Những tình huống có thể khiến thí sinh lỡ kỳ thi THPT quốc gia
Những kỳ thi năm trước, nhiều thí sinh nói chuyện với bạn thâu đêm, đến giờ thi thì mệt mỏi ngủ quên, đành hẹn năm sau thi lại.
Nhiều năm tổ chức thi tốt nghiệp và thi THPT quốc gia, thầy Nguyễn Hoàng Chương, Hiệu trưởng trường THPT Lộc Phát (Bảo Lộc, Lâm Đồng) chứng kiến nhiều thí sinh bị lỡ, hoặc suýt lỡ kỳ thi quan trọng nhất của cuộc đời học sinh. Thầy Chương chia sẻ nhằm giúp thí sinh trong mùa thi tránh lặp lại .
Làm bài sai quy chế
Trước kia, thi tốt nghiệp THPT vừa có thí sinh học chương trình cũ, vừa có thí sinh học chương trình thí điểm phân ban. Đề thi vì vậy có phần tự chọn để phù hợp với chương trình thí sinh được học (quy chế ghi rõ, thí sinh chọn một trong hai đề để làm, làm cả hai bài thi sẽ bị loại).
Là học sinh nhanh nhẹn, giỏi, Nam làm rất nhanh đề thi tốt nghiệp. Làm xong bài thi, còn thời gian Nam chẳng biết làm gì nên làm thêm câu tự chọn không dành cho em. Lúc làm, Nam chỉ nghĩ thử sức mình.
Chấm thi, bài của Nam bị phát hiện sai quy chế, gia đình lo lắng chờ án kỷ luật. Cấp thẩm quyền lúc đầu quyết định hủy bài thi của Nam, thầy trò buồn rười rượi. Cuối cùng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã “ân xá”, riêng Nam có bài học không bao giờ quên.
Ngủ quên cả giờ thi
Trước kia học trò 12 trường tôi thi tốt nghiệp THPT phải đi xa, thầy trò không có điện thoại di động, điều kiện sinh hoạt không mấy tươm tất. Học sinh Quý và Hùng khăn gói đi thi, thuê nhà nghỉ chung, nói chuyện suốt đêm.
Hết buổi thi đầu tiên, hai em vội đi ăn cơm về để nghỉ ngơi, chuẩn bị cho buổi thi thứ hai. Cả hai lăn ra ngủ mê mệt, 14h30 bắt đầu tính giờ làm bài, hai trò vẫn ngủ say. Đến gần 16h cả hai mới thức dậy, ôm nhau khóc chờ kỳ thi năm sau.
Không làm bài vì chống đối ba mẹ
Minh học rất chắc, thi tốt nghiệp với em không khó khăn gì. Mấy buổi thi đầu em làm bài suôn sẻ. Buổi trưa (chiều đó là thi môn Hóa), bị người thân mắng, Minh cãi lại. Giờ làm bài, Minh ngồi yên không chịu làm.
Cán bộ coi thi gặng hỏi, Minh lắc đầu, không nói gì. Việc của Minh được báo cáo lên lãnh đạo Hội đồng coi thi (hồi ấy chưa gọi là Điểm thi như bây giờ), thầy cô xuống phòng thi động viên, nhưng em nhất quyết không! Minh trượt tốt nghiệp, năm sau phải thi lại.
Video đang HOT
Thí sinh thi THPT quốc gia năm 2017. Ảnh: Phúc Hưng
Đãng trí mang điện thoại vào phòng thi
Học khá, năng nổ với hoạt động tập thể của trường, Sương ấp ủ trở thành nhà thiết kế thời trang. Thầy cô ai cũng động viên và tin ước mơ của Sương sẽ thành hiện thực. Nơi thi xa nhà hơn trăm km, Sương không đi cùng nhà trường mà đi riêng với gia đình.
Buổi thi Toán, Sương làm khá tốt, lúc nộp bài, người nhà nóng lòng nên gọi điện thoại di động cho Sương. Điện thoại trong túi áo khoác rung lên, Sương bị lập biên bản và đình chỉ thi.
Em sốc nặng, giận mình vì được nhắc nhở rất kỹ nhưng vẫn quên, giận quy chế thi nghiệt ngã. Về nhà, Sương nhốt mình trong phòng khóc. Em sau đó tìm quên bằng cách đến giúp các sơ chăm sóc trẻ mồ côi.
Gác việc thi, Sương học may và học thêm ở mẹ. Mấy năm sau gặp lại tôi, Sương kể có công việc ổn định, thu nhập khá. Nhớ lại chuyện cũ, em vẫn khóc.
Bị “Tào Tháo đuổi”
Trước giờ thi mấy phút, Tùng bị đau bụng do buổi thi sáng em ăn quà vặt ở cổng trường. Xin cán bộ coi thi ra ngoài vào nhà vệ sinh, Tùng luống cuống, làm dơ áo quần. Ngượng ngùng, em ngồi luôn trong đó.
Cán bộ coi thi chờ mãi không thấy Tùng, trong khi giờ phát đề đã đến. Lãnh đạo Điểm thi, thanh tra thi nháo nhác tìm, cuối cùng phát hiện Tùng trong nhà vệ sinh. Biết lý do, thầy trưởng Điểm thi nhanh chóng nói thầy thư ký (có vóc người giống Tùng) cho em mượn bộ áo quần. Tùng vào phòng thi kịp giờ thi.
Mùa thi tạo ra áp lực, căng thẳng và cả mệt mỏi đối với thí sinh. 1.001 tình huống có thể xảy ra trước và trong từng buổi thi. Để không phải sốc, hối hận, thí sinh dự thi THPT quốc gia 2019 cần bình tĩnh, giữ gìn sức khỏe, kiềm chế cảm xúc, nắm vững quy chế, chuẩn bị dụng cụ học tập đầy đủ, chớ quên chứng minh nhân dân và thẻ dự thi. Đặc biệt, nói không với điện thoại di động trong khu vực thi.
Nguyễn Hoàng Chương
Theo VNE
Cách triệt tiêu bạo lực của ngôi trường ở Lâm Đồng
7 năm trước, đánh nhau là chuyện 'thường ngày' ở trường THPT Lộc Phát. Thầy hiệu trưởng đã có nhiều biện pháp làm thay đổi tình hình.
Thầy Nguyễn Hoàng Chương, Hiệu trưởng trường THPT Lộc Phát (Bảo Lộc, Lâm Đồng) chia sẻ cách loại bỏ bạo lực học đường.
Giờ chào cờ sáng 1/4, sau phần tổng kết thi đua trong tháng 3 - tháng Thanh niên, như đã thành lệ, tôi nói chuyện với thầy cô và học sinh của trường.
Mở đầu, tôi hỏi các em: "Trong những ngày cuối tháng 3, có một việc dư luận đặc biệt quan tâm, làm lay động trái tim của hàng triệu người, các em có biết đó là việc gì?". Những buổi sinh hoạt như thế này tại trường THPT Lộc Phát (TP Bảo Lộc, Lâm Đồng), học sinh trả lời đúng sẽ được nhận quà.
Một học sinh 12 nhanh chóng lên trả lời: "Thưa thầy cô và các bạn, đó là việc 5 học sinh tại Hưng Yên hành hung một bạn cùng lớp; và còn một việc thầy giáo tại TP HCM cho học sinh sân khấu hóa tác phẩm văn học, các bạn ấy có diễn cảnh nhạy cảm".
Tôi cảm ơn câu trả lời của em nhưng cho biết đã lạc đề. Một học sinh nữ khối 11 tiếp tục lên trả lời: "Thưa thầy, đó là việc một học sinh lớp 7 đạp xe vượt 103 km từ Sơn La xuống Hà Nội thăm em bị bệnh". Và, tôi bắt đầu từ câu chuyện ấy...
Thông tin về việc em Vy Quyết Chiến, học sinh lớp 7 trường THCS Chiềng Yên (Chiềng Yên, Vân Hồ, Sơn La) đạp xe từ Sơn La xuống thăm em bệnh ở Bệnh viện Nhi trung ương, tôi nói về lòng gan dạ và tình yêu thương gia đình. Sân trường lắng đọng, những ánh mắt dịu ngọt, tôi cảm nhận các em đã hiểu về tình yêu thương, biết cuộc sống còn đó những chuyện nhân ái.
Tôi mời thầy cô và học sinh nghe ca khúc "Để gió cuốn đi" của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Kết thúc giờ chào cờ, trong suy nghĩ miên man, tôi về phòng làm việc và nhớ lại...
Tiết mục văn nghệ chào mừng khai giảng của trường Lộc Phát.
Tháng 9/2012, tôi được điều về phụ trách một trường THPT có chất lượng "đội sổ" tại phố núi, đánh nhau là chuyện thường ngày ở đây. Tôi đã làm gì để "tuyên chiến" với bạo lực học đường?
Bắt đầu từ trường lớp phải xanh, sạch, khang trang; thầy trò cùng nhau lao động vệ sinh hàng ngày. Những ngày thứ bảy xanh, xanh sân trường, lớp học, nhà vệ sinh. Thấy rác, thầy cô nhặt, nhiều lần học sinh làm theo. Sau bảy năm, những cố gắng đã cho trái ngọt.
Tận tâm của thầy cô - mục tiêu tôi nhắm đến. Học sinh yếu hạnh kiểm và học lực mà thầy cô nôn nóng, chạy theo thành tích, nặng về xử phạt thì... khó rồi! Bài giảng phải vừa sức, kiểm tra phù hợp, thầy cô thấu hiểu học sinh, giúp các em tự tin mà cố gắng.
Tổ tâm lý học đường đi vào hoạt động, công tác y tế được quan tâm, bữa ăn trưa miễn phí cho học sinh nghèo, quà Tết cho các em khốn khó được tổ chức. Nhà trường cân nhắc những khoản thu; những kỳ họp phụ huynh không phải nghe chuyện đóng góp bao nhiêu mà bàn nhiều chuyện học hành của con em.
Nhà trường đầu tư về cơ sở vật chất, các đầu sách, báo để thư viện hoạt động hiệu quả, góp phần xây dựng văn hóa đọc ở cả thầy và trò. Tôi nghĩ, bạo lực học đường hiện nay có nguyên nhân trong học đường còn không ít thành viên lười đọc sách, quá phụ thuộc vào thông tin trên mạng xã hội. Văn hóa đọc, bộ lọc cần thiết chưa có, học trò về đâu, ứng xử ra sao?
Mấy năm đầu tư cho thư viện, thầy trò dần có thói quen đọc sách. Những lúc nghỉ, vào giờ ra chơi, học sinh tấp nập ở thư viện để đọc, mượn, trả sách.
Nhiều hoạt động trải nghiệm, hoạt động thiện nguyện được nhà trường tổ chức trong năm học, như: thăm bảo tàng, khu mộc bản triều Nguyễn, địa đạo Củ Chi (TP HCM), dự ngày hội hướng nghiệp tại TP HCM, sinh hoạt với trẻ mồ côi ở Mái ấm Tín thác (xã Lộc Thanh, Bảo Lộc, Lâm Đồng), thăm và tặng quà Viện Dưỡng lão, tặng quà cho người vô gia cư đêm Noel...
Học sinh trường THPT Lộc Phát thăm viếng và chăm sóc Nghĩa trang Liệt sĩ TP Bảo Lộc nhân ngày 27/7 và 22/12 hàng năm.
Những hoạt động đó giúp các em biết nghĩ để thấu cảm, sẻ chia. Hơn thế, tôi cảm nhận được học sinh biết sống chậm lại trong cơn lốc của thời @. Sống chậm nhưng không thụ động, các em năng động hơn, tại các cuộc thi chọn học sinh giỏi, cuộc thi khoa học kỹ thuật, năm nào các em cũng giành giải.
Giờ chào cờ mỗi sáng thứ hai, tích hợp qua bài giảng của giáo viên, các bài kiểm tra, học sinh được nghe, hiểu, viết lên suy nghĩ của mình về những tâm hồn cao thượng. Các đề kiểm tra trường đã ra như: "Thà cô chết chứ không để trò chết", "Học sinh cúi đầu chào bác bảo vệ", "Nghĩa cử cao đẹp của thầy Dậu", những tấm gương vượt khó, những người con hiếu thảo, sự hy sinh vô bờ của ba, mẹ.
Thầy trò những lúc vui, lắng đọng sâu sắc, được cho đi, góp nên nhà trường tử tế, thầy trò sống tử tế. Chất lượng dạy học từng bước được nâng lên, nhiều phụ huynh lựa chọn trường THPT Lộc Phát để gửi con em theo học.
Tuyên chiến với bạo lực học đường có nhiều việc phải làm, cần sự chung tay của cả xã hội, những quyết sách từ quản lý giáo dục, sự đồng bộ của thầy trò và phụ huynh.
Học đường, nơi chốn dạy con người con đường đi, từ đó trên đường trần họ sống phù hợp với đạo làm người. Khi học đường thấm đậm giá trị kỷ cương, tình thương, trách nhiệm, bạo lực học đường chắc chắn sẽ triệt tiêu.
Nguyễn Hoàng Chương
Theo VNE
Hơn 1.400 ĐVTN sẵn sàng tiếp sức mùa thi hiệu quả, an toàn Tiếp sức mùa thi THPT quốc gia năm 2019, Tỉnh đoàn Hà Tĩnh thành lập 35 đội thanh niên tình nguyện (TNTN) với số lượng hơn 1.400 ĐVTN sẵn sàng hỗ trợ thí sinh và người nhà thí sinh, đảm bảo kỳ thi diễn ra thành công. Đại diện các huyện, thị, thành đoàn, Đoàn Khối CQ&DN tỉnh, Đoàn trường Đại học Hà...