Nỗ lực dạy học trực tuyến và trực tiếp hiệu quả
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, khẳng định ngành giáo dục không bị động; cán bộ, giáo viên tích lũy được nhiều kinh nghiệm cho sự thay đổi môi trường dạy học
* Phóng viên: Học kỳ I năm học 2021-2022, học sinh (HS) các cấp đều học trực tuyến, ngành giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) đã hoàn thành những kế hoạch, mục tiêu đề ra và còn những khó khăn gì, thưa ông?
- Ông NGUYỄN VĂN HIẾU, Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM: Năm học 2021-2022, HS TP HCM bước vào năm học mới bằng hình thức học tập trên internet. Tuy nhiên, ngành GD-ĐT thành phố không bị động mà đã có những bước chuẩn bị từ trước, nhất là khi vào cuối năm học 2020-2021 đã có giai đoạn thành phố chuyển từ dạy học trực tiếp sang dạy học trên môi trường internet, cán bộ, giáo viên (GV) và HS đã tích lũy được những kinh nghiệm cơ bản để chuẩn bị cho sự thay đổi này. Cán bộ, GV được tổ chức bồi dưỡng, tập huấn các phương pháp, công cụ tổ chức dạy học trên môi trường internet do Bộ GD-ĐT thực hiện. Ngoài ra, từng đơn vị, từng cơ sở cũng đã chủ động tổ chức các buổi tập huấn bồi dưỡng, chia sẻ kinh nghiệm dạy học trên môi trường internet, qua truyền hình, giúp GV sẵn sàng, tự tin hơn khi bước sang môi trường dạy học mới.
Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, có những khó khăn khách quan như việc HS theo cha mẹ về quê tránh dịch, nghỉ học hoặc thiếu phương tiện, thiết bị, đường truyền…, những khó khăn này đã nhanh chóng được thành phố khắc phục bằng nhiều chương trình như “Sóng và máy tính cho em” – vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ thiết bị, đường truyền giúp HS được tiếp tục học tập, bảo đảm nguyên tắc “tạm ngừng đến trường nhưng không ngừng học”.
Ông Nguyễn Văn Hiếu (bìa trái) đến thăm Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong khi học sinh lớp 12 đi học trực tiếp (Ảnh: HOÀNG TRIỀU)
Khó khăn thứ hai là việc tổ chức dạy học trên môi trường internet ở cấp tiểu học khó có thể bảo đảm được chất lượng và tiến độ như việc tổ chức cho HS học tập trực tiếp. Dù vậy, khó khăn này đã được tháo gỡ thông qua việc nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Bộ GD-ĐT tại Công văn số 3969/BGDĐT-GDTH ngày 10-9-2021 hướng dẫn Chương trình giáo dục tiểu học năm học 2021-2022 ứng phó với dịch Covid-19…
Video đang HOT
Ngoài những khó khăn chung nói trên, ở từng cơ sở giáo dục có những khó khăn riêng biệt, tùy theo điều kiện đặc thù của đơn vị, ví dụ như có GV bị mắc Covid-19, đội ngũ cán bộ quản lý, GV bị mất mát do dịch, tâm lý chưa đồng thuận với việc tổ chức dạy học trên môi trường internet của phụ huynh trong giai đoạn đầu năm học… Tuy nhiên, từng đơn vị đều có những giải pháp khắc phục, vượt qua khó khăn, quyết tâm cùng thành phố hoàn thành kế hoạch mục tiêu, nhiệm vụ năm học đã đề ra.
* Ông có thể thông tin về “bức tranh” dạy học trực tiếp tại TP HCM theo đề xuất của sở từ ngày 3-1-2022 như thế nào?
- Sở đã có đề xuất từ ngày 3-1-2022, thành phố sẽ mở rộng tổ chức học tập trực tiếp đối với các lớp 7, 8, 9, 10, 11, 12. Riêng xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ sẽ tổ chức dạy học trực tiếp từ lớp 1 đến lớp 12.
Đồng thời, cho phép các trung tâm ngoại ngữ, tin học; cơ sở giáo dục, đơn vị hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa được tổ chức học tập trực tiếp khi bảo đảm và được Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Thủ Đức hoặc các quận, huyện kiểm tra, thẩm định kế hoạch và phương án phòng chống dịch Covid-19 trước khi tổ chức học tập trực tiếp. Người tham gia giảng dạy, làm việc và học tập phải bảo đảm tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin (đối với vắc-xin yêu cầu tiêm 2 liều) sau 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, người thuộc diện phải tiêm vắc-xin nhưng không thể tiêm do có chống chỉ định phải có giấy xác nhận của cơ quan y tế về chống chỉ định.
Riêng đối với bậc mầm non và các khối lớp 1, 2, 3, 4, 5, 6 chưa áp dụng hình thức học tập trực tiếp tại trường. Căn cứ tình hình dịch bệnh, sở sẽ trình phương án dạy học trực tiếp sau Tết Nguyên đán. HS chưa tham gia học trực tiếp, tiếp tục học trực tuyến theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT.
* Phụ huynh ở TP HCM đang rất quan tâm về kế hoạch mở cửa trường học bậc mầm non, tiểu học. Nhất là bậc mầm non, nếu ở nhà quá lâu, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ?
- Sở GD-ĐT TP HCM đã trình Thường trực UBND thành phố khung thời gian năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non trên địa bàn TP HCM và dự kiến sau Tết âm lịch (ngày 7-2-2022) tổ chức cho trẻ đến trường để được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trực tiếp trên tinh thần tự nguyện của cha mẹ, người chăm sóc trẻ. Sở cũng sẽ cập nhật tình trạng thiếu GV tại các cơ sở giáo dục mầm non (đặc biệt là các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập) của TP Thủ Đức và các quận, huyện đầy đủ để có giải pháp cụ thể cho từng đơn vị.
* Đội ngũ thầy cô giáo thành phố đã có nhiều sáng tạo trong dạy học trực tuyến trong điều kiện như ông nói còn đó những khó khăn. Nhân dịp năm mới 2022, là người đứng đầu ngành GD-ĐT thành phố, ông có gửi gắm gì tới đội ngũ thầy cô giáo?
- Năm 2022, ngành GD-ĐT thành phố mong muốn cùng thành phố thực hiện chủ đề năm 2022 là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”.
Trong thời gian qua, các thầy giáo, cô giáo đã phải nỗ lực, cố gắng gấp nhiều lần để bảo đảm hiệu quả của hình thức dạy học trực tuyến. Cùng với đó, HS, sinh viên đã phải nỗ lực rất nhiều để vượt qua những khó khăn từ hoàn cảnh do dịch Covid-19 gây ra. Tôi cảm ơn sự nỗ lực hỗ trợ của các cán bộ, nhân viên ngành GD-ĐT, sự cố gắng của các bậc phụ huynh; sự quan tâm chỉ đạo giúp đỡ, tạo điều kiện của các cấp, ban ngành, các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân nhằm hỗ trợ cho ngành GD-ĐT bảo đảm được chất lượng giảng dạy trong thời điểm khó khăn vừa qua.
Trước thềm năm mới 2022, tôi xin gửi đến các thầy giáo, cô giáo, cán bộ, nhân viên ngành GD-ĐT và các HS, sinh viên lời chúc bình an, hạnh phúc và có nhiều sức khỏe, tiếp tục tinh thần vững vàng, đoàn kết cùng ngành cố gắng hoàn thành nhiệm vụ năm học 2021-2022.
Từ 27/12, nhiều trường tại Hà Nội lại chuyển sang học trực tuyến
Sở GD&ĐT Hà Nội vừa gửi thông báo tới các phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã; các trường THPT và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thuộc TP.
Hà Nội về việc tổ chức dạy học linh hoạt, thích ứng với cấp độ dịch COVID-19 tại địa bàn.
Theo Thông báo số 851/TB-UBND ngày 24/12/2021 của UBND TP. Hà Nội về đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch COVID-19, Hà Nội có 8 đơn vị cấp quận và 67 đơn vị cấp xã, phường có mức độ dịch cấp độ 3.
Để bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh và cán bộ, giáo viên, nhân viên, Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị các phòng GD&ĐT, các trường THPT và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên báo cáo UBND quận, huyện, thị xã xin ý kiến chỉ đạo và thông báo đến các trường THCS, THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn các xã, phường, thị trấn nếu có mức độ dịch cấp độ 3 thì cho học sinh lớp 9 và học sinh lớp 12 tạm dừng đến trường học trực tiếp, chuyển sang phương án dạy, học trực tuyến kể từ ngày 27/12 cho đến khi có thông báo mới.
Từ 27/12, nhiều học sinh lớp 9 và lớp 12 tại Hà Nội sẽ chuyển sang học trực tuyến.
Hiệu trưởng các nhà trường, giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thông báo đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh học sinh về phương án tổ chức dạy học cụ thể.
Trong Thông báo số 851/TB-UBND của UBND TP. Hà Nội, 8 đơn vị cấp quận có mức độ dịch cấp độ 3 gồm: Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm và Tây Hồ.
Ngoài ra, còn có 67 xã, phường có mức độ dịch cấp độ 3. Như vậy, toàn bộ học sinh thuộc các địa bàn có mức độ dịch ở cấp độ 3 sẽ chuyển sang hình thức học trực tuyến để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.
Số địa bàn có mức độ dịch cấp độ 3 của TP. Hà Nội tăng 48 địa bàn so với một tuần trước, gồm 6 địa bàn cấp quận và 42 địa bàn cấp phường, xã.
Trong 14 ngày gần đây, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 17.832 ca mắc tại cộng đồng (tăng 6.063 ca so với 14 ngày trước đó).
Trong vòng 14 ngày gần đây, có 67 xã, phường ghi nhận nhiều ca bệnh trong cộng đồng, phân bố theo các quận, huyện, thị xã như sau: Ba Đình 9 đơn vị, Đống Đa 11 đơn vị, Gia Lâm 1 đơn vị, Hà Đông 3 đơn vị, Hai Bà Trưng 12 đơn vị, Hoàn Kiếm 4 đơn vị, Hoàng Mai 12 đơn vị, Long Biên 3 đơn vị, Nam Từ Liêm 2 đơn vị, Tây Hồ 5 đơn vị, Thanh Trì 5 đơn vị.
Kiểm tra trực tuyến: Cần ra đề để học sinh mở vở cũng không được điểm cao Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho rằng, các trường kiểm tra định kỳ trực tuyến có thể ra đề mở, học sinh không nắm chắc kiến thức nếu mở vở vẫn không đạt điểm cao. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiện nay nhiều tỉnh, thành trên cả nước vẫn áp dụng hình thức học trực tuyến,...