Nga nhận xét:
“Toàn bộ câu chuyện biện pháp trừng phạt là kết quả của thủ đoạn chính trị mà tình hình Ukraine chỉ là cái cớ. Hoa Kỳ đang mất dần vị thế một cường quốc duy nhất có quyền hạn, vì vậy họ kiếm lý do để gây sự bất hòa nghiêm trọng và lâu dài giữa EU với Nga”, Tiến sĩ Galkin nói.
Tuy nhiên đối với Mỹ, Liên minh châu Âu cũng không kém phần nguy hiểm hơn Nga, Tiến sĩ Khoa học Chính trị Andrei Manoylo, Giáo sư Đại học tổng hợp quốc gia Moscow phân tích.
“Hoa Kỳ sẵn sàng lợi dụng cuộc khủng hoảng Ukraine để cùng đánh vào hai đối thủ cạnh tranh của họ: Họ nhằm vào Nga vì quốc gia này đã nhanh chóng cũng cố được vị thế trên trường quốc tế trong những năm gần đây. Và họ cũng nhằm vào Liên minh châu Âu hòng làm suy yếu tiềm lực kinh tế, trì hoãn thời điểm một châu Âu hợp nhất xuất hiện trên vũ đài thế giới như một nhà nước thống nhất”, Tiến sĩ Manoylo nói.
Vì vậy, Washington rất hy vọng lôi kéo Liên minh châu Âu vào cuộc xung đột Ukraine, làm EU và Nga bất hòa và suy yếu. Khi nền kinh tế Ukraine hoàn toàn gục ngã thì đây sẽ chẳng phải mối quan tâm của Washington, ông nói.
Hiển nhiên Nga sẽ phải xoay xở với gánh nặng mới. Hơn ai hết, người Nga quan tâm có một đối tác và láng giềng đáng tin cậy ở bên cạnh, vẫn theo Tiếng nói nước Nga.
Tổng thống Putin đã nhấn mạnh: “Ukraine không phải một quốc gia xa lạ đối với chúng tôi. Bất chấp bi kịch mà chúng ta đang thấy, đặc biệt là ở phía đông nam, nhân dân Ukraine luôn luôn và vẫn sẽ là những người anh em gần gũi nhất của chúng tôi.”
Các biện pháp trừng phạt Nga, những hạn chế bên ngoài chỉ càng làm tăng thêm quyết tâm của chính quyền đạt thành tựu trong các lĩnh vực ưu tiên phát triển. Đó là tăng trưởng kinh tế, đổi mới công nghiệp và cơ sở hạ tầng, tạo công việc hiện đại và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, Tổng thống Putin nói.
Theo ntd/Bizlive