Ôn thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử: Học sinh nên học theo chủ đề
Giáo viên cần nắm chắc cấu trúc đề thi minh họa năm 2020 của Bộ GD&ĐT; trên cơ sở đó ôn tập cho học sinh theo từng chủ đề, từng đơn vị kiến thức của bộ môn Lịch sử.
Ảnh minh họa/internet
Đó là kinh nghiệm của Th.S Lê Thị Mười – Giáo viên Lịch sử, Trường THPT Trần Hưng Đạo (Thanh Xuân, Hà Nội).
Kết hợp ôn tập online và trực tiếp
Cô Mười trao đổi, đối với giáo viên, việc tổ chức hướng dẫn học sinh ôn tập nên tiếp tục áp dụng dưới hai hình thức: Vừa hướng dẫn các em tự ôn tập online, vừa trực tiếp hướng dẫn các em ôn tập trên lớp.
Trước hết các thầy, cô cần rà soát, hệ thống hóa các nội dung trong chương trình của bộ môn, giúp học sinh nắm chắc các kiến thức cơ bản và nâng cao.
Trên cơ sở bám sát các kiến thức chuẩn trong sách giáo khoa, trừ các nội dung đã giảm tải, giáo viên hệ thống hóa các kiến thức theo từng chủ đề, từng chương, từng bài để hướng dẫn các em nhận biết, thông hiểu và vận dụng các kiến thức đó một cách thành thạo.
Các thầy cô cũng cần phải nắm chắc cấu trúc của đề thi minh họa năm 2020 của Bộ GD&ĐT, trên cơ sở đó để ra ma trận đề ôn tập, hướng dẫn học sinh luyện tập theo từng chủ đề, từng đơn vị kiến thức của bộ môn.
Giáo viên cũng cần chú ý việc cho học sinh chọn đáp án và giải thích được vì sao lại chọn đáp án đó, để các em hiểu kỹ hơn nội dung kiến thức đã học.
Video đang HOT
Trong quá trình ôn tập, giáo viên có thể hướng dẫn học sinh các công thức học phù hợp với các đơn vị kiến thức, để các em dễ nhớ dễ hiểu bài.
Các thầy cô cần phải phát hiện những “Lỗ hổng kiến thức” của học sinh để giúp các em lấp đầy chỗ trống đó.
Cần phân biệt từng trình độ của học sinh để có phương pháp ôn tập thích hợp. Không nên chỉ chú ý đến các học sinh khá, giỏi mà cần quan tâm đến các học sinh trung bình và yếu kém.
Đối với các học sinh yếu kém, giáo viên cần có tính kiên nhẫn và tận tâm, không nóng nảy, vội vàng để giúp các em tự tin hơn, dễ nhớ và hiểu sâu kiến thức.
Trong quá trình hướng dẫn các em ôn tập, giáo viên cần chú ý đến các phương pháp dạy học thích hợp để lôi cuốn các em và phát huy hết các năng lực học tập ở các em.
Trong đó, không thể thiếu được việc đổi mới sáng tạo phương pháp dạy học, phù hợp với từng nội dung và đối tượng học sinh, để việc ôn tập có hiệu quả. Cần phải giúp các em tự giác, tích cực và sáng tạo trong quá trình ôn tập, nhằm tìm ra con đường ngắn nhất nhưng nhớ lâu, hiểu sâu và vận dụng các kiến thức vào bài thi có hiệu quả.
Cô Lê Thị Mười
Những sai lầm cần tránh
Cô Mười cũng lưu ý học sinh về những sai lầm cần tránh trong quá trình ôn tập, dẫn đến hiệu quả chưa cao. Cụ thể: Vẫn có học sinh chưa tự giác ôn tập, còn ỉ lại vào các thầy cô, chưa tích cực chủ động tham gia ôn luyện.
Nhiều em còn phân bổ thời gian ôn tập chưa hợp lý, chỉ tập trung ôn các môn học mình thích, không chủ động ôn và tập trung vào những môn học còn yếu.
Một số em chưa chú ý việc hệ thống hóa các kiến thức để ôn luyện. Phần lớn các em chưa khắc phục được lối học vẹt trong các môn học xã hội nhất là môn học Lịch sử, nên chưa hiểu sâu kiến thức bài học.
Ngoài ra, nhiều học sinh chưa chú ý đến việc rèn luyện các kỹ năng làm bài. Phần lớn vẫn chọn đáp án theo cảm tính một cách mơ hồ, cầu may mà không theo các nội dung kiến thức cơ bản nên hiệu quả làm bài còn thấp.
Để khắc phục tình trạng trên, cô Mười lưu ý: Học sinh cần tự giác hơn trong ôn tập, có kế hoạch và phân bổ thời gian thích hợp cho từng môn.
Các em cần trang bị cho mình khối lượng kiến thức đầy đủ trên cơ sở hệ thống hóa các kiến thức cơ bản. Tránh lối học vẹt, học tủ, học lệch. Cần nắm chắc các kiến thức cơ bản của môn học. Ngoài việc ôn tập kiến thức, cần rèn luyện các kỹ năng làm bài cho hiệu quả.
Lưu ý ôn tập môn Lịch sử với nguyên tắc 5 điều nên và không nên
Thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng tổ Lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM đã có những lưu ý giúp học sinh lớp 12 ôn tập tốt môn Lịch sử chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.
Thầy Nguyễn Viết Đăng Du giảng dạy trong một chuyên đề Lịch sử
Các em nên Học có kế hoạch: Chương trình lịch sử phổ thông dù chỉ nằm trong chương trình lớp 12 và nửa phần lớp 11 nhưng vẫn khá dài. Muốn ghi nhớ bao quát, học sinh phải có kế hoạch học và ôn tập ngay từ đầu. Hãy học bài ngay từ đầu và dành gần 3 tháng cuối để ôn tập.
Học theo chiều dọc: Học bài theo định dạng của sách giáo khoa có nghĩa là học theo trình tự thời gian để nắm các sự kiện nhiều nhất có thể. Để học tốt nên dùng trục thời gian hay sơ đồ tư duy
Ôn tập theo chiều ngang: Sau khi nắm các kiến thức cơ bản nên ôn tập theo chiều ngang, có nghĩa là kết hợp ôn tập nhiều kiến thức có chung chủ đề.
Ví dụ, quan hệ đối ngoại của tất cả các nước trong chương trình Sử thế giới... Các chiến lược của Mỹ từ năm 1960 - 1973. Kiểu ôn tập theo chiều ngang này sẽ giúp chúng ta rèn luyện kĩ năng so sánh, đối chiếu và nắm sự kiện một cách khái quát tốt...
Ôn kiểu... Tây Tạng: Các nhà sư Tây Tạng có một cách học để nhớ rất nhanh và lâu đó là học theo kiểu tranh luận. Mỗi người đặt ra một câu hỏi để người khác trả lời. Người trả lời sẽ bị người khác phản bác. Hãy tìm một người bạn hoặc một nhóm bạn cùng học lịch sử. Việc tranh luận ngắn về một nội dung lịch sử sẽ giúp bạn nhớ lâu.
Học cùng mạng: Hãy làm thật nhiều bài tập trắc nghiệm mà hiện nay có rất nhiều trên mạng Internet. Đề thi do tập thể giáo viên biên soạn nên phong cách, cấu trúc biên soạn rất phong phú, đa dạng nên việc giải nhiều bài tập sẽ giúp chúng ta có tư duy tốt trong việc giải tất cả các thể loại trắc nghiệm.
Lưu ý 5 điều không nên làm
Học tủ: Đừng quá tập trung vào bất cứ tiêu điểm kiến thức nào có tên gọi là trọng tâm. Đề trắc nghiệm luôn trải dài khắp chương trình nên việc học tủ có cái kết "đắng" được báo trước.
Học vẹt: Đừng cố gắng ghi nhớ tất cả kiến thức một cách máy móc bằng cách học thuộc lòng sách giáo khoa. Bạn không phải là thần đồng ghi nhớ và môn Lịch sử cũng không phải là môn duy nhất bạn phải thi. Dùng bảng tóm tắt, sơ đồ tư duy để học nhé ...
Học cô đơn: Cố gắng đừng học lịch sử một mình. Một lượng kiến thức đồ sộ sẽ khiến bạn... "hoa mắt". Hãy cùng chia sẻ với những người giống bạn bằng cách thảo luận cùng nhau, hỏi đáp cùng nhau hay vẽ sơ đồ tư duy cùng nhau ... Bạn sẽ thấy nó hiệu quả hơn học một mình.
Quá tin vào mạng: Giải thật nhiều bài tập trắc nghiệm trên mạng nhưng đừng quá tin vào đáp án. Thực tế có nhiều đáp án không được kiểm chứng. Nếu nghi ngờ hãy hỏi giáo viên dạy lịch sử của bạn. Thầy cô sẽ chỉ cho các bạn.
Quá lo lắng về đề thi: Đừng quá lo lắng về đề thi. Đề thi luôn bảo đảm tính phân hóa. Có nghĩa là với các đối tượng có học bài và luyện bài tập, điểm số trung bình không phải là điều khó đối với bạn. Sự lo sợ chỉ làm bạn mất bình tĩnh mà mất bình tĩnh là mất trắng...
"Bật mí" ôn thi trong giai đoạn nước rút Lịch sử là môn học đòi hỏi tư duy cao, nên học sinh cần chăm chỉ và có phương pháp học tập phù hợp, nhằm đạt kết quả trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Giờ học môn Lịch sử của học sinh Trường THPT Chiêm Hóa (Tuyên Quang). Ảnh: NVCC Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Giáo dục &...