Niềm tự hào của giáo dục vùng cao
Cô giáo Hà Thị Chướng (SN 1987) hiện là Tổ trưởng chuyên môn Tổ xã hội, Thư ký Hội đồng Trường THCS&THPT Hoành Mô (huyện Bình Liêu).
Gần 11 năm gắn bó với nghề, cô đã khẳng định năng lực, nỗ lực cống hiến của mình và trở thành niềm tự hào của giáo dục vùng cao Bình Liêu. Cô là một trong số 2 nhà giáo của Quảng Ninh và 191 nhà giáo tiêu biểu toàn quốc được Bộ GD-ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tuyên dương, khen thưởng nhân dịp kỷ niệm 39 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2021 vừa qua.
Cô giáo Hà Thị Chướng luôn chủ động ứng dụng công nghệ, phương pháp mới vào giảng dạy.
Tốt nghiệp Trường Đại học Tây Bắc năm 2011, với mong muốn được góp sức phát triển ngành giáo dục của quê hương Bình Liêu, cô giáo Hà Thị Chướng trở về địa phương và nhận công tác tại Trường THCS&THPT Hoành Mô. Suốt 11 năm gắn bó với ngôi trường này cũng là từng ấy thời gian, cô Chướng không ngừng cố gắng trên hành trình gieo tri thức, thắp sáng ước mơ cho học sinh vùng cao còn nhiều khó khăn.
Cô giáo Hà Thị Chướng chia sẻ: Tôi là người dân tộc Tày Bình Liêu, vì vậy trong quá trình giảng dạy, đây cũng là một lợi thế giúp tôi hiểu được tâm lý, suy nghĩ, lối sống của học sinh. Những năm về trước, khi đồng bào dân tộc vùng cao nơi đây chưa thật sự coi trọng việc học tập cho con em mình, thì với chúng tôi di dạy là đi kèm với vận động, tuyên truyền.
Vì vậy, không chỉ đơn thuần là dạy chữ, dạy kiến thức, tôi luôn dành thời gian tìm hiểu, nắm bắt hoàn cảnh từng học sinh, quan tâm, động viên, kịp thời giúp đỡ để các em có thể yên tâm vui bước tới trường. Và chính sự yêu quý của học sinh, nhìn các em được chăm lo, được học tập là động lực để tôi vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực giúp học sinh phát huy phẩm chất, năng lực của bản thân, trở thành người công dân có ích cho xã hội.
Cô giáo Hà Thị Chướng hướng dẫn học sinh thảo luận nhóm trong tiết học trên lớp.
Trong quá trình công tác, cô Chướng luôn nêu cao tinh thần tự học, tích cực học hỏi, trau dồi kiến thức, kinh nghiệm cũng như chủ động lắng nghe, tiếp thu những góp ý của đồng nghiệp để nâng cao trình độ chuyên môn. Cô cũng là một trong những giáo viên luôn đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ, phương pháp mới vào giảng dạy cũng như thường xuyên nghiên cứu, đề xuất sáng kiến kinh nghiệm, góp phần nâng cao chất lượng bài giảng, gắn lý thuyết với thực hành, nhằm thu hút học sinh.
Tiêu biểu như: Sáng kiến “Vận dụng một số kỹ thuật dạy học tích cực để nâng cao chất lượng trong giảng dạy Địa lí 11 Trường THCS&THPT Hoành Mô”, “Hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học kỹ thuật năm học 2020-2021″, “Một số giải pháp nâng cao nhận thức của học sinh người Dao Thanh phán Trường THCS&THPT Hoành Mô trong việc giữ gìn và khai thác giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch để tạo sinh kế bền vững”… được ứng dụng rộng rãi trong giảng dạy, học tập tại nhà trường.
Đặc biệt, hàng năm cô giáo Hà Thị Chướng đều tham gia ôn luyện đội tuyển học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh đạt kết quả cao. Riêng năm học 2020-2021, tỷ lệ học sinh đạt trung bình trở lên của lớp cô đứng lớp đạt 99,6%, tỷ lệ học sinh khá, giỏi vượt chỉ tiêu đăng ký đầu năm. Cô có 2 học trò đoạt giải học sinh giỏi cấp huyện môn Địa lí.
Video đang HOT
Ngoài ra, với cương vị tổ trưởng chuyên môn, cô Chướng luôn nêu cao trách nhiệm với công việc, thường xuyên đôn đốc, hỗ trợ đồng nghiệp. Nhiều năm liên tục, tổ chuyên môn của cô đều hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, có số lượng học sinh tham gia các kỳ thi học sinh giỏi các cấp tăng đều qua các năm và đạt thành tích cao.
Cô giáo Hà Thị Chướng được vinh danh tại Lễ Trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú và tuyên dương nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu năm 2021 do Bộ GD-ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức tháng 11/2021. Ảnh nhân vật cung cấp
Không chỉ giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, cô giáo Hà Thị Chướng còn tích cực tham gia các phong trào thi đua do nhà trường, ngành, địa phương phát động như: “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”, “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh”, các hoạt động tình nguyện hiến máu nhân đạo, dọn vệ sinh môi trường, hỗ trợ nhân dân địa phương xây dựng nông thôn mới… Tháng 9/2021 vừa qua, cô Hà Thị Chướng xuất sắc đoạt giải nhất Hội thi Báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi của huyện và đại diện Huyện ủy Bình Liêu thi báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi cấp tỉnh.
Với những nỗ lực không ngừng, cô giáo Hà Thị Chướng nhiều năm liền đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi các cấp, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh, huyện, ngành Giáo dục và Đào tạo.
Cô giáo trẻ với bảng thành tích đáng khâm phục
Tuy tuổi đời và tuổi nghề còn rất trẻ, song cô Bùi Thị Diệu đã có những thành tích đáng khâm phục.
19 học sinh của cô đã "ẵm" trọn điểm 10 trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 vừa qua.
Cô giáo Bùi Thị Diệu, giáo viên môn Giáo dục công dân Trường THPT Cộng Hòa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: NVCC
Cô "truyền lửa" cho trò cũng chỉ với mong muốn mỗi tiết học là một trải nghiệm lý thú...
Ấp ủ ước mơ làm cô giáo
Đó là câu chuyện của cô Bùi Thị Diệu (SN 1992) - giáo viên môn Giáo dục công dân Trường THPT Cộng Hòa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. Chúng tôi gặp cô khi cô vừa dự Lễ tri ân và tôn vinh các nhà giáo tiêu biểu do Bộ GD&ĐT phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.
Nói đến thành tích cá nhân của cô thì ai ai cũng nể phục. Cô vừa là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, lại vừa có những thành tích đáng tự hào ở môn học ít người quan tâm mà cô đang đảm nhận - môn Giáo dục công dân. Tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 vừa qua, 19 học sinh của cô đã "ẵm" trọn điểm 10. Ngoài ra, điểm trung bình thi tốt nghiệp môn học này với học sinh các lớp cô giảng dạy cũng đều đạt 8,9.
Năm 2015, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội I (chuyên ngành Lý luận Chính trị giáo dục công dân), cô Diệu được về công tác tại Trường THPT Cộng Hòa. Cô dạy môn Giáo dục công dân. Đây cũng chính là ngôi trường cô từng theo học.
Cơ duyên gắn bó nghề giáo đối với cô Bùi Thị Diệu như một lẽ tất nhiên. Cô sinh ra trong gia đình có truyền thống sư phạm. Ông ngoại, mẹ và các dì của cô đều làm nghề giáo. Bởi vậy, tình yêu nghề giáo được nhen nhóm trong suy nghĩ của cô khi còn học THCS.
"Tôi yêu những nét chữ ngay ngắn, chỉn chu của các thầy cô. Tôi yêu những cử chỉ dịu dàng, ân cần, tỉ mỉ mà mẹ tôi chỉ dạy học sinh. Có lẽ tình yêu nghề theo năm tháng cứ thế lớn dần lên trong tôi", cô Diệu tâm sự.
Khi được hỏi vì sao chọn chuyên ngành có tính đặc thù này để theo học? Cô Diệu cho biết, đây là môn học cần thiết về nền tảng tư duy cho học sinh. Môn học không chỉ giáo dục về kiến thức, mà còn cả về nhân cách để các em bước vào cuộc sống.
Nhớ lại ngày cầm tấm bằng tốt nghiệp trên tay, trở về ngôi trường cũ với biết bao dự định, cô Diệu không giấu được cảm xúc: "Niềm vui trong tôi lúc đó như vỡ òa. Mái trường là nơi nuôi dưỡng ước mơ của tôi. Đặc biệt, là cô giáo chủ nhiệm lớp 12 đã rèn giũa cho tôi từ một cô bé tự ti, nhút nhát đã trở thành một cô giáo tự tin, đứng trước lớp để giảng bài cho học sinh".
Năm 2016, Giáo dục công dân dù được coi là môn thi chính thức trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng không ít học sinh vẫn thờ ơ với môn học này. Vì vậy, cô giáo trẻ luôn trăn trở, tìm tòi để mỗi bài giảng thật đặc biệt, sáng tạo giúp học sinh thêm hứng thú học bài.
Trước mỗi giờ lên lớp, cô Diệu thường soạn giáo án, xác định mục tiêu bài giảng. Cô nghiên cứu qua sách báo, tư liệu, sưu tầm những câu chuyện trong cuộc sống hàng ngày. Thậm chí, cô "bắt trend" trên mạng xã hội để những bài học của mình vừa thực tế, vừa dễ hiểu và tạo được sự hứng thú cho học sinh.
"Do trường chỉ có hai giáo viên phụ trách môn học này ở cả 3 khối lớp nên việc soạn bài làm sao phù hợp với tâm lý, lứa tuổi các em cũng là điều tôi lưu tâm. Học sinh ở mỗi khối lớp có nhận thức khác nhau, bài giảng cũng theo đó có sự thay đổi linh hoạt để không tạo sự nhàm chán. Sau mỗi giờ giảng bài, tôi thấy mình cũng tự học được những điều mới mẻ", cô Diệu bộc bạch.
Cô Bùi Thị Diệu chụp ảnh lưu niệm cùng các em học sinh.
Người "truyền lửa"...
Trải qua 6 năm đứng trên bục giảng, dù quá trình công tác chưa thật sự dài nhưng với cô Diệu, những kỷ niệm với học sinh cứ đầy ắp theo năm tháng. Đến nay, cô vẫn nhớ mãi tiết học đầu tiên đứng lớp.
"Hôm đó, tôi dạy lớp 10, với chủ đề bài học là "Tự hoàn thiện bản thân". Trong đó, có nội dung yêu cầu học sinh đứng trước lớp chia sẻ ước mơ của mình. Em nào cũng có ước mơ. Em thì mong muốn được làm bác sĩ, có em lại mong muốn trở thành chiến sĩ công an... Đặc biệt, một em chỉ mong có bữa cơm gia đình với đầy đủ các thành viên, có một tổ ấm để khi trở về đầy ắp tiếng nói của bố mẹ. Câu chuyện đó khiến tôi thực sự xúc động và cứ thấy nghèn nghẹn trong cổ", cô Diệu nhớ lại.
Phải mất ít phút trấn tĩnh cô Diệu mới có thể đưa lớp quay trở lại với bài giảng và nhắn nhủ với học sinh: "Mỗi người đều có ước mơ trong cuộc đời. Các em nên cảm thấy may mắn và hạnh phúc với những gì mình đang có".
"Năm thứ 2 làm việc tại trường, tôi được phân công chủ nhiệm một lớp 12. Học sinh rất quậy và chọc phá các bạn nữ, thậm chí nhiều tiết học, nam sinh còn trêu cô giáo khiến đôi lần "cháy giáo án"", cô Diệu nhớ lại.
Để quản lý được lớp học đi vào nền nếp, cô Diệu quan tâm đến từng học sinh và tỉ mỉ với từng bài học. Những tiết học lý thuyết khô khan và khó hiểu được cô linh hoạt "hóa giải" thông qua việc liên hệ với thực tiễn. Từ đó, giúp cho học sinh dễ hiểu bài hơn, tiếp thu nhanh hơn.
"Tôi thường khuyến khích, động viên và trao thưởng cho học sinh bằng những phần quà. Có thể là trao cho cá nhân, hay tập thể lớp. Quà rất nhỏ, ví như một cuốn sách, chiếc đồng hồ báo thức hay chuyến dã ngoại cho các bạn ấy nếu đa số đạt điểm 10 đối với môn học của mình. Còn những ai chểnh mảng, không hoàn thành bài tập, đổi lại sẽ "được" lao động công ích tại trường, trồng cây xanh", cô Diệu hài hước kể lại.
Nhớ về cô giáo chủ nhiệm của mình, em Bùi Thị Thảo (cựu học sinh lớp 12A2 Trường THPT Cộng Hòa) cho hay: "Em từng được cô hướng dẫn ôn thi học sinh giỏi và được cô truyền cảm hứng rất nhiều. Cô còn trẻ nhưng như người mẹ thứ 2 của chúng em, giúp chúng em trong mọi mặt của cuộc sống. Gia đình bạn nào gặp khó khăn cô luôn giúp đỡ động viên kịp thời".
Bật mí về bí quyết giúp học sinh đạt thành tích cao với môn học, cô Diệu bộc bạch: "Đó là sự quan tâm tạo điều kiện của nhà trường, các em được tăng thời gian ôn tập kiến thức. Bên cạnh kiến thức chuyên môn, tôi nghĩ thầy cô hãy là người truyền lửa cho học sinh, luôn sát sao động viên để các em cố gắng".
Em Bùi Hương Sắc, Bí thư Chi đoàn lớp 12A3, cho biết: "Cô Diệu là giáo viên chủ nhiệm rất tuyệt vời của chúng em. Cô dạy chúng em rất hay, dễ hiểu bài. Khi dạy, cô luôn có những ví dụ gắn liền với hiện thực đời sống. Mỗi giờ học của cô, em rất vui và thích thú".
"Cô Diệu là giáo viên trẻ nhưng rất cố gắng trong giảng dạy. Với những nỗ lực của bản thân, cô ấy đã giành nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, đặc biệt trong kỳ thi vừa rồi, nhiều học sinh của cô đã có thành tích cao. Đó là vinh dự của cá nhân cô, song cũng là niềm tự hào của nhà trường. Tôi hy vọng, trong tương lai cô Diệu sẽ tiếp tục phát huy tốt hơn nữa khả năng của mình", thầy Đinh Thanh Tùng - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Năm học 2017 - 2018, cô Diệu đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Nhiều năm liền, học sinh của cô đoạt giải cao tại các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Giáo dục công dân. Cụ thể: Năm học 2019 - 2020: 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 2 giải Ba và 1 giải Khuyến khích. Năm học 2020 - 2021, có 3 học sinh đoạt giải Ba và 2 giải Khuyến khích. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021: 19 học sinh đạt điểm 10; Điểm trung bình môn GDCD ở các lớp đạt 8,9 điểm.
Kỷ niệm 39 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11): Tôn vinh sự tận tụy, cống hiến của các nhà giáo Thủ đô Sáng 10/11, tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt Xô, Sở GD&ĐT Hà Nội trang trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 39 năm ngày Nhà giáo Việt Nam; trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú lần thứ 15; tuyên dương các gương điển hình tiên tiến, nhà giáo tiêu biểu ngành GD&ĐT Hà Nội năm 2021. Đến dự buổi lễ...