Nữ sinh Ý khởi xướng chiến dịch đòi quyền được đi học giữa mùa Covid-19
Tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 khiến nhiều trường học ở Ý phải đóng cửa trong một thời gian dài. Một nữ sinh 12 tuổi đã cất lên tiếng nói đòi quyền được đi học.
Thời tiết rét buốt cùng tuyết rơi dày trong những ngày gần đây ở phía Bắc thành phố Turin ( Italia) vẫn không ngăn được quyết tâm và sự kiên trì của cô bé Anita Iacovelli nhằm phản đối việc đóng cửa trường học của chính quyền thành phố.
Cô bé Anita cùng bạn của mình đang ngồi học bài ngay bên ngoài cổng trường.
Kể từ ngày 6/11 khi mà toàn bộ trường học trên địa phàn thành phố phải đóng cửa do sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19, cô nữ sinh 12 tuổi này với đầy đủ đồ bảo hộ gồm mũ, găng tay, khẩu trang che mặt luôn được nhìn thấy ngồi bên ngoài cổng trường phổ thông Italo Calvino mỗi ngày và chăm chú học bài qua mạng với chiếc máy tính bảng của mình. Đằng sau lưng cô là tấm biển đề dòng chữ “Đến trường để học là quyền của chúng em” .
Thời gian đầu thì sự phản đối này diễn ra trong lẻ loi đơn độc. Thế nhưng không lâu sau đó, cô bé Anita nhận được sự hưởng ứng tham gia của cô bạn thân Lisa Rogliatti và nhiều người bạn cùng trường của mình, để rồi giờ đây sáng kiến này đã được lan tỏa trên khắp đất nước Italia.
Mặc dù đến trường lúc này không phải là một ý tưởng hoàn toàn đúng đắn, thế nhưng đối với trẻ em thì chúng chỉ đơn giản muốn được quay trở lại trường sau nhiều tháng trời bị “giam cầm” trong 4 bức tường với những bài học khô khan qua màn hình máy tính.
“Cách đây mấy tháng khi được nghe nhà trường thông báo là trường học phải đóng cửa vì Covid-19, học sinh chúng em đứa nào cũng vui vì được thoát khỏi những kỳ thi căng thẳng đã được lên lịch”, Anita nói.
“Nhưng rồi thì tình hình dịch bệnh cứ ngày một kéo dài trong khi chúng em cảm thấy mệt mỏi và chán nản vì phải ở nhà quá lâu”.
Video đang HOT
Học sinh ở thành phố Turin ngồi bên ngoài cổng trường để học bài, đồng thời biểu thị mong muốn trường học được mở cửa trở lại.
Trường học ở Italia đã mở cửa trở lại từ tháng 9 sau hơn 6 tháng trong tình trạng “cửa đóng then cài” để đối phó với coronavirus. Thế nhưng chỉ vài tuần sau đó, tất cả các lớp thuộc khối phổ thông trung học lại thêm một lần nữa phải chuyển lên “mây” khi làn sóng Covid-19 lần 2 tấn công nước Ý trở lại.
“Chúng em không sợ phải quay lại trường học bởi đó là một nơi an toàn. Và được nhìn thấy nhau, học cùng nhau, vui đùa với nhau là mong muốn của học sinh chúng em”, Anita bày tỏ.
Hình thức học trực tuyến đã cho thấy có nhiều bất cập. “Chúng em gặp rất nhiều vấn đề như mất kết nối, trục trặc kỹ thuật,… Nhiều bạn mất tập trung và không thể theo kịp bài giảng khi phải ngồi quá lâu trước màn hình máy tính.
Thế nhưng vấn đề lớn hơn cả đó là nhiều học sinh không có mạng internet để học online hoặc bố mẹ không có khả năng giúp đỡ con cái việc học khi chúng phải ở nhà”.
Học sinh tại Italia phải học theo hình thức trực tuyến trong suốt một thời gian dài do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Hành động phản ứng này của giới trẻ đã khiến bà Lucia Azzolina, Bộ trưởng Giáo dục quan tâm. Bà đã gọi điện thoại cho Anita bày tỏ sự thấu hiểu và cam kết sẽ làm mọi thứ để trường học được mở cửa trở lại càng sớm càng tốt.
“Thông điệp mà em muốn chuyển tới các vị có trách nhiệm là: Trường học là nơi an toàn”, Anita nói. “Chúng em đã, đang và sẽ luôn đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, và đảm bảo cửa sổ các phòng học sẽ luôn được mở”.
Chính quyền Italia đang áp dụng những yêu cầu khắt khe lên khắp đất nước trong nỗ lực chống dịch. Những địa phương bị đặt trong mức độ “vùng đỏ” thì người dân chỉ được phép ra ngoài với những lý do như: cấp cứu, có vấn đề về sức khỏe, hoặc những công việc được cấp phép. Toàn bộ quán bar và nhà hàng đều phải đóng cửa. Và trường học cũng không phải là ngoại lệ.
Hành động phản đối việc đóng cửa trường học do Anita khởi xướng giờ đây đã trở thành một phong trào rộng khắp mang tên “Ưu tiên cho Trường học” (Priority for School) thu hút sự tham gia không chỉ của học sinh mà còn cả giáo viên và phụ huynh trên khắp cả nước nhằm kêu gọi sự đầu tư cho giáo dục ngay cả trong thời điểm dịch bệnh.
Từ sáng kiến ban đầu do Anita khởi xướng, giờ đây phong trào đòi hỏi việc mở cửa trường học đã thu hút đông đảo giáo viên và phụ huynh cùng tham gia.
Anita cho biết, cô được truyền cảm hứng từ phong trào biểu tình kêu gọi chống lại tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu do nhà hoạt động môi trường tuổi teen người Thụy Điển Greta Thunberg khởi xướng từ năm 2018.
“Khi lớn lên, em muốn thúc đẩy việc xây dựng những chính sách dành riêng cho trường học nhằm trả lại tầm quan trọng của môi trường học đường trong sự phát triển của xã hội’, Anita bày tỏ.
Chuyển đổi số theo nhu cầu dạy và học
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đi theo hướng thống nhất công nghệ thay vì riêng rẽ như trước - thống nhất nhưng không tạo ra độc quyền
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đưa ra ưu tiên cấp bách hiện nay là phải đổi mới giáo dục thông qua chuyển đổi kỹ thuật số nhằm giảm thiểu tình trạng bị gián đoạn giáo dục trong tương lai (như trong mùa đại dịch Covid-19 phải đóng cửa trường học, dạy học từ xa...).
Thống nhất công nghệ dùng chung
Về vấn đề này, Sở GD-ĐT TP HCM cũng yêu cầu các trường chuyển đổi số (CĐS) ngay từ cấp học đầu tiên, đặc biệt là khối phổ thông. CĐS sẽ giúp nhà trường tối ưu hóa công tác quản lý, giáo án điện tử, học bạ điện tử, sổ liên lạc điện tử, sổ chủ nhiệm..., đồng thời trang bị nhiều kỹ năng số cần thiết cho học sinh (HS) khi chuyển sang môi trường đại học và làm việc chuyên nghiệp.
Theo TS Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (CNTT) - Bộ GD-ĐT, CĐS ngành GD-ĐT hiện còn gặp khó khăn, cần hoàn thiện như: trang thiết bị CNTT, đường truyền, dịch vụ internet cho nhà trường, giáo viên (GV), HS - đặc biệt ở các vùng xa, vùng khó khăn - còn thiếu, lạc hậu, chưa đồng bộ, nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu cho CĐS. Điều này dẫn đến sự bất bình đẳng về cơ hội học tập, tiếp cận kiến thức giữa HS, sinh viên ở các vùng miền. Ngoài ra, thu thập, chia sẻ, khai thác dữ liệu quản lý giáo dục và học liệu số cần hành lang pháp lý chung phù hợp với các quy định về bản quyền tác giả, sở hữu trí tuệ, an ninh thông tin, giao dịch điện tử và luật chia sẻ cung cấp thông tin.
Ông Phạm Thế Trường, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam, cho rằng cách làm của Bộ GD-ĐT trong CĐS được đánh giá là đang đi đúng hướng và cụ thể. Bộ đã xây dựng được cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về giáo dục tập trung và thống nhất có ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và Big Data. Đây là CSDL dùng chung và gồm toàn bộ hệ thống giáo dục cả nước, cho tới cả nhóm trẻ gia đình, mỗi cơ sở giáo dục và quản lý giáo dục đều được cấp tài khoản truy cập CSDL quốc gia về giáo dục. Mỗi HS, sinh viên đều có mã định danh và sử dụng vĩnh viễn trong xã hội học tập suốt đời. Bộ đang đi theo hướng thống nhất công nghệ thay vì riêng rẽ như trước - thống nhất nhưng không tạo ra độc quyền. Tất cả ứng dụng phần mềm dù do nơi nào phát triển cũng đều phải tương thích và liên thông với nền tảng khung của bộ, kết nối với CSDL giáo dục quốc gia. Vì vậy, GV và cán bộ quản lý giáo dục được giải thoát khỏi tình trạng phải nhập dữ liệu riêng rẽ cho từng ứng dụng. Ông Phạm Thế Trường cũng cho biết Bộ GD-ĐT về cơ bản đã chấp thuận đề xuất của Microsoft để pháp lý hóa các văn bản, tài liệu số ngay từ cấp GV. Chẳng hạn như sổ liên lạc điện tử, học bạ điện tử... khi cần có thể in ra giấy và được GV, nhà trường ký xác nhận là có giá trị pháp lý.
Chia sẻ tại "Ngày hội Công nghệ giáo dục" do Microsoft Việt Nam và Sở GD-ĐT TP HCM phối hợp tổ chức tại TP HCM ngày 28-10, ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục CNTT, cho rằng Bộ GD-ĐT không tiếp cận CĐS theo công nghệ mà xác định CĐS theo việc dạy, học, kiểm tra - thi cử... để có giải pháp phù hợp, tránh lạm dụng hay cưỡng ép về công nghệ.
Đề án Hệ tri thức Việt số hóa cho phép cộng đồng tham gia biên soạn, đóng góp học liệu số lên kho dùng chung Ảnh: BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Xây dựng kho học liệu số
Để phát triển giáo dục số, các giải pháp ứng dụng CNTT vào quản lý và giảng dạy đang được triển khai tại nhiều tỉnh - thành, bước đầu gặt hái nhiều thành tựu đáng kể. Cục CNTT cho biết ngành đã xây dựng được hệ thống CSDL của gần 53.000 trường học các cấp, 25 triệu HS và 1,5 triệu GV và cán bộ quản lý giáo dục.
Trong thời gian sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức cuộc thi toàn quốc về xây dựng các bài giảng điện tử để xây dựng kho học liệu số dùng chung. Đề án Hệ tri thức Việt số hóa (itrithuc) do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì cùng với Bộ GD-ĐT và các đối tác tài trợ đang xây dựng một nền tảng kho học liệu số trực tuyến. Hệ thống này sẽ thu thập, lựa chọn, chia sẻ học liệu số dùng chung, cung cấp nguồn học liệu số phong phú, tin cậy góp phần triển khai ứng dụng CNTT đổi mới nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, đặc biệt phục vụ dạy học trực tuyến. Hệ thống cũng cho phép cộng đồng tham gia biên soạn, đóng góp học liệu số lên kho dùng chung. Với những bài giảng e-learning sinh động, HS ở những khu vực khó khăn có thể được học những bài giảng của thầy cô dạy giỏi ở thành thị, mang lại sự công bằng trong tiếp cận nội dung giáo dục có chất lượng của người học giữa các vùng miền.
Đến nay, dự án này đã hoàn thành phần mềm nền tảng thu thập và chia sẻ dữ liệu trên địa chỉ igiaoduc.vn và cập nhật gần 5.000 bài giảng e-learning (do GV xây dựng), hơn 2.000 bài giảng trên truyền hình và hệ thống ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm trực tuyến.
Phải chính thức hóa tỉ lệ học trực tuyến
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, hiện doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có thể giải quyết hầu hết bài toán mà ngành GD-ĐT có thể đặt ra, sẵn sàng đáp ứng xu thế của đào tạo tương lai, thời gian đào tạo ngắn hơn, thực tế hơn, nội dung bám sát những kiến thức, kỹ năng cần thiết, học từ thực tiễn với mô hình "On-the-job-training" và học tập suốt đời. Bộ GD-ĐT nên cân nhắc thay đổi một số quy định để chính thức hóa tỉ lệ học trực tuyến, ví dụ 15%-30% cả khi không còn dịch Covid-19.
Đại dịch Covid-19: Giải quyết những thách thức trong giáo dục Gần 80% người đi học trên thế giới, tương đương 1,3 tỷ trẻ em và thanh thiếu niên bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa trường học ở 138 quốc gia nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19. Đối với tất cả các quốc gia, việc tránh làm gián đoạn việc học trong chừng mực có thể là ưu tiên...