Nữ sinh 28 điểm phải đi rửa bát thuê kiếm tiền đi học: Ở nhờ nhà bác
Đỗ trường Y, trở thành bác sĩ là mong muốn của rất nhiều thí sinh và phụ huynh. Tuy nhiên, với mẹ con chị Lâm Thị Hồng và cô học trò nhỏ Đoàn Thị Thu (trú tại xóm Nghiêm Sơn, xã Hoàng Khai, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) bên cạnh niềm vui sướng còn là nỗi lo lắng khôn nguôi bởi hoàn cảnh gia đình quá khó khăn.
4 mẹ con không nhà, không hộ khẩu, không chế độ
Báo Tuổi trẻ đăng tải, nhận được giấy báo trúng tuyển đại học, Đoàn Thị Thu như vỡ òa cảm xúc vì đó là ước mơ mà em đã ấp ủ bấy lâu. Chiều muộn, chị Lâm Thị Hồng (mẹ của Thu) mới đi làm phụ hồ về. Cả gia đình 4 người ngồi gọn trong manh chiếu rách ăn vội bữa cơm đạm bạc. Biết tin con gái đỗ đại học, người mẹ rưng rưng nước mắt phần vì mừng cho con đã đạt được ước mơ, phần vì lo lắng không biết có thể cho con đi học hay không.
Đoàn Thị Thu đạt 28,1 điểm khối B trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. (Ảnh: Tuổi trẻ online)
Hoàn cảnh của 4 mẹ con vô cùng khó khăn. Vì muốn thoát khỏi người chồng bê tha, nhiều lần làm khổ vợ con, chị Thu dẫn theo 4 đứa trẻ bỏ đi. 4 mẹ con không nhà cửa, không hộ khẩu may mắn được chị gái chị Thu cho ở nhờ trong căn nhà để không. Tuy nhiên, sau này khi chị gái lập gia đình cho con, chị Thu phải trả lại. Trong căn nhà cấp bốn lợp fibro xi măng, mẹ con chị Hồng chỉ có chiếc xe điện cũ, mấy bộ quần áo và vài chiếc nồi méo mó. Nhìn hình ảnh 4 mẹ con ngồi ăn cơm dưới manh chiếu rách ai nấy đều xót xa.
Vì không biết chữ nên người mẹ chỉ có thể đi làm phụ hồ. Mỗi ngày chị kiếm được 220.000 đồng nhưng bữa được bữa không. Nếu chăm chỉ cả tháng lương cũng chỉ loanh quanh 4 triệu đồng nhưng phải lo cho 4 miệng ăn. 3 đứa con của chị đều đang ở tuổi đến trường. Ngoài Thu chuẩn bị vào đại học, chị Hồng còn có con gái thứ hai năm nay lên lớp 10 và con trai út lên lớp 4. Cũng vì không có hộ khẩu nên 4 mẹ con chị cũng không được hưởng chế độ hộ nghèo hay cận nghèo, các con cũng không được miễn giảm học phí.
4 mẹ con ngồi ăn cơm dưới manh chiếu rách khiến ai nấy đều xót xa. (Ảnh: Tuổi trẻ online)
Vừa vào năm học mới đóng góp các khoản chi phí cho 2 con cũng đã hết cả tháng lương mà chị dành dụm. Chính vì thế, khi hay tin con gái lớn đỗ đại học chị không biết nên vui hay buồn.
“Không phải là tôi không muốn cháu đi học. Mẹ nào chẳng muốn con mình bằng bạn bằng bè. Nhưng mà nhà tôi khó khăn quá. Tôi không biết cháu đi học thì tiền đâu thuê trọ, tiền đâu nộp học phí?
Rồi ở nơi đất khách quê người lấy gì ăn? Tôi thì một chữ bẻ đôi không biết. Không biết chữ tôi chỉ đi làm phụ xây (phụ hồ) lương tháng chưa nổi 4 triệu đồng. Còn hai đứa con nữa”, người mẹ nghẹn ngào chia sẻ với Tuổi trẻ online.
Thu đỗ vào trường Đại học Y dược Thái Bình với ước mơ trở thành bác sĩ. (Ảnh: Website Đại học Y dược Thái Bình)
Video đang HOT
Cô học trò nghèo đi rửa bát thuê kiếm tiền đi học
Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn nên từ nhỏ Thu đã luôn cố gắng tự lập, phụ giúp mẹ. Sau khi thi tốt nghiệp THPT xong Thu lên thành phố Tuyên Quang xin dọn dẹp, rửa bát cho một nhà hàng để kiếm thêm thu nhập. Đây cũng là công việc mỗi dịp nghỉ hè của cô học trò nghèo.
Chia sẻ với Tuổi trẻ online, mẹ của Thu cho hay nhiều nơi cũng ngần ngại khi thấy cô học trò gầy gò đến xin việc. Nhưng cũng vì cảm thông cho hoàn cảnh khó khăn mà một số nhà hàng cũng nhận Thu vào làm ngắn hạn để nữ sinh có thêm ít tiền chuẩn bị mua đồ dùng học tập cho năm học mới. Mấy mẹ con cũng dự định dành dụm tiền để đến khi nào phải trả nhà thì còn có tiền đi thuê trọ.
Người mẹ bật khóc khi hay tin con đỗ đại học, lo lắng không thể cho con đi học. (Ảnh: Tuổi trẻ online)
Biết con đỗ trường Y chị Hồng cũng rất tự hào bởi mấy thế hệ trong gia đình đều không biết chữ. Chính vì thế họ đều phải đi làm thuê rất vất vả mới có thể mưu sinh. Đây cũng chính là lý do cô học trò nghèo quyết tâm đến trường bởi nếu hiện tại nghỉ học để đi làm chỉ giải quyết được khó khăn trước mắt. Sau này khi không còn sức khỏe sẽ chẳng có nghề gì để vươn lên thoát nghèo.
“Em thương mẹ, thương em lắm! Em đi học, mẹ với các em ở nhà sống thế nào? Nhưng nếu em ở nhà đi làm thì chỉ làm được mấy năm khi còn sức khỏe thôi. Chỉ giảm được khó khăn trước mắt, còn sau này thì sao?
Nhà em từ ông bà, các bác, bố mẹ em… đều không được đến trường, không biết chữ. Em đỗ vào Trường Đại học Y, em sẽ cố gắng…”, Thu nghẹn ngào bày tỏ với Tuổi trẻ online.
Các thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm nay. (Ảnh minh họa: Người Lao Động)
Dù đoạn đường phía trước còn nhiều chông gai nhưng Thu vẫn quyết tâm sẽ vừa học vừa làm để tự trang trải học phí và thực hiện ước mơ làm bác sĩ của mình. Thấy con quyết tâm như vậy chị Hồng cũng xác định sẽ phải cố gắng nhiều hơn nữa để lo cho ba đứa con đi học.
“Tôi không được ăn học, nhưng tôi nghĩ nghề Y là nghề cao cả, nghề cứu người. Gia đình tôi nhiều người bệnh rồi mất, nên tôi thấy bác sĩ quan trọng lắm! Mà con tôi lại chọn nghề ấy. Tự hào lắm! Tất nhiên là vất vả nhưng tôi tin tưởng vào sự lựa chọn của cháu. Mong cháu sẽ làm được điều mà cháu mơ ước”, người mẹ chia sẻ với Tuổi trẻ online.
Nữ sinh đang đi làm công nhân thì được gọi nhập học Đại học Y
Tương tự như hoàn cảnh của Thu, nữ sinh Chu Thúy Hường (người dân tộc Nùng, sống tại huyện biên giới Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) cũng vừa biết tin đỗ Đại học Y Hà Nội. Nữ sinh mồ côi cha khi mới 6 tháng tuổi, may mắn em được các chú bộ đội Biên phòng ở địa phương nuôi ăn học từ khi học lớp 7. Không phụ sự kỳ vọng của mẹ và các chú bộ đội Biên phòng, những học phổ thông Hường đều đạt học sinh giỏi. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua cô bạn cũng đạt 25,25 điểm ở khối B.
Chu Thúy Hường mồ côi cha từ khi mới 6 tháng tuổi, được các chú bộ đội Biên phòng nuôi ăn học. (Ảnh: Thúy Hường)
Mặc dù đạt số điểm khá cao nhưng vì biết hoàn cảnh gia đình khó khăn nữ sinh đã quyết định không đi học. Sau 10 ngày thi, cô bạn đã xuống Bắc Ninh làm công nhân. Tuy nhiên nhận được sự động viên của các chú bộ đội Biên phòng Hường đã thay đổi quyết định vào phút chót khi chuẩn bị hết hạn đăng ký xét tuyển.
Với 25,25 điểm ở khối B, nữ sinh đã đồ ngành Điều dưỡng của Đại học Y Hà Nội. Cô bạn cũng được Bộ đội biên phòng, các nhà hảo tâm hỗ trợ tiền học phí 4 năm. Nhà trường cũng miễn chi phí ở ký túc xá để giúp nữ sinh thực hiện ước mơ của mình.
Sau khi thi tốt nghiệp THPT 10 ngày Hường đã đi làm công nhân. (Ảnh: Thúy Hường)
Chia sẻ với chúng tôi về dự định trong tương lai, Thúy Hường cho hay: ” Hiện tại em mới xuống Hà Nội nên vẫn chưa quen cuộc sống ở đây. Khi nào ổn định thời gian học em sẽ đi làm thêm để trang trải thêm chi phí sinh hoạt. Ước mơ của em là sẽ trở thành một điều dưỡng giỏi, sau này có thể trở về để góp phần xây dựng quê hương Lạng Sơn.”
Trong cuộc sống, có nhiều người may mắn được sinh ra trong một gia đình đủ đầy nhưng cũng có không ít người lớn lên trong cảnh thiếu thốn về vật chất. Thế nhưng, dù cuộc sống có khó khăn thế nào thì rất nhiều trong số đó vẫn tìm cách vượt lên số phận với hi vọng về sau có thể phụ giúp, đỡ đần bố mẹ bằng sức lao động của mình. Mong rằng, các em sẽ thành công trên con đường mà mình theo đuổi.
Nữ sinh Thủ đô giành học bổng nhờ bài luận về chiếc xe buýt
Với nhiều người, chiếc xe buýt nhiều khi mang lại sự phiền toái vì đi lại tốn khá nhiều thời gian nhưng với em Trần Phương Thảo (SN 2004), cựu học sinh trường THPT chuyên Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội, chiếc xe buýt mang lại cho em nhiều cảm hứng tích cực.
Thảo đã chọn xe buýt cho bài luận của mình và xuất sắc giành học bổng vào trường ĐH Anh quốc Việt Nam.
Em Trần Phương Thảo là tấm gương không ngừng cố gắng, vươn lên trong học tập. Ảnh: NVCC
Cảm hứng từ chiếc xe buýt yêu thương
Trường ĐH Anh quốc Việt Nam trao học bổng cho sinh viên dựa trên nhiều tiêu chí như thành tích học tập tốt xuyên suốt 3 năm cấp 3, chứng chỉ ngoại ngữ, bài luận, tham gia các hoạt động ngoại khóa, trang bị kỹ năng mềm. Một trong những điểm mạnh của Thảo chính là bài luận chất lượng về chiếc xe buýt. Nhờ đó em trở thành học sinh xuất sắc giành học bổng của trường ĐH Anh quốc Việt Nam.
Thảo chia sẻ mỗi ngày em đi đến trường với quãng đường hơn 20km. Cả đi và về mất khoảng 3 tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, càng gắn bó với xe buýt, Thảo càng nhận ra nhiều điều thú vị của cuộc sống xung quanh mình. Mỗi ngày, em đều được chứng kiến nhiều câu chuyện ý nghĩa, nhân văn. Với Thảo, chiếc xe buýt giống như một xã hội thu nhỏ. Dù trên xe hầu hết đều là những người xa lạ nhưng họ vẫn thể hiện sự quan tâm, giúp đỡ nhau. Qua đó em thu lượm được nhiều kinh nghiệm sống, lối ứng xử tốt đẹp.
Thảo kể, khi thấy các cụ già, các bác trung niên xách đồ lên xe thì sẽ được mọi người trên xe giúp đỡ, nhường ghế. Phụ nữ mang thai và trẻ em khi đi xe buýt cũng được nhường ghế. Với bản thân Thảo, có lần trên xe buýt em bật khóc vì có chuyện buồn, sau đó đã nhận được quả quýt của một em bé ngồi bên cạnh. Món quà tuy nhỏ nhưng đã giúp Thảo cảm thấy ấm áp và vui vẻ trở lại. Thảo nhận ra nếu không đi xe buýt thì chưa chắc em đã có những trải nghiệm ý nghĩa như thế. Hiểu được nhiều điều, Thảo càng có cái nhìn tích cực trong mọi việc, không phàn nàn, than vãn về cuộc sống nếu chẳng may có điều mình chưa hài lòng.
Nhờ bài luận xúc động ấy mà Thảo đã chinh phục được hội đồng tuyển sinh của nhà trường. Cuối cùng em đã trở thành học sinh xuất sắc giành được quán quân học bổng MOU (Chương trình học bổng do ĐH Anh quốc Việt Nam kết hợp cùng trường THPT chuyên Ngoại ngữ). Thảo được cấp học bổng bán phần với tổng giá trị lên đến 300 triệu đồng/3 năm học.Trước đó, em còn là học sinh trúng tuyển sớm vào các trường top đầu như: ĐH Kinh tế quốc dân, Học viện Ngoại giao.
Bứt phá với khả năng tiếng Hàn
Với niềm yêu thích văn hóa Hàn Quốc và mong muốn sau này có công việc gắn bó với tiếng Hàn nên Thảo quyết tâm thi đỗ vào trường THPT chuyên Ngoại ngữ, khoa tiếng Hàn. Ngay từ khi vào cấp 3, Thảo đã đặt ra mục tiêu và nỗ lực hoàn thành nó. Thành công đã mỉm cười với cô nàng khi sau bao nỗ lực, em đã chính thức trở thành học sinh của ngôi trường mình mơ ước. Tuy nhiên, mới vào học, em đã bị "choáng" vì các bạn đều đã ít nhiều biết về tiếng Hàn, còn Thảo lại không có chút vốn liếng gì. Rất may sau đó, được sự dạy bảo tận tình của cô giáo cùng quyết tâm cao độ của bản thân, Thảo đã từng bước vươn lên và cải thiện rõ rệt về mặt điểm số.
Chia sẻ về bí quyết học giỏi tiếng Hàn, Phương Thảo cho rằng, học tiếng Hàn không quá khó, chỉ cần bản thân chăm chỉ và quyết tâm. Ở giai đoạn đầu, em tập trung học bảng chữ cái, ngữ pháp, các từ vựng. Thảo chỉ mất vài ngày để học xong bảng chữ cái, tiếp đến là học kiến thức sơ cấp. Đặc biệt, Thảo còn có thể học vượt chương trình trên trường khiến em rất vui và cảm thấy hứng thú theo đuổi tiếng Hàn. Đối với những kiến thức mới, Phương Thảo áp dụng cách học liên tưởng, so sánh, đối chiếu với kiến thức cũ để tìm ra sự khác biệt. Em cố gắng đặt thật nhiều ví dụ, tự luyện nói một mình mọi lúc ở nhà. Điều này giúp việc học tự nhiên, nhớ lâu hơn.
Không chỉ quan tâm đến kiến thức học tập, Thảo còn phân bổ thời gian học tập khoa học để tham gia các hoạt động ngoại khóa hoàn thành tốt nhất. Lịch học bài, viết luận, ôn thi IELTS, hoạt động ngoại khóa, Thảo đều lên "lịch trình" cụ thể và nghiêm túc thực hiện. Em còn tranh thủ giờ giải lao, giờ nghỉ trưa ở trường để học bài, tránh buổi tối phải làm quá nhiều việc dẫn đến việc học không hiệu quả.
Nhờ sự chăm chỉ, ý chí quyết tâm, Thảo đã lấy chứng chỉ tiếng Hàn TOPIK 5/6. Ngoài ra, em còn được chứng chỉ tiếng Anh IELTS 8.0 vào năm lớp 11 và trở thành 1 trong 5 học sinh của trường THPT chuyên Ngoại ngữ được trường ĐH Anh quốc Việt Nam trao suất học bổng giá trị.
Nữ sinh ĐH Công nghiệp Hà Nội xuất sắc giành 2 học bổng toàn phần từ Trung Quốc Nữ sinh Dương Thị Hồng Nhung - thủ khoa đầu ra song bằng loại xuất sắc ngành Ngôn ngữ Trung Quốc của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội vừa giành được 2 học bổng toàn phần đến từ Chính phủ Trung Quốc với tổng trị giá 1 tỉ đồng. Dương Thị Hồng Nhung (quê Bắc Giang) từng được mệnh danh là cô...