Nữ sinh trường Ams hé lộ bí kíp “cày” phim buổi tối mà vẫn đạt học bổng 100% tại Đại học VinUni
Không đi học thêm, không luyện đề miệt mài, thậm chí Khánh Linh còn dành nguyên buổi tối để “cày” những bộ phim yêu thích mà vẫn đạt được thành tích cao là nhờ áp dụng phương pháp học tập khoa học.
Nguyễn Khánh Linh, SN 2004, sinh sống tại Hà Nội từng là cựu học sinh lớp chuyên Anh trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam. Tháng 10 tới, em sẽ bắt đầu cuộc sống Đại học tại VinUni với gói học bổng 100%, trị giá 3,2 tỷ đồng. Chuyên ngành mà nữ sinh theo học là Hospitality Management (Quản trị Nhà hàng, khách sạn). Khánh Linh chia sẻ, bản thân không đạt nhiều thành tích nổi bật nhưng vẫn giành được suất học bổng tuyệt đối bởi em có những hoạt động ngoại khóa đa dạng.
TÌM ĐƯỢC NIỀM ĐAM MÊ ĐÍCH THỰC TỪ LOẠT HOẠT ĐỘNG “XỊN SÒ”
Ở tuổi 17, khi mới là học sinh lớp 11, Khánh Linh đã tham gia hàng loạt các hoạt động ngoại khóa ở nhiều lĩnh vực với vị trí, vai trò khác nhau. Em từng là Quản lý nhân sự tại Alpha College Prep – Tổ chức giáo dục cố vấn săn học bổng và tại CLB Englissh Performance.
Bên cạnh đó, em còn là Trưởng ban Nhân sự chương trình nhạc kịch bằng tiếng Anh lâu đời nhất tại trường Ams; tổ chức thành công nhạc kịch lần thứ 11 “Deadbeat the Musical” tại Nhà hát Tuổi trẻ Hà Nội với gần 600 người tham dự; Trưởng ban Truyền thông tại dự án Blooming Project – dự án về tâm lý học đường; Trưởng ban Truyền thông dự án Eco Wander – dự án hướng tới Thập kỷ Liên Hợp Quốc về hồi phục hệ sinh thái, tập trung xây dựng lối sống bền vững. Ngoài ra, Khánh Linh còn tham gia nhiều dự án cộng đồng lớn tại Hà Nội như: RISE Hanoi, IVMUN, Ams Writers’s Guild,…
Chân dung Nguyễn Khánh Linh – từng là cựu học sinh trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam.
Khi được tham gia các dự án cộng đồng, Khánh Linh có cơ hội được gặp gỡ mọi người, tiếp xúc với nhiều background (lai lịch) khác nhau. Việc lắng nghe những chia sẻ về kiến thức, trải nghiệm cuộc sống đã giúp nữ sinh mở rộng tư duy, góc nhìn về xã hội. Chính việc tham gia các hoạt động ngoại khóa đã thôi thúc Khánh Linh chọn chuyên ngành Hospitality Management – một ngành học mở ra cơ hội được gặp gỡ, tiếp xúc và phục vụ nhiều người đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau.
Quyết định theo học Hospitality Management tại VinUni thay vì đi du học ở các nước phát triển du lịch như Thụy Điển, Mỹ, Hà Lan, Pháp; lý giải về điều này, Khánh Linh chia sẻ: “Em lựa chọn VinUni vì trường trang bị cho sinh viên những môn học đặc thù như: Quản lý nhà hàng, Nhập môn rượu vang thế giới,… Đây còn là môi trường sinh viên có nhiều trải nghiệm thực tế, được mài giũa kỹ năng mềm qua các phương pháp học như: Học tập theo nhóm, thực hành trong trường, học qua mô phỏng,… Học đến đâu, trải nghiệm tới đó sẽ giúp em nâng cao được kiến thức cùng kỹ năng rất nhiều.
Khi đi học, em cũng sẽ được trải nghiệm như đi làm bởi có các chương trình thực tập liên kết với chuỗi nhà hàng, khách sạn lớn ở Việt Nam cũng như trên thế giới như: Marriott, Vinpearl,… Điều thứ hai mà em quyết định chọn ngành học này tại VinUni là vì em sẽ có cơ hội đi du lịch nhiều, được mở mang tầm hiểu biết”.
Chính những hoạt động ngoại khóa đã giúp nữ sinh tìm ra được đam mê đích thực.
Trong các dự án ngoại khóa, Khánh Linh tâm đắc nhất với Booming Project – nơi mà em đảm nhiệm chức vụ Trưởng ban Truyền thông. Tên gọi của dự án bắt nguồn từ một câu nói, đó cũng là phương châm sống của em: “Whenever life plants you, bloom with grace”. (Tạm dịch là: Dù hoàn cảnh sống như thế nào, hãy luôn tỏa sáng và sống theo cách của riêng bạn).
Booming Project là dự án về tâm lý học đường. Khánh Linh cùng các cộng sự đã giúp các bạn học sinh cấp 2, cấp 3 vượt qua áp lực học tập, sự kỳ vọng của thầy cô và gia đình. Nữ sinh đã giúp các bạn nói lên được tiếng lòng của mình, giúp các bạn cảm thấy được đồng cảm và không còn cảm giác cô đơn. Các hoạt động chính diễn ra bao gồm: Thực hiện chuỗi bài viết, xây dựng video phỏng vấn,…
Dự án kéo dài 7 – 8 tháng và đạt được hiệu quả truyền thông nhất định. Khởi động từ con số 0 mà chỉ sau một thời gian, fanpage của dự án do Khánh Linh quản lý và điều hành đạt 10.000 like. Dự án không chỉ có tác dụng “chữa lành” đối với người khác mà còn giúp em nhận ra nhiều bài học quý giá, đó là: Lòng kiên trì, cách vượt qua giới hạn bản thân, cách đồng cảm,…
DÀNH TRỌN VẸN BUỔI TỐI CHO SỞ THÍCH RIÊNG MÀ VẪN ĐẠT KẾT QUẢ HỌC TẬP CAO
Khánh Linh chia sẻ, em học rất ít, gần như không đi học thêm ở bất kỳ lớp học hay trung tâm ôn luyện nào. Vào năm cuối THPT, em chỉ học môn Toán cùng gia sư tại nhà. Buổi sáng, em tham gia các tiết học ở trường, buổi chiều giành thời gian tự học và xây dựng hồ sơ “apply” học bổng còn buổi tối thỏa sức làm những điều bản thân yêu thích. Thời gian học không nhiều nhưng em vẫn đạt GPA 9,5; IELTS 8.0.
Video đang HOT
Nữ sinh Hà Nội chia sẻ: “Vào buổi tối, em thường xem phim Hàn Quốc và ghi lại cảm nhận vào một cuốn sổ riêng. Cách làm đã giúp em rèn được khả năng truyền đạt trôi chảy hơn. Điều này đã được kiểm chứng qua môn Văn trên lớp, điểm số của em cải thiện rõ rệt. Review (nêu cảm nhận) là cách nhìn lại, suy nghĩ về bộ phim theo quan điểm, góc nhìn riêng của bản thân giúp nhớ những bài học trong phim lâu hơn, sâu sắc hơn.
Khánh Linh dành nguyên buổi tối để làm những việc bản thân yêu thích.
Bên cạnh sở thích đó, em còn dành thời gian tập thể dục để có một sức khỏe tinh thần tốt. Ngoài ra, vào cuối tuần, em sẽ cùng các bạn đi xem triển lãm tranh để hiểu hơn về hội họa, giúp mài giũa tư duy thẩm mỹ. Học ít nhưng vẫn đảm bảo chất lượng nên bố mẹ hoàn toàn ủng hộ nhưng sở thích của em. Bố mẹ tin vào khả năng tự học của em.
Theo em, để có được tinh thần tự học tốt thì mỗi người cần tự biết thúc đẩy bản thân, đặt ra những quy tắc cho mình. Việc chấp hành sẽ tạo nên tính kỷ luật cao, giúp bản thân học tập hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, tự học rèn cho em phẩm chất đáng quý như: Tính kiên trì, sự tập trung cao độ, khát khao khám phá kiến thức. Khi được mài giũa các kỹ năng đó thì việc học sau này trở nên thú vị và nhẹ nhàng hơn rất nhiều”.
Về việc tham gia hoạt động ngoại khóa, thay vì đầu tư thời gian để đạt giải trong kỳ thi HSG cấp thành phố hay cấp quốc gia, Khánh Linh cho biết: “Tham gia thi tuyển khiến em mất sức mà không đem lại kết quả cao so với công sức và thời gian bỏ ra. Còn khi tham gia hoạt động ngoại khóa, em cảm thấy bản thân phát triển rất nhiều, không chỉ về kiến thức mà còn về cả kỹ năng. Và điều quan trọng nhất khi thực hiện hoạt động ngoại khóa là em đã tạo ra được những thay đổi tích cực đối với cộng đồng, xã hội”.
Theo nữ sinh, khả năng tự học sẽ giúp chúng ta chinh phục những mục tiêu lớn.
NHỮNG MẸO HỌC TẬP ĐƠN GIẢN MÀ HIỆU QUẢ!
Học ít nhưng vẫn đạt kết quả tốt bởi Khánh Linh luôn có cho mình những mẹo học tập hữu ích. Khi học trên lớp, em luôn tập trung cao độ, đặt ra nhiều nhiều câu hỏi cho thầy cô và bạn bè để nâng cao kiến thức. Em luôn cố gắng nắm vững bài học để khi về nhà không mất thời gian xem lại, có nhiều cơ hội thực hành để khác sâu kiến thức.
“Chẳng hạn như môn Ngữ văn, thay vì học thuộc lại tên tác giả, ý nghĩa tác phẩm thì chúng ta có thể bắt tay vào phân tích, cảm thụ văn học luôn. Hay như môn Toán, thay vì học thuộc công thức thì nếu đã nghe giảng kỹ trên lớp thì có thể làm các dạng đề khác nhau”, nữ sinh trường Ams cho biết.
Về môn tiếng Anh, Khánh Linh 2 phương pháp học là Active recall và Spaced repetition để tiếp thu tốt hơn. Active recall là việc ghi nhớ từ vựng một cách chủ động qua việc xem hình ảnh, flashcard hoặc áp dụng vào một câu văn, ngữ cảnh. Còn Spaced repetition là cách “lặp đi lặp lại” để nhớ các từ. Trong thời gian học IELTS, sau 1 tháng Khánh Linh sẽ đọc lại lượng từ vựng một lần, mỗi lần khoảng 1000 – 1500 từ.
Ngoài ra, nữ sinh dành nhiều thời gian rèn luyện kỹ năng Nói và kỹ năng Viết. Về kỹ năng Nói, em đã cùng học với một người bạn để cải thiện trình độ. Việc có người học cùng để đặt câu hỏi chứ không phải độc thoại sẽ giúp bản thân làm quen với việc thi thật. Em đưa ra lời khuyên cho các bạn đang dự định thi IELTS có thể tìm một người bạn học trong lớp hoặc bạn trên các group Tiếng Anh để cùng nhau ôn luyện.
Về kỹ năng Viết, Khánh Linh thường chia thành chủ đề khác nhau và học từ vựng theo chủ đề. Em cố gắng viết bài luận thật nhiều để cải thiện kỹ năng này. Một mẹo nhỏ là trước khi viết sẽ để ra 5 phút để gạch ra ý chính, những từ vựng sẽ sử dụng trong bài. Điều này giúp bản thân có thêm vài ý tưởng thú vị và vốn từ vựng sử dụng được nâng cấp.
Dù nắm được phương pháp học tập khoa học cùng khả năng phân bổ thời gian hợp lý nhưng cũng như bao bạn khác, Khánh Linh không tránh khỏi việc rơi vào áp lực hay gặp sự cố. Những khi hoạt động ngoại khóa diễn ra trùng với lịch thi, em luôn “đau đầu” lựa chọn 1 trong 2 điều đó. Những lúc này, em phải phân tích hoạt động nào quan trọng hơn để dành thời gian ưu tiên.
“Em cho rằng, chỉ cần biết được mình mạnh ở phần nào sẽ giúp chúng ta tìm được phương án làm nổi bật bộ hồ sơ và chính bản thân mình”, Khánh Linh cho biết.
Hay một sự cố khác khiến Khánh Linh “hú hồn” là khi chỉ còn 3 ngày nữa đóng đơn nhận hồ sơ tại Đại học VinUni thì em phát hiện ra sai lầm tai hại. Đó là ý tưởng trong bài luận của em đã được một đơn vị nổi tiếng về du lịch thực hiện trước đó. Em đã rơi vào trạng thái hoảng sợ, hoang mang. Nhưng may mắn bên em luôn có một mentor (người cố vấn) động viên kịp thời.
Khánh Linh kể lại sự cố nhớ đời ấy: “Người cố vấn liên tục động viên tinh thần rằng em sẽ làm được giúp em an tâm phần nào. Sau đó, em đã dốc sức để nghĩ ra ý tưởng mới và hoàn thiện bài luận. Ý tưởng ban đầu của em hoa mỹ hơn nhưng điều em nhớ lại sau thử thách đó là sự nỗ lực trong 3 ngày cuối. Em tự hào về bản thân và biết ơn mentor rất nhiều”.
Nữ sinh trường Ams cho biết, để “apply” vào VinUni cần bảng tích học tập, hoạt động ngoại khóa và bài luận. Khánh Linh đã chia các khoảng thời gian để thực hiện công việc một cách tốt nhất. Lớp 11, em đăng ký thi IELTS và thực hiện các hoạt động ngoại khoá. Đến lớp 12, em dành thời gian hoàn thành hồ sơ và viết luận nên mọi thứ diễn ra suôn sẻ, không bị cập rập.
Mỗi phần trong bộ hồ sơ đều quan trọng và thể hiện được tổng thể con người. Nếu như điểm số, giải thưởng các cuộc thi thể hiện khả năng học thuật thì việc tham gia hoạt động ngoại khóa sẽ giúp bản thân hoàn thiện được nhiều kỹ năng hữu ích. “Em không có giải quốc gia, quốc tế nhưng có nhiều hoạt động ngoại khóa nổi bật xoay quanh các lĩnh vực khác nhau, đa dạng chức vụ giúp em “ẵm” được suất học bổng giá trị. Em cho rằng, chỉ cần biết được mình mạnh ở phần nào sẽ giúp chúng ta tìm được phương án làm nổi bật bộ hồ sơ và chính bản thân mình”, Khánh Linh cho biết.
Nam sinh điển trai giật học bổng 4,5 tỷ của VinUni: Mơ ước làm bác sĩ từ bé, quan niệm học nhiều không bằng học đủ
Ước mơ trở thành bác sĩ của Ngọc Minh bắt nguồn từ những câu chuyện của mẹ. Và ước mơ ấy càng ngày càng trở nên gần hơn khi Minh xuất sắc giành được suất học bổng Y Khoa của VinUni.
Nhắc đến trường "đại học nhà người ta" tại Việt Nam chúng ta không thể nào không đề cập đến trường đại học VinUni. Đây được coi là ngôi trường trong mơ của rất nhiều học sinh, sinh viên không chỉ bởi cơ sở vật chất khang trang mà còn vì những kiến thức tinh hoa và cơ hội rộng mở mà ngôi trường này mang lại.
Đây cũng chẳng phải nơi cứ có tiền là học được, bởi lẽ để đạt được học bổng tại đây, bạn phải "chiến đấu" với rất nhiều những nhân vật xuất sắc trong và ngoài nước, đồng thời phải vượt qua được loạt tiêu chuẩn đánh giá vô cùng khắt khe. Nổi bật trong số những chiến binh giành được học bổng năm nay của trường VinUni chính là cậu bạn Nguyễn Phan Ngọc Minh (sinh năm 2004, Hà Nội).
Một số thành tích nổi bật của Ngọc Minh:
- IELTS 8.0
- Giải Vàng Olympic Phát minh và Sáng chế Thế giới (WICO) 2020
- UCAT Top 8% 2021 AP Bio 4, AP Bio 5
- AS level AAA
- Đồng tác giả của 2 bài báo khoa học
Ngay khi vào lớp 6, Ngọc Minh đã theo học trường Vinschool. Tuy nhiên, cậu bạn đã chuyển sang học hệ Cambridge từ lớp 9. Hiện tại, Ngọc Minh đang là chủ nhân của suất Học bổng 90% để theo học chuyên ngành Bác sĩ Y khoa tại VinUniversity.
Nuôi đam mê với nghề bác sĩ từ những câu chuyện mẹ kể hồi nhỏ và hành trình nhận được học bổng của Vinuni
Ngay từ những năm cấp 1, Ngọc Minh đã có cho mình một tình yêu đặc biệt với các môn học liên quan đến Khoa học và Toán. Không chỉ thế, mẹ của Ngọc Minh còn thường hay kể vô vàn câu chuyện về những người thầy thuốc tận tâm. Từ những câu chuyện đó của mẹ đã vun đắp lên khát khao trở thành một người bác sĩ trong Ngọc Minh.
"Bản chất của ngành Y là áp dụng khoa học kỹ thuật để giúp đỡ cộng đồng, mình thấy được sự phù hợp của bản thân với ngành nghề này. Nó không phải là sở thích nhất thời trong ngày một ngày mai, mà là cả quá trình dài để lấp dần đầy lên tình yêu với nghề.
Ngay từ bé, mình đã khắc sâu những lời mẹ nói về việc 'lương y như từ mẫu' , điều đó khiến bản thân nỗ lực hơn rất nhiều trong hành trình chạm đến ước mơ ", Ngọc Minh chia sẻ.
Có thể nói, Ngọc Minh đã tìm thấy được móc xích chung giữa bản thân với công việc này. Đặc biệt là trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19, khi chứng kiến những y, bác sĩ xung phong lên đường vào miền Nam chống dịch càng khiến cậu bạn yêu công việc này hơn.
Để theo đuổi đam mê với nghề bác sĩ, Ngọc Minh đã bắt tay ngay vào việc thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học của bản thân. Thật không sai khi nói rằng cậu bạn chính là một "nhà nghiên cứu trẻ" đầy tiềm năn".
Trong suốt 3 năm học THPT, Ngọc Minh được lựa chọn vào Trung tâm Tư vấn & Phát triển tài năng của Vinschool (GATE Center). Minh đã được tạo cơ hội tham gia vào các dự án nghiên cứu tại Viện Hóa Sinh Biển, Viện Hàn lâm Khoa học - Công nghệ Việt Nam dưới sự hướng dẫn của các Tiến sĩ, chuyên gia đầu ngành.
Hai dự án nghiên cứu mà Minh tham gia thực hiện đã được xuất bản trên các tạp chí khoa học. Không những thế, cậu bạn còn mang về khá nhiều thành tích xuất sắc trên trường quốc tế về cho nước nhà. Trong đó có Giải Vàng tại cuộc thi Olympic Phát minh và Sáng chế Thế giới (WICO) 2020. Để đạt được thành công đó, cậu bạn đã đi nghiên cứu rất nhiều sách báo liên quan đến lĩnh vực Y khoa của Bộ Y tế Anh và Bộ Y tế Việt Nam.
Những thành tích mà Minh sở hữu rất có lợi trong quá trình xét học bổng du học. Song, cậu bạn vẫn quyết định chọn trường VinUni. Chia sẻ về hành trình này, Ngọc Minh cảm thấy ấn tượng nhất với vòng phỏng vấn:
"Mình chỉ có một tuần ít ỏi để chuẩn bị cho buổi phỏng vấn nên phải tập trung toàn lực để có thể thể hiện tốt nhất. Tuy nhiên, vì từng có kinh nghiệm xin học bổng ở 2 trường bên Anh nên mình cũng khá tự tin".
Minh từng bỏ ra hàng tiếng đồng hồ để tự luyện tập trước gương, tìm kiếm những câu hỏi phỏng vấn xin học bổng du học trên mạng để luyện tập phản xạ, chuẩn bị tác phong và tinh thần. Sau tất cả, sự nỗ lực đã giúp Minh chinh phục thành công xuất học bổng ngành bác sĩ tại trường "đại học nhà người ta" - VinUni.
Biết cách quản lý thời gian chính là bí quyết "vàng"!
Nhớ lại kỷ niệm tham gia phỏng vấn xin học bổng ở hai trường bên Anh, Ngọc Minh cho biết các thí sinh khi ấy đều phải dự thi bài thi mang tên UCAS. Dù chỉ có vỏn vẹn 2 tháng quay cuồng với rất nhiều thứ như đơn xin học bổng, viết bài luận, thi các chứng chỉ... nhưng cậu bạn vẫn cố gắng dành ra hơn 100 tiếng để ôn luyện bài thi UCAS, trong khi thời gian chuẩn bị cho bài thi này thường phải kéo dài khoảng 4-5 tháng.
Ngọc Minh quan niệm nếu "dục tốc" mà không hề có định hướng cụ thể, rõ ràng thì khả năng cao sẽ khó đạt được kỳ vọng của bản thân. Vậy nên, trước khi bắt đầu Ngọc Minh đã ngồi lại để viết ra những kỳ vọng, mục tiêu mà cậu bạn mong muốn đạt được.
"Mình có thói quen tạo thời gian biểu cho bản thân để quản lý mọi thứ một cách logic và giai đoạn chuẩn bị hồ sơ không phải ngoại lệ. Mình tin rằng mọi sự chuẩn bị kỹ càng đều sẽ giúp bạn đạt được mục tiêu của bản thân".
Đáng chú ý, Ngọc Minh không đặt nặng việc nhồi nhét kiến thức. Ngược lại, so với học lấy học để, Minh lại dành nhiều khoảng nghỉ hơn cho bản thân, gia đình và bạn bè... Với Minh, học nhiều không bằng học đủ, có mục tiêu, quyết tâm từ sớm, biết cách quản lý thời gian mới là bí quyết quan trọng để có thể giành được học bổng. Không chỉ thế hãy luôn chủ động đón nhận và kiếm tìm cơ hội cho bản thân bởi chỉ có bạn mới có thể trở thành đạo diễn của cuộc đời mình.
"Những lúc mất động lực, hãy cởi mở để chia sẻ những khó khăn cho cha mẹ và đặc biệt là những người bạn có cùng chung chí hướng. Họ sẽ đưa cho bạn những lời khuyên hữu ích", Minh tâm sự.
Trong tương lai, cậu bạn sẽ cố gắng học tập tốt để trở thành một Bác sĩ Ngoại khoa; giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.
Gặp nữ sinh giành học bổng hơn 25 tỷ từ 7 trường ĐH Mỹ nhờ bài luận lịch sử: Muốn thay đổi quan điểm cả thế giới về chiến tranh Việt Nam Đáng chú ý, bài luận của Vân Khanh chỉ vỏn vẹn 650 từ. Thời nay, chuyện học sinh nhận được học bổng từ các ngôi trường hàng đầu trên thế giới đã không còn là chuyện hiếm. Lý do là bởi ai cũng biết giới trẻ ngày nay vô cùng năng động và tích cực trong việc tìm kiếm các cơ hội mở...