Nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai đón năm học mới
Cơn bão số 3 và 4 đổ bộ và để lại hậu quả nặng nề cho người dân cũng như các cơ sở giáo dục tại Nghệ An. Trường thì chịu cảnh ngập úng, nặng hơn thì tốc mái, sạt lở. Bàn ghế, đồ dùng dạy học cũng bị hư hại… Nước rút tới đâu, thầy cô, cha mẹ và xã hội cùng chung tay dọn dẹp, sửa chữa để đón các em tới lớp.
Phòng học, phòng thí nghiệm được xây dựng tại Trường THCS Nghĩa Hội (Nghĩa Đàn)
Những năm trước, đầu tháng 8, Trường Tiểu học Ngọc Sơn (huyện Thanh Chương) tổ chức nhập học cho học sinh lớp 1. Tuy nhiên, năm nay lịch tuyển sinh phải lùi lại đến giữa tháng do ảnh hưởng của mưa khiến cơ sở vật chất của trường thiệt hại nặng nề.
Cô Lê Thị Hồng Hạnh – Hiệu trưởng nhà trường – cho biết: Mưa bão khiến cây xà cừ lâu năm bị bật gốc, đổ xuống khu nhà hiệu bộ, làm trang thiết bị máy móc trong đó hư hỏng hoàn toàn. Ngoài ra, hệ thống mái tôn che nắng, sân trường, tường bao cũng bị hư hỏng. Nếu tổ chức nhập học như thường sẽ gây mất an toàn cho học sinh. Nhà trường đã làm tờ trình gửi xã, gửi huyện xin phương án sửa chữa, khắc phục, chỉnh trang trường lớp, tạo tâm lý hứng khởi cho các em trong năm học mới. “Dù khó khăn thế nào, trường cũng cố gắng hết sức để đón toàn bộ học sinh tựu trường vào ngày 20/8″, cô Hạnh nói.
Được biết, Trường Tiểu học Ngọc Sơn cũng là một trong những trường khó khăn nhất của huyện Thanh Chương với 3 điểm trường, nơi xa nhất cách trường chính gần 6km. Trường đã lên kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia nhiều năm nay. Tuy nhiên, vì điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương còn khó khăn, việc huy động xã hội hóa hàng năm rất hạn chế nên nhiều kế hoạch sửa sang, bổ sung cơ sở vật chất của nhà trường đang bị tạm dừng hoặc chậm tiến độ.
Dự kiến, từ nay đến năm 2025, sẽ có hơn 4.000 phòng học được xây mới để xóa phòng cấp 4 và phòng tạm, mượn và xây thêm khoảng 2.000 phòng học và các phòng chức năng. Tổng số vốn để đầu tư cho chương trình này là hơn 14.000 tỷ.
Không chỉ ở Thanh Chương, hàng chục ngôi trường của Nghệ An tại các huyện Kỳ Sơn, Yên Thành, Diễn Châu, Thái Hòa, Nghi Lộc đã bị hư hỏng nặng với tổng giá trị hơn 3,6 tỷ đồng vì mưa bão. Mới đây nhất, ảnh hưởng từ cơn bão số 4 gây mưa lớn, ngập lụt và sạt lở đất tại nhiều huyện miền Tây Nghệ An. Riêng ở huyện Kỳ Sơn, bão cũ chồng lũ mới khiến rất nhiều phòng học, nhà ăn bán trú, nhà ở cho giáo viên bị nước cuốn trôi khiến cho việc khắc phục gặp nhiều khó khăn.
Nhiều trường học của Nghệ An thiệt hại nặng nề sau 2 cơn bão số 3, số 4
Video đang HOT
Trước tình hình này, Sở GD&ĐT cũng đã yêu cầu các Phòng GD&ĐT thống kê thiệt hại báo cáo với Sở và trình UBND các huyện để có kế hoạch chi ngân sách khắc phục hậu quả thiên tai.
Đối với các huyện miền núi, khó khăn nhất là còn nhiều phòng học tạm, bán kiên cố ở các điểm trường lẻ. Những phòng học này dễ bị hư hỏng, sập hoặc bị cuốn trôi khi xảy ra mưa lũ, sạt lở đất. Trên thực tế, sau 2 trận bão nhiều thầy trò đã bị mất phòng học, mất nhà ở bán trú cho học sinh như: Mường Típ, Mường Ải, Chiêu Lưu, Mỹ Lý… (huyện Kỳ Sơn). Mong muốn của các nhà trường là được đầu tư xây dựng phòng học kiên cố bằng nhà xây để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên.
Theo giaoducthoidai.vn
Nhiều nỗ lực cho năm học mới
Năm học 2018 - 2019 cận kề, công tác chuẩn bị cho năm học mới được các địa phương, nhà trường tích cực chủ động chuẩn bị để đón học sinh trở lại trường lớp.
Học sinh vùng cao Lai Châu trước thềm năm học mới
Với nhiều trường vùng cao, cơ sở vật chất còn khó khăn thiếu thốn, nhiều trường học vừa trải qua bão lũ tàn phá, song tất cả nhà trường, thầy cô giáo, phụ huynh học sinh, xã hội... đều chung tay tạo mọi điều kiện tốt nhất cho thầy và trò yên tâm dạy học.
Thách thức trước ngày tựu trường
Bước vào năm học mới ngành Giáo dục huyện Quản Bạ (Hà Giang) phải đối diện với nhiều khó khăn về cơ sở vật chất. Bên cạnh những trường học đang thuộc diện cần được tu sửa, nâng cấp thì một số trường bị thiệt hại nặng nề trong đợt mưa lũ cuối tháng 6/2018 cũng đòi hỏi cần khắc phục sửa chữa.
Ông Lê Trung Thành - Trưởng phòng GD&ĐT Quản Bạ cho biết: Lượng nước đổ về nhiều đã làm đổ sập khoảng 80m tường bao phía bên ngoài của Trường PTDT BT TH Cán Tỷ, gây ngập úng khu phòng ở học sinh bán trú sâu 1,3m, nhà ăn bán trú ngập sâu 1,2m, sân bán trú ngập sâu trên 2m. Gây ướt 50 bao gạo, hỏng tivi, hệ thống đun bếp gas của trường.
Tại Trường Mầm non Cán Tỷ, mưa to cũng làm đổ sập 80m tường rào và nguy cơ đổ sập cổng do đã bị nứt cũng rình rập. Toàn bộ khu nhà công vụ cho giáo viên với 9 phòng học cũng ngập sâu 1m; nước lũ làm hỏng và cuốn trôi toàn bộ chậu hoa, cây cảnh và một số đồ dùng dạy học; Tại Trường Mầm non Lùng Tám, mưa to đã làm 300m3 đất đá trôi vào khuôn viên trường; Điểm trường thôn Bảo A của Trường TH Tam Sơn, nước đổ dồn về nhiều gây ngập khuôn viên và có nguy cơ làm đổ 20m tường bao quanh trường...
Cùng với cơ sở vật chất, thì đội ngũ giáo viên cho năm học mới cũng chưa đủ. Được biết, tới thời điểm năm học mới đã cận kề nhưng ngành Giáo dục Quản Bạ vẫn thiếu so với biên chế được giao 75 giáo viên. Trong đó giáo viên mầm non thiếu nhiều nhất 39 người; giáo viên tiểu học 17 người, giáo viên THCS thiếu 8 người...
Năm học mới đang đến gần, mặc dù còn nhiều khó khăn thách thức song ghi nhận từ thực tế sự nỗ lực không ngừng của ngành Giáo dục các địa phương vùng khó trong việc chuẩn bị và đảm bảo những điều kiện cần thiết nhất cho dạy và học của giáo viên, học sinh đạt chất lượng.
Mường Lát - Thanh Hóa cũng là huyện vùng cao với nhiều khó khăn thách thức trên các mặt, trong đó có ngành Giáo dục. Theo ông Mai Xuân Giang - Trưởng phòng GD&ĐT Mường Lát: Năm học 2018 - 2019 mặc dù số học sinh có tăng nhẹ so với năm trước song cơ sở vật chất về cơ bản vẫn đáp ứng được. Tuy nhiên, xét về chất lượng cơ sở vật chất trường lớp thì giáo dục Mường Lát vẫn cần được đầu tư, tu sửa trong thời gian tới. Vẫn còn khoảng 15 phòng học cấp 4 đã xuống cấp nặng cần sửa chữa tôn tạo; Còn một số trường THCS khó khăn về phòng học nên không thể triển khai học 2 buổi/ngày...
Bên cạnh khó khăn về cơ sở vật chất, vấn đề đội ngũ giáo viên với ngành GD Mường Lát vẫn nóng hơn cả. Năm học trước, mặc dù toàn ngành GD Mường Lát - Thanh Hóa đang thiếu khoảng gần 50 giáo viên cho các cấp bậc học thì vẫn có hơn 60 giáo viên xin chuyển công tác về xuôi gây lúng túng, bị động nhất định cho phòng chuyên môn, cơ quan quản lý về giáo dục cấp huyện.
Trường lớp được chuẩn bị khang trang đón học sinh trở lại. Ảnh: Thanh Long
Năm học 2018 - 2019, theo ông Mai Xuân Giang đã tuyển dụng được 80 giáo viên trên tổng số 87 giáo viên được phép tuyển. Trên thực tế toàn ngành GD Mường Lát vẫn cần thêm 30 giáo viên, nhân viên cho các cấp bậc học. Đáng nói ở một số bộ môn ngành GD vẫn không tuyển được vì không có giáo viên đăng ký dự tuyển (ví dụ như ở môn ngoại ngữ). Bên cạnh đó năm nay tình trạng giáo viên xin chuyển mặc dù đã giảm đáng kể, song vẫn còn khoảng hơn chục trường hợp tiếp tục xin chuyển.
Đội ngũ giáo viên cho các cấp bậc học còn thiếu đã và đang đòi hỏi ngành Giáo dục Mường Lát cách tháo gỡ hợp lý nhất để không ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục Mường Lát nói riêng, giáo dục tỉnh Thanh Hóa nói chung.
Tích cực tháo gỡ
Khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất đối với các trường vùng cao, vùng khó là điều khó tránh khỏi và có thể tháo gỡ nhanh chóng. Tuy nhiên, để đảm bảo kết quả tốt nhất cho một năm học mới buộc mỗi địa phương có một cách tháo gỡ hợp lý.
Ông Lê Trung Thành - Trưởng phòng GD&ĐT Quản Bạ - chia sẻ về cách tháo gỡ đảm bảo những điều kiện cần thiết cho năm học mới. Về cơ sở vật chất, nguồn lực đầu tư khá eo hẹp nên UBND huyện đã chủ động chỉ đạo các xã, thị trấn, kiểm tra, rà soát và có kế hoạch huy động xã hội hóa giáo dục, nhân dân cùng đóng góp ngày công, vật chất để tu sửa, xây mới CSVC cho các trường trong thời gian nghỉ hè, đảm bảo cơ sở vật chất trước khi vào năm học mới.
Việc khắc phục hậu quả thiên tai tại một số trường bị thiệt hại nặng như Trường Mầm non Cán Tỷ, Trường Tiểu học Cán Tỷ và Trường Mầm non Lùng Tám, hiện đã xây lại trường rào, nạo vét bùn đất, sơn sửa vệ sinh trường lớp, xây dựng lại cảnh quan nhà trường... đảm bảo điều kiện để bắt đầu năm học.
Nhà công vụ cho giáo viên được quan tâm đầu tư. Ảnh: Thanh Long
Bằng các nguồn lực XHH GD, đã có 28 phòng học, 13 phòng lưu trú học sinh, 8 phòng lưu trú giáo viên, một số công trình như nhà vệ sinh, phòng tắm, bếp nấu... được nâng cấp, sửa chữa, xây mới. XHH GD đã giúp ngành GD Quản Bạ xóa được 7 điểm trường tạm sang bán trú kiên cố. Đến nay, cơ sở vật chất đã cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học của giáo viên học sinh trong năm học mới. Tuy nhiên hiện vẫn còn 13 điểm trường tạm. Ngành GD Quản Bạ đang phấn đấu tới năm 2020 sẽ xóa hoàn toàn các điểm trường tạm.
Mặt khác, để đảm bảo công tác bán trú cho 3.925 học sinh, các trường đã đảm bảo đủ phòng ở, nhà vệ sinh, nhà tắm, giường, chăn màn, bếp ăn... Đặc biệt, trong khi chờ chế độ hỗ trợ của Nhà nước về bữa ăn bán trú các trường đã chủ động giữ lại gạo từ năm học trước, thực phẩm ứng trước từ các nhà cung cấp, hoặc sử dụng kinh phí từ các nguồn quỹ nhà trường để đảm bảo bữa ăn cho học sinh.
Với số lượng giáo viên còn thiếu ở các cấp bậc học, các nhà trường đã thực hiện hợp đồng lao động có thời hạn để phục vụ nhu cầu giáo viên đứng lớp...
Cùng giải bài toán thiếu giáo viên cho năm học mới, ngành GD Mường Lát cũng đã có chủ trương thực hiện hợp đồng giáo viên, cho giáo viên dạy chéo và tăng tiết. Mặt khác, ổn định tư tưởng và khuyến khích giáo viên yêu nghề, bám trường lớp phòng GD đã và sẽ sắp xếp luân chuyển hợp lý những giáo viên đang công tác ở trường xa về gần theo nguyện vọng. Trong suốt năm học diễn ra, tăng cường động viên tâm lý, tạo điều kiện để giáo viên có điều kiện thời gian về chăm sóc, gần gũi gia đình.
Theo giaoducthoidai.vn
Nghệ An: Lũ chồng lũ, giáo dục vùng biên lao đao trước thềm năm học mới Đang gồng mình khắc phục hậu quả cơn lũ sau bão số 3, các trường học thuộc huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) phải hứng chịu sự tàn phá nặng nề của mưa lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 4. Trước thềm năm học mới, khó khăn chồng chất khó khăn với thầy trò vùng biên này. Nhiều trường học ở huyện...