Ôn tập hiệu quả bài “Pháp luật với sự phát triển của công dân” môn GD Công dân
Trong đề thi minh họa môn Giáo dục công dân (GDCD), bài 8 “ Pháp luật với sự phát triển của công dân” gồm 4 câu hỏi thể hiện ở 3 cấp độ nhận thức (nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp).
Cô Phan Thị Sơn lưu ý HS ôn tập chắc chắn lý thuyết để làm bài thi môn GDCD thật tốt. Ảnh: NVCC
Đây là nội dung ôn tập khá quan trọng đòi hỏi học sinh phải nắm chắc nội dung để tránh những nhầm lẫn không đáng có.
Chắc nội dung khái niệm
Theo cô Phan Thị Sơn – Tổ trưởng Tổ Bộ môn chung Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy ( Ninh Bình), để ôn tập và thi phần kiến thức “Pháp luật với sự phát triển của công dân” đạt kết quả cao, học sinh nhất thiết phải nắm chắc các khái niệm và nội dung cơ bản về quyền học tập, sáng tạo và phát triển của công dân.
Cùng đó, trình bày được trách nhiệm của Nhà nước và công dân trong việc bảo đảm và thực hiện quyền học tập, sáng tạo và phát triển của công dân; Biết thực hiện các quyền học tập, sáng tạo và phát triển của công dân theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, trong quyền học tập, sáng tạo và phát triển của công dân, học sinh cần biết có 3 quyền chính: Quyền học tập của công dân; Quyền sáng tạo của công dân và Quyền được phát triển của công dân.
Đối với quyền học tập của công dân, học sinh cần nắm được khái niệm: Mọi công dân đều có quyền học tập từ thấp đến cao, có thể học bất cứ ngành nghề nào, có thể học bằng nhiều hình thức và học thường xuyên, suốt đời. Mọi công dân đều được đối xử bình đẳng về cơ hội học tập.
Đối với quyền sáng tạo của công dân, hiểu đúng được khái niệm, là quyền của mỗi người được: Tự do nghiên cứu khoa học, tự do tìm tòi, suy nghĩ để đưa ra các phát minh, sáng chế, sáng kiến, cải tiến kĩ thuật, hợp lí hóa sản xuất; Sáng tác văn học, nghệ thuật, khám phá khoa học để tạo ra sản phẩm, công trình khoa học về các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Mặt khác, HS phải nêu được trong quyền sáng tạo gồm 3 quyền: Quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền hoạt động khoa học, công nghệ.
Đối với quyền được phát triển của công dân, HS cần nắm được khái niệm, là quyền của công dân được: Sống trong môi trường xã hội và tự nhiên có lợi cho sự tồn tại và phát triển về thể chất, tinh thần, trí tuệ, đạo đức; có mức sống đầy đủ về vật chất; được học tập, nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí, tham gia các hoạt động văn hóa; được cung cấp thông tin và chăm sóc sức khỏe; được khuyến khích, bồi dưỡng để phát triển tài năng. HS cũng cần nắm chắc 2 nội dung chính: Được hưởng đời sống vật chất, tinh thần đầy đủ để phát triển toàn diện; Được khuyến khích, bồi dưỡng để phát triển tài năng.
Video đang HOT
Đồ họa: An Nhiên
Ngoài ra, HS cần biết được trách nhiệm của Nhà nước và công dân trong việc bảo đảm và thực hiện quyền học tập, sáng tạo và phát triển của công dân.
Trách nhiệm của Nhà nước chính là: Ban hành chính sách, pháp luật, thực hiện đồng bộ các biện pháp cần thiết để quyền này thực sự đi vào đời sống của mỗi người dân; Thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục; Khuyến khích, phát huy sự tìm tòi, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học; Bảo đảm những điều kiện để phát hiện và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.
Còn về trách nhiệm của công dân đó là: Có ý thức học tập tốt, xác định mục đích học cho mình, phục vụ cho gia đình và xã hội; Có ý chí vươn lên, luôn tìm tòi và phát huy tính sáng tạo, nghiên cứu khoa học, lao động sản xuất; Có ý thức góp phần nâng cao dân trí của công dân Việt Nam, làm cho đất nước ta trở thành một nước phát triển, văn minh.
Cô Phan Thị Sơn đặc biệt lưu ý, với bài 8 “Pháp luật với sự phát triển của công dân” nếu học sinh không nắm chắc được khái niệm, nội dung thì không thể vận dụng được kiến thức vào các tình huống trong bài tập. Và trong bài thi, sẽ có dạng câu hỏi bài tập ở các cấp độ nhận thức khác nhau, vì vậy học sinh phải bám sát đề thi minh họa của Bộ để khai thác hỗ trợ.
Cô Phan Thị Sơn – Tổ trưởng Tổ Bộ môn chung, Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy (Ninh Bình). Ảnh: NVCC
Ôn và làm bài thi hiệu quả
Cô Phan Thị Sơn chia sẻ kinh nghiệm, trong quá trình ôn tập, học sinh nên học chắc các từ khóa của từng nội dung cụ thể. Ví dụ: Ở quyền học tập của công dân, về khái niệm học sinh cần ghi nhớ 4 từ khóa cơ bản: Học từ thấp đến cao; Học bất cứ ngành, nghề nào; Học bằng nhiều hình thức; Học thường xuyên, học suốt đời.
Sở dĩ, học sinh cần nắm chắc từ khóa ở những câu khái niệm bởi câu khái niệm thường đưa ra các từ khóa trong đáp án.
Mặt khác, một số vấn đề học sinh hay nhầm lẫn đó là chưa hiểu rõ 4 nội dung cụ thể của quyền học tập. Ví dụ, trong câu hỏi: Chị B vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên sau khi tốt nghiệp THPT không có điều kiện để tiếp tục học trường đại học mà mình mơ ước, sau này khi có điều kiện chị B đã theo học một lớp bổ túc vào buổi tối là thể hiện quyền nào sau đây?
Có 4 đáp án: A. Học tập không hạn chế của công dân; B. học bất cứ ngành, nghề nào; C. Học thường xuyên, học suốt đời; D. Công dân được đối xử bình đẳng về cơ hội học tập.
Như vậy, học sinh cần hiểu nếu như học ở nhiều trường hợp, hình thức khác nhau thì đương nhiên thể hiện quyền học thường xuyên, học suốt đời. Không thể là những quyền khác cho dù đọc các đáp án đều có vẻ hợp lý.
Cũng theo lưu ý của cô Phan Thị Sơn, trong bài “Pháp luật với sự phát triển của công dân” học sinh dễ rất mất điểm ở những câu nhận biết (tức là những câu hỏi mang tính lý thuyết) bởi không thuộc khái niệm, chủ quan trong khi làm.
Đồ họa: An Nhiên
Theo cô Sơn, mọi năm đề thi minh họa của Bộ có số câu lý thuyết khoảng 30 – 35%, nhưng năm nay câu hỏi ở mức độ nhận biết chiếm tới 50%. Như vậy, có nghĩa tỉ lệ câu hỏi ở mức độ nhận biết đã tăng đáng kể, đòi hỏi học sinh không thể lơ là, coi nhẹ học lý thuyết. Không học lý thuyết tốt học sinh sẽ bị mất điểm ở nhiều câu hỏi.
Trong đề thi gồm 4 cấp độ nhận thức từ thấp đến cao, thông thường các câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu dễ đạt điểm, nhưng thực tế trong môn GD công dân các câu vận dụng học sinh có tư duy tốt chỉ cần suy luận sẽ dễ dàng trả lời đúng. Còn các câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu học sinh dễ nhầm lẫn về từ ngữ trong luật, hiểu không đúng về bản chất, vấn đề do đó khả năng lựa chọn đáp án sai nhầm nhiều hơn.
Một vấn đề cũng được cô Sơn lưu ý, khi làm bài thi nói chung và các câu của bài 8 nói riêng, học sinh cần đọc kỹ câu hỏi, gạch chân vấn đề được hỏi để tìm ra sự liên quan ở phần đáp án. Không chủ quan, đọc vội và xem nhẹ câu dễ câu ngắn để tránh những sai sót đáng tiếc.
Để ôn bài "Công dân với các quyền tự do cơ bản" đạt hiệu quả cao
Trong nội dung ôn thi tốt nghiệp THPT môn GD Công dân, lớp 12 bài 6 "Công dân với quyền tự do cơ bản" chiếm 7 câu hỏi trong đề thi. Do đó cách ôn tập cần chú ý tránh nhầm lẫn, chủ quan... để đạt hiệu quả cao.
(Ảnh minh họa)
Theo cô Nguyễn Thị Xinh - giáo viên môn GD Công dân, Trường THPT Nho Quan A (Ninh Bình): Bài "Công dân với quyền tự do cơ bản" có 7 câu trong đề thi minh họa, trong đó có 3 câu hỏi ở cấp độ nhận biết, 2 câu thông hiểu. 1 vận dụng, 1 vận dụng cao.
Vậy, để học ôn hiệu quả bài học này, HS không nên học dàn trải, mà nên học hiểu để có kiến thức thực sự từ đó vận dụng làm bài tốt hơn.
Đối với câu hỏi mang tính nhận biết thông hiểu, HS nên tập trung khai thác các "từ khóa" vì hầu hết mức độ này chỉ yêu cầu HS nhận ra được phần kiến thức cơ bản và hiểu nó như thế nào, và thường tập trung hỏi xung quanh từ khóa.
Cô Nguyễn Thị Xinh - GV môn GDCD Trường THPT Nho Quan A (Ninh Bình)
Đối với câu hỏi vận dụng và vận dụng cao cơ bản thường tập trung vào 2 quyền: "Bất khả xâm phạm về thân thể" và "Quyền được bảo hộ về sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm và danh dự".
Đặc biệt các em cần lưu ý trong tình huống đưa ra, số lượng nhân vật thường nhiều, hành vi phức tạp, dễ gây rối suy nghĩ của người đọc. Vì vậy, trước khi đưa ra và giải quyết tình huống, HS nên đọc phần được hỏi trước để xác định vấn đề được hỏi là gì, sau đó quay lại đọc tình huống. Như vậy sẽ dễ hơn cho HS khi xác định nhân vật cần lựa chọn cho đáp án.
Bên cạnh đó, để nắm được kiến thức tổng quát của bài, HS nên học theo sơ đồ tư duy để dễ nhớ, dễ hiểu bài hơn.
Cụ thể cơ cấu bài bao gồm 5 quyền:
Thứ 1: "Quyền bất khả xâm phạm về thân thể". Quyền này dễ bị nhầm lẫn với quyền được bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, nên dấu hiệu nhận biết đó là không ai bị "Bắt", bị "giam giữ". HS chỉ cần thấy dấu hiệu này là có thể nhận biết đây là quyền bất khả xâm phạm về thân thể.
Trong nội dung của quyền này cần lưu ý rõ: Có 3 trường hợp pháp luật cho phép bắt người và có 3 trường hợp được bắt người cấp. Để tránh nhầm lẫn chỗ này, GV đã lưu ý kĩ và HS cần phân biệt rõ ràng.
Thứ 2, đối với "Quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm và danh dự"; HS nên chú ý các từ khóa đó là "Đánh người, giết người, Đe dọa giết người" sẽ bị coi là xâm phạm về tính mạng, sức khỏe. Còn "Chửi bới, xỉ nhục, nói xấu, bịa đặt..." là xúc phạm về nhân phẩm về danh dự.
Thứ 3, Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở; Quyền được đảm bảo an toàn về thư, điện thoại, điện tín; Quyền tự do ngôn luận. HS nên học theo sơ đồ tư duy, chốt từ khóa, học hiểu theo sự hướng dẫn của thầy cô.
Khi làm bài thi nói chung và các câu của bài 6 nói riêng, HS cần đọc kỹ câu hỏi; gạch chân vấn đề được hỏi để tìm ra sự liên quan ở phần đáp án. Không chủ quan, đọc vội và xem nhẹ câu dễ câu ngắn để tránh những sai sót đáng tiếc.
Bí quyết ôn thi THPT đạt điểm cao môn GDCD: Công dân Vào lúc 18 giờ 30 hôm nay 3.4 Báo Thanh Niên phát sóng chương trình Bí quyết ôn thi THPT đạt điểm cao năm 2021 môn GDCD tại địa chỉ thanhnien.vn , Facebook.com/thanhnien và YouTube Thanh Niên. Học sinh trong giờ học trên máy tính - B.THANH 8 chuyên đề của môn GDCD trong chương trình Bí quyết ôn thi THPT đạt điểm...