Nữ Tiến sĩ tương lai mơ ước được nghiên cứu, giảng dạy trên quê hương Việt Nam
Là nữ sinh nhưng lại rất thích nghề Kỹ thuật cơ khí, chính vì thế tôi đã tự chọn cho mình một “con đường” riêng không giống như các bạn cùng trang lứa.
Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với chị Phan Thị Hồng Mai – Cựu sinh viên Chương trình Tiên Tiến ngành Kỹ thuật Cơ khí, Khoa Quốc tế của Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên), hiện đang làm Nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Gyeongsang, Korea ( Hàn Quốc).
Hồng Mai cho biết: “Là học sinh chuyên Toán, sinh ra và lớn lên tại Thành Phố Hòa Bình, vào năm cuối cấp III thì hầu hết các bạn nữ trong lớp thường đăng ký các trường như Kinh tế Quốc Dân, Học viện Ngân Hàng, Ngoại Thương… nhưng bản thân tôi lại khá thích nghề Kỹ thuật cơ khí, tìm hiểu mọi thông tin và nhận thấy nghề này là xu hướng mới trong tương lai, có cơ hội việc làm rộng mở. Chính vì thế tôi tự chọn cho mình một “con đường” riêng không giống như các bạn cùng trang lứa.
Năm lớp 12 và cũng thật tình cờ, trong một lần được tham dự ngày hội “Open day” của Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên), tôi thật sự bị thuyết phục sau khi tìm hiểu về chương trình Tiên Tiến của khoa Quốc tế, được xem các anh, chị làm các thí nghiệm tay Robot, xe cân bằng… đặc biệt là được nghe nhiều giáo sư người nước ngoài nói chuyện, và họ cũng đang giảng dạy tại khoa Quốc tế của trường.
Tại kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và xét tuyển đại học, tôi thi khối A được 24,5 điểm, đồng thời quyết định theo học tại Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, cả trường cấp III của tôi khi đó chỉ có 1 mình tôi lên Thái Nguyên theo học ngành này”.
Phan Thị Hồng Mai – Cựu sinh viên Chương trình Tiên Tiến ngành Kỹ thuật Cơ khí, Khoa Quốc tế của Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên), hiện đang làm Nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Gyeongsang, Korea (Hàn Quốc).Ảnh: NVCC.
Kỹ thuật Cơ khí luôn là một trong những ngành then chốt đối với sự phát triển kinh tế – xã hội toàn cầu. Ngày nay, tất cả các máy móc vận hành trong các dây chuyền sản xuất, hoạt động ở mọi nơi trên và dưới mặt đất, trên bề mặt biển, dưới đáy biển, trên không gian và cả ngoài vũ trụ… đều có sự đóng góp to lớn của các nhà khoa học, kỹ sư, cán bộ kỹ thuật cơ khí. Chính vì vậy, ngành Kỹ thuật Cơ khí luôn là ngành học thu hút rất nhiều bạn trẻ theo đuổi.
Theo Hồng Mai: “Có thể hiểu Ngành Kỹ thuật Cơ khí là ứng dụng các nguyên lý vật lý để tạo ra các loại máy móc và thiết bị hoặc các vật dụng hữu ích.
Cơ khí áp dụng các nguyên lý nhiệt động lực học, định luật bảo toàn khối lượng và năng lượng để phân tích các hệ vật lý tĩnh và động, phục vụ cho công tác thiết kế trong các lĩnh vực như ô tô, máy bay và các phương tiện giao thông khác, các hệ thống gia nhiệt và làm lạnh, đồ dùng gia đình, máy móc và thiết bị sản xuất, vũ khí…
Học ngành Kỹ thuật Cơ khí, sinh viên được trang bị kiến thức, kỹ năng gia công, thiết kế, chế tạo và cải tiến các sản phẩm cơ khí như người máy; khả năng vận hành, lắp ráp, bảo trì các thiết bị cơ khí, hệ thống cơ khí cũng như giải quyết những vấn đề liên quan đến máy móc, thiết bị trong quy trình sản xuất”.
Hồng Mai và các bạn sinh viên cùng khóa đi thực tập. Ảnh: NVCC.
Nữ giới theo học ngành Kỹ thuật Cơ khí
Hồng Mai nói: “Khi học theo chương trình Tiến Tiến, được giảng dạy 100% bằng tiếng Anh với các giảng viên là giáo sư, tiến sĩ… đến từ Mỹ, Anh, Úc và khắp nơi trên thế giới, lúc này tôi cảm thấy mình giống như được “du học” trong nước. Những sinh viên học chương trình này bắt buộc phải ăn, ở ký túc xá theo quy định của nhà trường.
Video đang HOT
Chương trình tôi được học… cùng với toàn bộ sách giáo khoa đều “nhập khẩu” từ trường Đại học của Mỹ, học hoàn toàn giống như các sinh viên Mỹ với khối kiến thức chuyên ngành, các môn trong ngành cơ khí, cơ khí chế tạo, động lực, nhiệt…tôi đều được tiếp xúc.
Ở các khoa bình thường, sinh viên chỉ chuyên về một ngành, nhưng với khoa Tiên Tiến tôi theo học, mọi sinh viên đều nắm được kiến thức chung nên khi ra trường đi làm, dựa trên những kiến thức đã được học để đào sâu nghiên cứu thêm sẽ có khả năng làm đa dạng công việc. Tôi thấy đây cũng là một lợi thế.
Mọi người thường nghĩ Kỹ thuật cơ khí là làm việc nặng nhọc, máy móc dầu mỡ suốt ngày… nhưng thực chất là sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm QC tại các bộ phận quản lý chất lượng, kỹ sư ở các khu công nghệ cao, kỹ sư thiết kế, kỹ sư chế tạo, nghiên cứu…hoặc có thể học cao lên để giảng dạy và nghiên cứu như tôi hiện nay. Vậy nên có thể nói đây là ngành học khá phù hợp với các bạn nữ.
Đặc biệt, trong suốt thời gian học đại học, tôi liên tiếp đạt kết quả tổng kết các môn loại giỏi nên giành được học bổng xuất sắc, khuyến khích học tập của Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, chính vì có học bổng nên tôi không phải đóng học phí, cũng coi như đã giúp đỡ được một phần nho nhỏ cho bố mẹ “.
Hồng Mai chụp ảnh với mẹ trước khi cô sang Hàn Quốc làm Nghiên cứu sinh. Ảnh: NVCC.
Nghiên cứu sinh ngành Thiết kế thí nghiệm máy tính
Hồng Mai chia sẻ: “Khi gần tốt nghiệp đại học, tôi có tham dự một cuộc phỏng vấn của các Giáo sư người Hàn Quốc dành cho sinh viên tại trường, với nền tảng kiến thức của bản thân và định hướng rõ ràng trong nghiên cứu, tôi đã giành được học bổng toàn phần làm Nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Hàn Quốc về Thiết kế thí nghiệm máy tính.
Công việc hiện nay của tôi tại Hàn Quốc là Trợ lý, giúp việc cho giáo sư về Dự án nghiên cứu hỗ trợ, tối ưu hóa các thí nghiệm máy tính trong mô hình mô phỏng. Những mô phỏng này được dùng trong các hệ thống được con người tạo ra như hệ thống kỹ thuật, mô phỏng việc đưa vệ tinh lên không gian, cũng có thể mô phỏng tốc độ an toàn kỹ thuật của một chiếc xe ô tô khi xảy ra va chạm, từ đó rút ra những cải tiến kỹ thuật an toàn cho con người.
Để làm được những mô phỏng đó mất rất nhiều thời gian và chất xám, có những mô phỏng phải làm cả tháng mới tạm ổn, chính vì vậy tôi đang hướng nghiên cứu để làm sao rút ngắn được thời gian làm các mô phỏng đó trên máy tính.
Ngoài ra, hàng ngày tôi đọc các báo, tạp chí nghiên cứu khoa học, nghiên cứu tài liệu chuyên ngành… ghi chép lại những ý tưởng nảy sinh trong đầu, nghiên cứu những lý thuyết phục vụ cho ý tưởng mới, đồng thời viết lập trình trên máy tính để tìm ra kết quả của ý tưởng đó”.
Hồng Mai và các sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Thái Nguyên) trong Đại hội Đoàn trường. Ảnh: NVCC.
Còn khoảng gần 3 năm nữa là Hồng Mai sẽ bảo vệ Luận án Tiến sĩ, hiện tại công việc nghiên cứu, lập trình, viết các bài báo khoa học …cũng như cường độ làm việc liên tục 16 tiếng một ngày cũng không thể nào khuất phục được một cô gái sinh năm 1996 này.
Hồng Mai chia sẻ thêm: “Bản thân tôi cũng như nhiều nghiên cứu sinh Tiến sĩ khác, khi bước vào công việc nghiên cứu thì giai đoạn đầu bao giờ cũng rất khó khăn, đứng trước một lượng kiến thức rất lớn giống như lạc vào một “khu rừng” không biết phải đi theo hướng nào, cảm giác hoang mang ban đầu sẽ có. Nhưng sau này “lần mò tìm đường” thì mọi việc cũng sẽ qua, đó là cảm giác của tôi.
Khi gặp phải bế tắc trong việc nghiên cứu, tôi có chia sẻ với vị Giáo sư người Hàn Quốc, tất nhiên là họ sẽ không nói phải làm thế này hay phải làm thế kia, họ chỉ động viên và tin tưởng với khả năng của bạn thì chắc chắn bạn sẽ làm được.
Từ khi còn ngồi trên ghế trường phổ thông, tôi có ước mơ được làm trong ngành Giáo dục và mong muốn sau khi học xong được về nước tiếp tục cống hiến, nghiên cứu và giảng dạy.
Nếu như tôi ở lại Hàn Quốc chắc chắn sẽ có ngay được một công việc tốt và sự đãi ngộ cao, nhưng bản thân tôi có suy nghĩ mình là người Việt Nam thì nên góp phần cống hiến cho đất nước nơi mình được sinh ra, được nghiên cứu và giảng dạy trên chính quê hương mình thì mọi việc sẽ có ý nghĩa hơn.
Theo quan điểm của tôi nếu học ở các trường nổi tiếng, trường có học phí cao hay theo học những ngành Hot…tất cả những điều đó chỉ là những thứ bên ngoài, không giúp quyết định sau này mình là ai. Quan trọng nhất là sự nghiêm túc của người học, chọn lựa đúng ngành nghề phù hợp năng lực của chính mình, có niềm đam mê, kiên trì, có môi trường với những thầy cô hướng dẫn tốt thì chắc chắn sẽ thành công”.
Kỹ sư Trần Trọng Phi: Học nghiêm túc, có kiến thức thật sẽ tìm được việc làm tốt
"Tôi thấy học trường nào không quan trọng bằng điều cốt lõi là phải hiểu và chọn đúng ngành nghề, học tập nghiêm túc để có kiến thức làm việc", Phi chia sẻ.
Chọn ngành và trường nào phù hợp để theo học sau khi tốt nghiệp kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia đang là vấn đề được nhiều bạn trẻ quan tâm.
Để giúp cho các em sắp bước vào cổng trường đại học có thêm nhiều sự lựa chọn về ngành đào tạo, cũng như có thể tự nhận thấy bản thân mình phù hợp với nghề nào... Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với kỹ sư Trần Trọng Phi - cựu sinh viên ngành Công nghệ chế tạo máy Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp (Đại học Thái Nguyên), hiện nay đang là Trưởng phòng Thiết kế Khuôn mẫu công ty Doorien Vina.
Kỹ sư Trần Trọng Phi - cựu sinh viên ngành Công nghệ chế tạo máy Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp (Đại học Thái Nguyên). Ảnh: NVCC.
Anh Phi chia sẻ: "Hồi đang học cấp III, sau những buổi tham gia hướng nghiệp cũng như làm quen, tìm hiểu với rất nhiều ngành nghề, tôi nhận thấy bản thân mình khá phù hợp với nghề cơ khí nên cũng quyết tâm thi vào mặc dù biết theo nghề này sẽ vất vả, lấm lem dầu mỡ suốt ngày.
Ngay cả khi đang còn ngồi trên ghế trường đại học tôi cũng nghĩ sau này suốt ngày sẽ làm việc nặng nhọc, chân tay dính đầy dầu mỡ công nghiệp, nhưng đã chọn và yêu nghề này nên tôi càng quyết tâm học thật tốt.
Nhưng thực tế từ khi ra trường tôi mới hiểu rằng nghề cơ khí không như tôi nghĩ, với công nghệ ngày càng phát triển nên công việc này gần như chỉ vận hành máy móc, điều khiển qua máy tính. Bản thân công việc hiện nay của tôi là thiết kế khuôn mẫu hoàn toàn trên máy tính, cả ngày sạch sẽ chứ không động chạm gì đến máy móc dầu mỡ.
Có thể hiểu công việc tôi làm là Thiết kế khuôn mẫu đúc linh kiện ô tô theo yêu cầu của khách hàng và công ty, việc thiết kế bản vẽ khuôn 3D được thực hiện trên máy tính rồi sau đó chuyển sang công ty mẹ bên Hàn Quốc chế tạo, đây sẽ là những khuôn dùng để đúc ra các loại linh kiện.
Khi nhận được một mẫu sản phẩm, tôi sẽ kiểm tra kỹ thuật rồi tiến hành thiết kế khuôn 3D trên máy tính để đúc ra sản phẩm đó, cũng như phản hồi, trao đổi lại với khách hàng, chỉnh sửa và chuyển lại cho bộ phận đúc khuôn thực tế tại Hàn Quốc".
Đây là một nghề đòi hỏi sự tinh tế quan sát, tỷ mỉ, có thể nói không phải ai học xong cũng làm được thiết kế khuôn mẫu kỹ thuật, mà điều quan trọng nhất trong việc này là phải thật sự yêu nghề, ham học hỏi, cẩn thận, có tư duy kỹ thuật tốt.
Anh Phi cho biết: "Hiện tại tôi đã làm công việc thiết kế này được hơn 3 năm kể từ khi tốt nghiệp đại học. Nhớ lại ngày đầu ra trường, tôi nộp hồ sơ xin việc ở một số công ty lớn chuyên về cơ khí và hầu hết là doanh nghiệp nước ngoài.
Qua vòng phỏng vấn nhân sự, đến phần thi kỹ thuật tôi được giao vẽ thử sản phẩm trên máy tính là một chi tiết cơ khí từ dạng 2D rồi dựng lên 3D, bài thi này tôi thực hiện khoảng 15 phút trước sự chứng kiến của nhiều nhân viên và trưởng phòng kỹ thuật, kết quả rất tốt và được nhà tuyển dụng đánh giá cao.
Vòng cuối cùng, tôi được Tổng giám đốc công ty phỏng vấn bằng tiếng Anh mọi vấn đề liên quan đến công việc, kỹ thuật...Ngay sau buổi nói chuyện đó tôi đã nhận được quyết định vào làm việc.
Trong thời gian 2 năm đầu tiên làm việc tại công ty, tôi được một kỹ sư người Hàn Quốc đào tạo trực tiếp với rất nhiều kiến thức, từ những kỹ thuật vẽ cơ bản linh kiện nhỏ, hiểu tất cả các linh kiện trong một bộ khuôn, học về các tiêu chuẩn khuôn, cách thể hiện bản vẽ, tính độ dung sai, học và hiểu các đặc tính của kim loại, của nhựa, độ co ngót giãn nở vật liệu...
Thời gian đầu, vì chưa nắm chắc được hết kiến thức công việc nên làm sai khá nhiều lỗi thiết kế, qua những lần đó bản thân tôi cũng đã rút được rất nhiều kinh nghiệm, vừa làm vừa học, được các thầy động viên, tôi tìm hiểu kỹ những lỗi đó để tránh mắc phải, tất nhiên không có gì là tuyệt đối nhưng nhờ cẩn thận tỷ mỉ mà tôi đã dần trưởng thành hơn trong công việc".
Theo Kỹ sư Phi: "Tôi có thể tự hào nói rằng bản thân mình là người Việt nhưng lại nằm trong số rất ít người có thể thiết kế được những khuôn, mẫu có nhiều chi tiết nhỏ như vậy". Ảnh: NVCC.
Cần phải có tư duy kỹ thuật tốt
Anh Phi chia sẻ thêm: "Để trở thành một kỹ sư thiết kế cơ khí, đầu tiên cần có tư duy tưởng tượng cũng như tư duy kỹ thuật tốt, phải thật cẩn thận từng chút một bởi mỗi ngày phải xử lý hàng nghìn bản vẽ chi tiết, ngoài ra thật chăm chỉ, chịu khó học hỏi.
Có thể nói hiện nay tôi và các nhân viên phòng Thiết kế Khuôn mẫu được các chuyên gia, kỹ sư người hàn Quốc nhận xét khá tốt, họ nói nhưng bản vẽ và khuôn mẫu do chúng tôi thiết kế ra giống như của những người đã làm việc này 10 năm, bản thân tôi cũng rất vui vì điều đó.
Tôi có thể tự hào nói rằng bản thân mình là người Việt nhưng lại nằm trong số rất ít người có thể thiết kế được những khuôn, mẫu có nhiều chi tiết nhỏ như vậy, thậm chí tôi đã thiết kế khuôn mẫu có kích thước nhỏ 2 mm.Ngoài việc được các kỹ sư người Hàn Quốc trực tiếp đào tạo tại công ty, còn lại tất cả kiến thức cơ bản về nghề mà tôi có là do được đào tạo ở trong trường đại học.
Hiện tại, ở Việt Nam cũng có nhiều kỹ sư thiết kế làm việc tại một số công ty đúc khuôn mẫu nhưng hầu hết là những sản phẩm rất to và đơn giản.
Điều này theo tôi nghĩ nó cũng được quyết định rất nhiều bởi lúc chọn ngành nghề theo học, bản thân tôi biết có nhiều bạn học xong khi ra trường mới nói rằng: Hóa ra mình không phù hợp với ngành này, biết thế chọn ngành khác từ đầu...Tôi may mắn hơn là đã suy nghĩ, tự hiểu rõ bản thân và đã chọn được đúng ngành đúng nghề.
Học cùng khóa ra trường với tôi thì hiện nay các bạn đều có vị trí việc làm khá tốt tại các khu công nghiệp, tôi thấy học trường nào không quan trọng bằng điều cốt lõi là phải hiểu và chọn đúng ngành nghề, học tập thật nghiêm túc để có kiến thức thật phục vụ công việc sau này".
Tài chính kế toán ngành học cũ không bao giờ hết "hot" Mọi hoạt động của các đơn vị, tổ chức kinh doanh đều cần sự tham gia của kế toán, kiểm toán. Bởi vậy, không mới nhưng đến nay, ngành Kế toán - Kiểm toán vẫn còn nguyên sự hấp dẫn với các bạn trẻ. Sinh viên ngành Tài chính - Kế toán cần được tiếp cận những cơ hội trải nghiệm thưc tế...