Ở Sài Gòn có một kiểu bán “nửa kg”, người dễ thì thấy cảm thông, còn không lại bảo đó là chiêu trò lừa nhau
“15k/nửa kg” và “30k/kg” tất cả đều giống nhau, nhưng cũng từ hai cách viết này mà xảy đến không ít chuyện phải ngồi tranh cãi ở Sài Gòn.
“Chị bán nửa kg hay một kg, lừa nhau à!?”
Thông thường khi ra chợ, hay ghé bất kỳ một cửa hàng bán hoa quả, trái cây nào người ta vẫn thường ghi trên những tấm bảng thông báo rằng món đó 1kg giá bao nhiêu tiền. Hay ngay cả người mua cũng chỉ hỏi người bán rằng quả này bao nhiêu 1 cân, hay quả kia bao nhiêu 1kg,… Từ đó mà người ta luôn mặc định chuyện buôn bán là phải lấy 1kg ra làm chuẩn, còn mua bao nhiêu thì tùy.
Ấy thế mà nhiều năm nay, những xe bán trái cây, hoa quả dạo đậu dọc trên vỉa hè các con đường ở Sài Gòn vẫn thường hay xuất hiện một kiểu bán chỉ lấy “nửa cân” ra làm chuẩn. Khiến nhiều người bảo rằng đó là “chiêu trò của những tiểu thương buôn bán không có tâm”.
Cách ghi giá quen thuộc và thường thấy của các hàng hoa quả dạo.
Bởi nếu như ngay thẳng thì tại sao lại không ghi rõ 30k/kg ổi hay 50k/kg chôm chôm mà cứ phải ghi nửa giá làm gì? Đã vậy số tiền thì rõ to, còn “nửa cân” lại ghi bé xíu một góc, có người thậm chí cố tình bôi xóa cho thật mờ để làm rối tầm nhìn. Chỉ tới lúc khách “ập” vào mua, mới tá hỏa phát hiện 15k là bán cho nửa kg ổi và 25k cho nửa kg chôm chôm chứ không là hẳn 1kg như đã lầm tưởng.
Thế mà chẳng hiểu sao, hầu như bất cứ một xe bán trái cây vỉa hè nào ở Sài Gòn cũng đều để kiểu bảng giá như thế trong suốt nhiều năm nay. Đôi lúc nó làm cho người ta e dè, ấn tượng xấu và bất an với những hàng trái cây dạo vì chỉ biết lợi dụng sự hạn chế tầm nhìn của người đi đường để kéo khách về mình.
“Thời buổi khó khăn, ở đâu cũng có người này người nọ”
Và rồi lại một mùa trái cây vô cùng sôi động nữa đã đến. Dọc trên tuyến đường Nguyễn Văn Cừ thường tập trung rất đông các anh chị em buôn bán hoa quả dạo. Họ đa phần là những người xa xứ, ở miền Bắc, miền Trung,… đổ vào buôn bán các loại hoa quả theo mùa, khi thì cóc, khi thì đào Sapa, khi thì vải hay mận Hà Nội,… Nói chung mùa nào là thức nấy!
Mùa nào thức nấy, hoa quả tuy có khác nhưng bán loại nào người ta cũng thích ghi kiểu “nửa cân”.
Tại đây, tôi bắt gặp anh Phương, người ở Tiền Giang lên Sài Gòn bán trái cây chia sẻ: “Thú thật hồi vài năm trước, có không ít người dùng chiêu này để thu hút sự chú ý của người đi đường. Lợi dụng khách mải lo chạy xe, không nhìn kỹ bảng giá mà lầm tưởng giá rẻ rồi vào mua.
Bây giờ dù tình trạng này vẫn còn khá nhiều, nhưng cũng có không ít người buôn bán thật thà, ghi rõ ràng từng con số, con chữ, không có kiểu chữ to chữ nhỏ để lừa người ta.”
Ai bán sao bán, nhưng cũng có không ít người buôn bán thật thà, mua nhiêu bán nhiêu. Hễ “ưng cái bụng” thì ghé mua giúp em vài cân hay nửa cân em đều bán hết!
Còn chị Hòa cũng bán trái cây dạo quanh khu vực quận 10 chia sẻ rằng: “Thật ra ở đây mọi người cũng chẳng ai muốn buôn bán mà không vui vẻ. Nhưng bây giờ khó khăn quá, mọi người cũng muốn tìm cách để khách ghé mua nên mới phải ghi như thế. Còn sau đó thì chúng tôi có sao bán vậy. 30k/kg vẫn là 30k/kg, không bớt hay cân thiếu cho ai bao giờ.
Thậm chí có nhiều chị em lao động mỗi lần chỉ muốn mua nửa kg hay đôi ba trái chúng tôi vẫn sẵn sàng bán. Có khi còn cho thêm trái cây hay bớt tiền cho họ để người ta vui, mốt còn quay lại ủng hộ”.
Dù là thế, nhưng cũng có không ít người hoàn toàn không đồng tình với kiểu buôn bán chẳng khác nào “dụ khách” của các anh chị em bán hoa quả dạo.
Nhưng đâu đó cũng có người mở lòng, xem đó là một sự cảm thông dành cho những người buôn bán nơi vỉa hè.
Giống như chị Khanh, một vị khách ở quận 10 chia sẻ: “Tôi không ủng hộ ghi giá theo cách đó, nhưng thấy họ buôn bán nắng mưa cực khổ trông cũng thương. Chỉ cần trước khi mua, mọi người nên chịu khó đọc kỹ giá, còn đâu miễn là họ bán đúng giá, đúng hàng tốt và không cân thiếu cho mình là được. Như thế dẫu sao vẫn tốt hơn những người ghi giá 1 đường, cân 1 nẻo thiếu trước hụt sau, mánh mung đổi hàng mới càng đáng sợ hơn”.
Còn bạn nghĩ sao về kiểu bán “nửa cân”, “nửa giá” này của những hàng hoa quả dạo?
Theo afamily
Cầu Sài Gòn kẹt cứng vì người dân đứng xem pháo hoa cạnh Landmark 81 tòa nhà cao nhất Việt Nam
Giao thông ttheo hướng từ Bình Thạnh đi Thủ Đức đã trở nên tê liệt vì rất đông người dân đã dừng xe trên cầu Sài Gòn để xem pháo hoa vào tối 30.4.2019.
Theo Báo Thanh Niên
Chè ma, chè chảnh: không hiểu vì sao mà mấy tiệm chè Sài Gòn có tên nghe ngộ quá chừng Những cái tên mới nghe thì giật mình, nhưng hoá ra lại là "thương hiệu" đắt giá đối với nhiều thế hệ người Sài Gòn đấy. Thông thường khi mở quán ăn hoặc một loại hình kinh doanh nào đó, tên quán là một trong số những điểm mà người ta chăm chút nhất, bởi nó sẽ trở thành một phần "nhân dạng"...