Ô tô điện của Xiaomi sẽ có giá từ 15.000 đến 45.000 USD
Đích thân CEO Lei Jun đã tiết lộ thêm một vài thông tin thú vị về dự án sản xuất xe điện của Xiaomi.
Mẫu ô tô chạy điện đầu tiên của Xiaomi sẽ là xe sedan hoặc SUV, giá dao động từ 100.000 đến 300.000 yuan (15.300 USD đến 45.900 USD), theo người sáng lập Xiaomi Lei Jun. Khi ra mắt, nó có thể trở thành đối trọng của Tesla tại thị trường tỷ dân.
Ông Lei hé lộ thông tin về mẫu xe điện rất được quan tâm của hãng trong một phiên live-stream trên nền tảng Douyin, đúng một tuần sau khi hãng công bố tham gia thị trường xe điện. “Chiếc ô tô đầu tiên chắc chắn không phải là một chiếc xe thể thao hoặc nhà di động; nó sẽ là một chiếc sedan hoặc SUV”, Lei nói. Ông cũng chia sẻ thêm rằng kế hoạch của hãng mới ở giai đoạn khởi động và các chi tiết cụ thể sẽ tiếp tục được làm rõ sau.
Cũng theo Lei, hầu hết người dùng Internet tham gia khảo sát của Xiaomi mong muốn họ ra mắt một mẫu xe mang thương hiệu Xiaomi. Khoảng 45% người dùng muốn Xiaomi sản xuất sedan; 40% chọn SUV. 2/3 số người được hỏi muốn hãng sản xuất xe và bán với giá hơn 15.000 USD, chỉ 8% mong muốn giá trên 45.000 USD. “Người dùng muốn Xiaomi sản xuất xe điện dòng trung và cao cấp”, Lei nói.
Video đang HOT
Tham gia thị trường xe điện cũng mang đến nhiều kỳ vọng mới cho Xiaomi, vốn khởi đầu là một hãng smartphone giá rẻ. Người dùng mong muốn Xiaomi tiếp tục tạo ra những mẫu xe điện giá hời dành cho phần đông người dùng. Rất nhiều người đều coi chiếc smartphone đầu tiên của Xiaomi – mẫu Mi 1 giá 300 USD là model định hướng thị trường lúc bấy giờ.
Mức giá CEO Lei Jun đưa ra cho mẫu xe điện tương lai được xem là “thân thiện” với số đông người dùng, theo Li Lianfeng – nhà nghiên cứu của IDC. Theo chính sách mới nhất của chính phủ Trung Quốc về các phương tiện sử dụng năng lượng mới (NEV), người dùng chỉ nhận được trợ giá khi mua các mẫu xe có giá dưới 45.900 USD. Điều này đồng nghĩa các mẫu xe điện cao cấp như Tesla Model S (122.000 USD) hay NIO EC6 (56.200 USD) không nhận được trợ giá.
Trong khi hầu hết nhà sản xuất xe điện hiện nay tập trung vào 2 phân khúc là cao cấp và giá rẻ, “model phổ biến nhất tại Trung Quốc sẽ có giá từ 15.300 USD đến 38.200 USD; chúng sẽ có doanh số tốt nhất”, Li Lianfeng cho biết.
Tham gia vào thị trường xe điện, Xiaomi phải đối mặt với thách thức lớn từ các nhà sản xuất đã thành danh. Tesla – gia nhập thị trường Trung Quốc từ năm 2013, hiện thống trị phân khúc sedan chạy điện cao cấp tại đây. Năm ngoái, hãng này bán ra 140.000 chiếc Model 3 tại Trung Quốc, giá từ 38.200 USD, theo số liệu của Canalys.
Trong khi đó, ở phân khúc giá rẻ, HongGuang Mini EV của Wuling Motors chính là mẫu xe bán chạy thứ 2 với 119.000 chiếc trong năm ngoái. Giá bán của nó chỉ khoảng 4.600 USD. “Với việc các thương hiệu cao cấp đang muốn hạ giá sản phẩm để tiếp cận nhiều người dùng hơn trong khi thương hiệu giá rẻ đang cải tiến các tính năng thông minh, phân khúc tầm trung sẽ đối mặt sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn”, Li Lianfeng cho biết.
Xe điện chiếm khoảng 6,3% toàn bộ lượng ô tô con bán ra tại Trung Quốc trong năm ngoái, theo Canalys. Con số này được cho sẽ tăng mạnh trong các năm tới nhờ chính sách thúc đẩy năng lượng sạch của chính phủ. Doanh số xe điện tại Trung Quốc có thể đạt 1,9 triệu chiếc trong năm nay.
Theo SCMP, xe điện của Xiaomi cần ít nhất 3 năm nữa để chính thức đến tay khách hàng. CEO Lei Jun cho biết tầm nhìn của hãng là kết hợp kinh nghiệm trong lĩnh vực smarthome để tạo ra điểm nhấn cho những chiếc xe này. Chẳng hạn, xe điện tích hợp sẵn tính năng lọc không khí có thể khiến người dùng tại một số thành phố có mức độ ô nhiễm cao cảm thấy thích thú.
Cũng trong buổi livestream, Lei Jun cho biết hãng chỉ cần 75 ngày để nghiên cứu và thảo luận trước khi quyết định theo đuổi dự án xe điện. Thực tế, Lei là người yêu thích xe điện. Ông là nhà đầu tư của 2 hãng xe điện Xpeng và NIO. Ông cũng đã gặp CEO Elon Musk của Tesla vào năm 2013. Ông cho biết đã học hỏi được nhiều điều từ các công ty này.
Tuần trước, Lei được cho đã mời nhà sáng lập của một số hãng xe điện lớn tại Trung Quốc gồm Xpeng, NIO, BYD và Li Xiang One tham dự Huaxia Alumni Assocication – một câu lạc bộ tỷ phú, theo báo chí Trung Quốc.
Xiaomi hiện là nhà sản xuất smartphone lớn thứ 3 thế giới. CEO Lei Jun cho biết dự án sản xuất ô tô điện sẽ là “dự án kinh doanh cuối cùng” của cuộc đời ông. Công ty này dự định tung khoản đầu tư ban đầu là 1,5 tỷ USD, sau đó nâng dần lên 10 tỷ USD trong 10 năm tới cho dự án xe điện
Liệu Xiaomi có trở thành Apple của ngành ô tô điện?
Xiaomi đặt cược rằng ô tô sẽ sớm trở thành những chiếc smartphone có kích cỡ lớn hơn. Nếu ô tô trở thành sự kết hợp của phần mềm và phần cứng, thì các công ty công nghệ sẽ có những thiết kế ô tô vượt trội, thu hút hơn các nhà sản xuất xe truyền thống.
Nhắc đến một nhà sản xuất smartphone chuẩn bị lấn sân sang lĩnh vực xe điện, người ta thường nghĩ đến Apple. Tuy nhiên, câu trả lời không chỉ có hãng sản xuất iPhone, Xiaomi - nhà sản xuất smartphone lớn thứ 3 thế giới, cũng đang lên kế hoạch nhắm đến thị trường này.
Hôm 30/3, công ty Trung Quốc cho biết họ sẽ chi 10 tỷ USD trong tập kỷ tới để tham gia vào lĩnh vực sản xuất xe điện, với khoản đầu tư ban đầu là khoảng 1,5 tỷ USD. Chi tiết kế hoạch này hiện chưa rõ ràng. Tuy nhiên, do mới gia nhập lĩnh vực sản xuất ô tô, Xiaomi có thể sẽ tìm một đối tác bên ngoài để xử lý khâu sản xuất, trong khi tập trung vào thiết kế và kỹ thuật.
"Gã khổng lồ" lĩnh vực tìm kiếm Baidu của Trung Quốc cũng đang có động thái tương tự. Công ty này hợp tác với Zhejiang Geely Holding Group - công ty mẹ của Volvo Cars, để sản xuất xe điện. Apple cũng đang trong quá trình tìm kiếm các đối tác để sản xuất xe, sau khi các cuộc đàm phán trước đó với Hyundai Motors đã "đổ bể". Mô hình gia công như vậy cũng được một số startup xe điện của Trung Quốc, như NIO, áp dụng.
Tuy nhiên, dự án này rõ ràng là mối ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch của Xiaomi. CEO và nhà sáng lập của công ty - ông Lei Jun, sẽ đích thân giám sát hoạt động được ông miêu tả là "kế hoạch kinh doanh lớn cuối cùng của cuộc đời mình". Và rõ ràng rằng, Xiaomi đang nhắm đến việc tận dụng xu hướng "điên cuồng" gần đây đối với cổ phiếu liên quan đến xe điện. Ví dụ, cổ phiếu Baidu đã tăng mạnh trong năm nay, trước khi bị các ngân hàng lớn tháo do có liên quan đến cuộc khủng hoảng Archegos.
Ngoài ra, Xiaomi cũng đặt cược rằng ô tô sẽ sớm trở thành những chiếc smartphone có kích cỡ lớn hơn. Nếu ô tô trở thành sự kết hợp của phần mềm và phần cứng, thì các công ty công nghệ sẽ có những thiết kế ô tô vượt trội, thu hút hơn các nhà sản xuất xe truyền thống. Ô tô có chức năng tự lái hoàn toàn sẽ trở thành điểm trọng yếu của sự phát triển như vậy, dù quá trình sản xuất, hoàn thiện sẽ mất nhiều năm.
Theo Wall Street Journal, "canh bạc" này dường như nằm trong khả năng chi trả của Xiaomi. Morgan Stanley nhận định, khoản đầu tư trung bình hàng năm 1 tỷ USD cũng tương đương với giai đoạn đầu của các startup xe điện khác. Trong khi đó, con số này chỉ chiếm khoảng 1/3 dòng tiền từ hoạt động kinh doanh hàng năm và Xiaomi thậm chí nắm giữ 11,9 tỷ USD tiền mặt và các khoản đầu tư ngắn hạn.
Xiaomi còn có thế mạnh trong lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, khi là nhà sản xuất smartphone lớn thứ 3 thế giới tính đến cuối năm 2020, sau khi giành thị phần từ Huawei. Nếu thuê ngoài khâu sản xuất, Xiaomi có thể tập trung đầu tư vào R&D thay vì xây dựng nhà máy.
Dẫu vậy, Xiaomi cũng đang bước vào một lĩnh vực có rất nhiều đối thủ cạnh tranh nhưng lại không có kinh nghiệm từ trước. Công ty này nổi tiếng với những sản phẩm có mức giá phải chăng và chất lượng tốt, như máy lọc không khí cho đến nồi cơm. Song, việc chế tạo ô tô - sản phẩm đắt đỏ hơn và ít được mua hơn so với đồ gia dụng, lại là một vấn đề khác. Dù nắm giữ nhiều lợi thế, nhưng lĩnh vực xe điện vẫn là "chuyến đi" đầy rủi ro với Xiaomi.
Xiaomi khiến Apple 'xấu hổ' Vì hạn chế kỹ thuật, Apple phải từ bỏ sạc không dây dành cho nhiều thiết bị, nhưng Xiaomi đã hiện thực hóa được công nghệ này sau hai năm nghiên cứu. Xiaomi ra mắt loạt công nghệ mới trong sự kiện mùa xuân 2021. Ngoài smartphone, các thiết bị đeo thông minh, CEO Lei Jun còn giới thiệu một sản phẩm mà...