Niềm vui lớn trước thềm Xuân mới của cô, trò trường Trung học cơ sở Thịnh Liệt
Một con số hết sức đáng suy nghĩ là hơn 13 năm kể từ khi thành lập quận Hoàng Mai, Trường THCS Thịnh Liệt chưa được đầu tư xây dựng. Nhu cầu học đúng tuyến của học sinh cấp 2 ở phường Thịnh Liệt là hơn 1.000, song chỉ một nửa con số ấy được đáp ứng.
Trong thời gian không xa, các em học sinh trường THCS Thịnh Liệt sẽ có nơi học tập, sinh hoạt khang trang
“Thoát” học chung, “đụng” xuống cấp
Nếu không có sự giới thiệu của vị cán bộ phường Thịnh Liệt đi cùng, chúng tôi không nghĩ đây là cơ sở giáo dục – đào tạo ở quận trung tâm Hà Nội. Khối nhà 2 tầng nhuộm “màu thời gian”, chật chội từ khuôn viên sân trường đến lớp học; vẻn vẹn chừng 10 phòng học. Quãng 10 năm trước, cơ sở vật chất này là “tài sản chung” của cả trường cấp 1 và cấp 2, sau đó khi trường Tiểu học được dọn đến khu đất mới, trường THCS Thịnh Liệt tiếp quản toàn bộ. Nghe thì “oách” vậy, nhưng hết sức… cám cảnh!
Cô giáo Hiệu trưởng trường THCS Thịnh Liệt Bùi Hoàng Yến tâm sự, sỹ số toàn trường trên 500 em học sinh, nhưng chỉ vẻn vẹn có 10 phòng học. Thế nên nhà trường phải trưng dụng cả nhà văn hóa của phường để dạy chữ các con. Phòng làm việc riêng, phòng họp chung, phòng hội đồng… là những khái niệm quá xa xỉ. Cảnh cô giáo phải chấm bài ngoài hành lang là chuyện bình thường.
Sự chật chội, xuống cấp, thiếu thốn về cơ sở vật chất chưa đáng ngại bằng nỗi lo thời tiết. Bởi cứ sau mỗi trận mưa lớn, sân trường mênh mông nước. Thịnh Liệt là vùng trũng của thành phố, vì thế, nước mưa ngập kéo theo tình trạng ô nhiễm. Những điểm khác khi đã rút nước, khô ráo, mới đến lượt Trường THCS Thịnh Liệt. Học trong cảnh chật chội, xuống cấp của cơ sở vật chất như thế, chắc chắn sẽ tác động ít nhiều đến chất lượng giáo dục.
Bằng mọi cách, phải có trường mới
Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai, đồng chí Nguyễn Quang Hiếu, trong nhiều cuộc họp với các phòng, ban và chính quyền cơ sở đã nêu rõ yêu cầu: trong thời gian sớm nhất và bằng mọi cách, phải có được cơ sở vật chất mới khang trang cho cô, trò Trường THCS Thịnh Liệt. Chỉ đạo, sự quyết liệt ấy không chỉ là mong mỏi của các cô, trò, mà còn là nguyện vọng, khao khát của đại bộ phận người dân Thịnh Liệt.
Video đang HOT
Và ngày 27-12-2017, “cơn khát” cơ sở vật chất phục vụ công cuộc trồng người ở phường Thịnh Liệt đã được cụ thể hóa. Sau thời gian khẩn trương rà soát các vị trí đất được quy hoạch, trên cơ sở báo cáo xin ý kiến thành phố, các lực lượng chức năng quận Hoàng Mai đã tổ chức thu hồi, đảm bảo mặt bằng “sạch” khu đất dự án xây dựng Trường THCS Thịnh Liệt. Đó là mảnh đất nằm ở ngõ 143 phố Nguyễn Chính, từng là sân bóng, song khởi thủy nguồn gốc là đất công cộng. Mảnh đất này có diện tích nghiên cứu hơn 9.600m2, diện tích đất xây dựng hơn 7.000m2, diện tích đất nằm trong chỉ giới mở đường hơn 2.300m2 và diện tích xây dựng khoảng 2.500m2.
Sau một vài lấn cấn xung quanh ý kiến của người dân về nguồn gốc và công tác quản lý đất của chính quyền cơ sở, cuối cùng, những thắc mắc đã được xác minh, trả lời cặn kẽ, khẳng định rõ tính pháp lý nguồn gốc khu đất cũng như việc triển khai dự án trường học là hết sức phù hợp.
Sự thuận lợi trong triển khai dự án, đó là tâm thế, là chủ trương được lãnh đạo quận Hoàng Mai xác định rất rõ: đáp ứng nhu cầu hết sức bức thiết của người dân về việc có cơ sở hạ tầng thật tốt để đảm bảo điều kiện học tập của con em. Chính vì vậy, mục tiêu được quận đặt ra trong công tác đầu tư xây dựng mới Trường THCS Thịnh Liệt là sẽ đạt trường chuẩn quốc gia.
Công trình Trường THCS Thịnh Liệt theo kiến trúc đã được phê duyệt hết sức hiện đại, công năng phù hợp công tác dạy và học của bậc phổ thông THCS; hòa hợp với cảnh quan xung quanh, phục vụ sự nghiệp giáo dục, phát triển kinh tế – xã hội của quận Hoàng Mai nói riêng và TP Hà Nội nói chung.
Dự kiến trong vòng 380 ngày, công trình Trường THCS Thịnh Liệt sẽ hoàn thành, với quy mô khoảng 30 phòng học đáp ứng nhu cầu học tập của khoảng 1.200 học sinh; với các phòng chức năng như phòng truyền thống, phòng thí nghiệm hóa học, sinh học, vật lý, nhạc, họa, công nghệ tin học, nhà thể chất, nhà ăn, phòng chứa đồ dùng dạy học, thư viện, và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ…
Theo ANTĐ
Xây mới trường THCS Thịnh Liệt để nâng cao chất lượng giảng dạy học tập
Trường THCS Thịnh Liệt (Quận Hoàng Mai) đã xuống cấp nhiều năm qua khiến việc đầu tư xây dựng trường mới trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công tác nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập đối với thầy trò nơi đây.
Dự án xây dựng mới trường THCS Thịnh Liệt có ý nghĩa hết sức quan trọng và thiết thực
Theo số liệu thống kê, trên địa bàn phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội thời điểm hiện tại dân số có khoảng 32.000 nhân khẩu, số lượng học sinh trong độ tuổi THCS là khoảng 1.200 học sinh, tương đương với 28 lớp học.
Với số lượng học sinh đông như vậy nhưng hiện nay trên địa bàn phường mới chỉ có một trường THCS Thịnh Liệt tại số 121 phố Nguyễn Chính. Tuy nhiên, ngôi trường này được xây dựng từ trước khi thành lập quận, quy mô nhỏ hẹp với diện tích chỉ 1.609 m2, gồm 02 dãy nhà 02 tầng, 01 nhà bảo vệ và 01 nhà để xe.
Trải qua thời gian, ngôi trường hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng, điều kiện vật chất cũng còn nhiều thiếu thốn nên không đảm bảo cho việc dạy và học của nhà trường, số lượng học sinh đông nhưng điều kiện phòng học cũng không đủ để các em đến trường.
Hơn nữa, theo quy hoạch của quận khu đất này thuộc quy hoạch trường mầm non nên không thể đầu tư xây dựng trường THCS.
Đặc biệt, do cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng và thường xuyên bị ngập nước khi có mưa lớn nên từ năm 2010, trường THCS Thịnh Liệt đã phải chuyển sang học tạm tại cơ sở của Trường tiểu học Thịnh Liệt cũ, khi Trường tiểu học đã được đầu tư xây dựng mới trong khu di dân Đồng Tầu thuộc ô đất B8/TH4.
Từ đó dẫn đến việc người dân phường Thịnh Liệt không muốn con em mình học tập tại đây. Nhiều phụ huynh đã xin chuyển trái tuyến sang các phường hoặc quận khác để con em có điều kiện học tập tốt hơn. Tình trạng này diễn ra trong nhiều năm, dẫn đến khó khăn trong đời sống của nhân dân và trong cả công tác quản lý của ngành giáo dục quận Hoàng Mai.
Qua đó có thể thấy, việc đầu tư xây dựng một trường THCS đạt chuẩn quốc gia tại phường Thịnh Liệt nhằm đáp ứng số học sinh hiện tại và dự kiến trong những năm tiếp theo là hoàn toàn cần thiết, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của đại bộ phận nhân dân trên địa bàn phường, chấm dứt được tình trạng học sinh phải đi học nhờ tại các phường, quận khác.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế của địa phương, UBND quận Hoàng Mai đã báo cáo đề xuất và được UBND Thành phố chấp thuận chủ trương xây dựng trường THCS Thịnh Liệt tại ô đất B6/TH2.
Việc đầu tư xây dựng trường học mới giúp con em trong phường có điều kiện học tập tốt hơn
Theo đó, mục tiêu đầu tư là xây dựng mới trường THCS Thịnh Liệt đạt trường chuẩn quốc gia. Theo thiết kế được Thành phố phê duyệt, công trình có hình thức kiến trúc hiện đại, công năng sử dụng phù hợp với công tác giảng dạy và học tập của bậc phổ thông THCS, hòa hợp với cảnh quan xung quanh, phục vụ sự nghiệp giáo dục, phát triển kinh tế - xã hội của quận Hoàng Mai nói riêng và Thành phố Hà Nội nói chung.
Ngôi trường mới đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo người dân phường Thịnh Liệt
Với dự án xây dựng mới trường THCS Thịnh Liệt, ngôi trường sẽ đáp ứng cho khoảng 1200 học sinh, bao gồm 30 phòng học cùng các phòng chức năng như phòng truyền thống, phòng thí nghiệm hóa học, sinh học, thư viện, hội trường đa năng, nhà thể chất, nhà ăn...trên diện tích đất xây dựng khoảng 7329m2, diện tích xây dựng là hơn 2500m2, mật độ xây dựng là 34,5% với các công trình cao từ 1 đến 4 tầng.
Qua đó có thể tạo điều kiện cho thầy trò nhà trường nâng cao chất lượng dạy học. Ngôi trường mới này cũng sẽ giúp các em học sinh nơi đây có thể học tập và vui chơi trong điều kiện tốt hơn, giúp các em phát triển tốt về thể chất lẫn tinh thần.
Với ý nghĩa hết sức thiết thực như vậy, việc xây dựng trường THCS mới tại phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai là rất cấp bách và cần sớm được triển khai nhằm đáp ứng được mong mỏi, nguyện vọng của nhân dân trong phường.
Theo Phapluatxahoi.vn
Huế: Học sinh cấp 2 sáng tạo mô hình cảnh báo điểm mù giao thông khi đi đường đèo Thông qua hệ thống cảnh báo điểm mù giao thông, người đi đường dễ dàng nhận biết có người đang di chuyển ở phía trước từ đó chủ động tránh né, đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường đèo hiểm trở. Mô hình hệ thống cảnh báo điểm mù giao thông khi đi đường đèo của em học sinh Hồ...